Văn Nghệ

Về vài ca khúc hợp xướng trong chương trình Ngàn Khơi Kỷ Niệm 30 Năm

Tuesday, 19/11/2019 - 07:18:41

Chương trình Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 24 tháng 11, tới đây tại Saigon Performing Arts Center là một chương trình "nặng kí" cho các ca viên Ngàn Khơi.

Ngàn Khơi kính chào khán giả.


Bài NHƯ AN


Chương trình Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 24 tháng 11, tới đây tại Saigon Performing Arts Center là một chương trình "nặng kí" cho các ca viên Ngàn Khơi. Nặng kí vì họ phải tập hát tổng cộng 10 ca khúc dài ngắn khác nhau cho chương trình. Khác với những suy nghĩ thông thường cho rằng hợp ca khó nghe và "boring", với kinh nghiệm hát trong BHX Ngàn Khơi 30 năm, tôi có thể khẳng định, "hợp ca là những tiết mục được khán giả mong chờ và tán thưởng nhất."
Dưới đây là những ca khúc mà Ngàn Khơi sẽ trình diễn trong chương trình sau 7 tháng tập luyện đầy "gian khổ". Độc giả có thể đọc trước về những ca khúc này để có thể thưởng thức trọn vẹn hơn. Nhân đây cũng xin cám ơn các ca trưởng Ngàn Khơi là Trần Mộng Thủy, Nguyễn Hoàng Hương và Bùi Quỳnh Giao đã "đồng cam cộng khổ" với ca viên trong mục đích phục vụ nghệ thuật.


Những ca viên đầu tiên của Ngàn Khơi năm 1990.

 

1. Hòn Vọng Phu

Một trong những bài hát đầu tiên mà Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát là Hòn Vọng Phu của Lê Thương, Lê Văn Khoa soạn hòa âm cho hợp xướng và dàn giao hưởng. Cả 3 bài.
Hòn Vọng Phu là một bộ 3 ca khúc đã trở thành quá quen thuộc với người Việt. Một phần cũng vì có cả một hay vài câu chuyện cổ tích mang cùng tên. Mà cũng có thể vì câu chuyện người ta xa nhau vì chiến chinh đã trở thành một chuyện gì đó - thật không may - quá bình thường. Suốt chiều dài lịch sử vài ngàn năm của nước Việt, đã có biết bao lần chinh chiến xảy ra. Và chàng cứ phải ra đi, và nàng cứ phải ôm con đứng chờ.
Bài một tả cảnh xuất quân với tất cả những hào hùng của nó. "Lệnh vua hành quân trống kêu dồn. Quan với quân lên đường. Đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đuổi theo lối sông. Phía cách quan sa trường. Quan với quân lên đường, hàng cờ theo trống dồn. Ngoài sườn non cuối thôn. Phất phơ ngậm ngùi bay…" Nhạc oai hùng, dồn dập. Dàn hợp xướng "gõ" những tiếng trống đệm cho tiếng hát cất cao của giọng soprano. Để rồi nói lên sự tương phản: "Người đi ngoài vạn lý quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn." Hay, "Người không rời khỏi kiếp gian nan, người biến thành tượng đá ôm con." Hay, "Người tung hoành bên núi xa xăm, người mong chồng còn đứng muôn năm…"

Bài hai tả cảnh người thiếu phụ ôm con chờ chồng ngoài sườn non. Nhạc sĩ Lê Thương đã viết cho ca khúc rất dài này đến 3 lời. Chắc ông nghĩ thế mới đủ để nói lên nỗi lòng người đứng đợi. Nàng cứ đứng đợi, mặc cho gió mưa, mặc cho đá cứ mòn đi, cây cối lớn lên thành cổ thụ… Gió mưa cũng như thương nhớ thấm vào tận linh hồn đứa con, núi non kéo nhau đi thăm bà, nằm thành dãy trường sơn dọc theo non nước Việt. Cả ngàn năm thoáng qua, người ta cứ tiếp tục đi viễn chinh và nàng cứ tiếp tục đứng đợi…
Bài ba có tựa đề Người Chinh Phu Về, có lẽ là một ước mơ của riêng người nhạc sĩ. Trong cảnh sa mạc gió cát, chàng phi ngựa về. Hình ảnh thật hào hùng nhưng cũng đầy bi ai, vì nàng đâu còn nữa. Cảnh quan đất nước bày ra trước mặt như an ủi chàng. Đoạn cuối của ca khúc là một câu tán thán: "Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống. Bao mối thương vang dậy trong lòng…"

2. Xuân Quang Trung

Một bài ca lịch sử hào hùng mà Ngàn Khơi lần đầu tiên hát trong chương trình Kỷ Niệm 30 Năm Sinh Hoạt là bài "Xuân Quang Trung" của Vũ Văn Tuynh. Có chuyện nào hào hùng bằng chuyện Vua Quang Trung, có chiến công nào hiển hách hơn chiến công dẹp giặc phương Bắc của ngài?
Nhà sáng tác Vũ Văn Tuynh là một nhạc trưởng quân đội, do đó chúng ta ít nghe tên tuổi ông. Tuy nhiên, ông là tác giả nhiều ca khúc hợp xướng và giao hưởng nặng kí. Trước đây Ngàn Khơi đã có dịp được hát một ca khúc của ông mang tên Mùa Lúa Thanh Bình.
Xuân Quang Trung tả lại chiến công dẹp giặc của vua Quang Trung. Từ "mùa đông năm ấy giặc về tàn phá quê hương, miền Bắc đau thương dưới gót giầy giắc Bắc biên cương.." cho đến chiến thắng cuối cùng "quân Tôn Sĩ Nghị vùi thây dưới gò Đống Đa."
Trai tráng buông rơi lưỡi cày, nho sinh rời đèn xa sách…, tất cả đều theo tiếng gọi người anh hùng từ đất Tây Sơn để xung vào đoàn quân Bắc tiến, qua đèo mà lòng hăng say. "Ra đi thê nhi còn như vấn vương, nhưng nợ núi sông phải đền," đến khi "Hà Hồi im tiếng dưới chân đoàn quân Bắc tiến. Lục Đầu trở giấc khí thiêng ngập núi Đông triều. Dậy sóng Đà giang nước sông Hồng như cạn. Xác thây quân Tầu chất cao."
Từng đoạn nhạc vẽ lên cảnh đoàn quân lên đường dẹp xâm lăng và thành công trở về Thăng Long. Nét nhạc dấy lên không khí nô nức sau chiến công lừng lẫy… "Quân nay đã trở về phá tan bao đau thương. Đây Thăng Long, kìa Đống Đa. Quân Tôn Sĩ Nghị vùi thây dưới gò Đống Đa."

3. Lữ Hành

Một ca khúc ít được nghe của Phạm Duy, hòa âm cho hợp xướng bởi sáng tác gia Hồ Đăng Tín. Lữ hành là chuyến đi ai trong chúng ta cũng phải trải qua: chuyến đi trong kiếp sống. Lữ Hành bắt đầu: "Người đi trên dương gian, thở hơi gió từ ngàn năm…" cho đến "Người đi trong thanh xuân, sưởi hơi nắng như lửa sống…" rồi "Người đi trong không gian, nhịp xe uốn vòng tử sinh. Bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa…" để kết thúc bằng "Người đi trong kiếp sống!"
Bài hát vương mùi triết lý , vẽ lên hành trình kiếp sống của con người từ chiếc nôi trong vườn hoa, qua đến tuổi thanh xuân máu sôi như sắc trời, để tiến đến bánh xe tang ngoại ô. Nhưng "đi đi đâu mà tới nơi thấy lòng lên phơi phới, đi phương nao mà tới đây, chỉ thấy lòng còn say, tình còn đầy và thương yêu tràn ngày, tương lai trong bàn tay…" Phạm Duy, như trong bài Việt Nam Việt Nam, "tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi", luôn luôn đem tình yêu thương rao giảng khắp nơi. Quí và thương ông!

4. Hương Xưa

Một bài hát êm đềm như quá khứ thoang thoảng mùi hương, mở đầu với câu hỏi: Người ơi, một chiều nắng tơ vương hiền hòa hồn có mơ xa? Một câu hỏi dẫn dắt người nghe về một miền quá khứ xa xưa có tiếng tre êm ru, có bóng đa hẹn hò, có tiếng sáo vi vu, con diều vật vờ… Nhớ về quá khứ để tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa, cung nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô và vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó… Một bài hát nhẹ nhàng, thật đẹp, thật êm và cũng thật… khó hát. Phải biết điều khiển hơi thở của mình để tiếng hát phát ra thật êm nhẹ nhưng cũng có đầy đủ chiều sâu, lối phát âm phải thật rõ dù được phát âm bởi hơn 50 con người. Biết bao công phu để 50 con người hát như một. Bạn phải nghe để cảm nhận được cái gắng công ấy. Thương lắm!

5. Bài Ca Ngợi Tự Do

Bắt đầu thật dữ dội, thật mạnh mẽ nhưng cũng thật thê lương: Quê hương ta! Qua phong ba! Mưa máu rơi kinh hoàng! Triền miên bao tháng năm! Ai đã gây nhiều khóc hận, cay đắng cho dân mình?
Đây là ca khúc do Lê Văn Khoa viết để nói lên nỗi bi phẫn của những thuyền nhân đi tìm tự do ở gần cuối thế kỷ 20. Bài hát tiếp nối thật thê lương, thật bi thương Trong mênh mông, trong bão to hãi hùng. Thuyền con vẫn cứ đi. Ngàn sóng to tràn cuốn nhận chìm, xóa vết bao con thuyền.
Và Ngàn người sống, chứng nhân kinh hoàng. Vạn người chết, đuốc soi tự do.
Lê Văn Khoa đã nói lên được hết bi trường kịch vượt biển, khi con người đi vào chỗ chết để tìm được sống, sống một cách tự do. Nước mắt muôn triệu người. trồi lên tràn đầy mầm sống mới:Tự Do.

6. Biển Mẹ

Là một phần của trường ca Mẹ Việt Nam, Biển Mẹ là sự kết nối của 5 ca khúc mà Ngàn Khơi sẽ trình bày tiếp nối nhau. Mở đầu là Mẹ Trùng Dương với Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng. Nước Việt Nam được bao bọc suốt cả chiều dài bởi Mẹ trùng dương. Và Mẹ trùng dương luôn cho chúng ta muối mặn, cho tôm cá, cho mưa gió hiền hòa, đàn con Việt hãy nhớ lấy và hãy trở về với Mẹ. Bài hát kế tiếp là Biển Đông Gợn Sóng, tả cảnh những con sông khởi nguồn từ khắp nơi rồi cũng tụ họp ở biển Đông, như những người dân ở khắp miền đất nước trở về biển Mẹ để thành con một nhà. Thênh Thang Thuyền Về tả cảnh đàn con về với biển Mẹ, hát lên khúc dân ca "Yêu mẹ già, thương Mẹ ta, đàn con nhớ là nhớ yêu nhau, đàn con nhớ là nhớ thương nhau …" Chớp Bể Mưa Nguồn với "Mẹ cười Mẹ bốc thành hơi. Mây từ biển quí lên ngôi trời già" để rơi xuống thành mưa rửa lỗi con người.Và Mẹ Việt Nam Ơi là tiếng kinh cầu dâng lên Mẹ với lời hứa: Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ. Vì "cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới. Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi."

7. Khỏe Vì Nước

Một ca khúc được viết vào những năm đất nước mới độc lập và nhu cầu kiến thiết quốc gia thật cần thiết. Một loạt những sáng tác của Hùng Lân, Thẩm Oánh, Lê Thương đều hướng về mục đích đưa ra những giá trị nhân bản và đạo đức cũng như niềm hãnh diện nòi giống cho giới trẻ: Khỏe Vì Nước, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Quyết Tiến, Nhà Việt Nam… Khỏe Vì Nước của Hùng Lân và hòa âm của Hồ Đăng Tín khuyến khích thanh niên thiếu nữ tập luyện cho khỏe hầu xây dựng đất nước để "nghìn đời không mờ ánh duy tân".

8. Việt Nam Việt Nam

Chung khúc của trường ca Mẹ Việt Nam là một thông điệp kêu gọi gieo rắc Tình Thương Yêu trên toàn thế giới vì "Tình Yêu đây là khí giới, Tình Thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây Tình Người." Việt Nam Việt Nam với hòa âm của Lê Văn Khoa là một tiếng nói vang vọng nhất, sẽ còn mãi với thời gian.


Các nhạc trưởng Vũ Tôn Bình, Nguyễn Bội Cơ, và Bùi Quỳnh Giao cùng các ca viên.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT