Thế Giới

Viên chức tình báo Saudi là nhân vật then chốt vụ ký giả mất tích

Thursday, 18/10/2018 - 09:18:08

Ông Dujarric nói, Tổng Thư Ký Guterres muốn sự thật phải được phơi bày, tuy nhiên, ông cần thêm một thời gian để chờ tiến triển từ cuộc điều tra hiện nay của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

ANKARA – Truyền thông Hoa Kỳ hôm thứ Năm dẫn một nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, viên chức tình báo Ả Rập Saudi, ông Maher Abdulaziz Mutreb, được coi là người có vai trò “then chốt” trong vụ ám sát ký giả bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi. Nguồn tin nói rằng ông Mutreb hoàn toàn biết trước về kế hoạch nhắm vào ông Khashoggi. Ông Mutreb, người từng là viên chức cấp cao của tòa đại sứ Saudi ở London và được cho là một đại tá tình báo, có liên hệ mật thiết với Thái Tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ông Mutreb là 1 trong 15 người đàn ông Saudi được nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho là có liên quan với vụ mất tích của ký giả Khashoggi.
Bốn bức ảnh, được tờ báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đăng hôm thứ Năm, cho thấy ông Mutreb đã xuất hiện ở Istanbul vào ngày 2 tháng 10, cũng là ngày ông Khashoggi bước vào lãnh sự quán Saudi và mất tích. Trong khi đó, vào thứ Năm, 3 tổ chức nhân quyền hàng đầu đã tổ chức họp báo, yêu cầu Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về vụ mất tích của ông Khashoggi. Đồng thời, các lãnh đạo châu Âu cũng gia tăng áp lực và 2 viên chức Hoa Kỳ đã hủy kế hoạch tham dự một hội nghị lớn ở Ả Rập Saudi trong tháng này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Stephane Dujarric của Liên Hiệp Quốc cho biết, hiện giờ vẫn còn quá sớm để Tổng Thư Ký Antonio Guterres ra lệnh điều tra. Ông Dujarric nói, Tổng Thư Ký Guterres muốn sự thật phải được phơi bày, tuy nhiên, ông cần thêm một thời gian để chờ tiến triển từ cuộc điều tra hiện nay của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Bệnh bò điên xuất hiện ở Scotland
LONDON – Một trường hợp bệnh bò điên đã được báo cáo tại một nông trại ở Scotland. Nhà chức trách đã lập tức ra lệnh cấm vận chuyển đối với các động vật tại một nông trại không được nêu tên ở Aberdeenshire, Scotland, sau khi phát hiện 1 con bò bị bệnh Bovine spongiform encephalopathy (BSE), còn gọi là bệnh bò điên. Nhà chức trách cho biết, mọi biện pháp đề phòng đã được thực hiện theo quy định, và nguồn gốc căn bệnh hiện đang được điều tra. Các viên chức cũng nói rằng người tiêu thụ không nên lo ngại, vì con vật nhiễm bệnh chưa bị đưa vào chuỗi dây chuyền cung cấp thực phẩm cho con người.
Ca bệnh được phát hiện trong một đợt kiểm tra thường kỳ tại một nông trại ở Aberdeenshire, ở vùng đông bắc Scotland. Theo quy định, mọi con bò trên 4 tuổi bị chết đều được kiểm tra bệnh BSE, và nếu kết quả xét nghiệm dương tính, mọi con non của con bò này đều bị cô lập và bị tiêu diệt sau đó theo luật của EU. Nhà chức trách cũng kêu gọi các nông trại lân cận chú ý theo dõi đàn gia súc của họ và thông báo ngay nếu phát hiện bất thường. Vào thập niên 90, một đợt bùng phát bệnh BSE đã khiến EU ra lệnh cấm nhập cảng thịt bò từ Anh quốc suốt 10 năm, và chỉ dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 2006.
Bệnh bò điên đạt đỉnh điểm vào năm 1992-1993 tại Anh, với hơn 100,000 con bò mắc bệnh. Căn bệnh này có thể lây sang người, nếu con người ăn thịt bò bị nhiễm bệnh. Đây là căn bệnh hiếm, ảnh hưởng đến não, và có thể gây tử vong.

Bắt 2 người cung cấp hàng xa xỉ cho Bắc Hàn
SINGAPORE - Hai người đàn ông đã bị bắt vì tiếp tay cho các công ty cung cấp sang Bắc Hàn các loại hàng xa xỉ bị Liên Hiệp Quốc cấm như trang sức và đồng hồ. Ông Chong Hock Yen, 58 tuổi, công dân Singapore, hôm thứ Năm bị buộc tội tiếp tay cho 3 công ty cung cấp các hàng hóa xa xỉ như trang sức, đồng hồ làm từ kim loại quý, cho Bắc Hàn 43 lần từ 27 tháng 12, 2010 đến 18 tháng 11, 2016. Chong đã vi phạm lệnh trừng phạt 2010 của Liên Hiệp Quốc, trong đó cấm công dân các quốc gia thành viên bán hoặc cung cấp mọi hàng hóa xa xỉ cho bất cứ ai ở Bắc Hàn. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc năm ngoái đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn, sau hàng loạt vụ thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn của nước này.
Những công ty đầu mối cho Chong là SCN Singapore, Laurich International và Sindok Trading cũng bị buộc tội. Ngoài ra, ông Li Hyon, 30 tuổi, công dân Bắc Hàn, cũng bị cáo buộc tiếp tay cho hai công ty cung cấp các hàng hóa xa xỉ bị cấm tương tự cho Bắc Hàn 14 lần, từ 17 tháng 9, 2014 đến 5 tháng 1, 2017. "Singapore thực hiện nghĩa vụ của mình theo Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An một cách nghiêm túc, đầy đủ và trung thực. Chúng tôi sẽ không do dự chống lại bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm luật pháp,” cảnh sát Singapore nói.

2 viên chức hàng đầu của Afghanistan bị ám sát
KANDAHAR – Trung Tướng Abdul Razeq, chỉ huy lực lượng cảnh sát ở tỉnhKandahar và là một trong các viên chức an ninh quyền lực nhất của Afghanistan, đã bị sát hại vào thứ Năm, do bị một vệ sĩ nổ súng tấn công sau một cuộc họp tại văn phòng tỉnh trưởng tại tỉnh Kandahar ở miền nam. Tướng Scott Miller, chỉ huy Hoa Kỳ hàng đầu tại Afghanistan, cũng có mặt trong cuộc họp với Tướng Razeq trước đó, nhưng không bị thương trong vụ tấn công. Ngoài Tướng Razeq, ông Abdul Mohmin, chỉ huy địa phương của cơ quan tình báo NDS, cũng thiệt mạng và người tỉnh trưởng bị thương nặng. Tổ chức Taliban đã nhận trách nhiệm cho vụ tấn công, nói rằng họ nhắm vào cả Tướng Miller và Tướng Razeq, người nổi tiếng là hết sức tàn nhẫn đối với phiến quân.
Vụ tấn công là một tổn thất lớn cho chính phủ Afghanistan vào trước cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 20 tháng 10. Taliban đã thề sẽ phá hoại sự kiện này. Tướng Razeq bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích rất nhiều, nhưng lại được các viên chức Hoa Kỳ tôn trọng vì cho rằng ông là một trong những lãnh đạo hiệu quả nhất của Afghanistan. Là một chỉ huy nổi tiếng, Tướng Razeq từng sống sót qua một số âm mưu ám sát trước đây, bao gồm cả một vụ tấn công vào năm ngoái vốn đã khiến 5 nhà ngoại giao từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thiệt mạng. Nhà chức trách cho biết, một trong các vệ sĩ của tỉnh trưởng đã nổ súng vào Tướng Razeq khi ông vừa bước ra từ cuộc họp với Tướng Miller. Khi đó, Tướng Razeq, tỉnh trưởng, và một số viên chức, đang tiễn Tướng Miller và các nhân viên nước ngoài khác lên trực thăng. Phát ngôn viên NATO Knut Peters và Tướng Miller không bị thương, nhưng hai người Mỹ khác đã bị trúng đạn trong sự việc.

Indonesia gọi đánh cá lậu của Trung Quốc là tội phạm
JAKARTA - Bà Susi Pudjiastuti, Bộ Trưởng Ngư Nghiệp và Hải Vụ Indonesia, trong cuộc họp báo mới đây đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, gọi hoạt động đánh cá của nước này là một loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Các tuyên bố của bà Pudjiastuti được đưa ra chỉ hơn 1 tuần trước khi hội nghị Our Oceans Conference diễn ra tại Bali, nơi các nước sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển, và nạn khai thác hải sản quá mức. Trong suốt 4 năm qua, Indonesia đã ngăn chận khoảng 10,000 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép tại vùng biển nước này, với hơn phân nửa tàu thuyền trong số này đều là loại có trọng tải lớn. Hàng trăm tàu cá đã bị thu giữ và đánh chìm, một số tàu khác bị phá nổ theo lệnh của bà Pudjiastuti.
Các tàu này đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và Philippines. Một số tàu tìm cách che giấu xuất xứ bằng cách treo nhiều lá cờ, hoặc ghi danh dưới tên các công ty giả mạo ở Indonesia hoặc nơi khác. Trung Quốc, nước sở hữu hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới, nói rằng nước này luôn quan tâm tới việc bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, do nguồn hải sản tại Trung Quốc ngày càng giảm, Bắc Kinh có vẻ như đang khuyến khích các ngư dân “đánh cá xa bờ,” xa hơn rất nhiều so với vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Bộ Trưởng Pudjiastuti cáo buộc đa số các tàu đánh cá trái phép tại Indonesia đều xuất xứ từ Trung Quốc, và sử dụng thủy thủ đoàn đa quốc gia. Nữ bộ trưởng cũng kêu gọi thế giới tham gia nhiều hơn vào nỗ lực chống đánh cá lậu, trong bối cảnh các tàu cá trái phép ngày càng có nhiều chiến thuật tinh vi với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Solomon có nguy cơ mất rừng vì Trung Quốc
HONIARA - Solomon, quốc đảo ở vùng nam Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng, do nhu cầu nhập cảng gỗ của các đối tác Trung Quốc quá lớn khiến tốc độ chặt rừng nhiệt đới của Solomon nhanh gấp 20 lần chỉ số bền vững. Báo cáo ngày thứ Năm của tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh quốc), cho biết tốc độ chặt rừng nhiệt đới của quốc đảo Solomon cao gấp gần 20 lần chỉ số bền vững. Tổng lượng xuất cảng gỗ, mặt hàng xuất cảng nhiều nhất của Solomon, đạt 3 triệu mét khối vào năm 2017, tăng 20% so với trước đó. Doanh thu mang về ước tính $360 triệu Mỹ kim.
Global Witness đã khuyến cáo các hậu quả môi trường với Solomon, rằng nếu quốc đảo này duy trì tốc độ phá rừng như hiện tại, rừng nhiệt đới tại đây sẽ biến mất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Solomon. Ngoài ra, tình trạng mất rừng cũng làm mất đi nguồn trái cây tự nhiên và rau, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển của động-thực vật và sinh kế của người dân. Số liệu của Global Witness cho thấy phần lớn gỗ của Solomon được bán sang Trung Quốc, nước nhập cảng gỗ hàng đầu thế giới.
Theo Global Witness, với diện tích rừng hiện tại, chỉ số khai thác bền vững với Solomon là 155,000 mét khối gỗ/năm. Trong các nghiên cứu khác, con số được coi là bền vững với quốc đảo này cũng không vượt quá 300,000 mét khối. Global Witness không ước đoán thời điểm rừng ở Solomon có thể bị cạn kiệt, nhưng theo một ước tính của chính Bộ Lâm Nghiệp Solomon vào năm 2011, với tốc độ khai thác hiện nay, rừng nhiệt đới ở Solomon sẽ cạn kiệt vào năm 2036.

Sri Lanka hủy dự án $300 triệu hợp tác với Trung Quốc
COLOMBO – Chính phủ Sri Lanka đã rút lại quyết định hợp tác với một hãng Trung Quốc trong dự án xây nhà ở trị giá $300 triệu Mỹ kim, và sẽ hợp tác với công ty Ấn Độ. Thông tin này được đưa ra ngay trước chuyến thăm của Thủ Tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tới Ấn Độ và gặp gỡ Thủ Tướng Narendra Modi vào cuối tuần này. Hồi tháng 4, tập đoàn quốc doanh China Railway Beijing Engineering (CRBE) đã trúng thầu hợp đồng trị giá hơn $300 triệu Mỹ kim để xây dựng 40,000 ngôi nhà ở Jaffna, phía bắc Sri Lanka, với khoản vay từ Ngân hàng xuất nhập cảng Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự án bị gián đoạn sau khi người dân Sri Lanka yêu cầu phải xây nhà bằng gạch. Người địa phương thích loại nhà xây theo kiểu truyền thống hơn là kiểu xây nhà bằng các tấm bê-tông như hãng Trung Quốc đề nghị. Vào thứ Tư, phát ngôn viên chính phủ Sri Lanka Rajitha Senaratne cho biết nội các nước này đã phê chuẩn dự án xây dựng 28,000 căn nhà, trị giá $210 triệu Mỹ kim, của công ty Ấn Độ ND Enterprises hợp tác với 2 công ty của Sri Lanka.
Ông Senaratne cho biết những căn nhà nêu trên là một phần trong kế hoạch xây 65,000 căn nhà của chính phủ Colombo. Vào thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Colombo dựa trên nguyên tắc bình đẳng và công bằng, và ông hy vọng những thương vụ hợp tác sau này giữa 2 nước sẽ được xem xét một cách khách quan. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và cảng biển mà Sri Lanka hợp tác với Trung Quốc đang đẩy Colombo vào “bẫy nợ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT