Sức Khỏe

Viêm tai ngoài

Friday, 23/06/2017 - 08:42:14

Viêm tai ngoài thường gây ra do những vi trùng thường có trong môi trường chung quanh, ít khi do vi nấm hay siêu vi.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Mùa hè đang có mặt ngay đây với những trận nắng kinh hồn, nắng thiêu cháy mọi thứ. Trời này mà đi bơi thì không còn gì thích hơn. Các em nhỏ đang nghỉ hè có thể dầm mình trong nước cả ngày mà không ngán. Nhưng coi chừng, dầm nước hồ bơi quá nhiều có thể đưa tới một bệnh rất thông thường cho người đi bơi, đó là bệnh viêm tai ngoài, còn gọi là bệnh tai của người bơi (swimmers' ear). Tai chúng ta thường được chia làm 3 phần: tai ngoài gồm lỗ tai với ống dẫn vào trong (ear canal), tai giữa gồm màng nhĩ và khoảng trống sau màng nhĩ với chuỗi xương nhỏ dẫn âm thanh, và tai trong là phần sau nữa với những bộ phận thần kinh chuyển âm thanh. Nhờ màng nhĩ ngăn chặn, người đi bơi không bị viêm tai giữa nhưng vi trùng trong nước hồ bơi sẽ tấn công phần tai ngoài dễ dàng khi ống dẫn bị ẩm ướt lâu do ngâm trong nước hồ bơi.



Cấu tạo tai

Triệu chứng

Thường lúc đầu triệu chứng không có gì nhiều, chỉ là hơi ngứa trong tai, ống dẫn hơi đỏ và đau với chút nước chảy ra. Nhưng dần dần, triệu chứng sẽ nặng hơn lên và gồm có:
- ống dẫn đỏ lên
- chảy nước tai nhiều hơn
- chảy mủ
- đau tai,nhất là khi chuyển động vành tai hoặc nhấn vô vùng phía trước tai
- cảm thấy tai bị đầy
- nghe lùng bùng

Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị:
- đau tai dữ dội
- sưng bên trong tai hay hạch ở cổ
- phía ngoài ống dẫn đỏ và sưng lên
- da bên ngoài tai có vẩy, tróc da

Nguyên nhân

Ống dẫn tai được trang bị nhiều thứ để chống nhiễm trùng.
Những tuyến bài tiết trong thành ống tiết ra ráy tai:
- tạo thành một lớp mỏng chống nước, lót ống dẫn. Lớp này có tính chất a xít khiến vi trùng khó bám trụ và sinh sản. Nó cũng chứa vài loại chất đạm có tính kháng sinh.
- lớp ráy tai này cũng hứng bụi, tế bào chết và những chất dơ khác để chuyển ra ngoài

Ngoài ra ống dẫn tai cũng được cấu tạo để che chở tai giữa và trong bằng hình dạng hơi xiên và dốc xuống từ màng nhĩ để nước chảy ra ngoài dễ dàng.

Bạn bị viêm tai ngoài là do những cơ chế tự bảo vệ này đã bị phá hủy khiến vi trùng xâm nhập vào lớp da của ống dẫn do:
- quá ẩm ướt trong tai từ việc bơi lội nhiều hoặc nước bị giữ lại trong tai khiến ráy tai bị nhũn ra và bớt tính acid.
- ống dẫn tai bị trầy do chúng ta ngoáy tai
- ống dẫn tai bị sưng do dị ứng với những chất keo xịt tóc hoặc nữ trang

Viêm tai ngoài thường gây ra do những vi trùng thường có trong môi trường chung quanh, ít khi do vi nấm hay siêu vi.

Viêm tai ngoài

Yếu tố khiến dễ mắc bệnh

- Bơi lội
- Bơi trong nước bẩn, thí dụ như ở ao hồ
- Ống dẫn tai quá nhỏ, thí dụ như ở trẻ em, khiến nước bị giữ lại trong tai
- Ráy tai quá nhiều khiến nước bị giữ lại trong tai
- Ngoáy tai quá sạch làm mất hết ráy tai
- Làm trầy ống dẫn tai do ngoáy tai
- Đeo những thứ làm nước bị giữ lại trong tai, thí dụ như máy nghe hay mũ bơi
- Dị ứng da do nữ trang hay thuốc xịt tóc, thuốc nhuộm tóc...

Biến chứng

Bệnh viêm tai ngoài ít khi gây ra biến chứng nặng nhưng đôi khi bệnh nhân có thể bị:
- Mất thính giác tạm thời do nghe lùng bùng
- Viêm tai ngoài kinh niên: kéo dài quá 3 tháng, thường là do nhiễm 1 loại vi trùng khác thường, bị dị ứng da, dị ứng thuốc trụ sinh hoặc bị nhiễm vừa vi trùng vừa vi nấm...
- Nhiễm trùng da sâu (cellulitis): nhiễm trùng lan sâu xuống lớp da và mô liên kết phía dưới
- Xương phần dưới của sọ và sụn của phần tai ngoài bị hủy hoại khi nhiễm trùng tai ngoài lan rộng, gây ra đau đớn dữ dội. Biến chứng này thường thấy ở người lớn tuổi, người bị bệnh tiểu đường hay người có hệ miễn nhiễm kém.
- Bệnh lan rộng hơn: nếu đã tới giai đoạn xương và sụn bị hủy, nhiễm trùng có thể lan tới óc hay hệ thần kinh kế bên tai đưa tới nguy hiểm tính mạng.

Chữa trị

- Giữ tai khô, không đi bơi lặn, không đi máy bay trong lúc bệnh
- Có thể uống thuốc giảm đau như Tylenol hay Advil
- Bác sĩ có thể phải làm sạch ống dẫn tai và cho toa mua thuốc nhỏ tai gồm có những chất như chất có tính acid, chất giảm viêm và thuốc trụ sinh hoặc thuốc chống vi nấm
Sau khi nhỏ tai cần dùng bông nút tai lại để chất thuốc giữ được trong tai.
- Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể cho uống thêm thuốc trụ sinh.
- Không đeo máy nghe hay nút tai khi đang bị bệnh.
- Tránh nước vào tai khi tắm bằng cách dùng bông nút tai

Phòng ngừa

- Giữ tai khô bằng cách lau kỹ với khăn lông một cách nhẹ nhàng sau khi tắm hay bơi
- Nghiêng đầu qua một bên cho nước chảy hết ra ngoài
- Nếu màng nhĩ còn nguyên không bị thủng, có thể pha dung dịch như sau để nhỏ vào tai trước và sau khi đi bơi: pha 1 phần giấm trắng, 1 phần rubbing alcohol. Nhỏ 5 ml vào tai và nghiêng cho chảy ra.
- Chỉ bơi nơi nước sạch như hồ bơi
- Không cho vật lạ vào tai. Tránh cạy ráy tai cứng. Không dùng cây bông gòn, cái kẹp giấc, kẹp tóc để ngoáy tai vì ráy tai sẽ bị đẩy vào sâu hơn và có thể làm trầy ống dẫn tai.
- Bảo vệ tai. Tránh dùng những chất có thể gây dị ứng tai như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc. Nếu phải dùng, nên che tai lại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT