Thế Giới

Vị tiến sĩ 104 tuổi "ra đi bình yên" bằng phương pháp trợ tử

Thursday, 10/05/2018 - 08:50:50

Trước thời khắc vĩnh biệt, Tiến Sĩ Goodall đã đi dạo quanh vườn bách thảo Đại học Basel cùng ba cháu trai. "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được ở bên ông lúc này,” Daniel, một người cháu của tiến sĩ tâm sự. "Những gì ông làm thật dũng cảm. Tôi mừng vì ông có thể thực hiện mong muốn của mình.”


Nhà khoa học Úc David Goodall, 104 tuổi, đang nói chuyện với nữ tài tử Đài Loan Bowie Tsang trong lúc được thâu hình trong một phim tài tiệu về cá nhân ông tại Basel University Botanical Gardens, ngày thứ Ba, một ngày trước khi ông bắt đầu tiến trình quyên sinh để có thể ra đi vĩnh viễn vào ngày thứ Năm, 10 tháng 5, 2018 tại Basel, Thụy Sĩ. Ông đến Thụy Sĩ để được trợ tử vì luật Úc không cho phép trợ tử. (Sean Gallup/Getty Images)


THỤY SỸ - Vào trưa thứ Năm, giờ địaphương, Tiến Sĩ người Úc David Goodall đã thanh thản ra đi trong sự tiễn đưa của người thân. Sau thời gian dài đấu tranh và hơn 1 tháng trở thành chủ đề gây tranh cãi khắp thế giới, Tiến Sĩ David Goodall, nhà khoa học già nhất nước Úc, đã qua đời bằng phương pháp trợ tử tại Basel, Thụy Sỹ.


Lên tiếng với truyền thông, nhóm nhân viên y tế hỗ trợ ông Goodall cho biết, ông "ra đi trong yên bình,” giữa tiếng nhạc của bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Bốn thân nhân cùng một người bạn đã ở bên Goodall đến phút giây cuối cùng. Trước đó, vào tối thứ Tư, Tiến Sĩ Goodall dùng bữa với cá, khoai tây, bánh cheese, là những món ông vô cùng yêu thích. Sáng thứ Năm, nhà khoa học chỉ ăn nhẹ với tâm trạng "vui vẻ.”

Sinh ngày 4 tháng 4, 1914 tại London, Anh, Tiến Sĩ David Goodall là nhà thực vật học và sinh thái học nổi tiếng thế giới. Ông từng giữ các vị trí quan trọng ở Anh, Hoa Kỳ, Úc. Sau khi nghỉ hưu năm 1979, Tiến Sĩ Goodall vẫn tiếp tục làm việc đến 103 tuổi và nhận biên tập bộ sách 30 cuốn mang tên Hệ Sinh Thái Thế Giới của 500 tác giả. Năm 2016, ông được trao tặng huy chương Order of Australia.

Khi tròn 104 tuổi, Tiến Sĩ Goodall công khai nguyện vọng muốn chết dù vẫn còn khỏe mạnh. Trên thực tế, dù không mắc căn bệnh mãn tính nào, nhưng thể chất của nhà khoa học cao tuổi đã giảm sút rõ rệt. Năm 90 tuổi, ông Goodall phải bỏ môn tennis do không còn đủ sức chơi. Thị giác quá yếu gần như mù khiến vị tiến sĩ không thể lái xe và phải từ biệt sở thích xem nhạc kịch. Công việc nghiên cứu cũng bị dừng lại vì ông không thể đọc email. Hầu hết bạn bè của ông đều đã qua đời.

Đầu năm 2018, ông Goodall bị té ở nhà. Do kêu cứu mà không ai nghe, ông đã phải nằm trên sàn nhà suốt 2 ngày cho tới khi người giúp việc phát hiện. Từ đó, các bác sĩ cấm Tiến Sĩ Goodall sử dụng phương tiện công cộng và tự băng qua đường. Quá thất vọng, ông cố tự tử 3 lần nhưng đều được cứu sống.
Dành hơn 20 năm vận động cho việc trợ tử, Tiến Sĩ Goodall tin rằng con người phải được tự do quyết định số phận sau tuổi trung niên. Tuy nhiên pháp luật Úc không cho phép việc trợ tử. Đến tháng 5, 2018, nhờ sự đóng góp của cộng đồng, nhà khoa học lên đường đến Thụy Sỹ để được ra đi như nguyện vọng. Hai bác sĩ xác nhận ông hoàn toàn minh mẫn, đủ điều kiện thực hiện cái chết êm ái.

Trước thời khắc vĩnh biệt, Tiến Sĩ Goodall đã đi dạo quanh vườn bách thảo Đại học Basel cùng ba cháu trai. "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được ở bên ông lúc này,” Daniel, một người cháu của tiến sĩ tâm sự. "Những gì ông làm thật dũng cảm. Tôi mừng vì ông có thể thực hiện mong muốn của mình.”

Từ Úc, bà Karen Goodall-Smith, con gái Tiến Sĩ Goodall bày tỏ niềm tự hào về người cha. “Tôi rất xúc động, nhưng cũng thanh thản,” bà Goodall-Smith nói. "Cha tôi cảm thấy không còn mục đích sống, nhưng bằng cách công khai sự ra đi của mình, ông đã đóng góp rất nhiều vào cuộc vận động về quyền được chết.” Dự kiến trong vài tháng tới, lễ tưởng niệm Tiến Sĩ Goodall sẽ được tổ chức ở quê nhà Perth.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT