Gỡ Rối Tơ Lòng

Vô Ơn, Bất Hiếu

Friday, 14/03/2014 - 11:24:35

Cháu hiện nay không còn trẻ nữa, sắp tới tuổi về hưu rồi. Nhưng thật ra thì cháu đã không còn làm việc toàn thời gian cả chục năm nay rồi mà chỉ làm lai rai, nhận đồ về nhà sửa mà thôi, khi nghề may gia công không còn, vì hãng nào cũng gửi ra ngoại quốc may cho rẻ. Hồi ở Việt Nam cháu cũng là một người tạm gọi là có học

Thư hỏi:
Thưa Bác, trước hết cháu xin kính chào và chúc bác nhiều sức khỏe và luôn sáng suốt để gỡ rối giùm những người có tâm sự như hiện nay cháu đang không biết cầu cứu ai. Mong bác bỏ chút thì giờ cho cháu một lời khuyên.

Cháu hiện nay không còn trẻ nữa, sắp tới tuổi về hưu rồi. Nhưng thật ra thì cháu đã không còn làm việc toàn thời gian cả chục năm nay rồi mà chỉ làm lai rai, nhận đồ về nhà sửa mà thôi, khi nghề may gia công không còn, vì hãng nào cũng gửi ra ngoại quốc may cho rẻ. Hồi ở Việt Nam cháu cũng là một người tạm gọi là có học, cháu có bằng cử nhân văn khoa - Hán Việt - cho nên sang bên này cái bằng ấy chẳng giúp gì cho cháu cả. Suốt mấy chục năm nay, cháu toàn làm việc chân tay, lao động, nhưng cũng giúp chồng cháu gây dựng được một gia đình có tài chính vững vàng, con cái đứa nào cũng có bằng cấp đại học. Chồng cháu sang đây, nhờ có cháu đi làm để anh ấy rảnh rang đi học lại, anh ấy lấy lại được bằng dược sĩ. Suốt từ khi anh ấy đậu lại, có bằng cấp, anh ấy tỏ ra xấu hổ với mọi người vì cháu chẳng có nghề nghiệp gì làm cho anh ấy hãnh diện. Anh ấy không giấu diếm là anh ấy không muốn đi ra ngoài với cháu, và không muốn giới thiệu cháu với ai trong cái xã hội học thức và giầu có của anh. Cháu biết thâm ý anh từ lâu, nhưng vì đám con, cháu cố nhẫn nhịn. Cháu muốn sau này con cháu ra ngoài xã hội, hay đi học, luôn luôn có danh nghĩa là con ông dược sĩ, chứ không muốn chúng là con một chị may thuê. Cháu quên không thưa với bác là từ hồi sang đây, cháu làm nghề ráp quần áo, nhận đồ từ hãng về làm. Cháu làm may gia công cho nên muốn kiếm nhiều tiền thì phải may ngày may đêm. Mỗi ngày cháu chỉ ngủ chừng bốn, năm tiếng đồng hồ là nhiều. Tuy cháu không có tiếng tăm gì, nhưng cháu kiếm được khá tiền, nuôi một gia đình 6 miệng ăn, nuôi chồng đi học. Các con cháu tuy không khinh khi cháu ra mặt, nhưng chúng cũng tỏ vẻ không hãnh diện vì việc làm của cháu. Ai hỏi cháu làm gì chúng trả lời cháu ở nhà, làm công việc nội trợ mà không đá động đến cái công việc lao động của cháu đã nuôi chúng thành ông nọ, bà kia ngoài xã hội. Mỗi khi những người trong đại gia đình, dòng họ hay bạn bè quen biết cháu từ hồi còn ở Việt Nam, khen ngợi cháu đã hy sinh vì chồng con và đã thành công trong việc nuôi dưỡng chồng con thành đạt, thì anh ta tỏ vẻ khó chịu và đánh trống lảng, nói sang chuyện khác. Không phải cháu khoe khoang hay kể công, nhưng cái hồi nghề may còn phát đạt, cháu có cả một xưởng may, mướn cả chục nhân công, may ngày may đêm nên mới kiếm được nhiều tiền nuôi con học toàn trường lớn mà không đứa nào phải vay nợ để trả tiền ăn học cả, chứ lương dược sĩ của anh ấy có đáng là bao. Bác thử nghĩ, cả ba đứa đều học nghề thuốc tại những trường danh tiếng cả.

Hiện nay trong gia đình, từ bố tới con, cho tới các cháu nói toàn tiếng Anh với nhau. Nhiều khi cháu nhắc rằng, làm ơn nói tiếng Việt vì cháu không hiểu và không nói được tiếng Anh, từ bố tới con đều làm lơ, coi như không hiểu cháu nói gì. Khi cháu cố gắng nói tiếng Anh để hòa đồng với cả gia đình thì từ bố tới con tới các cháu đều nhăn mặt hỏi đi hỏi lại cháu nói cái gì vậy, rồi xúm lại sửa lời sửa giọng cho cháu. Càng ngày cháu càng cảm thấy cháu là một sự xấu hổ cho cái gia đình này, toàn ông bác sĩ, bà nha sĩ cùng luật sư, dược sĩ cả. Họ không thể nào có liên hệ bà con với một mụ may thuê như cháu. Cháu chán đời, đã tính bỏ đi xa, sống một mình cho đỡ tủi hận, uất ức, nhưng nghĩ tới mấy chục năm công lao của cháu, cháu đành nuốt hận, sống hết kiếp làm tôi đòi cho bố con họ. Bác có thuốc gì chữa cái bệnh vô ân của cái dòng họ này không hả bác? Cháu quên thưa với bác một điều quan trọng, cháu mà bỏ nhà ra đi hôm trước, hôm sau sẽ có người tới thế chỗ cháu liền. Cũng chỉ vì sĩ diện mà anh ấy không thể đá cháu ra đường vì sợ mang tiếng với dòng họ, bà con là bội bạc, ăn cháo đá bát chứ thật ra anh ta ngoại tình đã lâu rồi, chứ chẳng còn tình mà cũng không có nghĩa. Chỉ còn lại cái che mắt thế gian thôi.

Cháu xin lỗi đã làm mất thì giờ của bác. Nhưng nói ra được nó cũng đỡ uất ức một phần nào.

Bà Ba Phải trả lời:

Cháu thân mến. Bác đọc hết thư cháu mà thấy cảm phục sự đảm đang và hy sinh của cháu. Lúc mới sang định cư thì bất cứ ông gì bà gì hồi xưa ở Việt Nam có làm lớn, giầu sang tới đâu, thì bước đầu tiên vong quốc cũng bắt đầu lại bằng nghề lao động. Sau đó, nhờ cố gắng, nhờ hy sinh, nhờ tần tảo, một số người mới ấy lại được vị trí cũ của mình. Cháu không nên buồn mà phải hãnh diện về sự đảm đang của cháu. Cháu phải coi sự thành công của chồng cháu, của các con cháu mà hãnh diện vì đó là kết quả của những đêm khuya còng lưng trên chiếc máy may của cháu. Bác không nghĩ rằng chồng con cháu thuộc về một dòng họ bạc nghĩa vô ơn như cháu nói. Nếu thật sự chồng cháu không còn thương yêu cháu nữa thì không ai cấm đoán anh ta bỏ cháu để sống với người tình mới của anh ta. Bên này sự giàu đổi bạn, sang đổi vợ là một chuyện rất thường tình. Chẳng phải vì che mắt thế gian mà anh ta chịu ở với một người anh ta xấu hổ và không còn yêu thương nữa. Thiên hạ có cười thì cũng chỉ cười được ba tháng, chẳng ai có sức mà cười tới ba năm. Cháu nên bỏ cái lòng nghi ngờ không chính đáng ấy đi, đừng tự mình làm khổ mình đồng thời làm khổ lây đến người khác.

Tình trạng gia đình cháu hiện nay, theo bác nghĩ, là vì cháu có mặc cảm. Cháu mặc cảm vì trong một thời gian quá lâu, cháu lo kiếm tiền, làm việc ngày đêm mà mất đi sự liên lạc tình cảm với chồng, với con. Cháu không có thì giờ chăm sóc con cái trong khi chúng đang tuổi lớn, cần phải được gần gụi mẹ, cần sự yêu thương, chăm sóc của mẹ, thì cháu bù đầu bù óc vì công việc kiếm tiền. Chồng cháu cũng cần có người bạn bên cạnh để san sẻ vui buồn, chuyện trò đầm ấm, nhưng cháu quá bận rộn, mệt nhọc. Cháu đã bỏ hết cả bổn phận làm vợ, làm mẹ, mà chỉ cắm đầu kiếm tiền. Bác không chê trách cháu, nhưng bác chỉ muốn cháu hiểu rằng, tình cảm gia đình cháu bị gián đoạn một thời gian quá lâu nên mọi người không còn thói quen để gần nhau, chuyện trò gắn bó với nhau. Vì hoàn cảnh vì lo cho tương lai vì muốn kiếm nhiều tiền cho gia đình nên cháu đã đặt ưu tiên cho công việc.

Từ 10 năm nay, cháu nhàn rỗi, thì chồng con đã thành đạt, đã có một nếp sống riêng tư, trong đó không có chỗ cho cháu. Họ không có chuyện gì để nói với cháu, để san sẻ với cháu. Còn cháu thì vì mặc cảm cho nên càng ngày càng thu mình trong cái vỏ ốc đầy nghi ngờ và oán hận. Sự kiện cháu thành công về tiến bạc, nuôi chồng con ăn học nên người là một thành tích rất đáng kính phục, rất đáng nể vì của cháu, nhưng không phải lúc nào tất cả mọi người nhận ơn huệ của cháu cũng cần phải tuyên dương, ca ngợi, suy tôn, và phải được đem ra nhắc nhở suốt đời. Bây giờ bác để nghị, cháu hãy gạt bỏ tất cả mọi tư tưởng phẫn chí , thù nghịch ấy đi mà tìm cách nối lại những tình cảm thương yêu với chồng con và các cháu. Cháu không nói đến những ân huệ cháu đã làm cho họ. Cháu chịu khó nối lại tình gia đình đã bị bỏ qua từ bao nhiêu năm nay. Cháu có thể tìm cho mình những niềm vui riêng. Chẳng hạn cháu đi học một lớp Anh văn. Cháu có thể làm thân với những đứa cháu bằng cách nhờ chúng luyện giọng cho cháu. Như vậy tụi trẻ con sẽ cảm thấy gần bà, và thân với bà hơn. Đối với chồng cháu cũng vậy. Cháu có thể rủ chồng đi chơi, đi du lịch đế nối lại tình xưa. Đừng nên trốn tránh và chui mình vào vỏ ốc. Nếu cháu cứ sống trong sự oán hận như thế này bác sợ rằng cháu sẽ mắc bệnh trầm cảm rất dễ dàng.

Mong cháu nghĩ lại, và chúc cháu tìm được bình an.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT