Phóng Sự

Việc hậu sự của đời người (kỳ 8)

Sunday, 26/10/2014 - 11:39:23

Thường thì lưu giữ lại tro cốt của người mất thờ cúng tro cốt ở đâu là sở thích của từng gia đình. Có gia đình mang tro cốt về nghĩa trang an táng, xây mộ, phủ cỏ xanh lên như mọi ngôi mộ khác.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong phong tục tang ma của người Việt, có hai hình thức thường được áp dụng là địa táng và hỏa táng cho người quá cố.
Nếu chọn hình thức địa táng sẽ tốn kém hơn hỏa táng vì phải mua mộ phần. Chi phí này bao gồm: huyệt; kim tĩnh; mộ bia; công đào, lấp đất; công đặt mộ bia; công đặt kim tĩnh; bình cắm hoa; cắt cỏ & bảo trì.
Giá trung bình tổng cộng những dịch vụ trên khoảng từ 7 ngàn đến 10 ngàn mỹ kim (hoặc nhiều hơn tùy vào vị trí giá đất, giá tiền các loại kim tĩnh và mộ bia).
Còn với hình thức hỏa táng, không tốn chi phí cho mộ phần, kim tĩnh như với hình thức địa táng. Hỏa táng (hay được gọi là thiêu) là hình thức an táng người chết bằng cách thiêu xác thành tro rồi đựng trong hũ, bình.

Quan tài dùng cho việc chuyên chở thi thể.



Thường thì lưu giữ lại tro cốt của người mất thờ cúng tro cốt ở đâu là sở thích của từng gia đình. Có gia đình mang tro cốt về nghĩa trang an táng, xây mộ, phủ cỏ xanh lên như mọi ngôi mộ khác.
Chị Tố Nga Nguyễn (là quản lý của quản lý của bộ phận bán đất nghĩa trang và dịch vụ tang lễ tại công viên tưởng niệm El Camino Memorial Parks & Chapel (5600 Carroll Canyon Rd. San Diego, Ca. 92121) cho biết: “Giá một miếng đất để chôn hủ tro cốt trong các nghĩa trang, trung bình khoảng từ 2 ngàn đến 3 ngàn mỹ kim. Ngoài hình thức này, tại các nghĩa trang luôn có khu vực xây từng ngăn nhỏ sâu vào trong bức tường, gọi là niche, để đựng các hủ tro cốt. Có 3 loại giá tiền cho khu vực để hủ tro cốt. Rẻ nhất là khoảng 3 ngàn chín trăm mỹ kim, khu vực này là trên cao.
“Còn giá tiền mắc nhất là những hộc đựng tro cốt ngang tầm mắt, thường những hộc này thiết kế có thể đựng được 2 hủ hoặc 3 hủ, giá tiền khoảng 10 ngàn mỹ kim. Còn để ngay dưới thấp, thân nhân có thể quỳ xuống được, thì giá rẻ khoảng $4,000 để 1 hũ, còn từ $5,000 đến $6000 là cho 2 hũ. Hoặc với những người theo đạo Công giáo, sẽ chọn cách gửi hũ tro cốt tại các nghĩa trang Công Giáo, có nơi để đựng nhũng hũ tro cốt, như ở nhà Thờ Kiếng có giá khoảng hơn 7 ngàn mỹ kim (chưa đến 8 ngàn), nghĩa trang Chúa Chiên Lành khoảng 4 ngàn mỹ kim... Còn với những Phật tử thì thể theo ước nguyện của người mất, thân nhân sẽ gửi tro cốt vào Chùa.”
Được biết tùy theo mỗi quy định của các Chùa, sẽ có giá tiền khác nhau hoặc có có nơi thân nhân không phải tốn tiền để gửi tro cốt người mất. Thầy Thích Đồng Châu trụ trì của chùa Bồ Đề tại thành phố Santa Ana cho biết chùa Bồ Đề vẫn còn nơi để giữ tro cốt của người mất, thân nhân không cần tốn bất kỳ chi phi phí nào.
Theo anh Thiêm Nguyễn chủ nhân của công ty hòm bia Tobia thì thường các Chùa của người Việt nhận giữ các hũ tro cốt là chỉ trong thời gian ngắn hạn thôi. Vì theo quy định luật pháp của Hoa Kỳ, muốn giữ tro cốt là phải có giấy phép để giữ thi hài mà theo anh biết thì không có chùa nào của người Việt có giấy phép để giữ tro cốt hết. Thường gia đình người mất gửi tạm trong chùa, sau một thời gian sẽ đi rải ngoài biển.
Thầy Đồng Châu cho biết thường hằng năm luôn có gia đình người mất mời thầy cùng thân nhân người mất đưa hũ tro cốt đi rải ngoài biển. Gia đình người mất để tro cốt khoảng 3 năm hoặc 5 năm tùy mỗi gia đình, khi rải ngoài biển, phải mướn tàu và thầy đi theo cùng để đọc thời kinh.
Thầy cho biết khi đi rải tro cốt, phải đến mướn tàu và cho chủ của tàu biết, họ sẽ đưa mình ra xa bờ, có khu vực để rải tro cốt, chứ không phải mình muốn rải ở đâu cũng được, đặc biệt là không được rải gần bờ. Vì để an toàn, nơi cho thuê tàu sẽ đưa mình đi bằng tàu lớn khi ra vùng sâu để rải tro cốt.
Nói thêm về chi phí đám tang, chị Tố Nga Nguyễn cho biết thường với người theo Phật giáo luôn có chi phí đám tang rẻ hơn người theo Công giáo, dù chọn hình thức chôn cất hay hỏa táng. Vì bên Công giáo, trước khi đưa người mất đi chôn hay đi hỏa táng, gia đình luôn tốn thêm chi phí của những Dịch Vụ Cần Thêm:
- Cảnh sát hướng dẫn trên đường phố
- Xe chở áo quan từ nhà quàn đến nhà thờ và sau đó về lại nghĩa trang để chon cất hoặc nơi hỏa táng.
- An táng cuối tuần hoặc hỏa táng cuối tuần.
Trước khi đi chôn hay hỏa táng đều làm phép ở nhà thờ. Vì thường các Linh mục không đến nhà quàn làm phép, mà phải di chuyển quan tài đến nhà thờ làm lễ. Vì đến nhà thờ có sự hiện diện của Chúa sẽ linh nghiệm hơn. Thường làm phép vào thứ Bảy, vì ngày này người ta đi nhà thờ đông. Mà với người vừa qua đời, có nhiều người đến cầu nguyện đông thì càng tốt.
Bên đạo Phật thì chỉ cần mời các thầy đến tụng kinh tại nhà quàn, làm lễ, không cần tốn chi phí cảnh sát lưu thông. Bên công giáo tốn gần cả ngàn mỹ kim cho chi phí di quan đến nhà thờ.
Chi phí của hỏa táng vẫn rẻ hơn hình thức địa táng khoảng 10 ngàn mỹ kim. Đối với các Phật tử thường chọn hình thức hỏa táng, vì theo quan niệm bên Phật giáo về tâm linh khi chết thì phần hồn đã tách khỏi xác, hỏa táng dễ siêu thoát hơn và tro vẫn tồn tại DNA có thể dùng được khi cần đến.
Còn với người theo đạo Công giáo, chị Tố Nga cho biết suốt bao năm chị làm công việc bán đất nghĩa trang và dịch vụ tang lễ, đa phần người Công giáo chọn hình thức địa táng hơn hỏa táng. Vì theo chị bên Công giáo cấm hỏa táng, nhưng về sau giáo hội đã thông qua việc hỏa táng, nên chị đã thấy có người theo Công giáo chọn hình thức này.
Theo tìm hiểu của người viết, có một tài liệu trên mạng giải thích điều này: “Trước Công Đồng Vaticanô II (1962-65), Giáo Hội cấm việc hỏa táng xác người chết vì lý do có bè rối (heresy) đã chống lại niềm tin về sự sống lại của xác kẻ chết như giáo lý Giáo Hội dạy. Nhóm này đã hô hào đốt xác người chết để thách đố xem Giáo Hội còn gì nữa để tin vào sự sống lại của xác kẻ chết đã ra tro bụi. Vì thế, Giáo Hội đã cấm các tín hữu không được thiêu xác người chết để không làm cớ cho những kẻ sai lầm nói trên huênh hoang quảng bá tà thuyết của chúng.
“Rồi thời gian trôi qua, bè rối kia cũng tiêu tan, vì không ai tin theo họ cả, nên từ sau Công Đồng đến nay, Giáo lý mới của Giáo Hội, được Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (nay là Chân Phước) ký ban hành ngày 11 tháng 10 năm 1992 có những lời dạy đáng chú ý như sau về việc hỏa táng và an táng kẻ chết vì tự tử. Về việc hỏa táng (cremation) xác kẻ chết:
“Giáo lý mới mới dạy rằng: "Giáo Hội cho phép hỏa táng, nếu việc này không động đến niềm tin vào sự sống lại của xác kẻ chết". (x. SGLGHCG, số 2301).
“Nghĩa là theo Giáo Hội dạy, thì dù được chôn cất và bị tiêu tan trong lòng đất hay được hỏa thiêu thành tro bụi, xác kẻ chết vẫn được quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại, kết hợp cùng với linh hồn để hoặc được vào an nghỉ muôn đời với Thiên Chúa trong Nước Hằng Sống hay bị xa lìa Thiên Chúa vĩnh viễn trong nơi gọi là hỏa ngục.
“Do đó, người tín hữu ngày nay được phép hỏa táng thân nhân đã qua đời hay đem chôn cất ngoài nghĩa trang như tục lệ đã có từ lâu đời. Nhưng phải tôn trọng xác chết của thân nhân được mai táng hay được thiêu đốt thành tro bụi đựng trong các hộp để cất giữ trong gia đình hay ở nơi nhà thờ nào có nhận cất giữ các hộp tro này. Nghĩa là được hỏa táng nhưng phải tin xác dù đã ra tro bụi, vẫn sẽ được sống lại như Giáo Hội dạy. Do đó, phải cất giữ tro của xác được hỏa táng chứ không được đem ra trải ngoài sông, hồ hay biển cả như những người ngoài Công giáo đã làm. Vì như vậy, là vô tình chia sẻ niềm tin của những người này cho rằng con người là hư không nên phải trở về với hư vô, để tan biến trong thiên nhiên vũ trụ, và không còn hy vọng nào về sự sống lại nữa. Đây là điều nghịch với niềm tin của Kitô Giáo dạy phải “tin xác loài người ngày sau sống lại” (dù được chôn cất hay hỏa thiêu), như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính mỗi ngày Chúa Nhật và Lễ trọng.” (bh)
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT