Chuyện Nước Pháp

Viếng thăm vườn Bách Thảo Montet

Wednesday, 02/04/2014 - 10:31:52

Vườn Montet rộng 86 hectares (1 hectare = 10,000 mét vuông) với tài sản cây cối phong phú lên đến 16.000 loại thực vật chia ra theo 15 chủ đề sưu tập và 5 nhà kính được sưởi ấm thường trực cho vùng nhiệt đới.



Hoa lan Paphiopedilum insigne.
 
Vườn Montet rộng 86 hectares (1 hectare = 10,000 mét vuông) với tài sản cây cối phong phú lên đến 16.000 loại thực vật chia ra theo 15 chủ đề sưu tập và 5 nhà kính được sưởi ấm thường trực cho vùng nhiệt đới.

Montet là một trong hai khu đất thuộc Viện Bảo Tồn Bách Thảo ở miền Đông nước Pháp, khu đất thứ nhì nằm ở vùng núi cao Les Vosges. Viện Bảo Tồn được thành lập từ năm 1758 (thế kỷ thứ 18, trước khi người Pháp đi xâm chiến nước ta) do Công Tước Stanislas sáng lập. Nhiệm vụ đầu tiên của vườn Montet trong mục tiêu chia sẻ kiến thức là:

- Nơi trồng trọt thí nghiệm khoa học các mẫu cây lúa, thực vật có tác dụng tốt về nông nghiệp liên quan đến trường Đại Học Bách Khoa ngành Nông nói riêng (ENSAIA).

- Bảo tồn các loại thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

- Bảo tồn và nhân giống làm phong phú thêm các thứ cây cối có sẵn.

- Tác dụng Giáo Dục dân chúng đến thăm viếng Vườn về các loại cây và sự khác biệt giống loài rất đặc sắc.

- Kiểm kê các loại thực vật và nêu tên chúng.

- Huấn tập nghề nghiệp chuyên ngành.

- Giúp cho các nghiên cứu khoa học sâu rộng ngành Nông và Thực vật.

- Trao đổi kiến thức với hơn 800 cơ sở truyền thông quan tâm đến Vườn Bách Thảo.

Nhiệm vụ thứ nhì là tổ chức rất nhiều sinh hoạt bổ ích và lành mạnh như Triển Lãm hoa cảnh, Viếng thăm có hướng dẫn, Họp Báo khoa học và Kiến thức thông dụng, Dạy cắm hoa kiểu Nhật, Dạy Làm Vườn Cây Cảnh, Dạy Vẽ đủ loại thực vật phong phú nơi đây. Nơi văn phòng có bán thêm sách, tranh ảnh, tài liệu, kỷ vật cho công chúng.

Vào ngày cuối tuần, du khách đến viếng thăm vườn bách thảo khá đông, xe hơi đậu đầy bãi xi-măng rộng trước cửa. Nếu chỉ đi tham quan bên ngoài thì miễn phí, còn viếng thăm nhà kính có vé vào cửa. Vốn là dân gốc gác vùng Nhiệt đới miền Nam nước Việt nên ngã rẽ tâm tình đưa người da vàng đến gặp ngay những cành Lan tuyệt đẹp trong gian phòng nhỏ (nhà kính số 1).

Hoa lan Paphiopedilum insigne, mọc ở Đông-Bắc Ấn Độ (Assam), Népal, Việt Nam và Thái Lan, Trung Hoa. Chùm lá xanh dầy và dài mọc tỏa ra theo hình cánh quạt, hoa có từ 1 đến 4 cái đủ màu sắc như trắng, xanh lá cây, nâu, hồng, đỏ với những chấm lấm tấm. Hoa lan loại này có tên gọi đặc sắc là do chiếc "hài" trông giống như để người mang vào chân (pedi), còn gọi là Sabot de Venus (giày đẹp của nữ thần nhan sắc Venus).

Chiếc giày dễ thương này được che lọng trên đầu và có hai tỳ nữ cánh nhung hầu cận đôi bên trông thật quý phái nhờ đường viền uốn lượn cầu kỳ có mép trắng hoặc xanh lá cây thật thanh nhã. Loại lan này - còn gọi là Hài Lan - tương đối dễ trồng vì chúng mọc hoặc trên đá hoặc trên cây khác giống, nhưng không ăn bám làm hại, chỉ cần không gian ẩm nóng và chất nuôi dưỡng là đất thường pha trộn với vỏ cây. Nước tưới 1 lần hàng tuần, không nên phun bằng bình chứa vòi sen dễ làm ung thối lá cây. Lý tưởng nhất là để chậu lan lên trên các hòn bi hay đá cách ly trong đĩa rộng chứa nước để nước bốc hơi nuôi rễ, đồng thời nơi lan ở phải có ánh sáng kha khá.

Lan Hài xanh lá cây có chấm đỏ, mũi hài mầu nâu nhạt, lọng và cánh hoa có màu hồng trông thật xinh đẹp. Nhiều giỏ lan tuyệt vời khác treo quanh, nhưng thuộc giống lạ ; dễ phân biệt vì không có "chiếc guốc gỗ" mang kè kè trước mặt.

Cũng trong nhà kính này, có cây Mắc Cở bên nhà đụng vào hai rèm lá từ từ xếp lại thật dịu dàng và thứ tự. Tên của nó là Mimosa pudica. Sự xếp lá tự động khi có đụng chạm do các tế bào đẩy nước ra để bảo vệ lá cây không bị hư hại hay súc vật ăn nó, điều này thật ngoạn mục và hiếm có trong giới thực vật.

Nhà kính số 2 mang tên "Vùng nhiệt đới" vừa nóng ẩm vừa mát mẻ nhờ hơi nước tỏa ra thường trực. Nơi này gợi nhớ nhiều đến quê hương miệt vườn qua những dề lục bình nổi trôi trên hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của vùng Cửu Long bát ngát xanh tươi phì nhiêu lúa dừa. Lục bình tên gọi là Jacinthe d'Eau với tên khoa học là Eichhormia crassipes mọc hoang dại và lan tràn trên sông, hồ, kinh đào, mương nước miệt vườn có nguồn gốc từ xứ Ba-Tây (Brésil).

Với lá cây dầy, thân cứng chắc, hoa màu tím đẹp mắt, rễ mọc nằm dưới nước dài đến 3 thước màu tím đậm lục bình có thể trở thành đại họa cho hệ sinh thái thực vật và động vật khi nó xâm chiếm quá nhiều vùng lãnh thủy địa phương. Mỗi một hoa lục bình cho ra 450 hạt giống ; hàng ngày trong điều kiện sinh sản và trưởng thành tốt nhất, lục bình lớn rất nhanh và dài ra từ 2 đến 3 mét!

May thay cho dân Việt xứ ta có thể thu hoạch lục bình về bán làm hoa màu và giúp cho hệ sinh thái cân bằng. Chỉ có người và con Lamantin (một loại thú hiền như hải cẩu nước ngọt) có thể làm giảm thiểu tấm thảm lục bình dày đặc che mất ánh sáng và lấy hết dưỡng khí cho cá hay rong rêu bên dưới đáy nước. Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan vớt rễ lục bình phơi khô làm dây cột thân tre (thủ công nghệ) hay làm thức ăn cho gia súc.

Ngoài ra còn có các thứ bèo rất quen thuộc để thả trong các bồn nuôi cá cảnh, cá đá, cá tàu ; có cả cây lúa vừa gần vừa xa đối với dân thành thị. Sen và súng chưa ra hoa, chỉ có đám lá bản rộng mà thôi.

Nhà kính số 3 chứa các loại cây thuốc, cây dùng trong chế biến kỹ nghệ thức ăn, cây dùng trong sợi may mặc. Loài cây thuốc (gồm thân, rễ, lá, hoa, vỏ cây ... dùng làm dược liệu trị bệnh) như cây hoa nhỏ Pervenche de Madagascar, loài hoa này thường thấy bên nhà, rất dễ trồng. Tên gọi là hoa hải đăng, bông dừa cạn. Loại hoa này chứa trong lá gần 70 hoạt chất có tính kiềm dùng để trị ung thư, bệnh tiêu hóa, có thể ăn được.

Có loại cây nha đam (Aloe vera) trị phỏng da, làm êm dịu vết đau, có thể dùng làm nước uống bổ dưỡng.
Cây dùng trong kỹ nghệ chế biến thức ăn: các thứ cây cà phê, mía, đu đủ, xoài. Đặc biệt có cây Henne lawsonia inerma dùng trong thuốc nhuộm tóc thiên nhiên. Cạnh đó, có cây cao-su lấy mủ. Cây cho Tứ vị hương dùng làm gia vị thơm ngon. Lại thấy tận mắt cây Vải ngày xưa quả chỉ để cho vua chúa thưởng thức (Litchi).

Cây cho sợi: cây Sisal (Agave) dùng làm thảm, dây thừng, võng. Cây Lin và Coton (sợi gòn) dùng làm áo quần. Loại cây Ramie dùng làm giấy bạc nhà băng. Loại cây Jojoba gốc gác Nam Cali dùng làm dầu bôi trơn mượt tóc.

Nhà kính số 4 tiếp theo vùng nhiệt đới còn nóng và ẩm hơn cả, vì chứa đựng tượng trưng khoảng 70% thực vật trên quả đất trong vòng 1 hectare với 750 loài khác nhau. Vùng Ôn đới chỉ có 40 loại như ở Pháp. Cây cối nơi đây có thể cao đến 50 mét, đặc trưng nhất là vùng đất Amazonie. Khách vào đây như bị dội ra ngoài vì không khí nóng ẩm lạ lùng; nhiệt kế khổng lồ để ngay cửa vào chỉ tới 30 độ C, giống như từ rạp hát xi-nê có máy lạnh bước ra đường!

Nhà kính số 5 chứa đầy cây xương rồng gai góc đến từ các vùng khô cằn của Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ khiến người xem nhớ nhiều đến các phim cao-bồi ngày xưa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT