Người Việt Khắp Nơi

Vĩnh biệt Thầy Vũ Hối

Monday, 22/08/2022 - 09:17:55

Một danh họa và cũng là bậc thầy của nghệ thuật Thư Pháp, giáo sư Vũ Hối đã từ trần vào hồi 5 giờ 15 chiều...


Nét Thư Họa Thầy Vũ Hối viết tặng người học trò năm xưa. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Kính dâng hương hồn Thầy


Bài THANH PHONG


Một danh họa và cũng là bậc thầy của nghệ thuật Thư Pháp, giáo sư Vũ Hối đã từ trần vào hồi 5 giờ 15 chiều (giờ miền đông Hoa Kỳ) thứ Sáu, ngày 19 tháng 8, 2022 tại tiểu bang Maryland. Hưởng thọ 91 tuổi.

Nhà danh họa Vũ Hối từng là giáo sư hội họa tại trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, và người viết này may mắn được là học trò của Thầy. Khi làm thơ Thầy lấy bút hiệu là Hồng Khôi. Thầy Vũ Hối sinh tại làng Dương Đàn, Quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vùng đất có năm ngọn núi tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nên được gọi là Ngũ Hành Sơn, và được mệnh danh là vùng đất “Địa Linh Nhân Kiệt” sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước, một trong những nhân tài lẫy lừng đó chính là danh họa Vũ Hối. Nhà biên khảo, bác sĩ Lê Văn Lân (Houston) đã có dịp trò truyện với danh họa Vũ Hối và thấy cả 10 ngón tay Thầy Vũ Hối đều có hoa tay.

Thầy Vũ Hối sinh trưởng trong gia đình khoa bảng, thân phụ bị cộng sản sát hại trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất và 10 người khác trong gia đình Thầy cũng bị tàn sát rất dã man vì là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau ngày 30 tháng 4, 1975 Thầy Vũ Hối bị Việt Cộng bắt giam chung với nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Đức Quỳnh tại trại giam Phan Đăng Lưu và Chí Hòa, Saigon, bị ghép tội “Văn nghệ sĩ ngụy chống cộng.”

Thầy Vũ Hối bị tra tấn dã man đến hư một con mắt phải và cùm chân trong biệt giam rất lâu khiến bị liệt một chân. Trong suốt thời gian bị cầm tù, Thầy Vũ Hối luôn tỏ rõ khí phách của một kẻ sĩ và lập trường của một người quốc gia chân chính. Bị đánh đập tàn bạo, Thầy nhất định không khai báo những người đồng chí với mình và cương quyết không nhận những tội danh do chúng gán ghép.


Từ trái, Thầy Vũ Hối, người học trò cũ của Thầy, và ông Phan Thanh Châu (Việt Nam Quốc Dân Đảng). (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thầy Vũ Hối không những nổi danh về hội họa, sáng lập trường phái Luân Vũ Họa mà còn được xếp vào hàng đầu trong nghệ thuật Thư Họa và cũng là một văn, thi sĩ được nhà văn Hải Bằng HDB đánh giá là một nhà thơ có tâm đạo: “Ngoài hội họa và thư họa, Vũ Hối còn là một nhà thơ, một nhà thơ yêu nước thương nòi, và đề cao chữ Tâm như anh đã dùng thư pháp viết câu thơ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Kiều, Nguyễn Du). Thơ của Vũ Hối dễ đi vào lòng người nhờ sử dụng những từ ngữ giản dị, trong sáng và trung thực trong cuộc sống thực tế. Vũ Hối cống hiến nửa cuộc đời cho gia đình và một nửa cho đại chúng: Vũ Hối hiến một cánh tay cho nghệ thuật hội họa nhưng lại mất đi một con mắt bởi chính sách hận thù trí thức.”
Danh họa Vũ Hối đã đạt những thành tích xuất sắc:

- Là người Việt Nam duy nhất có tên trong bộ Bách Khoa Từ Điển Larouse của Pháp nổi tiếng thế giới. Được mời vẽ chân dung Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, chân dung Tổng Thống Đại Hàn Phác Chung Hy, chân dung Đại Tướng Creighton W. Abrams, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam. Được trao giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ. Được nêu danh trong Văn Học Từ Điển thời VNCH. Được Tổng Thống Tiệp Khắc Vaclay Havel tiếp kiến và nhận bức tranh “The Dream of Peace” để lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Tiệp Khắc từ ngày 5.9.1995.

- Là nghệ sĩ Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho Thế Giới, tổ chức tại Atlanta, Hoa Kỳ ngày 5.11.1994. Được ghi danh trong tuyển tập Lart de Lecriture, Paris 1993. Có tên trong Vẻ Vang Dân Việt II trong Từ Điển Danh Nhân Thế Giới ấn hành tại Anh quốc năm 1998. Có chân trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Được ghi tên trong “5000 Personalities of The World” do American Biographical Institute ấn hành năm 2000. Có tên trong “Từ Điển Một Phần Tư Thế Kỷ Việt Nam Hải Ngoại” do Hội Văn Hóa Pháp - Việt ấn hành tại Paris năm 2003.


Từ trái, Chiến sĩ Võ Đại Tôn, danh họa Vũ Hối, và nhà báo Đỗ Tiến Đức. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

- Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Painting In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting). Nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong sách “Thư Đạo” của Nhật Bản năm 2006. Năm 1963 được Trung Tâm Vô Tuyến Truyền Hình Columbia mời đến diễn thuyết về Hội Họa và Thi Ca. Được Hạ Viện Hoa Kỳ ban hành Nghị quyết 332 vinh danh các chiến hữu Việt Nam đã tranh đấu cho Nhân Quyền, tên của danh họa Vũ Hối đứng đầu cùng với Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Viết Hoạt, cùng hai linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Nguyễn Quí Thiện. Các tác phẩm hội họa của Thầy đã được triển lãm tại Pháp, Ý, Anh, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mỹ và nhiều nơi khác. Thầy Vũr Hối cũng viết và xuất bản nhiều tác phẩm văn chương giá trị.

Nhạc sĩ Lê Thương nói, “Muốn nói đến thi-họa sĩ Vũ Hối, quý vị cũng như chúng tôi phải cần đến một pho sách dầy mới nói hết về những đóng góp cho văn học và nghệ thuật trong hơn nửa thế kỷ cầm cọ, cầm bút của ông.”

Nhà thơ Thanh Thương Hoàng nhận xét, “Người xưa thường nói “Trong trời đất có bốn cái tinh hoa là cầm,kỳ, thi, họa” thì bạn tôi anh Vũ Hối đã chiếm tới một nửa rồi.”

Tuy đã đạt tới tột đỉnh của nghệ thuật hội họa và thư pháp, Thầy Vũ Hối vẫn coi mình mới chỉ đi nửa đời người như vần thơ Thầy viết:

Đời ta nửa tỉnh nửa say
Nửa đen, nửa trắng, nửa ngày, nửa đêm
Nửa vui với nửa ưu phiền
Nửa sông còn cát, nửa triền núi cao
Nửa thương, nửa nhớ nghẹn ngào
Nửa cười tha thiết, nửa ngao ngán tình
Nửa hồn đau kiếp phù sinh
Chênh vênh nửa cuộc hành trình bể dâu
Chập chờn nửa giấc canh thâu
Cười say bên ngọn đèn dầu nửa khuya.


Nét Thư Họa Thầy Vũ Hối viết tặng người học trò năm xưa. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thầy Vũ Hối đã nhiều lần đến Nam California, lần nào Thầy cũng gọi điện thoại cho hai ký giả chúng tôi, là Thanh Phong và Thanh Huy, “Ra uống cà phê với thầy.” Hai lần Thầy mang tặng sách cho người học trò cũ. Và theo lời xin của người viết, vài lần Thầy viết câu đối tặng Báo Xuân Viễn Đông. Mùa Xuân năm 2019 sau khi nhận được lời xin, Thầy Vũ Hối email trả lời: “Năm nay Thầy sorry không viết được cho em vì mắt kém và tay run lắm.” Từ đó, sức khỏe Thầy sa sút dần!

Trong rất nhiều văn nhân, thi sĩ và những người ái mộ Thầy Vũ Hối, chúng tôi xin trích đăng một số lời nhận xét và ca ngợi của các vị tiêu biểu:

Nhà thơ Hà Thượng Nhân: “Quốc tế khôi nguyên khởi vị Việt Nam vô kiệt tác / Gia trung mãn họa tằng vân Nam Ngãi hữu danh nhân.”

Thi sĩ Bùi Giáng: “Tận cùng Vân Vũ chịu chơi / Thần tiên Vũ Hối khắp nơi giang hồ.”

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện: Tâm hỏa bập bùng trong bóng chữ / Rồng thiêng mây gió chín tầng bay! / Hồn nước, hồn dân, hồn bút tỏa / Ngàn thu lấp lánh, Vũ Quân ơi!”

Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh: “Khi xưa đày đọa phong trần / Giờ đây hào khí phong vân khác đời / Bút thần thư họa tuyệt vời / Người về rung chuyển một trời trong ta.”

Nhà thơ Hà Huyền Chi: “Bút tựa kiếm /Tung - hoành kiếm ý / Thơ mà gươm/ Hào khí nghiêng trời/ Thơ bay / Bút múa tuyệt vời / Bút thần minh-họa / Tải đời vào thơ.”


Đôi câu đối danh họa Vũ Hối viết tặng Báo Xuân Viễn Đông năm 2010. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngoài ra còn các văn, thi sĩ Mr. Ali Smaoui (Hàn Lâm Viện Pháp), Thi sĩ Bàng Bá Lân, Nhà thơ Dương Tử (Canada), Khoa Học gia Dương Nguyệt Ánh, Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Khoa Trưởng Charles Cường Nguyễn,D.Sc, Nhà thơ Du Tử Lê, LS Đoàn Thanh Liêm, Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, Giáo sư Nguyễn Thùy (Paris), nhà thơ Lạc Thủy Đỗ Quý Bái, nhà văn Lê Tống Mộng Hoa, Giáo sư Đàm Trung Pháp, nhà văn Thanh Thương Hoàng, Nhà thơ Hòang Phong Linh Võ Đại Tôn, nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Nữ sĩ Tuệ Nga, nhà văn Hà Kỳ Lam, Linh Mục Nguyễn Thái Đoàn, Hòa Thượng Thích Giác Lượng, văn, thi sĩ Triệu Phong Nguyễn Lý Tưởng cựu Dân Biểu VNCH; nữ sĩ Thu Nga, nhà văn Nguyễn Thị Vinh (Norway), nghệ sĩ Tâm Hảo & Phan Anh Dũng, nhà thơ Xuân Bích, nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao và nhiều vị khác từ khắp nơi đều hết lời ca ngợi một nhân tài của đất Việt, danh họa Vũ Hối và viết Thư Pháp như Phượng Múa Rồng Bay.

Xin mượn lời nhà văn Hải Bằng HDB để cảm tạ, tri ân và vĩnh biệt người Thầy đáng kính của chúng tôi: “Vũ Hối là một trong những nghệ sĩ tài hoa ít có trong thế kỷ 20. Với ngòi bút thần về thư họa, Vũ Hối đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam khắp năm châu. Người ta thích thơ và tranh họa của Vũ Hối vì những tác phẩm của anh phản ánh đậm đà những tình tự ngàn năm của giống nòi Việt và mang những màu sắc triết lý sâu xa.”

Xin vĩnh biệt Thầy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT