Thế Giới

VN ngả về Mỹ trong tranh chấp với Trung Cộng

Tuesday, 08/08/2017 - 09:23:44

Vào tháng 11 năm nay, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, một sự kiện có thể sẽ có sự tham dự của Tổng Thống Donald Trump.

VIRGINIA – Việt Nam đang dần trở thành quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong tranh chấp biển Đông, và có thể sẽ ngả về phía Hoa Kỳ, trong bối cảnh Phi Luật Tân trở nên thân thiết với Trung Quốc. Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh xuất hiện vào hôm thứ Hai, sau khi cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước tại Hội nghị Asean bất ngờ bị hủy bỏ. Việt Nam cũng yêu cầu bộ quy tắc ứng xử trên biển của Asean phải có tính ràng buộc pháp lý, vốn là điều mà Trung Quốc luôn phản đối.
Giới quan sát cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ gia tăng, khi Hà Nội muốn tham gia với các thế lực khác trong khu vực là Nhật và Hoa Kỳ, để đối trọng với việc Philippines ngả về Bắc Kinh. Trong một diễn biến liên quan, vào hôm thứ Ba, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã tiếp đón người đồng cấp Việt Nam tại Ngũ Giác Đài, nhằm phát triển quan hệ song phương.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, chuyến thăm của ông đến Hoa Kỳ là nhằm thảo luận gia tăng hợp tác quân sự. Trong khi đó, ông Mattis nói, Hoa Kỳ luôn khuyến khích Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam cũng có thể góp vai trò quan trọng trong việc chống lại các hoạt động nguy hiểm của Bắc Hàn. Vào tháng 11 năm nay, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, một sự kiện có thể sẽ có sự tham dự của Tổng Thống Donald Trump.

Drone của Iran bay gần chiến đấu cơ Mỹ
VỊNH PERSIAN – Một máy bay điều khiển từ xa (drone) của Iran đã tiến gần trong vòng 100 feet đối với một chiến đấu cơ F/A-18 của Hải quân Hoa Kỳ, khi chiến đấu cơ này đang chờ để hạ cánh trên hàng không mẫu hạm USS Nimitz trong vịnh Persian. Máy bay Hoa Kỳ đang giữ độ cao 1,000 feet phía trên tàu Nimitz khi chiếc drone không có vũ khí của Iran đến gần. Viên chức Hoa Kỳ cho biết, chiếc drone bay dưới chiếc F/A-18 trong vòng 100 feet, và cách trong vòng 200 feet theo chiều ngang. 
Chiếc drone của Iran không hồi đáp các tín hiệu radio, khiến chiến đấu cơ Hoa Kỳ phải đổi hướng để tránh va chạm. Trung tâm chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ gọi hành động của chiếc drone là “nguy hiểm và không tuân theo các quy định quốc tế.” Đây cũng là lần tiếp cận không an toàn thứ 13 của lực lượng Iran đối với Hoa Kỳ trong năm 2017.

Cảnh sát Bỉ bắt 1 nghi can dọa xe có bom
BRUSSELS – Các công tố viên Bỉ hôm thứ Ba cho biết, không có chất nổ nào được tìm thấy trong chiếc xe bị cảnh sát chận bắt, sau một cuộc rượt đuổi tốc độ cao ở thành phố Molenbeek, lân cận thủ đô Brussels. Chiếc xe bị cảnh sát đuổi theo sau khi vượt đèn đỏ và gây ra 2 vụ va cạhm. Một nhân chứng cho biết, cảnh sát đã bắn xẹp bánh xe để buộc tài xế phải ngừng lại.
“Khi người đó bước ra, anh ta lập tức nói rằng trong xe có bom,” nhân chứng nói. Một số nguồn tin ban đầu cho biết, nghi can là một công dân Rwanda, sinh năm 1981, chưa từng bị cảnh sát chú ý trước đây. Lời tuyên bố của nghi can đã khiến nhà chức trách phải phong tỏa khu vực xung quanh chiếc xe, và nhờ các chuyên gia gỡ bom đến kiểm tra. Sau khi chiếc xe được xác định an toàn, nhiều chuyên gia pháp chứng đã có mặt tại hiện trường để thu thập các đồ vật trong xe.


Trung Quốc: Động đất gần khu du lịch, 5 người chết

TỨ XUYÊN - Một trận động đất 7 độ Richter vừa xảy ra tại khu vực gần điểm du lịch nổi tiếng Cửu Trại Câu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm 5 người thiệt mạng và 63 người bị thương. Cơn địa chấn xảy ra lúc hơn 9 giờ tối thứ Ba, giờ địa phương, tại địa điểm cách huyện Guangyuan, tỉnh Tứ Xuyên, khoảng 200 cây số về phía tây bắc. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10 cây số. Các trận động đất xảy ra ở gần bề mặt thường gây thiệt hại lớn. Địa điểm này cách khu du lịch nổi tiếng Cửu Trại Câu khoảng 39 cây số về phía tây.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Cửu Trại Câu đã bị sập tường, trong khi con đường dẫn từ huyện tới khu du lịch có đá lở. Các chuyên gia Trung Quốc ước tính khoảng 21,000 người sống trong phạm vi bán kính dưới 20 cây số từ tâm chấn. Đây là khu tự trị A Bá, có đông người Tây Tạng sinh sống. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra động đất.
Cửu Trại Câu là điểm du lịch nổi tiếng Trung Quốc, nằm ở miền bắc tỉnh Tứ Xuyên, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992. Nơi đây có cảnh thiên nhiên tráng lệ với các hồ đa sắc, các thác nước nhiều tầng và các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng. Tứ Xuyên từng chứng kiến trận trận động đất 7.9 độ Richter xảy ra tại huyện Vân Xuyên vào năm 2008, lấy đi sinh mạng của 69,000 người. Đây là trận động đất mạnh và thảm khốc thứ hai trong lịch sử Trung Quốc, sau trận động đất ở Đường Sơn năm 1976.

Xung đột biên giới Trung - Ấn lâm vào bế tắc
NEW DELHI - Các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang lâm vào bế tắc, khiến các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu lên tiếng đe dọa về những biện pháp đáp trả tại biên giới. Bắc Kinh luôn khăng khăng yêu cầu New Delhi phải đơn phương rút quân khỏi cao nguyên Doklam, nơi được tuyên bổ sở hữu bởi Trung Quốc và Bhutan. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không chấp nhận đề nghị của Ấn Độ, rằng Bắc Kinh cũng phải cho quân lùi lại 250 mét.
Trong một cuộc họp ngoại giao cấp thấp, các viên chức Trung Quốc đề nghị ngược lại rằng nước này chỉ đồng ý lui quân 100 mét. Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa 2 nước không có tiến triển gì thêm, ngoại trừ việc Trung Quốc lớn tiếng đe dọa về việc xung đột leo thang trong khu vực tranh chấp, được nước này gọi là Donglang.
Quân đội Ấn Độ đến cao nguyên Doklam vào giữa tháng 6 để ngăn công nhân Trung Quốc xây một con đường, mà giới quân sự Ấn Độ cho rằng sẽ giúp quân đội Trung Quốc tiến quá gần đến vùng đông bắc. Cuộc đối đầu quân sự năm nay được cho là nghiêm trọng nhất tính từ lần đụng độ giữa 2 nước vào thập niên 60. Hiện nay, cuộc xung đột đã kéo dài 7 tuần, với hàng ngàn binh sĩ mỗi nước đang canh gác dọc theo đường biên giới dài 3,500 cây số. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của nhà nước Bắc Kinh, hôm thứ Ba nói rằng, nếu chính phủ Narendra Modi tiếp tục phớt lờ các cảnh báo, các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc sẽ là điều không thể tránh khỏi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT