Đời Sống Việt

Vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính và buổi nhạc CUỘC ĐỜI

Wednesday, 08/02/2017 - 06:55:34

Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” là một vở chèo có thể nói là xưa nhất của người Việt Nam. Nhưng theo giáo sư P.Q. Phan, thông điệp của nó không cổ chút nào mà trái lại, còn đi trước thời đại khá xa.

Bài PHƯỢNG VŨ

Người Việt hải ngoại thường nói "Chúng ta đi mang theo quê hương." Quê hương ở đây chính là những gì thuộc về văn hóa và tâm hồn của người Việt Nam. Vậy văn hóa Việt Nam đã được giới thiệu ở hải ngoại có những gì?

Đám cưới Thị Kính và Thiện Sĩ (Anvi Hoàng)


Trước tiên có lẽ phải kể đến "áo dài.” Sau đó là "phở" và "bánh mì.” Chúng ta đã giới thiệu hình ảnh áo dài qua nhiều cuộc thi "Hoa Hậu Áo Dài" được tổ chức nhiều nơi có dân Việt cư ngụ đông đảo. Tà áo dài Việt Nam đã được bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn khen ngợi vì nó lột tả được hết nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, nhưng cũng không kém phần lôi cuốn hấp dẫn của phụ nữ Việt Nam. Do đó tà áo dài chính là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, vì vậy khi rời xa, người Việt Nam muốn giữ lại quê hương của mình qua hình ảnh tà áo dài thân thương ấy. Mỗi năm Tết đến, qua những cuộc diễn hành Tết, hội hè, lễ chùa, nhà thờ... tà áo dài Việt Nam lại tung bay khắp phố. Không chỉ người Việt Nam mặc áo dài mà các phụ nữ bản xứ, có nhiều người cũng mê tà áo dài Việt Nam và luôn mặc nó khi có cơ hội.

Đóng góp của người Mỹ gốc Việt vào văn chương nghệ thuật trên đất Mỹ

Phần đông di dân Việt Nam rất thành công về mặt khoa học kỹ thuật, đóng góp bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ, khoa học gia và đặc biệt là ngành y, gần như gia đình Việt nào cũng có vài bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ... Nhưng về mặt văn chương nghệ thuật thì sao? Mới đây nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt vừa đoạt giải Pulitzer văn chương 2016 với tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Giải Pulitzer là một giải thưởng lớn của Mỹ, trao cho nhiều người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Thật đáng tự hào khi một người gốc Việt đoạt giải!

    Cảnh Thị Kính lên Niết Bàn (Anvi Hoàng)

Nhưng còn nữa, người Việt tiếp tục đóng góp về văn hóa cho nước Mỹ. Mới đây tôi được mời tham dự buổi nói chuyện của Giáo Sư Phan Quang Phục với đề tài là vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính.”

Giáo sư P.Q. Phan (Phan Quang Phục) ít được biết đến trong cộng đồng người Việt. Nhưng trong thế giới âm nhạc dòng chính, ông là một tên tuổi lớn vì đã sinh hoạt và sáng tác từ các trường đại học âm nhạc lớn của Mỹ từ nhiều năm qua. Hiện ông là giáo sư ngành sáng tác tại trường nhạc Jacobs (top 3 trong nước Mỹ và top 6 trên thế giới), thuộc Viện Đại Học Indiana tại Bloomington. Tuy vậy, tâm tình ông vẫn nặng trĩu và luôn hướng về nguồn cội quê hương. Điều này đã khiến ông bỏ biết bao nhiêu công sức và tâm huyết của mình để chuyển vở chèo “Quan Âm Thị Kính” sang thành vở hát Opera “The Tale of Lady Thị Kính.” Ông cố gắng làm thế nào để qua vở opera này, nói lên được Tình Thương và sự Thăng Hoa của con người, giới thiệu với văn hóa Mỹ về nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

Dàn đồng ca kết thúc phiên xử Thị Mầu (Anvi Hoàng)


Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ được xem hát chèo, có lẽ một phần vì tôi là dân miền Nam, chèo lại là một loại hình sân khấu cổ của miền Bắc nên nó không hề thu hút sự quan tâm của tôi. Nhưng khi đến tham dự buổi nói chuyện về vở opera “Lady Thị Kính,” tôi đã bị thu hút mạnh mẽ bởi tình yêu Văn Hóa Việt Nam rất sâu nặng của giáo sư P.Q. Phan.

Truyện Quan Âm Thị Kính, không biết tác giả là ai, cốt tả đức tính nhẫn nhục và lòng từ bi của bà Thị Kính (nhân vật chính), sau này trở thành Phật Quan Âm. Truyện đã được dựng thành vở chèo, thú giải trí quen thuộc của người dân nông thôn vùng đồng bằng Bắc Việt. Văn học dân gian được viết ra từ trí óc sáng tạo của người dân, là những người thông minh biết cách diễn đạt khéo léo, ẩn chứa những tình ý khôn ngoan và thâm trầm, kín đáo mà chỉ những người có đầu óc tinh tế mới có khả năng nhìn ra. Từ trước tới nay ta thường hay tự hào về nước Việt Nam có 4000 năm văn hóa, nay ít ra ta cũng có một tác phẩm văn hóa từ dân gian thật hay để giới thiệu với người ngoại quốc, hay theo như lời tác giả P.Q.Phan nói, để có được niềm hãnh diện cho người ta biết “Mình là ai?”

 Sư Cụ tại phiên xử Thị Mầu (Anvi Hoàng)


Cách đặt tên nhân vật trong tuồng hát

Đặc biệt là qua cách giải thích trong buổi nói chuyện của giáo sư P.Q.Phan, tôi biết được nhiều điều thú vị, như hiểu được cách đặt tên nhân vật của văn học dân gian Việt Nam đã bộc lộ phẩm chất và tính cách của 1 con người:
-"Thị Kính" là người đàn bà đáng kính trọng. "Thị" là cô hay bà (chỉ giới nữ) "Kính" là đáng kính. Sau này bà trở thành "Quan Âm Thị Kính.” Chính vì vậy P.Q.Phan đã trân trọng đặt tên cho vở diễn là “The Tale of Lady Thị Kính” (Câu chuyện bà Thị Kính”) để bày tỏ sự kính trọng, vì theo văn hóa Việt Nam, gọi tên trống không là thiếu kính trọng. Nhân nói tới cách dùng từ để chỉ giới nữ, GS Phục cho biết ông thích dùng từ “đàn bà” theo lối dân gian VN xưa hơn là dùng từ “phụ nữ.” Lý do: chữ phụ nữ là một từ Hán Việt, ý chỉ người nữ chỉ là vai phụ thôi để đối với "chính nam" (người đàn ông luôn giữ vai trò chính).

Đó là điều thú vị mà ít người biết: văn hóa Việt Nam tự ngàn xưa đã cho thấy sự bình đẳng của giới tính qua cách gọi đàn ông- đàn bà. Điều này chứng tỏ văn hóa Việt Nam còn đi trước văn hóa Mỹ và các nước Tây Phương. Và vở chèo Thị Kính tuy ra đời trong một xã hội mà đàn bà bị chà đạp, coi rẻ nhưng đã mạnh dạn đề cao và tôn vinh nét hy sinh cao thượng và đạo đức của đàn bà Việt Nam và cho thấy nét đẹp bên trong quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài.

- "Thị Mầu": Mầu là màu mè, ý chỉ Thị Mầu là cô gái chỉ thích màu mè bên ngoài phù hợp với tính cách đàn đúm, lả lơi lòe loẹt bên ngoài của cô ta. Nhưng Thị Mầu cũng tượng trưng cho sự tranh đấu đòi hỏi sự công bằng trong giới tính của xã hội, chống lại tư tưởng Nho giáo "đặt đâu ngồi đấy.” Thị Mầu theo đuổi tư tưởng tự do luyến ái, muốn thương ai thì thương. Tại sao chỉ có đàn ông có quyền theo đuổi "tán gái" mà đàn bà lại không có quyền đó? Nếu đàn bà làm công việc theo đuổi người mình thương thì thường bị lên án, nghĩa là thân phận đàn bà luôn ở thế bị động, chỉ có đàn ông mới có quyền chủ động. Cho nên khi Thị Mầu thích ai thì cô cho mình cái quyền được "tự do" tán tỉnh người đó. Thị Mầu thích và có cảm tình nên nàng đã tán tỉnh Tiểu Kính Tâm. Mà xét cho cùng, về phương diện con người, mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, không làm tổn hại ai khác, có phải là cái tội đáng chê trách hay lên án không? Thật là 1 tư tưởng khai phóng tiến bộ đã được thể hiện rõ nét qua văn hóa Việt Nam cả ngàn năm trước mà văn hóa Mỹ và thế giới mới biết đến sau này.
Ngoài ra cái tên của những nhân vật phụ cũng nói lên tính chất của họ: Thiện Sĩ: Người học trò tốt, có tâm lành; Sư Cụ: vị sư già; Sùng Bà: người đàn bà dễ nổi nóng...

Vở opera mới được dàn dựng
Lần trình diễn đầu tiên của vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” là ở IU Theater, tức thính đường opera rất hiện đại của Indiana University, Jacob's School of Music vào tháng Hai năm 2014, với bốn xuất diễn có số khán giả từ 900 tới 1,200 người cho mỗi xuất. Lần đầu tiên một vở grand opera có đề tài văn hóa Việt Nam của một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ - và nó đã được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Khi vở diễn kết thúc toàn thể khán giả đã đứng lên vỗ tay kéo dài cả 15 phút. Cảm động nhất là câu chuyện Việt Nam này cũng đã nhận được sự đồng cảm từ rất nhiều khán giả bản xứ khiến tác giả cảm động và càng cảm thấy hãnh diện. Đặc biệt trong show này các bà, các cô Việt Nam đến dự đều mặc áo dài trang trọng lịch sự. Điều này ẩn chứa sự trân trọng và tự hào về vở Opera đầu tiên của Việt Nam trên sân khấu Mỹ. Góp thêm nhiều nét sáng tạo cho vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính,” P.Q. Phan vẫn giữ được nét đẹp nguyên thủy (lòng nhân đạo của người VN) nhưng nâng nó lên một tầm mức cao hơn: vẻ đẹp của nhân loại. Lần đầu tiên văn hóa Việt Nam chính thức gia nhập vào văn hóa dòng chính của xã hội Mỹ.

Vợ Mõ và Lý Trưởng (Anvi Hoàng)


Cốt truyện quen thuộc kể chuyện Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng nên bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ. Thị Kính bèn giả trai đến tu ở chùa Vân, được đặt pháp danh là Kính Tâm. Vào chùa, Thị Kính lại mắc tiếng oan với Thị Mầu. Cô này lên chùa thấy chú tiểu Kính Tâm liền đem lòng say đắm. Bị Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng trước sau Kính Tâm vẫn thờ ơ. Sau, không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu có mang với người đầy tớ. Bị hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu bèn đổ tội cho Kính Tâm. Vì thế Kính Tâm bị sư cụ phạt bắt ra ở ngoài cổng chùa nhưng vẫn không mở miệng ta thán, minh oan. Ít lâu sau, Thị Mầu sinh con trai, bèn đem tới cổng chùa giao phó cho Kính Tâm nuôi dưỡng, Kính Tâm lại bế trẻ đi xin ăn ở chợ để nuôi trẻ. Được ba năm, đứa bé đã khôn lớn, thì Kính Tâm mắc bệnh nặng rồi mất. Trước khi qua đời, Kính Tâm có viết một bức thư để lại cho cha mẹ và đứa bé con của Thị Mầu. Xem thư tuyệt mệnh của tiểu Kính Tâm, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan ức. Khi liệm thi hài, sư, vãi trong chùa mới rõ Kính Tâm là đàn bà. Do đó cả hai nỗi oan đều được tháo gỡ. Sau Đức Phật Thích Ca xét Kính Tâm quả là người tu hành đắc đạo, cho bà được siêu thăng làm Phật Quan Âm.

Thông điệp của vở chèo cổ

Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” là một vở chèo có thể nói là xưa nhất của người Việt Nam. Nhưng theo giáo sư P.Q. Phan, thông điệp của nó không cổ chút nào mà trái lại, còn đi trước thời đại khá xa.

Nhân vật Thị Kính từ lâu đã trở thành một điển hình cho số phận của người đàn bà trong xã hội cũ, nơi tập trung chồng chất mọi nỗi bất công, oan nghiệt. Thị Kính đã "cô đơn" từ khi ở nhà chồng, tới lúc vào chùa tu, rồi bị đuổi ra khỏi chùa bế con đi xin ăn cho tới khi bệnh nặng rồi mất. Cả cuộc đời bà sống trong thinh lặng vì không ai hiểu mình. Bà mặc kệ mọi lời chê, khen vì mình biết điều mình làm. Đôi khi lời chê còn giúp mình mạnh mẽ hơn để thực hiện điều mình ước nguyện. Nhân đây P.Q. Phan đã nêu lên một quan điểm mới về cô đơn của con người thế kỷ 21: “Cô đơn không phải là buồn nản mà là sức mạnh để đi tới” vì mình nắm được chủ thể mình 100%, và nó còn trở thành niềm hãnh diện. Thông qua cuộc đời Thị Kính, bức tranh ngang trái đầy mâu thuẫn của xã hội phong kiến thời xưa hiện lên thật rõ nét. Và có lẽ “Thị Kính” là nhân vật đầu tiên từ 1 tác phẩm văn học bước ra cuộc sống, nên sau này khi nói tới “nỗi oan Thị Kính” là người ta hiểu nỗi oan “thấu trời” không thể tỏ bày.

Thị Mầu tán tỉnh Tiểu Kính Tâm (Anvi Hoàng)

Theo P.Q. Phan, các cảnh trong câu chuyện bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, rồi vào ở chùa, lang thang ở chợ, kiệt sức dưới gốc cây bồ đề, và lên Niết Bàn theo một thứ tự mang nhiều ý nghĩa. Đây là những dấu chấm mà khi được nối kết lại với nhau chúng sẽ kể một câu chuyện về hành trình của Thị Kính đi từ thấp—người con gái nghèo bình thường, đến cao—Phật bà. Chẳng khác nào quá trình thăng hoa. Do đó, “thăng hoa” là khái niệm của vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” cả về mặt thẩm mỹ lẫn âm nhạc.

Thật là ngạc nhiên và lạ lùng khi câu chuyện dân gian VN được đưa lên sân khấu Mỹ mà lại là sân khấu của trường học. Điều đáng nói là một vở chèo dân gian lại trở thành một vở nhạc kịch opera (hát opera là hát không cần dùng máy vi âm và dàn nhạc không cần máy phóng thanh). Cám ơn GS P.Q. Phan đã tô được một nét son cho văn hóa Việt Nam.

Buổi nhạc CUỘC ĐỜI và vở opera
Nay, những trích đoạn của vở opera này sẽ được diễn trong buổi nhạc “CUỘC ĐỜI” vào lúc 4 PM ngày Chủ Nhật 26 tháng 3, 2017 tại rạp MUSCO, một thính đường opera mới tinh của trường Chapman University, ngay tại thành phố Orange giữa lòng Quận Cam.

Hãy đến thưởng thức vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính để cảm nhận được nét hay, nét tinh tế của một tác phẩm cổ điển Việt Nam đã chuyển mình đi vào dòng chính của nền văn hóa đương đại. Đi để tự hào văn hóa Việt Nam vẫn có những nét ưu việt để góp mặt với văn hóa thế giới. Đi để thấy thêm tự hào mình là người Việt Nam và có dịp được gặp những "tri âm" cùng biết trân trọng yêu mến văn hóa Việt Nam do ông cha ta từ ngàn xưa để lại. Sau cùng đi để ủng hộ tinh thần những người có tấm lòng sâu nặng với văn hóa Việt Nam, như lời tác giả P.Q. Phan nói, “Đem chuông đi đánh xứ người/ MÌNH.” Chẳng lẽ người Mỹ yêu văn hóa cảm động trước vở opera “Lady Thị Kính,” còn người Việt Nam chúng ta lại thờ ơ sao?

Nhân nói đến chuyện yêu quý gắn bó với nguồn cội Việt Nam tôi thấy có một chi tiết nhỏ nhưng ý nghĩa lại thâm trầm sâu sắc. Trong phần tiểu sử chúng ta đã biết GS P.Q. Phan làm việc và là một tên tuổi lớn thành công trong dòng chính của Mỹ, đáng lẽ ông là người cần đổi qua tên Mỹ hơn ai cả, nhưng không, ông vẫn giữ y nguyên tên Việt Nam. Cùng một tâm tình như ông, nhiều người ở Mỹ sau khi vô quốc tịch vẫn còn giữ lại tên Việt Nam do cha mẹ đặt ra, phần lớn họ là những người có đời sống nội tâm sâu sắc, vẫn luôn nhớ đến cội nguồn của mình. Tôi vẫn thấy việc giữ lại tên Việt Nam hay đổi tên Mỹ cũng nói lên một điều gì đó nơi tính cách bên trong và tâm tình hướng về nguồn cội quê hương của con người ấy.

Thân mời những người Việt Nam vẫn còn giữ trong lòng một mối tình yêu quê hương khôn nguôi, đến thưởng thức một show nhạc không cần loa phát rập rình đinh tai nhức óc, nhưng vẫn có thể gây sự thích thú sâu đậm nơi người nghe. Quý vị sẽ được thưởng thức những trích đoạn tiêu biểu từ vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính, hát bởi những giọng opera chuyên nghiệp Việt Nam như Teresa Mai, Bích Vân, và nhiều giọng ca chuyên nghiệp Mỹ cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và sự phụ họa hợp xướng của ban Ngàn Khơi. Để từ đó quý vị thêm tự hào văn hóa Việt của mình nay có thể gia nhập vào dòng chính. Ngoài ra để phụ họa và vinh danh nét đẹp của văn hóa Việt Nam qua tà áo dài, nên 100 người mặc áo dài (kể cả phái nam) đến đầu tiên sẽ được tặng một món quà nhỏ.

Vậy thì bạn còn chờ gì nữa mà không nhanh tay mua vé cho buổi trình diễn hiếm quý có một không hai này. Show sẽ diễn ra vào 4 giờ chiều ngày 26/3/2017 tại Đại Hí Viện MUSCO thuộc Chapman University tại Orange, CA. Liên lạc mua vé tại Tú Quỳnh và các nhật báo: Viễn Đông, Việt Báo và Người Việt. Có bán on line tại http://chapman.universitytickets.com/user_pages/event.asp?id=1289&cid=68 
Hẹn gặp bạn tại buổi nhạc CUỘC ĐỜI nhé.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT