Phóng Sự

VNHELP và những chương trình từ thiện (kỳ 2)

Sunday, 17/02/2019 - 08:47:43

“Chúng tôi luôn khuyến khích những người ở bên Mỹ về thăm gia đình bên Việt Nam, là ân nhân của Hội, ghé thăm những chương trình từ thiện của Hội tại Việt Nam, có những người chưa là ân nhân vẫn đến thăm. Khi họ nhìn tận mắt rồi thì khi về lại bên này, họ đã đóng góp cho VNHELP.”


Thanh Niên học nghề sửa xe máy do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

Bài BĂNG HUYỀN

Nhiều người Việt vẫn luôn răn dạy con cháu và chính mình “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hôm nay mình giúp người, biết đâu ngày mai người lại giúp mình. Truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người Việt Nam.

Trong mỗi người Việt, ai ai cũng có hoài bão giúp đỡ người khác, nhất là giúp những người nghèo khổ, trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già yếu neo đơn, những người nghèo khổ, bất hạnh này vẫn còn rất nhiều tại quê hương Việt Nam, nhưng không nhận được trợ giúp từ chính quyền, chỉ có thể trông cậy vào những tấm lòng hảo tâm của các ân nhân.
 

Lễ bế giảng lớp dạy nghề sửa xe máy do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

Đây là những đối tượng mà hầu hết các Hội Từ Thiện của người Mỹ gốc Việt lập ra hướng đến để giúp đỡ và Hội Từ Thiện VNHELP (trụ sở tại Bắc California. Website của Hội là http://vnhelp.org) cũng không ngoại lệ.

Đóng góp của ân nhân, thiện nguyện viên

Cô Đỗ Anh Thư là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành VNHELP cho biết, “VN HELP hoạt động được, phát triển được là nhờ rất nhiều người, các thiện nguyện viên, những người bỏ công sức ra để thực hiện những công việc của VNHELP và những ân nhân ủng hộ tài chính. Những ân nhân ủng hộ tài chính cho VNHELP có rất nhiều người tại Mỹ và tại California là nhiều nhất. Các ân nhân ở những tiểu bang khác cũng gửi tiền về cho VNHELP. Cũng có những ân nhân ở ngoài nước Mỹ như Canada, Úc, Âu châu do người này người kia giới thiệu họ và họ từ xa gửi tiền giúp VNHELP.

“Chúng tôi xin mượn cơ hội này cảm ơn những ân nhân, những vị ân nhân đủ mọi lứa tuổi, nhiều ngành nghề khắp mọi nơi. Từ những ân nhân cho những món tiền chút chút mỗi tháng 10 đồng, chúng tôi rất thương và quý lắm. Có những bà cụ già mỗi tháng cho mấy đồng từ số tiền già của họ. Có những người thành công thì cho những món tiền lớn. Những em học sinh bỏ ống mang đến cho VN HELP nữa, thương lắm.

“VNHELP cảm ơn tất cả quý ân nhân, từ những ân nhân trẻ tuổi cho vài đồng đến những ân nhân thành công, cho những món tiền lớn. VNHELP trân trọng từng đồng thu từ mọi người đóng góp. Vì mỗi một đồng ở bên Mỹ có thể làm được những việc ý nghĩa bên Việt Nam. Góp gió thành bão, chút chút cộng lại thành món tiền đáng kể làm được nhiều việc giúp những người nghèo bên Việt Nam.”
 

Trường tiểu học do VNHELP xây tại tỉnh An Giang. (vnhelp.org)

Cô Anh Thư nói, cá nhân cô và các thành viên trong Ban Điều Hành VNHELP thấu hiểu sự lo lắng rất chính đáng của các ân nhân những đóng góp của họ gửi cho Hội không bị mất mát, hao hụt trước khi đến tay người nhận. Đây luôn là một trong những điều VNHELP quan tâm và cẩn trọng nhất trong lúc làm việc để không phụ lòng tin tưởng của các nhà hảo tâm. VNHELP luôn cố gắng sử dụng tiền đóng góp của các ân nhân hiệu quả nhất. Năm thành viên trong Ban Điều Hành VNHELP luôn duyệt xét các dự án thật cẩn thận khi thực hiện, về tận Việt Nam để quan sát và tiếp xúc với những người có liên hệ hoặc có ý kiến về các dự án mà VNHELP dự định sẽ giúp.

Tất cả các kế hoạch và chi thu đều phải được trình bày với giấy tờ rõ ràng ở cả Việt Nam cũng như tại Mỹ! Những món hiện kim và hiện vật đều được giao tận tay người nhận, không qua một trung gian nào! Các hình chụp, các băng video do các vị hảo tâm hoặc anh chị em VNHELP, qua những dịp về thăm Việt Nam thay phiên nhau đến thăm tận nơi đã nhận sự trợ giúp, thường là những bằng chứng cụ thể về những thành quả đạt được. VNHELP luôn có những báo cáo gửi đến các ân nhân hằng tháng một bản tin ngắn, một năm gửi hai bản tin dài.

Cô Anh Thư cho biết thêm, “Gây quỹ hằng năm của VNHELP là chương trình Mùa Thu Cho Em, nhưng quanh năm suốt tháng thì VNHELP luôn có chương trình kêu gọi mọi người đóng góp tài chính bằng cách viết thư gửi đến mọi người, đi gặp gỡ mọi người là chủ những chủ cơ sở thương mại, những công ty để trình bày về những chương trình của Hội. Quanh năm luôn có rất nhiều người đóng góp cho Hội, có những người đóng góp âm thầm. Hiệu quả nhất mà VNHELP thấy là người này người kia giới thiệu, những ân nhân cũ nhìn thấy thành công của các chương trình từ thiện VNHELP bên Việt Nam, được VNHELP báo cáo đầy đủ, nên họ giới thiệu thêm bạn bè của họ.

“Chúng tôi luôn khuyến khích những người ở bên Mỹ về thăm gia đình bên Việt Nam, là ân nhân của Hội, ghé thăm những chương trình từ thiện của Hội tại Việt Nam, có những người chưa là ân nhân vẫn đến thăm. Khi họ nhìn tận mắt rồi thì khi về lại bên này, họ đã đóng góp cho VNHELP.”

Cô Anh Thư nói, ngoài những thiện nguyên viên tại Mỹ giúp VNHELP rất nhiều, từ tâm sức đến ủng hộ tài chính, thì ở Việt Nam, VNHELP cũng có những thiện nguyện viên rất đông, họ rất có lòng, có khả năng. Họ hợp tác với VNHELP rất tận tình. Có những người, ngoài góp công sức, họ còn góp tiền. Tuy tiền họ góp chưa là lớn, nhưng những đóng góp của họ như đi cứu trợ lũ lụt, thành viên Ban Điều Hành bên này về Việt Nam đi thăm những chương trình của VNHELP, họ giúp xăng nhớt, xe cộ, mình không phải trả. Nghĩa cử của những người dân trong nước rất nhiều. VNHELP rất trân trọng những người dân tốt bụng trong nước.

Kỷ niệm chuyến đi Việt Nam

Nhắc lại kỷ niệm trong những chuyến đi về Việt Nam, cô Anh Thư chia sẻ, “Tôi là giám đốc điều hành của VNHELP nên phải theo sát những dự án của VNHELP tại Việt Nam. Những dự án nào đã làm đều đặn và anh em thiện nguyện viên VNHELP tại Việt Nam làm quen rồi thì anh em vẫn tiếp tục. Còn những dự án mới, những dự án lớn, những dự án mà cần phải tìm hiểu kỹ, thì tôi phải về trực tiếp kiểm tra. Tôi về Việt Nam hằng năm. Năm nào cũng về, ít nhất một lần trong năm. Các anh chị em trong Ban Điều Hành VNHELP cũng vậy, thay phiên nhau về để kiểm tra những chương trình từ thiện của VNHELP tại Việt Nam.

“Năm 1993, tôi về Việt Nam lần đầu tiên và trực tiếp đi thực tế, kiểm tra các dự án của VNHELP tại Việt Nam. Nhìn thấy người dân trong nước vẫn còn nhiều người nghèo khổ quá, mỗi lần đến những vùng sâu, vùng xa, lòng tôi lại nặng trĩu vì những cảnh đời cơ cực. Năm 1998, tôi đã về Việt Nam trong năm tuần để khảo sát và lên kế hoạch, dự án lớn hơn để giúp đỡ cho người dân. Khi đi thực tế tại miền Trung, tôi nhận thấy nhiều thanh niên lớn lên vẫn không có việc làm nên đời sống cứ cơ cực, lam lũ, khi đó tôi đã đẩy mạnh các dự án dạy nghề và tìm việc miễn phí cho thanh thiếu niên nghèo. Đến nay, các trường dạy may, thêu, điện toán tại Huế, Đà Nẵng, Phú Yên…đã đi vào hoạt động ổn định giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm thanh thiếu niên vào đời. VNHELP tài trợ xe lăn cho người khuyết tật nghèo khó, tổ chức các đoàn từ thiện khám chữa bệnh miễn phí và hỗ trợ các dụng cụ, phương tiện y tế hiện đại cho các cơ sở y tế.

“Năm 2008, VNHELP đã nhận rất nhiều đề nghị từ phụ huynh người Mỹ gốc Việt về việc tổ chức chuyến đi từ thiện cho các em học sinh về Việt Nam, giúp các em biết về quê hương của mình và tìm hiểu về nguồn gốc và văn hóa Việt. Nhiều phụ huynh cảm thấy con em mình đang có cuộc sống sung túc đầy đủ tại Mỹ, nên chưa biết đến những cảnh đời kém may mắn hơn các em. Chứng kiến tận mắt những cảnh khốn cùng, tiếp xúc trực tiếp với những kẻ nghèo khó, giúp đỡ những người không may sẽ là những bài học làm người rất quý đối với các thanh thiếu niên. Để đáp ứng nhu cầu đó, VNHELP tổ chức những chuyến đi công tác từ thiện tại Việt Nam dành riêng cho thanh thiếu niên người Việt gốc Mỹ trong hai tuần lễ. Mong muốn sau chuyến đi các em sẽ biết trân quý những gì các em đang có tại Mỹ, và biết chia sẻ thương yêu người nghèo khó.”
Cô Anh Thư cho biết, cá nhân cô có nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi về Việt Nam, vì cô gắn bó với VNHELP từ ngày đầu sáng lập ra hội, đến nay đã gần 28 năm rồi, nên không thể kể ra hết. Nhưng có hai câu chuyện cô vẫn nhớ hoài.

Cô kể, “Năm 2000 tôi đi thăm dự án xây trường học tại tỉnh Thừa Thiên Huế, dịp đó vào ngay mùa lũ, tôi và một chị sống tại Huế, là thiện nguyện viên của VNHELP. Xe cộ đưa đi là những người ở địa phương giúp. Nếu mình tự thuê xe đi sẽ tốn ít nhất vài chục dollar hoặc hơn trăm dollar. Đi nửa đường thì chỉ thấy nước mênh mông, chẳng biết đâu là đường, đâu là ruộng. Xe chúng tôi bị tai nạn, xe nghiêng 45 độ, một nửa ở trên đường, một nửa bị lọt xuống ruộng. Dân làng gần đó gồm các thanh niên đã cùng nhau hò dô ta để kéo xe lên trong cơn mưa lạnh.

“Sau đó một gia đình mời chúng tôi vào trú mưa, đãi chúng tôi mì gói, nước uống để chờ xe khác đến đón. Khi chúng tôi gồm bốn người muốn trả tiền, nhưng họ không lấy. Tôi cảm động lắm, tôi thấy cái tình của người dân Việt mình lớn lao biết bao. Người dân họ vậy đó, họ giúp mình, họ tận tâm, dù họ nghèo, ở nhà lá lụp xụp, nhưng vẫn mời mình ăn.

“Nhà đó làm nghề chằm nón lá, nên chúng tôi đã mua những chiếc nón lá để mang đi. Đối với tôi đó là một kỷ niệm đẹp. Người dân Việt Nam mình vậy đó, tuy nghèo nhưng rất hiếu khách, không tham tiền.
“Có những người đi Việt Nam gặp những chuyện xấu, bị lừa gạt này kia, còn tôi thì gặp được những kỷ niệm rất đẹp. Tôi về bên đó, gặp được nhiều người nghèo nhưng rất tốt, không tham lam.
“Tôi cũng xin kể một chuyện nữa để thấy rằng người Việt vẫn còn những người rất chấc phác. Thường đi về bên đó, tôi ở những khách sạn giá rẻ, khoảng 5, 10 dollar một ngày. Lần đó tôi ở một khách sạn, mỗi lần rời đi tôi hay để tiền tip khoảng 10, 20 ngàn VNĐ (dưới 1 đô). Khi tôi xuống check out, thì cậu bé dọn phòng vội vàng chạy xuống đưa trả lại tiền, nói cô ơi cô bỏ quên tiền. Những khách sạn nhỏ xíu ở địa phương thường không quen chuyện cho tip. Khi tôi nói cô cho con đó, cậu bé ngạc nhiên lắm, cảm ơn tôi. Tôi thấy người dân mình lành lắm. Thành ra người nghèo được mình giúp là xứng đáng vô cùng.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT