Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vẻ đẹp của Đờn Ca Tài Tử (Kỳ 1)

Saturday, 23/11/2013 - 01:51:17

Từ thuở khai hoang lập ấp trên vùng đất phương Nam, hầu như nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có tiếng đờn, lời ca ngân nga hòa quyện của nghệ thuật Đờn ca Tài Tử (ĐCTT) hay còn gọi là nhạc tài tử, nó đã trở thành một hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người miền Nam xưa nay.

Băng Huyền/ Viễn Đông



Các nhạc sĩ cổ nhạc đang cùng nhau hòa đàn Đàn Ca Tài Tử tại Tổ Đình Sân Khấu của Hội bảo Tồn nhạc cổ truyền Việt Nam tại quận Cam Nam California, nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh đang đàn Tranh
 
 
Từ thuở khai hoang lập ấp trên vùng đất phương Nam, hầu như nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có tiếng đờn, lời ca ngân nga hòa quyện của nghệ thuật Đờn ca Tài Tử (ĐCTT) hay còn gọi là nhạc tài tử, nó đã trở thành một hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người miền Nam xưa nay.

Có thể xem ĐCTT là không gian văn hóa của miền Nam, với người dân miền Nam thì âm nhạc tài tử, phong cách tài tử không hề xa lạ, là một nghệ thuật truyền thống và cũng là một thú vui tao nhã, một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời không thể thiếu. Ban đầu ĐCTT chỉ là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch của con người đi khẩn hoang, trên đường đi cày, đi cấy gặt lúa, hay khi chèo xuồng một mình trên sông nước mênh mông, những người dân chân chất lại hát vang những bài ca vọng cổ nằm lòng, có sức truyền cảm lạ lùng.

Về sau, ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Hai chữ "tài tử" là để chỉ người tài, có giọng ca thiên phú cùng sự đam mê luyện tập, chứ không phải là bình dân, không chuyên nghiệp.

Thông thường, người ta không gọi “biểu diễn” Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT) mà là “chơi” Đờn Ca Tài Tử. Vì ĐCTT là một cuộc chơi ngẫu hứng của những tâm hồn phong lưu tìm bạn tri âm qua lời ca tiếng nhạc. Những nghệ sĩ tài tử này có thể chơi ĐCTT mọi lúc mọi nơi: lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi, nơi sân đình, trong đám hội, trước sân nhà, ngoài bờ đê, cạnh bờ sông hay thả thuyền trên sông. Không ai quy định một cuộc chơi tài tử phải có bao nhiêu người. Bất cứ ai biết đàn, biết ca là có thể tham gia.




Các nhạc sĩ cổ nhạc đang cùng nhau hòa đàn Đàn Ca Tài Tử tại Tổ Đình Sân Khấu của Hội bảo Tồn nhạc cổ truyền Việt Nam tại quận Cam Nam California, nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh đang đàn Tranh


Nghiệp đàn của nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh

Chính nét độc đáo của nghệ thuật ĐCTT đã truyền cho nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh (chuyên về đàn guitare phím lõm và đàn tranh) niềm đam mê nghệ thuật này ngay lúc thiếu thời, khi anh còn sống ở Việt Nam. Lúc còn nhỏ, tuổi thơ của anh thường được nghe tiếng đàn guitare phím lõm của cha. Ông là một giảng viên dạy tại Trường Cảnh Sát Quốc Gia ở Rạch Dừa, nhưng ông rất mê đờn ca tài tử, nên thường ôm đàn ra chơi những lúc rỗi rảnh cùng những người bạn tâm giao ngay tại nhà.

Nhờ được thưởng thức âm điệu mượt mà, bay bổng của những làn điệu độc đáo của nhạc tài tử, cải lương, nên với Huy Thanh khi ấy tiếng đàn, tiếng hát ví như người bạn tri âm, gắn bó với anh từ thời niên thiếu, nghe riết rồi đâm ra “ghiền” hồi nào anh cũng không hay.

Tháng 4 năm 1975, Sài Gòn thất thủ, cha anh bị đi tù cải tạo, ông đã khuyên anh hãy theo học đàn guitare phím lõm, để có nghề phòng thân. Vì lý lịch “con của ngụy”, nên anh không thể học lên đại học sau khi hoàn tất tú tài. Năm 16 tuổi anh đã theo học nhạc Tài tử - Cải lương, và anh xác định đây là sự nghiệp của đời mình nên anh không ngừng cố gắng học hỏi và rèn luyện. May mắn anh được danh cầm Văn Vĩ - Đệ nhất danh cầm Việt Nam dẫn dắt, Huy Thanh đã sớm bộc lộ được tài năng và trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thật sự.

Mặc dù học đàn Guitare và là sở trường ban đầu của anh, nhưng khi anh vào nhà hát cải lương Trần Hữu Trang 2 (khoảng năm 1982) mọi người biết đến anh lại là nghệ sĩ đàn tranh. Anh đã tham gia tại đoàn cải lương Trần Hữu Trang 2 khoảng hơn 4 năm. Tiếng đờn của anh đã góp phần thành công trong nhiều vở cải lương của đoàn cải lương Trần Hữu Trang 2 những năm đầu thập niên 1980, có các nghệ sĩ cộng tác tại đoàn hát như nghệ sĩ Chí Hiếu, Thanh Sang, Phượng Liên, Bảo Quốc, Thanh Thanh Tâm, Bảo Anh...

Cơ duyên chơi đàn

Nói về cơ duyên trở thành nghệ sĩ chơi thuần thục 2 nhạc cụ: guitare và đàn tranh, nghệ sĩ cổ nhạc Huy Thanh kể rằng: sau thời gian học đàn guitare phím lõm với danh cầm Văn Vĩ, anh có đi hòa đàn với những nghệ sĩ tài tử quanh vùng anh sống ở Sài Gòn, tìm đến những buổi đám giỗ, đám ma, tiệc tùng... để luyện tay nghề cùng đồng nghiệp.

Anh có chơi nhạc tài tử trong một nhóm gồm 3 người bạn, anh bạn chơi đàn sến, Huy Thanh chơi đàn guitare phím lõm, còn một cô gái trong nhóm thì chơi đàn tranh. Vì cảm mến cô gái, và muốn gắn bó dài lâu với người con gái này, nên anh làm bộ mượn cớ học đàn tranh, để có cơ hội “tìm hiểu” người bạn gái. Khi anh hỏi cô đang học đàn tranh ở đâu, để đi học cùng.

Cô cho biết cô học đàn tranh với thầy Hai Biểu 5 năm rồi, thầy là một nhạc sư đàn tranh nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng thầy Hai Biểu lúc bấy giờ đã ngoài 60, nên không nhận nhiều học trò. Trước thiết tha mong được “bái sư” với thầy Hai Biểu của Huy Thanh, cô gái đã đưa anh đến giới thiệu với thầy. Khi thầy gặp Huy Thanh, thầy mến, nên nhận lời dạy anh. Ban đầu, Huy Thanh chỉ muốn mượn cớ học đàn tranh, để “làm quen” với người bạn gái. Nhưng rồi nhờ có khiếu, anh đã học và đam mê đàn tranh, trong thời gian ngắn, tiếng đàn của anh rất được thầy Hai Biểu hài lòng.

Huy Thanh đã không có duyên vợ chồng với cô gái năm xưa, nhưng có duyên với cây đàn tranh. Nhờ thông thạo hai nhạc cụ, lại luôn chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề, Huy Thanh luôn được các nghệ sĩ cải lương, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.
Ở quận Cam hiện nay, nhạc sĩ thành thạo cả hai trường phái nhạc tài tử và Cải lương như Huy Thanh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phong cách diễn tấu Guitar phím lõm và đàn tranh đều là sở trường của anh.

Vẻ đẹp của Đờn Ca Tài Tử qua nhạc cụ đàn Tranh

Theo lời của nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh, trong dàn nhạc của ĐCTT, nhạc khí chính là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh. Khi chơi nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của các nhạc cụ có âm sắc khác nhau; ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Thông thường nhất là song tấu đàn Kìm và đàn Tranh - là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, tiếng thổ pha kim, hoặc có khi là tam tấu đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Cò, hay tam tấu đàn Tranh- Cò-Độc Huyền Cầm. Thi thoảng có thêm tiếng sáo, tiếng tiêu. Đặc biệt là song lang để đánh nhịp. Về sau này có thêm đàn sến, guitar phím lõm cùng hòa điệu.

Nếu một ban nhạc có 3 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban tứ tuyệt, nếu có 4 nhạc công và 1 ca sĩ thì gọi là ban ngũ tuyệt.

Nói về vẻ độc đáo của đàn Tranh, nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh cho rằng đàn Tranh là một loại nhạc cụ khá phổ biến trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam nói chung, và cũng là một trong những loại nhạc cụ tiêu biểu của dòng âm nhạc tài tử - cải lương nói riêng. Đàn Tranh đã tạo hiệu quả đặc biệt và góp phần cực kỳ quan trọng trong hòa âm hòa tấu, nhất là trong âm nhạc tài tử - cải lương càng không thể thiếu.

Khó mà xác định chính xác được niên đại của đàn Tranh một cách chính xác, chỉ biết nó xuất hiện ở khu vực châu Á từ lâu, có nguồn gốc từ đàn cổ Tranh (guzheng) của Trung Hoa.

Đàn Tranh rất phổ biến tại Việt Nam đồng thời một số nước khác ở Châu Á cũng có, ở Nhật thì có cây Koto, Triều Tiên thì có đàn Kayageum, Mông Cổ thì là cây Yatga, và Việt Nam có cây đàn Tranh. Nhiều nhà nghiên cứu đàn Tranh cho rằng đàn Tranh du nhập vào Việt Nam từ đời Trần vào khoảng thế kỷ 12- 13, trải qua gần 700 năm, hòa mình vào sắc thái dân tộc thì cây đàn Tranh lại mang những tính chất độc đáo và phong cách riêng biệt của người Việt Nam, đã trở thành một nhạc khí truyền thống thuần túy Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với sắc thái dân tộc.

Đàn Tranh là nhạc khí dây gảy loại không có dọc (cần đàn), còn được gọi là đàn Thập Lục Huyền cầm, bởi vì nó có mười sáu dây, nhưng giờ đây chúng ta gọi chung là đàn Tranh vì ngày nay đàn đã được cải tiến thêm nhiều dây nữa. Đàn Tranh có loại cổ điển mà chúng ta thường gọi là 16 dây, sau là 17 dây rồi tăng dần lên 22 hoặc 25 dây theo yêu cầu của nhạc phẩm. Đàn Tranh được làm bằng gỗ tung, ngô đồng hay cẩm lai, mặt đàn uốn cong, đáy đàn bằng phẳng có khoét ba lỗ. Theo như cách ví von của người xưa, mặt đàn tượng trưng cho vòm trời, đáy đàn tượng trưng cho mặt đất, trời đất giao nhau, gặp gỡ giữa năm cung.

Cùng họ với đàn Tranh, ở các quốc gia khác sử dụng dây tơ hoặc dây nylon, nhưng đàn Tranh của Việt Nam hoàn toàn là dây kim loại, mà tính năng của loại dây này tạo âm thanh trong trẻo, nhưng một số dây ở cung thấp lại trầm ấm, cùng với những kỹ thuật nhấn, rung và vuốt, chính vì thế, trong hệ thống thanh điệu của nó được cấu trúc hài hòa, có trầm, bổng, nhặt, khoan...

Cái hay của tiếng đàn Tranh

Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh nói anh rất yêu tiếng đàn Tranh, bởi âm thanh của nói nghe tựa như tiếng nước chảy róc rách của dòng suối êm đềm và trong trẻo, góp phần tạo nên chất tươi tắn, trữ tình, mềm mại, uyển chuyển, sâu lắng trong tác phẩm ca - kịch truyền thống. Ngoài ra đàn Tranh có sở trường ở điệu thức Quảng (hơi Quảng), nó tăng thêm khung cảnh sinh động rộn ràng về hơi điệu cho các bài bản ở nhóm này.

Trong các loại đờn của cổ nhạc, không có cây đờn nào có chữ Á hết, mà chỉ có đàn tranh là có chữ Á thôi. Nét độc đáo của nó là vô đầu mỗi giai điệu, bằng chữ “Á”, tức chạy dây ngay nhịp đầu tiên của giai điệu hay còn gọi là lượn dây để vào âm giai.

“Đây là một lối gảy rất phổ biến của Đàn Tranh, là cách gảy lướt trên hàng dây xen kẽ các câu nhạc, thường ngón Á hay, ở vào phách yếu để chuẩn bị vào một phách mạnh đầu hay cuối câu nhạc. Nó còn có chức năng rao dọn tình cảm, tâm lý cho các nhân vật kịch độc diễn, như ngâm thơ, nói lối... Hay tham gia vào nhạc nền ở những lớp trữ tình hoặc dự báo cho những hoàn cảnh buồn tự sự... Ở các điệu thức khác, như điệu Bắc - Nam - Oán – Hạ... đàn Tranh có vai trò trong tổng phổ hòa âm, tạo sự đầy đặn âm sắc, cân bằng trạng thái tĩnh lược âm thanh về mặt thẩm mỹ trong tổng thể chương trình hoặc vở diễn.”
Nhạc sĩ Huy Thanh nói thêm: “Tiếng đàn phải có nhấn nhá, có sắp chữ, sắp câu sao cho duyên dáng, cách xuống câu đến xang, hò, xề... phải sao cho ngọt ngào uyển chuyển mới gọi là ngón đàn hay.”

Đàn Tranh là loại nhạc cụ sở trường dành cho nữ giới. Hình ảnh người nữ mặc áo dài, đội mấn ngồi đàn Tranh với phong thái thùy mị, dịu dàng, là một hình ảnh đẹp vô cùng. Nhưng theo nhạc sĩ Huy Thanh, anh không hiểu lý do vì sao thường trong dàn cổ nhạc bên sân khấu cải lương, nổi tiếng là phái nam nhiều hơn phái nữ.

Có thể kể đến những tên tuổi lớn như nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Hoàng Xuân Nhã, nhạc sư Hai Biểu... Sân khấu cải lương có nghệ sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu), nghệ sĩ Vũy Chỗ, thầy Út Dùa những nhạc sĩ đàn tranh trẻ hơn có Thanh Hải, Văn Hai, Cơ Thụy... Họ là những người kế tục sự nghiệp mà tiền nhân đã dày công để lại, họ cũng là những ngón đờn tiêu biểu đã có những đóng góp cho nghệ thuật cải lương và phong trào đàn ca tài tử.

Nhận xét về điều này, nhạc sĩ Huy Thanh nói: “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thường thành công tuyệt đỉnh trong tiếng đàn tranh, nam chiếm nhiều hơn nữ, có lẽ vì người nam lanh lẹ hơn trong biến chuyển từ dây đờn này qua dây đờn kia nhanh hơn người nữ. Chuyển dây của cây đàn Tranh cực hơn những cây đàn khác trong dàn cổ nhạc, chuyển từ dây đào, dây xề, dây kép đều có cách sửa khác nhau. Đòi hỏi nghệ sĩ đàn Tranh phải có kỹ thuật chuyển dây đờn nhanh, nếu sửa dây chậm, thì sẽ không theo kịp nghệ sĩ ca. Và cũng có thể do tay người nam khi đàn Tranh nhấn mạnh hơn người nữ, nên “chín chữ” hơn người nữ chăng?” (bh)

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT