Người Việt Khắp Nơi

Vĩnh biệt bác sĩ Lê Quang Tuyến

Sunday, 23/10/2016 - 04:53:36

Trong thánh lễ an táng, Linh mục Nguyễn Văn Luân đã có bài giảng xúc tích về cuộc đời và công trạng của bác sĩ Tuyến trước mặt Chúa, và cha đã thay mặt Đức Giám Mục giáo phận Thanh Hóa chia buồn với bà quả phụ Trần Bích Dung và đại tang quyến.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Vào lúc 6 giờ 30 sáng thứ Bảy, 22 tháng 10, hàng trăm giáo dân đã đến thánh đường Saint Barbara, 730 S. Euclid St, Santa Ana, CA 92704 để tham dự thánh lễ an táng bác sĩ Giuse Lê Quang Tuyến, người có công xây dựng Tượng Chúa Kitô trên đỉnh núi Tao Phùng, Bãi Sau Vũng Tàu, vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối, ngày 11 tháng 10, 2016, hưởng thọ 82 tuổi.

Các thân nhân rước quan tài bác sĩ Lê Quang Tuyến lên gian cung thánh. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Thánh lễ an táng do linh mục Giuse Phạm Ngọc Tuấn (Chánh xứ Saint Barbara) chủ tế; linh mục Nguyễn Văn Luân (Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang) và cha Dũng (Dòng Chúa Cứu Thế) cùng đồng tế.
Trước thánh lễ, bác sĩ Phạm Chí Nhân, OMD. Ph.D. đã đọc tiểu sử của bác sĩ Lê Quang Tuyến. Ông sinh ngày 15.10.1934 tại Thanh Hóa, Việt Nam. Năm 1954 cùng hơn một triệu người di cư vào Nam. Ông tiếp tục học và đạt nhiều bằng cấp cùng giữ nhiều chức vụ trong chế độ VNCH. Ông đã đi nhiều nơi trong miền Nam Việt Nam, thấy hầu hết các xứ đạo đều có tượng đài Đức Mẹ nhưng ít thấy nơi nào có tượng đài Chúa Kitô; bác sĩ Tuyến quyết định xin chính quyền Vũng Tàu cho ông được xây một tượng đài Chúa Kitô ở núi Tao Phùng.

Ông được Tòa Thị Chính Vũng Tàu cấp giấy phép. Bác sĩ Tuyến trình Đức Tổng Giám Mục Saigon Nguyễn Văn Bình xin cho ông một lô đất của Tòa Tổng Giám Mục ở gần trường đua Phú Thọ để ông bán lấy tiền xây dựng tượng đài Chúa Kitô cùng với số tiền gia đình ông dành dụm có được.

Đức Tổng GM Bình chấp thuận. Ông về xin phép Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc lúc bấy giờ là Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng và Đức Giám Mục Phó Nguyễn Minh Nhật để được thực hiện công trình này. Được sự đồng ý của các vị chủ chăn, bác sĩ Tuyến lên Biên Hòa thuê một số xe chở gạch, đá và sắt lên đỉnh núi, các xe chạy lên nửa chừng đều bị bể bánh xe, vì đường lên quá nguy hiểm, họ từ chối không nhận chở nữa. Ông phải thuê người lên dọn đường, chặt cây, dọn đá và tăng tiền cho 12 xe liên tục chở vật liệu lên đỉnh núi.

Trên đỉnh núi Tao Phùng, trước đây Pháp đã xây một lô cốt kiên cố có đặt súng thần công hướng ra biển. Bác sĩ Tuyến lại lên Biên Hòa thuê một nhà thầu xây cất, và đặc biệt ông chọn nhà thầu hoàn toàn là người ngoài Công Giáo.

Công việc xây cất gặp rất nhiều điềm lạ. Người viết bài này lúc đó đã nhiều lần được bác sĩ Tuyến mời tham dự các buổi họp, nghe bác sĩ thuyết trình trước các linh mục và đại diện các Hội Đồng Giáo Xứ trong Hạt Vũng Tàu nên đã nhớ rõ một số chi tiết để ghi lại trong bài này. Người chủ thầu và một số nhân công sau khi hoàn thành pho tượng đã xin gia nhập đạo Công Giáo vì chính họ thấy tận mắt những phép lạ. Một trong những phép lạ xảy ra là lúc chuẩn bị đổ xi-măng mũ triều thiên trên đầu tượng, cũng như lúc đổ bê tông trên cánh tay, hàng tạ xi-măng đã trộn xong thì trời chuyển mưa.
Các nhân công đều nói không thể đổ được vì mưa to sẽ làm trôi xi-măng, nhưng bác sĩ Tuyến bảo, “Các anh cứ đổ cho tôi,” và ông âm thầm cầu nguyện. Mưa bắt đầu trút nước xuống ào ào xung quanh tượng, cách chừng một cánh tay, nhưng tuyệt nhiên chỗ cần đổ xi-măng khô ráo không hề có một giọt mưa. Sau đó thêm một hai lần phép lạ xảy ra lúc đổ ciment ở các phần khác khiến một số công nhân và ngay cả ông chủ thầu đều tin và xin được theo đạo.

Bức tượng Chúa Kitô trên núi Tao Phùng cao 32 mét. Muốn lên đỉnh tượng phải dùng cầu thang trong lòng tượng. Lúc còn đang xây dựng, người lên đỉnh tượng có thể đi trên cánh tay tượng ra đến lòng bàn tay, chứng tỏ pho tượng lúc đó là pho tượng Chúa lớn nhất tại Việt Nam. Dưới chân tượng là một khối hình lục giác, xung quanh có khắc phù điêu. Công trình gần hoàn tất thì biến cố 30.4.1975 xảy ra khiến việc xây dựng phải tạm ngưng.

Sau khi đến được Hoa Kỳ, bác sĩ Tuyến tiếp tục theo học và tốt nghiệp tiến sĩ, ông được mời làm Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Đông Phương South Bays University và dạy tại trường này. Ông đã tiếp tục gửi tiền về xây cất hoàn tất Tượng Đài Chúa Kitô.

Với công trình vĩ đại này, theo đề nghị của Đức Giám Mục Xuân Lộc, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo Đệ Nhị đã ân thưởng bác sĩ Lê Quang Tuyến huy chương Benemerenti vào ngày 31.12.1974 là huy chương cao quý của Tòa Thánh.

Trong thánh lễ an táng, Linh mục Nguyễn Văn Luân đã có bài giảng xúc tích về cuộc đời và công trạng của bác sĩ Tuyến trước mặt Chúa, và cha đã thay mặt Đức Giám Mục giáo phận Thanh Hóa chia buồn với bà quả phụ Trần Bích Dung và đại tang quyến.

Hai linh mục Phạm Ngọc Tuấn và cha Dũng cùng ông Phó Chủ Tịch Cộng Đoàn Thánh Giuse Saint Barbra cũng ngỏ lời chia buồn với tang quyến. Hai đại diện tang gia đã lên ngỏ lời cám ơn quý cha và toàn thề tín hữu tham dự thánh lễ, cầu nguyện và tiễn đưa linh cữu bác sĩ Tuyến đến phòng hỏa thiêu tại Peek Family. Sau đó tro cốt của bác sĩ Tuyến sẽ được đem về để tại Tượng Đài Chúa Kitô trên núi Tao Phùng, Vũng Tàu, Việt Nam.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT