Phóng Sự

Việc hậu sự của đời người (kỳ 2)

Sunday, 14/09/2014 - 10:48:37

Ngay cả chi tiết thân thế cũng nên ghi chú lại cho con cháu rõ, đến khi con cháu ghi cáo phó, sẽ không bị trách vì chi tiết thiếu chính xác. Nhất là với những vị cựu quân nhân VNCH, cấp bậc trước đây...”

Băng Huyền/ Viễn Đông

Con người không phải mỗi ngày một trẻ ra mà ngày một già đi và cứ mỗi năm trôi qua mang chúng ta đến gần việc rời xa “cõi tạm” để đi về cõi vĩnh hằng.
Theo Đại Đức Thích Đồng Châu trụ trì chùa Bồ Đề (thành phố Santa Ana) thì bình thường con người không để ý đến những đau khổ trong “sanh, già, bệnh,” tuy nhiên cái khổ nhất của con người chính là tử, thì con người hầu như rất run sợ khi nghĩ đến. Vì vậy để cho sự chết không có sợ hãi, đòi hỏi chúng ta phải tu tập và ý thức ngay khi còn đang sống. Đại Đức Thích Đồng Châu nói, “Ai cũng sẽ phải chết thì tại sao chúng ta không để ý đến làm sao để sống cho trọn vẹn? Đánh giá lại đời sống mình, thẩm xét lại vị trí của mình và xem xét liệu cuộc đời mà chúng ta đang sống có đi đúng hướng của trí tuệ và từ bi?
“Đức Phật đã dạy rằng đời sống thì vô thường nhưng cái chết thì hữu thường. Chết là một sự thật được diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút trong đời sống. Vì thế, tốt hơn mỗi người nên tìm hiểu tiến trình này để chúng ta đừng sợ hãi và biết đối diện với nó trong tỉnh thức. Khi chúng ta luôn có ý niệm chúng ta sẽ mất đi, thì chúng ta sẽ sống khác đi, mỗi giây phút còn sống thì phải làm những điều chín chắn, suy nghĩ, nói năng chín chắn, làm những điều có ích cho mình, cho người... Mỗi người đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.”

 
Đại Đức Thích Đồng Châu đang hướng dẫn phần tu tập cho các phật tử tại chùa Bồ Đề. (Hình do Đại Đức Thích Đồng Châu cung cấp)




Cũng theo Đại Đức Thích Đồng Châu khi tuổi già ngã bệnh, đã chữa trị hết cách và bác sĩ, bệnh viện chịu thua. Lúc này họ rất cần sự chuẩn bị để thanh thản bình an ra đi, để được điều này rất cần thân nhân giúp thực hiện nguyện vọng của họ và chuẩn bị cho họ một niềm tin và sự hy vọng vào cuộc sống bên kia cái chết. Theo giáo lý Phật, ta nên làm bất cứ gì có thể để giúp người sắp chết đối phó với sự xuống tinh thần, nỗi đau đớn sợ hãi của họ, đem lại cho họ sự nâng đỡ đầy tình thương, làm cho đời họ kết thúc có ý nghĩa. Thông thường tùy theo niềm tin tôn giáo khác nhau, từ lúc người bịnh hấp hối đến khi mãn tang, mỗi giai đoạn đều đầy đủ phần lễ và kinh cầu nguyện. Những bài kinh này có mục đích giúp họ bình an không ân hận ở cuộc sống ngắn hạn này mà bước vào cuộc ra đi trong niềm an lạc.”

Chúc thư của người sống và ủy quyền

Không chỉ chuẩn bị cho việc ra đi về đời sống tâm linh, mỗi người còn phải tự soạn cho mình chúc thư và giấy ủy quyền để chuẩn bị cho sự ra đi.
Cựu Thiếu tá VNCH Hồ Đắc Huân từng “tiễn đưa” người bạn đời của ông cách nay gần hai năm, chia sẻ kinh nghiệm đã có trong việc chuẩn bị hậu sự của việc tang lễ, “Theo luật vô thường là sinh lão bệnh tử, ai cũng phải lần lượt trải qua giai đoạn trên, ít có người may mắn không rơi vào hoàn cảnh bệnh tật rồi mới qua đời. Vợ tôi lúc cao tuổi, song trí nhớ còn minh mẫn, trong lần họp gia đình, đông đủ con cháu, tôi có hỏi vợ tôi nếu sau này về cõi Tây phương cực lạc trước tôi, thì em muốn chon hay thiêu, để gia đình lo liệu theo ý nguyện, vợ tôi không do dự trả lời ngay là muốn chôn. Bà muốn chôn một phần sợ nóng, nhưng một phần là vì muốn chọn nơi đất có long mạch tốt thì đời sống con cháu sẽ tốt sau này. Cuối cùng gia đình đã chọn được 2 lô đất trên gò cao tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành từ năm 2006. Nhiều năm sau vợ tôi ngã bệnh, chăm sóc tại gia, nhưng rồi bệnh trở nặng, phải đưa vào Viện Dưỡng Lão, khi đó tôi đã tìm đến nhà quàn Peek Family để tìm hiểu về dịch vụ tang lễ, để khi cần, sẽ tổ chức được chu đáo. Nhờ có chuẩn bị trước nên khi vợ tôi mãn phần, gia đình đau buồn, nhưng do thủ tục mai táng đã được chuẩn bị trước, nên mọi việc trôi chảy tốt đẹp.”
Cựu thiếu tá Hồ Đắc Huân nói, “Gia đình tôi rất hài lòng khi sử dụng các dịch vụ tại nhà quàn Peek Family, vì ngay từ lúc đầu đến tìm hiểu về dịch vụ, tôi đã được các nhân viên tại đây như chị Linda Trần, anh Đức Nguyễn, Hợp Trần hướng dẫn cho tôi về việc chuẩn bị hậu sự, cung cấp bộ hồ sơ di sản của gia đình, hướng dẫn những việc cần làm trước khi có người qua đời, những việc quan trọng như di chúc sống khi qua đời muốn hiến tặng những bộ phận của cơ thể, hợp đồng bảo hiểm Nhân Thọ, tài khoản ngân hàng, phúc lợi an sinh xã hội, chi tiết thân thế sự nghiệp để khi cần con cháu sẽ ghi cáo phó. Nguyện vọng thiêu hay chôn, chôn tại nghĩa trang nào. Bộ hồ sơ này có 67 điều cần thiết, như khi người thân qua đời phải báo nơi nào, thu thập các văn kiện về pháp lý, thanh toán các khoản trong tang lễ sau khi hoàn tất ra sao.”
“Hồ sơ trên phải có một số bản sao để lại cho người thân và nên để chỗ nào dễ nhớ nhất, khi cần là có ngay. Khi người đó mất đi, những người thân trong gia đình còn lại tuy đau buồn, song việc tổ chức tang lễ sẽ nhẹ nhàng và ấm cúng. Đó là chuyện lo trước, vì nếu không lo, sẽ rất tệ hại, chẳng hạn như quên làm di chúc, không cho thân nhân biết các hợp đồng bảo hiểm, sổ nhà băng, những giấy tờ quan trọng, không lo trước nghĩa trang, hình thức an táng, khi có tang trong gia đình, đặt thêm gánh nặng lên vai những người thân yêu còn sống. Từ kinh nghiệm đã có khi tiễn đưa người bạn đời, hiện nay tôi cũng đã sắp xếp mọi sự cho tôi rồi, để khi nằm xuống, thì sẽ rất nhẹ nhàng.”
Ông nói thêm, “Theo tôi, khi ta bước vào tuổi già, là ta nên bắt đầu làm việc này, có người 70 tuổi làm di chúc, đến 75 tuổi chưa qua đời, thì điều chỉnh thêm, đến 80 còn sống, thì điều chỉnh thêm. Việc gì mà có sắp đặt trước thì dễ dàng hơn. Ngay cả chi tiết thân thế cũng nên ghi chú lại cho con cháu rõ, đến khi con cháu ghi cáo phó, sẽ không bị trách vì chi tiết thiếu chính xác. Nhất là với những vị cựu quân nhân VNCH, cấp bậc trước đây...”
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những giấy tờ cần thiết nên chuẩn bị trước khi tang sự xảy đến, chị Linda Trần phụ trách nghĩa trang và nhà quàn tại Peek Funeral Home, thuộc công viên tưởng niệm Westminster cho biết, “Theo luật của tiểu bang California, khi người quá cố mất đi muốn hỏa táng hay chôn cất đều phải có giấy ủy quyền của người đó lúc còn sống giao cho người mà người quá cố muốn vị đó quyết định thay cho mình khi chính người quá cố không còn tự mình quyết định được. Nếu không có giấy ủy quyền này, trong trường hợp người đó đơn độc sống tại đây, không còn thân nhân, thì theo luật sẽ giữ xác từ 6 tháng đến 1 năm mới được hỏa táng hay chôn cất. Vì vậy quý vị lúc còn khỏe mạnh, minh mẫn, nên thực hiện giấy ủy quyền gửi cho bạn bè (nếu không còn thân nhân) hay cho một đứa con sống ở gần mình (đối với những người đã mất người phối ngẫu và đông con cái) lo cho mình khi hữu sự đến làm theo ý nguyện của mình chôn hay hỏa táng. Chỉ cần giấy này, khi tang sự xảy ra, đúng luật sẽ được thực hiện theo ý nguyện người mất. Còn không có giấy này, khi hữu sự đến, thì người mất có nhiều con ở khắp các tiểu bang, sẽ bị giữ lại đợi đủ chữ ký của các con, mới được thực hiện việc an táng. Nếu có sự chuẩn bị trước, khi tang gia xảy ra, các con sẽ không xít mít nhau, vì người quá cố đã cho biết ý nguyện của họ về việc ra đi của họ ra sao. Khi đó các con sẽ không tranh cãi nhau việc chôn hay hỏa táng nữa. Theo tôi chuẩn bị trước không có thiệt thòi gì. Vì đám tang chỉ có một lần duy nhất của đời người, không có lần sau để làm lại cho tốt hơn.”
Giải thích thêm về giấy tờ pháp lý này, chị Linda Trần nói, “Khi còn minh mẫn, khỏe mạnh, quý vị nên chuẩn bị cho mình một chúc thư của người sống. Đây là một văn bản giải thích ý nguyện của quí vị về loại săn sóc y tế mà quí vị muốn được nhận. Một phần của bản chúc thư của người sống, phần chỉ thị hướng dẫn kê ra loại điều trị y tế mà quí vị muốn hay không muốn được nhận. Phần thứ hai, chỉ thị thay mặt kê ra người mà quí vị muốn quyết định thay cho mình khi quí vị không còn tự mình quyết định được. Quí vị có quyền muốn thêm hay không thêm những chỉ thị hướng dẫn và chỉ thị thay mặt này vào trong bản Ủy quyền Chăm sóc cho bản thân của mình.
Ủy quyền chăm sóc cho bản thân là một văn kiện pháp lý chỉ định một người ra những quyết định về mặt chăm sóc cho mình trong trường hợp quí vị không còn đủ khả năng để tự mình ra các quyết định đó nữa. Các quyết định này có thể gồm cả những quyết định về chỗ ở, thức ăn, vệ sinh và hình thức chăm sóc y tế mà quí vị sẽ nhận trong tương lai. The Power of Attorney for Property là một văn kiện pháp lý cho người mà quí vị chọn quyền được giải quyết và ra quyết định về vấn đề tài chánh của quí vị khi quí vị không còn có thể tự làm được những việc đó nữa. Ủy quyền Chăm sóc cho bản thân có thể có ích khi quí vị gặp tai nạn nghiêm trọng, hay sắp qua đời mà muốn được giúp đỡ để ra những quyết định quan trọng. Nếu quí vị không cử ra người được Ủy quyền và quí vị không đủ khả năng tự ra các quyết định, luật pháp hiện hành sẽ quyết định người thay thế cho quí vị để đưa ra các quyết định. Bằng cách lập ra một sự Ủy quyền trước khi ngã bệnh và chọn ra một hay một vài người thay mặt quí vị, quí vị có nhiều quyền hạn hơn với những gì xảy ra cho mình và với cách quản lý tài chánh của mình trong tương lai. Khi quí vị đã lập ủy quyền cho một hay nhiều người, xin trao đổi những ý muốn của mình với người này. Như thế, họ sẽ hiểu quí vị rõ hơn và sẽ sẵn sàng thi hành các ý nguyện của quí vị hơn. Nếu quí vị có chúc thư của người sống, cần phải cho người được quí vị ủy quyền biết nội dung của văn bản này. Có những người khác cũng cần biết về văn bản này nữa. Thí dụ như người thay thế quí vị để quyết định, các bác sĩ liên quan đến việc chăm sóc cho quí vị và luật sư của quí vị. Cũng cần nghĩ đến việc giữ cho mình một bản sao.” (bh)
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT