Văn Nghệ

Vẻ đẹp của Đàn Nhị (Đờn Cò) trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam (kỳ 2)

Friday, 09/02/2018 - 08:34:04

“Đối với trường hợp ngón nhấn láy cần đánh vào một cung cách xa, người soạn nhạc có thể ghi thêm nốt nhạc nhỏ gạch chéo. Dùng nhiều ngón láy liên tiếp có thể diễn tả sự xúc động cao, bình thường ngón nhấn láy làm tiếng đàn mềm mại, tình tứ, duyên dáng.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong phần đệm đàn cho nghệ sĩ ca trong cổ nhạc miền Nam, có nhiều loại gồm dây đàn cao, dây đàn thấp để phù hợp cho làn hơi của người nghệ sĩ, vì có những người ca dây cao nhất, và có những người ca dây thấp nhất, được gọi là: hò nhứt, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm và có cả “hò đậy.” Một số nhạc sĩ cổ nhạc đã dùng danh từ “hò đậy” để chỉ những dây đờn cao nhứt mà nghệ sĩ Thanh Hải đã ca được.


Giáo sư Nguyễn Châu kéo đờn Cò, minh họa cho phần chia sẻ của ông về kỹ thuật trình tấu nhạc cụ này. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Gọi dây hò nhứt, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm là gọi theo cách lên dây đờn Kìm (đàn Nguyệt), vì trong ban nhạc "Ngũ tuyệt" của nhạc cổ truyền Việt Nam, thì đàn Kìm đóng vai trò điều khiển. Không kể cách lên dây, thì tầm cử âm thanh thông thường của hò nhứt tương đương với nốt Sol (bên cải lương), nốt Fa (bên tài tử). Hò nhì tương đương nốt La (bên cải lương ), nốt Sol (bên tài tử). Hò ba tương đương nốt Do (bên cải lương), nốt Si (bên tài tử). Hò tư tương đương nốt Ré (bên cải lương), nốt Do (bên tài tử). Hò năm tương đương nốt Mi (bên cải lương), nốt Ré (bên tài tử).

Trong trường hợp người ca dây cao, người ca dây thấp, nếu như nhạc sĩ của những cây đờn khác thì phải chỉnh sửa dây đờn nhiều lần cho nhiều giọng ca, nên khó mà đờn cho mùi, cho hay. Đa phần các nhạc sĩ rất ngại chỉnh dây đờn (lên hay xuống), đặc biệt là cây guitar phím lõm, mà ngày nay được xem như cây đờn chánh trong dàn cổ nhạc, cải lương. Vì vậy có một số nhạc sĩ cứ để cho các nghệ sĩ phải phải chạy theo một dây đờn không thích hợp với làn hơi ca riêng biệt của mình. Điều đó người ca sẽ không diễn đạt được cái hay, cái độc đáo, bởi có người phải ráng gân cổ để ca cao, hoặc có người phải hạ thấp giọng ca xuống.
Tuy nhiên với cây đờn Cò (đàn Nhị) thì nhạc sĩ chỉ lên dây đờn một lần theo chuẩn mực là có thể giải quyết được tất cả, nghĩa là ai ca thế nào thì nhạc sĩ đờn thế đó. Người nhạc sĩ đờn Cò có thể linh động chuyển dây theo các giọng ca thấp cao, và đổi cung hơi ca từ nam sang nữ, từ nữ sang nam hoặc nam nữ ca chung.
Có nhiều cách để lên dây đờn Cò, có thể lên dây ở quãng ba, quãng bốn, quãng năm và quãng sáu, nhưng thông dụng nhất là quãng năm.

Theo giáo sư Nguyễn Châu (Giám đốc nghệ thuật đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay), nếu trong các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, đàn Nguyệt (đàn Kìm), đàn Tranh… có rất nhiều dây, thì đàn Cò (đàn Nhị) chỉ có hai dây duy nhất và hình dáng của đờn Cò nhỏ, gọn hơn rất nhiều so với các nhạc cụ dân tộc khác. Đờn Cò (đàn Nhị) không quá khó chơi như đàn Nguyệt (đàn Kìm), đàn Bầu, nhưng để chơi được thành thục cây đàn này, người nghệ sĩ cũng phải có sự khổ luyện, chăm chỉ luyện tập thì mới có thể tạo nên những âm thanh quyến rũ cho nhạc cụ.

Kỹ thuật diễn tấu của đờn Cò

Giới thiệu cách diễn tấu, giáo sư Nguyễn Châu cho biết nhạc cụ này thường được người chơi đàn để trên chính đôi chân của mình khi tấu nhạc. Vì vậy khi chơi đờn Cò, người chơi thường ngồi trên ghế, hoặc trên một mảnh chiếu, hay bộ ván. Kỹ thuật đàn khá phong phú, bao gồm từ ngón vuốt, ngón nhấn, ngón láy, ngón chuyền đến cung võ liền, cung vĩ ngắt, cung vĩ rời và cung vĩ rung, v.v..
Âm thanh đờn Cò (Đàn Nhị) rất đẹp, gần giống như tiếng người do những ngón vuốt, ngón nhấn, những kỹ thuật cung vĩ liền, cung vĩ ngắt… tạo nên. Do thay đổi sắc thái, độ mạnh nhẹ khá dễ dàng nên đờn Cò (Đàn Nhị) có nhiều khả năng diễn tả tình cảm đa dạng của con người, nó còn có thể mô phỏng tiếng gió rít, tiếng chim hót.

Khi trình tấu đờn Cò, người chơi đàn sẽ dùng một thanh kéo, vừa ma sát với dây đàn, vừa ma sát với nhựa thông được đính ở thân đàn để tạo ra những âm thanh. Khi dây kéo của đàn nhị được cọ sát với dây đàn để phát ra âm thanh trông khá giống thanh kéo của đàn violon. Khi chơi đàn, người chơi sẽ dùng tay trái giữ dọc nhị (còn gọi là cần nhị, cán nhị) và bấm dây đàn bằng lòng ngón tay hoặc đầu ngón tay để tạo ra tiết tấu, nhạc điệu. Tay phải sẽ cầm cung vĩ đẩy qua lại để tạo ra âm thanh.

Tay phải chủ yếu là sử dụng cung vĩ, nếu điều khiển khéo léo sẽ làm cho tiếng đàn mềm mại, ngọt ngào hoặc mạnh mẽ, chắc chắn. Hướng chuyển động của cung vĩ là đẩy từ phải sang trái và kéo từ trái sang phải. Khi kéo cung vĩ nhanh, tạo nên âm thanh vang lớn hơn là kéo hoặc đẩy cung vĩ chậm. Còn nếu miết mạnh cung vĩ vào dây âm phát ra âm thanh chắc, khỏe hơn là miết nhẹ.

Còn với tay trái, thì người chơi đàn thường dùng lòng đốt ngón tay trái để bấm vào dây đàn, hoặc bấm bằng đầu ngón tay. Bấm bằng đầu ngón tay, âm thanh chuẩn xác hơn, ngón bấm nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, nhất là khi bấm những cung phím trong các thế tay phía dưới. Kỹ thuật tay trái bao gồm có các thế tay và các ngón bấm dây, bật dây (người chơi không dùng cung vĩ nữa mà dùng ngón tay “khều khều” dây đàn tao ra âm thanh).

Kỹ thuật Cung vĩ rời, Cung vĩ liền, Cung vĩ ngắt

Trên trang nhà của nhạc cụ Tạ Thâm có giới thiệu chi tiết ba loại kỹ thuật trên đàn Nhị: Cung vĩ rời, Cung vĩ liền, Cung vĩ ngắt. Xin được trích lại trong bài viết này.
“Cung vĩ rời: Là cách dùng mỗi đường cung vĩ (kéo hay đẩy) để tấu một âm (độ dài âm đó không cố định) vĩ không tách khỏi dây đàn. Cung vĩ rời gồm có hai kiểu là cung vĩ rời lớn, cung vĩ rời nhỏ
“Cung vĩ rời lớn: Là cách kéo hay đẩy cả cung vĩ (từ gốc đến ngọn hay từ ngọn đến gốc) để diễn tấu những âm mạnh, đầy đặn, nhiệt tình, rắn rỏi, dứt khoát. Đánh cung vĩ rời lớn ở đàn Nhị khó dùng tất cả một hướng cung để tấu các âm liền nhau (tức là khó dùng liên tiếp nhiều cung đẩy cả, hay nhiều cung kéo cả) mà phải phối hợp với cung vĩ kéo, cung vĩ đẩy xen kẽ nhau, vì vĩ bị kẹp giữa hai dây đàn, khó nhấc nhanh như cung vĩ của Đàn Violon.

“Cung vĩ rời nhỏ: Là cách kéo hay đẩy một phần hai hay một phần ba cung vĩ một âm. Để diễn tấu những âm diễn tả sự linh hoạt nhẹ nhàng thường dùng phần đầu vĩ và những âm mạnh biểu thị tình cảm khoẻ, chắc, thường dùng gốc vĩ.

Cây đờn Cò



“Cung vĩ liền: Là cách dùng mỗi đường cung vĩ kéo hay đẩy để tấu nhiều âm. Sử dụng cung vĩ liền, âm thanh phát ra luyến với nhau, do đó còn gọi là cung luyến. Cung vĩ liền ở đàn Nhị bị hạn chế bởi cung vĩ ngắn, nên không thể tấu được quá nhiều âm trên một đường kéo hay đẩy. Tuy vậy nếu tấu những âm nhẹ có thể còn được nhiều âm hơn là tấu những âm mạnh. Trong diễn tấu cổ truyền, nghệ sĩ ít chú ý đến sự ưu thế của cung vĩ liền, thông thường chỉ sử dụng từ 2 đến 4 âm (ít thấy 6 âm) trong một đường cung vĩ. Ngày nay các nghệ sĩ đã sử dụng cung vĩ liền với số âm nhiều hơn trong một cung vĩ. Ký hiệu để ghi cung vĩ liền là dấu luyến đặt trên các nốt nhạc. Khi tấu hết các nốt nhạc đặt trong dấu luyến, đường cung vĩ mới đổi hướng. Trong khi cung vĩ rời biểu hiện những âm thanh khoẻ, dứt khoát, nhẹ nhàng…

“Cung vĩ ngắt: Trước kia ở đàn Nhị ít đánh các loại cung vĩ ngắt. Gần đây các loại cung vĩ ngắt có nhiều kết quả tốt. Đánh những âm ngắt, ngắn với nhiều kiểu khác nhau như:

“Cung vĩ ngắt rời: Là lối đánh ngắt từng âm, mỗi âm do một đường cung vĩ hay kéo ngắn gọn, vĩ không nhấc khỏi dây đàn. Có thể dùng phần đầu, phần giữa hay phần cuối cùng vĩ để đánh ngắt rời, nhưng thường là dùng phần đầu để đánh hơn. Âm thanh cung vĩ ngắt rời phát ra dứt khoát, gọn, nhanh. Thực tế sắc thái của những âm thanh này lại dịu, nhẹ hơn là mạnh mẽ, thường dùng trong nhịp độ nhanh vừa trở lên. Ký hiệu dấu chỉ cung vĩ ngắt rời là một chấm nhỏ ghi trên hay dưới nốt nhạc.

“Cung vĩ ngắt liền: Đánh ngắt âm thanh nhưng các âm tiến hành trong một đường cung vĩ. Mỗi âm chiếm một đoạn ngắn của cung vĩ, thường là từ phần đầu đến giữa. Âm thanh phát ra ngắn gọn nhưng không rời nhau. Kỹ thuật này thường dùng cho những âm có độ dài nhỏ trong nhịp độ từ vừa đến rất nhanh. Diễn tả được tâm trạng lâng lâng nhưng tinh tế, thoải mái nhưng không phóng túng. Ký hiệu cung vĩ ngắt liền được ghi bằng dấu chấm nhỏ đặt trên hay dưới nốt nhạc kèm theo dấu luyến bao chùm.

“Cung vĩ nhấn liền: Đánh như cung vĩ ngắt liền, các âm tiến hành trong một đường cung vĩ như đánh miết vĩ, nhấn từng âm và các âm vẫn luyến với nhau. Biểu hiện trạng thái đấu tranh gay gắt, có thể diễn tả sự say đắm, nặng nề. Nhịp độ bản nhạc thường là vừa và chậm. Ký hiệu cung nhấn liền ta dùng những gạch ngang đặt trên nốt nhạc và gạch đó nằm trong một dấu luyến.

“Cung vĩ nẩy rời: Đánh ngắt từng âm, mỗi âm một đường cung vĩ (như đánh cung vĩ ngắt rời) nhưng sau mỗi âm lại nhấc vĩ một lần (ở nhịp độ nhanh, cung vĩ nhảy trên dây đàn).

“Cung vĩ nẩy liền: Đánh ngắt từng âm, nhiều âm chung một đường cung vĩ (như đánh cung ngắt liền) nhưng sau mỗi âm lại nhấc vĩ một lần. Nhịp độ bản nhạc thường là nhanh (cung vĩ nhảy liên tục trên dây đàn). Hiệu qủa của các loại cung vĩ này làm cho ta thấy những âm thanh vừa gọn, vừa nẩy thể hiện được không khí vui tươi, sáng sủa, nhẹ nhàng.

“Cung vĩ rung: Cũng là một thứ cung vĩ rời nhỏ tiến hành với tốc độ rất nhanh trên một âm nào đó, dùng cổ tay điều khiển cung vĩ (thường là đầu cung) kéo, đẩy liên tiếp thật nhanh để phát ra nhiều lần một âm nào đó. Cung vĩ rung nghe như tiếng vê ở các đàn gảy dây. Thực hiện cung vĩ rung ở các nốt nhạc kéo dài hoặc ở các nốt nhạc ngân ngắn, ở các nốt nhạc khẩn trương, cao trào hay làm nền trong hoà tấu đều được vì nó diễn tả nhiều tình cảm, nhiều hình tượng khác nhau.”

Còn về các ngón bấm trên đàn Nhị, trang nhà của nhạc cụ Tạ Thâm giới thiệu, “Ngoài mục đích bấm độ cao của âm thanh, các kỹ thuật tay trái còn góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính chất của âm thanh. Điều này gắn liền ở mức độ nhiều hay ít làm cho nét nhạc mang tính dân tộc đậm đà hay mờ nhạt.
“Trong bản nhạc, nếu ta không chú ý ghi đầy đủ các ký hiệu cho kỹ thuật tay trái, tức là tay trái chỉ bấm những nốt nhạc đơn thuần, lập tức những giai điệu sẽ giảm đi rất nhiều tính chất phong phú của Đàn Nhị làm ảnh hưởng không ít đến tính chất Dân tộc trong nội dung biểu hiện. Các ngón bấm chủ yếu của Đàn Nhị.

“Ngón rung: Làm tiếng đàn ngân vang mà không khô, cứng. Ngón rung là ngón tay bấm, nhấn nhẹ liên tiếp ở một âm nào đó khiến âm thanh phát ra như làn sóng nhỏ. Ngón rung sử dụng ở hầu hết các âm có độ ngân dài. Người ta có thể rung cả ở dây buông bằng cách dùng ngón tay cái nhấn nhẹ liên tiếp vào cái khuyết (cái cữ của dây đàn), cần chú ý không để cái khuyết tụt xuống sẽ ảnh hưởng đến độ cao của dây đàn.

“Ngón vuốt: là cách di ngón trên dây đàn từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới. Âm vuốt làm tiếng đàn thêm mềm mại, uyển chuyển gần giống giọng hát, giọng nói dân tộc. Có hai lối vuốt
“Vuốt để chuyển thế tay, lối vuốt này nên tiến hành nhanh và chỉ nên chạm ngón rất nhẹ trên dây, hết sức tránh âm thanh nghe phát ra nghe nhõng nhẽo. Vuốt để chuyển thế tay không cần ghi ký hiệu mà chỉ cần ghi thế tay và ngón bấm.

“Vuốt làm âm thanh dịu ngọt, mềm mại, ký hiệu ngón vuốt như gạch nối giữa các nốt nhạc, đặt trước hoặc sau một nốt nhạc tùy theo từng trường hợp.

“Ngón nhấn: Ngón nhấn làm âm thanh cao lên, bằng cách nhấn vào cung phím nào đó rồi nhấn từ dây căng ra, làm âm thanh cao lên thường là một cung.

“Ngón láy: (còn gọi là ngón vỗ) trong khi một ngón tay (thường là ngón một) bấm vào một cung phím nào đó, ngón hai (hay ngón ba), đập vào một cung phím có âm cao liền bậc. Ngón láy diễn tả tình cảm lưu luyến, ngậm ngùi.

“Ngón nhấn láy: (còn gọi là ngón nhún) là cách bấm vào một cung phím nào đó rồi nhấn nhanh tạo ra sự căng, trùng dây đàn liên tiếp, nghe ra nhiều lần hai âm cao thấp liền bậc trong phạm vi độ ngân của nốt nhạc. Âm nhấn láy nghe tương tự âm láy về độ cao nhưng tính chất âm thanh luyến mềm, dịu và đều đặn hơn. Ký hiệu chữ M hoa có vòng cung, đặt trên nốt nhạc.

“Đối với trường hợp ngón nhấn láy cần đánh vào một cung cách xa, người soạn nhạc có thể ghi thêm nốt nhạc nhỏ gạch chéo. Dùng nhiều ngón láy liên tiếp có thể diễn tả sự xúc động cao, bình thường ngón nhấn láy làm tiếng đàn mềm mại, tình tứ, duyên dáng.

“Ngón láy rền (còn gọi là đổ hột): đây là kiểu láy nhưng láy nhanh hơn để âm chính và âm cao liền bậc (hay cách bậc) phát ra như làn sóng rền. Âm chính cũng có thể là từ âm của dây buông. Ký hiệu chữ “trille” trên nốt nhạc viết tắt là “tr” đi liền với đoạn sóng ngắn. Ngón láy rền có giá trị bằng độ dài của nốt nhạc (tr).
“Ngón láy rền có nhiều sức diễn tả các mặt tình cảm, với độ nhanh nhỏ, đó là những tiếng lòng thổn thức, nhớ thương, hoặc một cảnh tượng tiêu điều buồn bã… Với tốc độ nhanh, lớn và dùng liên tiếp nhiều lần, ngón láy rền lôi cuốn người nghe, có thể biểu hiện một tình cảm sôi nổi, thiết tha hoặc một không khí khẩn trương, thúc bách hoặc một quang cảnh thiên nhiên vui tươi có ánh mặt trời rực rỡ.

“Bật dây: làm cho hiệu quả màu sắc ở đàn Nhị thêm phong phú. Do đàn Nhị không có bàn phím trơn, chỉ nên bật âm ở dây buông, cụ thể là hai âm Rê, La. Bật những âm khác khó và nghe không rõ. Có thể bật từng dây, có thể bật một lúc cả hai dây. Muốn bật dây, tay phải nghệ sĩ giữ cung vĩ không cho chạm vào dây, còn ngón tay trái bật dây. Có thể kết hợp tay phải vẫn kéo cung vĩ trên một dây buông, tay trái bật trên dây buông kia (thường là bật dây La, kéo dây Rê dễ hơn).”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT