Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vẻ đẹp nhạc Việt qua chương trình "Quê Hương Nhìn Lại"

Friday, 31/07/2015 - 10:05:56

Sau phần mở màn đặc sắc, người nghe tiếp tục được lắng đọng trong từng thanh âm đằm thắm ngọt ngào, bay bổng của những giai điệu âm nhạc mang âm hưởng cổ truyền Việt Nam, ấm nồng hơi thở nguồn cội, giàu chất thơ. Qua từng tiết mục trong chương trình, các nghệ sĩ đã khắc sâu vào tim mỗi người Việt xa quê biết bao nỗi nhớ về một quê hương đã xa, nhưng nay qua âm nhạc lại trở nên hiện hữu gần gũi vô ngần với từng nét đẹp riêng của mỗi vùng miền trải theo chiều dài đất nước, Bắc, Trung, Nam và miền Thượng (Cao nguyên Trung phần).

Bài BĂNG HUYỀN



                     
ca khúc mở màn “Dòng sông Bách Việt” được tiếng hát của nghệ sĩ Hồng Vân (thành viên của nhóm tam ca Đông Phương), cùng các thành viên của ban nhạc (dân tộc) Bách Việt gồm ca sĩ Ngọc Điệp, Ngọc Yến, bác sĩ- nhạc sĩ Đào Duy Anh, tiếng hát và tiếng đàn của Trần Bộ, đàn tỳ bà của Hoàng Cơ Thụy, đàn Tranh Xuân Yên                          hòa cùng phần tân nhạc của The Brother band. (Băng Huyền/Viễn Đông)

  
 
                              Các nghệ sĩ va mc chào kết chương trình. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Chương trình ca nhạc hài kịch “Quê Hương Nhìn Lại” do Dao Music Foundation tổ chức để kỷ niệm 45 năm thành lập ban nhạc dân tộc Bách Việt và gây quỹ giúp xây chùa Phước Hậu (tại tiểu bang Kentucky), diễn ra vào tối Thứ Bảy, ngày 25-7-2015 tuần qua tại rạp Saigon Performing Arts Center đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho các khán giả có mặt trong buổi diễn ngay từ ca khúc mở màn “Dòng sông Bách Việt”. Đây là sáng tác của bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh; ông là người sáng lập ban nhạc Bách Việt vào năm 1971 tại Sài Gòn, và cũng là người sáng lập Dao Music Foundation vào năm 2014 tại tiểu bang Kentucky. Ca khúc này đã được tiếng hát của nghệ sĩ Hồng Vân (thành viên của nhóm tam ca Đông Phương), cùng các thành viên của ban nhạc (dân tộc) Bách Việt gồm ca sĩ Ngọc Điệp, Ngọc Yến, bác sĩ- nhạc sĩ Đào Duy Anh, tiếng hát và tiếng đàn của Trần Bộ, đàn tỳ bà của Hoàng Cơ Thụy, đàn Tranh Xuân Yên hòa cùng phần tân nhạc của The Brother band, đã tạo nên một không gian đa âm, đa sắc thật độc đáo đối với người nghe.

Sau phần mở màn đặc sắc, người nghe tiếp tục được lắng đọng trong từng thanh âm đằm thắm ngọt ngào, bay bổng của những giai điệu âm nhạc mang âm hưởng cổ truyền Việt Nam, ấm nồng hơi thở nguồn cội, giàu chất thơ. Qua từng tiết mục trong chương trình, các nghệ sĩ đã khắc sâu vào tim mỗi người Việt xa quê biết bao nỗi nhớ về một quê hương đã xa, nhưng nay qua âm nhạc lại trở nên hiện hữu gần gũi vô ngần với từng nét đẹp riêng của mỗi vùng miền trải theo chiều dài đất nước, Bắc, Trung, Nam và miền Thượng (Cao nguyên Trung phần).


              Ca sĩ Nguyên Khang cùng song ca với chính tác giả ca khúc “Sài Gòn mưa cuối mùa”, bác sĩ, nhạc sĩ                                                   Đào Duy Anh. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 Nét đẹp âm nhạc miền Bắc
Người nghe được thưởng thức những thanh âm, tiết tấu vừa trầm bổng, vừa tha thiết nhưng rất đỗi thân quen trong văn hóa âm nhạc miền Bắc. Đó là nghệ thuật ngâm thơ truyền thống miền Bắc kiểu sa mạc theo thang âm xừ - xang - xê - cống - liu - ú, ngâm Kiều (hay còn gọi lẩy Kiều), ngâm thơ theo hát ru (ru con miền Bắc), ngâm thơ theo hát nói (theo điệu hát xẩm và chầu văn) được thể hiện xuất sắc qua giọng ngâm của nghệ sĩ Hồng Vân, lúc thì lên bổng xuống trầm, có lúc lại ngân nga theo đúng làn điệu, giọng ngâm như bay bổng theo từng cung đàn, tiếng nhạc thật tài tình.
Đó còn là âm điệu chèo trong ca khúc “Mái Đình Làng Biển” (sáng tác Nguyễn Cường) qua giọng ca đầy sức sống, mượt như nhung, kỹ thuật điêu luyện của Ngọc Hạ.
Là những nét đặc trưng của dân ca quan họ qua ca khúc “Tát Nước Đầu Đình”, nhưng đã được bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh sáng tạo nét mới trên nền nhạc dân gian, tạo cho ca khúc những âm điệu gần gũi với dân ca. Nét trữ tình của phần lời đầy chất thơ trong bài ca dao Tát Nước Đầu Đình, đã tạo nên vẻ duyên dáng như khơi, như gợi qua nghệ thuật tỏ tình dân gian, vừa mộc mạc chân chất, vừa dí dỏm thông minh nhưng không kém phần đắm say, lãng mạn của người Việt xưa. Ca khúc được giọng hát ngọt ngào thiên phú, đằm thắm và da diết của ca sĩ Ngọc Yến mang đậm phong cách dân ca, với một chút lúng liến, đong đưa của người quan họ, kết hợp song ca cùng tác giả, đã đem lại yêu thích cho người nghe.
Nhóm tam ca Đông Phương với những tiếng hát Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân năm xưa, nay lần đầu tiên hội ngộ sao bao năm xa cách, gửi đến khán giả 3 ca khúc dân ca “Hoa Thơm Bướm Lượn”, “Lý Qua Đèo” và “Lý Ngựa Ô” vốn đã từng nằm sâu trong nỗi hoài niệm của hầu hết những người nghe đang hiện diện trong khán phòng qua 3 tiếng hát này và trong chương trình, tam ca Đông Phương như cùng người nghe làm một cuộc hành trình ngược dòng ký ức về lại những năm tháng cũ, nơi đất Sài thành với những dấu ấn sâu đậm mà tam ca Đông Phương từng lưu lại trong đời sống âm nhạc của người dân miền Nam lúc bấy giờ. Nghe lại tiếng hát của Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy so với thời vàng son khi cả ba còn trẻ, giọng hát nay đã kém tươi và bớt ngân vang. Tuy nhiên người nghe dù mới hay cũ cũng tìm được nhiều sự đồng cảm và những cảm xúc sâu lắng với màn trình diễn của nhóm Tam ca Đông Phương qua các ca khúc này.
Nghệ sĩ Trần Bộ với điệu sáo uyển chuyển, bay bướm, đã gây không ít ngạc nhiên cho khán giả bởi sự phối hợp tài tình giữa tiếng sáo và tiếng lách cách từ những cái chén nhỏ làm bằng sứ qua đôi tay điêu luyện của nghệ sĩ Xuân Yên, kết hợp cùng âm thanh vui tai “chập chập, reng reng, tách tách, cách cách và rẹt rẹt” của nhạc cụ Sênh Tiền (còn được gọi là Phách Xâu Tiền hay Phách Quán Tiền) do bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh biểu diễn, cùng nghệ sĩ Hoàng Cơ Thụy với từng động tác nhịp nhàng đánh trống như dội vào tim khán giả; các âm thanh tuy khác nhau nhưng lại có thể hòa quyện cùng nhau, đối đáp nhau, tạo nên sức cuốn hút thành một bản hòa tấu giàu nhạc điệu và độc đáo vô cùng.

     Ca sĩ Ngọc Hà cùng song ca với Nguyên Khang ca khúc “Chân trời tím” của Trần Thiện Thanh. (Băng                                                                              Huyền/Viễn Đông)

 Vẻ đẹp âm nhạc miền Trung
Chất giọng soprano trong sáng, tinh tế, tràn ngập cảm xúc và thấm đẫm âm hưởng dân ca của ca sĩ Ngọc Hạ qua ca khúc “Mưa trên phố Huế” (Thơ của Tôn Nữ Thụy Khương, nhạc của Minh Kỳ) đã dìu người nghe về lại cố đô Huế với những cơn mưa Huế như nói hộ lòng người nhớ thương.
Âm điệu trầm bổng, du hương man mác ngân nga, nao nao lòng dạ người nghe của ca khúc Hương Đạo Ca (sáng tác của bác sĩ nhạc sĩ Đào Duy Anh) được nghệ sĩ Hồng Vân cùng song ca với Ngọc Hạ. Đây là sự kết hợp lần đầu ra mắt khán giả, nhưng cũng tạo nên chút hương vị nho nhỏ cho một tổng thể đầy mê hoặc. Cả hai giọng ca đẹp, một già- một trẻ cùng ngân vang mang lại dư âm ngọt ngào khi thể hiện ca từ đẹp và giai điệu lung linh qua ca khúc nghe man mác, buồn thương rất Huế.
Bằng giọng Huế nền nã, sang trọng khi thể hiện ca khúc “Ngàn Trùng Nghe Tiếng Dạ Thưa”, lời ca của nghệ sĩ Hồng Vân rất đỗi duyên dáng, đã để lại những ấn tượng khó phai của hồn Huế trong lòng người nghe nhạc.
Nét đằm thắm trữ tình, dịu dàng đôn hậu trong giọng hát của Ngọc Điệp thật truyền cảm khi chị hát “Thương Con Mới Biết Lòng Cha Mẹ”. Đây là một ca khúc nhạc pop nhưng lại mang hơi hướng dân ca miền Nam, được sáng tác bởi bác sĩ, nhạc sĩ Trần Phi Sơn (là thành viên của ban nhạc Bách Việt trước đây). Ca khúc có những ca từ và giai điệu mộc mạc, gần gũi nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn về chữ “Hiếu Đạo” của con cái với song thân. Nghe Ngọc Điệp hát ca khúc này, không ít khán giả, trong đó có người viết “nghe" cay cay ở mắt bởi ở cách chị đã để hồn mình vào trong từng câu ca.


                               Nghệ sĩ Hương Lan hát Dạ cổ Hoài Lang. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 Ngọt ngào vẻ đẹp âm nhạc miền Nam
Sau tiết mục hài kịch “Coi Bói” của hai diễn viên hài Việt Hương- Hoài Tâm, với những đối đáp hóm hỉnh, hài hước, cách tạo hình vui nhộn, đem lại tiếng cười cho khán giả về một anh chàng giàu tiền, xấu trai nhưng hám danh, muốn đoạt giải “hoa vương” phải nhờ đến bà thầy bói ham tiền làm phép, không gian âm nhạc buổi diễn “Quê Hương Nhìn Lại” như lắng đọng hơn, miên man hơn trong giọng hát ngọt lịm, mùi mẫn, êm êm, “nhẹ như nước trôi”, “bảng lảng như khói” của danh ca Hương Lan khi đưa người nghe về với mảnh đất miền Tây ruộng lúa phì nhiêu phủ trắng những cánh cò, mảnh đất “màu mỡ” của đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương. Mở đầu bằng câu hò Đồng Tháp rồi chuyển sang thật ngọt hát bài “Dạ Cổ Hoài Lang” (nhạc sĩ Cao Văn Lầu), tiếng hát của nghệ sĩ Hương Lan chạm sâu vào trái tim người nghe niềm nhớ thương, mỏi mòn, yếu mềm của người vợ xa chồng. Với 6 câu vọng cổ của bài “Nhớ Mẹ” được soạn giả Viễn Châu viết riêng cho giọng ca của nghệ sĩ tài danh Hữu Phước (thân phụ của nghệ sĩ Hương Lan) là một trong những tác phẩm đã để lại dấu ấn đặc biệt qua giọng ca của nghệ sĩ Hữu Phước, lần này trên sân khấu chương trình “Quê Hương Nhìn Lại”, nghệ sĩ Hương Lan đã hát lại trọn vẹn bài vọng cổ nhiều tâm sự này đem lại những xúc cảm đặc biệt với người nghe. Chỉ tiếc rằng có lẽ vì quá xúc động vì đã đặt hết tâm hồn mình vào bài vọng cổ từng được thân phụ hát, nên đôi chỗ nghệ sĩ Hương Lan đã quên lời, nhưng khán giả vẫn yêu thương chị, vẫn dành những tràng pháo tay để tặng cho tiếng hát Hương Lan. Làm đẹp thêm giọng ca của chị còn có tiếng đàn guitare phím lõm tuyệt vời của nhạc sĩ Văn Hoàng và tiếng đàn bầu nỉ non của nhạc sĩ Kim Đồng.
Qua đến ca khúc “Đêm Nghe Tiếng Đàn Bầu” (sáng tác của bác sĩ nhạc sĩ Đào Duy Anh), là một bài hát có cấu trúc khá lạ, ở chỗ đã khai thác triệt để chất liệu điệu thức oán Nam Bộ, rất gần và gắn với những câu đờn vọng cổ, dễ gây ấn tượng với người nghe, nhất là với những đoạn tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Kim Đồng được lồng vào qua tiếng hát của nghệ sĩ Hương Lan. Giọng ca tha thiết đầy "mê hoặc" của Hương Lan đã đưa bài hát vào lòng người nghe một cách dễ dàng.


Ca sĩ Ngọc Yến hát song ca cùng tác giả ca khúc Tát nước đầu đình (bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh sáng tác).                                                                  (Băng Huyền/Viễn Đông)

 Âm sắc rộn ràng của cao nguyên Trung phần
Hai chị em Ngọc Yến- Ngọc Điệp đã mang đến không khí vui tươi, đậm chất núi rừng với ca khúc “Mùa Gặt Mới” (Sáng tác của bác sĩ, nhạc sĩ Đào Duy Anh). Giọng hát khỏe khoắn, âm vang của hai ca sĩ thể hiện xuất sắc và đậm hồn Cao Nguyên vẻ hồn nhiên, mộc mạc, hoang sơ, chân chất vốn có của đất, trời và con người Cao Nguyên, tiết mục rộn ràng này còn được phụ họa thêm tiếng đàn T'rưng của bác sĩ Đào Duy Anh cùng các nhạc cụ khác tăng thêm màu sắc cho tác phẩm.


                           Phần trình diễn của nhóm tam ca Đông Phương. (Băng Huyền/Viễn Đông)


 Dòng nhạc trữ tình

Phần tân nhạc với những bản nhạc ballad trữ tình với tiếng hát của Ngọc Hạ đầy nỗi niềm trong ca khúc “Đâu Phải Bởi Mùa Thu” sáng tác Phú Quang. “Chân Trời Tím” của Trần Thiện Thanh qua phần song ca của Ngọc Hạ và Nguyên Khang, 2 giọng ca đẹp đã hòa quyện với nhau thật nhẹ nhàng, mềm mại, cái buồn ẩn chứa trong bài hát, trong tiếng hát của cả hai đã chinh phục người nghe thật dễ dàng. Chất giọng trầm ấm, sang trọng, nhừa nhựa đặc biệt của Nguyên Khang đã “gieo” vào lòng người nghe nhiều xúc cảm khi anh hát “Nỗi Buồn Còn Lại”. Và khi anh cùng song ca với chính tác giả ca khúc “Sài Gòn Mưa Cuối Mùa”, bác sĩ- nhạc sĩ Đào Duy Anh, đã để lại nhiều trĩu nặng nơi người nghe trong lời ca gợi nhắc về những “đổi thay” nơi quê hương hiện nay, có quá nhiều số phận cơ nhỡ hẩm hiu nơi Sài Gòn. Lời ca đã trĩu nặng, tiếng hát, điệu đàn lại càng níu nỗi buồn xuống thêm tha thiết, ai oán.
Bác sĩ- nhạc sĩ Đào Duy Anh có lẽ lâu rồi không hát trên sân khấu, nên giọng ca của ông đôi chỗ bị “lạc tông”, dù kỹ thuật không xuất sắc bằng các ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng cái “tình” trong cảm xúc khi ông hát thì thật nồng nàn, nhất là khi ông hát đơn ca bài “Cơn Gió Thoảng” của tác giả Nguyễn Phước Kiệt. Bài hát có giai điệu hay, lạ và lời ý nghĩa: tất cả chỉ là hư vô do kỹ sư- nhạc sĩ Nguyễn Phước Kiệt (thành viên ban nhạc Bách Việt trước đây). Bác sĩ Đào Duy Anh thể hiện thật cảm động, bởi theo lời tâm sự của ông, đây là ca khúc ông đã nguyện trước mộ của tác giả (vốn là người bạn thân lâu ngày gặp lại, không may đã qua đời) trong chương trình. Ca khúc “Quê Hương Nhìn Lại” cũng đã được ông thể hiện đầy tình cảm.
Ca khúc “Ta Về Ta Tắm Ao Ta” của bác sĩ- nhạc sĩ Đào Duy Anh từng trúng giải thưởng văn học nghệ thuật Sài Gòn vào năm 1971 đã được hát lại với các tiếng hát của những thành viên ban nhạc Bách Việt có mặt trong chương trình và tiếng hát của nghệ sĩ Hồng Vân, được chọn làm ca khúc kết thúc chương trình là một chọn lựa thật ý nghĩa. Thông điệp của ca khúc “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” như một cách nhắn gửi thật khéo “đừng đeo đuổi những giấc mơ hão huyền. Hãy giữ gìn tất cả những giá trị cũ”, nhất là với kho tàng âm nhạc Việt, nào là dân ca, quan họ, chèo, xẩm, ca Huế, vọng cổ... vô cùng giàu, đẹp của âm nhạc Việt, là người con Việt, ai ơi, xin hãy biết yêu cội nguồn văn hóa cha ông!
Chương trình đã kết thúc, nhưng dư âm của vẻ đẹp trong từng câu ca, điệu đàn của người nghệ sĩ vẫn lưu lại với các khán giả sau chương trình. Góp thành công cho đêm nhạc không thể không nhắc đến phần hòa âm của ban nhạc The Brothers Band và ban nhạc dân tộc Bách Việt với Trần Bộ, Hoàng Cơ Thụ, Xuân Yên, Đào Duy Anh. Đặc biệt là phần điều khiển chương trình của 2 MC Thanh Tùng- Ngọc Hà đủ các thông tin cần thiết giúp khán giả hiểu và yêu hơn âm nhạc dân tộc. Nhất là tài dẫn chuyện tuyệt vời, sâu sắc, tinh tế, của Thanh Tùng, đã đưa khán giả rất "ngọt" vào câu chuyện của mỗi ca khúc hoặc chuyện bên lề của ca khúc đó thật súc tích, vừa phải, đem lại không khí sinh động vào đêm nhạc “Quê Hương Nhìn Lại”.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT