Văn Nghệ

Vẻ đẹp của chiều nhạc thính phòng "Diễm Xưa" với Khánh Ly, Quang Thành, Thương Linh

Friday, 01/07/2016 - 11:20:10

Đã đưa những khán giả đủ mọi lứa tuổi, ngồi chật kín các hàng ghế trong khán phòng Việt Báo Gallery (thành phố Westminster) gặp lại “Diễm” ngày xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua bản tình ca “Diễm Xưa” đã đi vào bất hủ của tân nhạc Việt Nam.

Bài BĂNG HUYỀN

”Khánh Ly-Tiếng hát 60 năm“
Bước từ ngoài cửa tiến dần lên sân khấu, ca sĩ Khánh Ly trong dáng vẻ quen thuộc với chiếc áo dài trắng giản dị, mái tóc buông xõa sau lưng và giọng hát Alto cực trầm, nhừa nhựa, buông lơi, u uẩn, không ai có thể bắt chước được. Giọng hát ấy nay đã có tuổi, hơi thở ngắn hơn là chuyện bình thường, nhưng âm sắc giọng hát lại giàu hơn, đầy đặn hơn, vẫn làm thổn thức, ám ảnh không nguôi biết bao trái tim yêu nhạc. Đã đưa những khán giả đủ mọi lứa tuổi, ngồi chật kín các hàng ghế trong khán phòng Việt Báo Gallery (thành phố Westminster) gặp lại “Diễm” ngày xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua bản tình ca “Diễm Xưa” đã đi vào bất hủ của tân nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Khánh Ly, Thương Linh, Quang Thành và thành viên trong ban tổ chức lên sân khấu chào khán giả kết thúc đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đây là ca khúc mở đầu và cũng là tên gọi của chiều nhạc thính phòng do Việt Báo Gallery tổ chức cho “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly, đã diễn ra vào tối Thứ Sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2016 tuần qua. Là chương trình để đánh dấu tiếng hát 60 năm của Khánh Ly. Mà theo như lời giới thiệu với các khán giả trong đêm nhạc, của thi sĩ Trần Dạ Từ, tiếng hát của cô bé Lệ Mai (tên thật của ca sĩ Khánh Ly, sinh ngày 6 tháng 3 năm Ất Dậu 1945) đã được cất lên từ lúc cô mới 11 tuổi. Vào mùa đông năm 1956, cô trốn mẹ, một mình xách gói, đi nhờ chuyến xe chở rau của bác tài xế tử tế từ Đà Lạt về Sài Gòn, để tham gia cuộc thi tuyển ca sĩ thiếu nhi tại rạp Norodom, và đã đạt giải nhì chung kết khi hát bài Ngày Trở Về của Phạm Duy. Nhưng phải chờ tới năm 1962, khi đủ 17 tuổi, Lệ Mai mới có thể chính thức trở thành Khánh Ly, ca sĩ.

Ca sĩ Khánh Ly bước xuống hát cùng khán giả bài Gia Tài Của Mẹ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Người ca sĩ ấy, nay đã ngoài thất thập, như bà tâm sự trong đêm nhạc rằng bà “là người đã sống qua 2 thế kỷ, một người đã trở thành kỷ niệm, đã trở thành quá khứ, đã trở thành cái gì xa lắc xa lơ rồi”. Nhưng những điều xưa cũ ấy vẫn không hề làm khán giả xưa, khán giả nay nhàm chán. Vẫn chưa bao giờ nhạt màu trong trái tim của nhiều khán giả già có, trẻ có. Sức quyến rũ của tiếng hát không cần kỹ thuật, hát tự nhiên như kể câu chuyện, hát như rút ruột, rút gan, như bao nhiêu lận đận, bẽ bàng của tuổi thơ và tuổi trẻ của cuộc đời chìm nổi đều dồn hết vào tiếng hát. Tiếng hát ấy đã găm sâu vào nỗi nhớ của khán giả thuộc thế hệ hôm qua, những người sống trong chiến tranh, loạn lạc, đau thương, đã xem tiếng hát và những ca khúc mà Khánh Ly hát như một phần cuộc sống, là kỷ niệm của một thời, của sinh tử tàn khốc trong chiến tranh, của tương phùng, biệt ly, của khát vọng hòa bình.... Còn với những người trẻ, ký ức về chiến tranh Việt Nam trong mỗi người chính là những lời kể của mẹ cha, sách vở, truyền hình, và các nguồn thông tin khác nhau. Đó chỉ là âm hưởng của ký ức. Và tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm của Khánh Ly giúp những người trẻ hôm nay hiểu hơn về một thời đã qua.

Sâu lắng cùng Khánh Ly
Vẫn là những ca khúc quen thuộc như Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Phôi Pha, Ru Ta Ngậm Ngùi, Ngẫu Nhiên, Dấu Chân Địa Đàng, Như Cánh Vạc Bay, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Còn Chút Gì Để Nhớ (Phạm Duy), Ở Trọ, nhưng đã được nối kết lại thành một liên khúc mở đầu “liên khúc Diễm xưa- Trịnh Công Sơn và Phạm Duy” thật đặc sắc, thật say đắm, thật gần gũi. Với những âm điệu nhịp nhàng thay đổi liên tục và vẻ đẹp của lời ca, ca sĩ Khánh Ly cùng tiếng đàn guitar của Hùng Lê đã khéo léo “ru người” bằng tất cả cảm xúc của mình, đưa người nghe trôi dần vào những mùa yêu không còn dấu ấn của thời gian.
Nhưng giọng hát của Khánh Ly đâu chỉ khắc sâu vào trái tim người yêu nhạc những khúc tình ca của Trịnh Công Sơn, mà khắc sâu và nổi bật nhất còn ở mảng “Ca Khúc Da Vàng”, tiếng hát nghe rất mộc nhưng lại rõ từng âm tiết của Khánh Ly không bi lụy mà khắc khoải, làm nao lòng người nghe về sự tàn khốc mà chiến tranh đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Ngay chính bà cũng đã thừa nhận trong đêm nhạc “tôi yêu dòng nhạc Da Vàng hơn cả. Tôi yêu Da Vàng như yêu chính thân phận mình...” Bà đã chọn “Một Buổi Sáng Mùa Xuân” và “Người Già Em Bé”, cùng song ca với ca sĩ Quang Thành “Ca Dao Mẹ” và “Gia Tài Của Mẹ”. Lời ca của Khánh Ly, của Quang Thành đã đưa người nghe trở về một thời quá khứ chưa xa lắm, về thân phận người dân Việt Nam, về giữa lòng đô thị miền Nam những năm 60-70, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về, với những hoang mang, tuyệt vọng, những khát khao, hy vọng của cả một dân tộc, đã tạo được nhiều xúc cảm cho người nghe. Bởi vai trò lịch sử của chúng vẫn chưa chấm dứt. Vì nhiều người vẫn chưa thể quên đi. Vẫn còn đó những vết tích của cuộc chiến, như một ký ức đớn đau, nhức nhối. Mà đau đớn là thứ tàn phá mãi mãi thân thể và trí óc của người Việt Nam, của những ai phải trải qua những tháng năm trong cuộc “nội chiến” trước 1975 trên quê hương.

Ca sĩ Thương Linh hát bài Bay và Rơi của Trần Dạ Từ, mở đầu cho phần 2 chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Khán giả yêu nhất tiếng hát Khánh Ly khi nghe bà hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng bà cũng làm họ yêu khi nghe bà hát những ca khúc của các nhạc sĩ khác, như lời bà tâm sự trong phần 2 của chương trình: “Bài nào của ai hay thì tôi yêu. Chỉ cần câu hát chạm vào trái tim mình, làm mình rung động, mình không thể nào từ chối bài hát đó được. Trong một phút chốc thôi, trở thành máu thịt của mình, và cảm thấy mình hóa thân, tan vào trong bài hát đó. Tôi vẫn có những nỗi đau, những nỗi buồn, tôi không thể nói với ai được, tại sao chuyện của mình mà mình bắt người ta phải chịu, nên những bài hát này nó chuyên chở giùm cho tôi những nỗi buồn đó.”

Trong phần 2 chương trình, Khánh Ly đã mang tới cho người nghe cả một trời thương nhớ qua những tuyệt phẩm của Phạm Duy (Còn Gì Nữa Đâu, Bên Ni Bên Nớ, Chủ Nhật Buồn (Rezso Seress, lời Việt Phạm Duy), của Vũ Thành An (Đời Đá Vàng), của Phú Quang (Nỗi Nhớ Mùa Đông), của Trầm Tử Thiên (Kinh Khổ) và của Trần Dạ Từ (Gội Đầu). Tiếng hát Khánh Ly như trút cả lòng mình vào tác phẩm, khả năng thấu hiểu và lột tả "linh hồn" của từng ca từ của bà như người bạn tâm tình vừa hát vừa kể những kỷ niệm của riêng mình, thấm sâu vào lòng người nghe. Khiến khán giả như quên hết chung quanh, chỉ chú tâm vào lời hát của bà qua những ca từ vừa bay bổng trong tình yêu, vừa ngậm ngùi cho thân phận, vừa mênh mang, lãng đãng, và dịu dàng với những lời tâm tình thủ thỉ, hay những khoảnh khắc bùng cháy cùng từng nốt nhạc của những nhạc sĩ tài hoa.

Ca sĩ Khánh Ly mở đầu đêm nhạc bằng liên khúc Diễm Xưa- Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Khán giả không chỉ vỗ tay khi nghe Khánh Ly hát mà vỗ tay cả những những câu chuyện, lời kể của ca sĩ Khánh Ly khi bà tự làm MC, dẫn chuyện tinh tế, sâu sắc và duyên vô cùng. Khán giả thích thú với cách bà dẫn nối đầy xúc cảm, tự nhiên trước mỗi ca khúc, đưa khán giả trôi dần vào những bài hát thật êm ái, nhẹ nhàng. Bà làm cho khán giả phải cười òa lên vì câu đùa dí dỏm của mình, nhưng cũng chính bà khiến người nghe phải ngậm ngùi, xúc động khi tâm sự về những tháng ngày chia xa, về những ước mơ luôn đeo bám, ám ảnh. Trước hoặc sau mỗi bài hát, Khánh Ly trò chuyện với khán giả những câu chuyện tình, chuyện đời, kể cả việc bật mí về người mà bà rất yêu và kính trọng tài năng, nhân cách, là người mà bà từng nói với chồng khi ông còn tại thế (ký giả Nguyễn Hoàng Đoan) “nếu không có anh, em sẽ yêu ông đó”. Người đó chính là cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

2 tiếng hát trẻ trong chương trình
Khánh Ly nói bà rất yêu và quý tuổi trẻ, người trẻ. Bà nhìn thấy tài năng trong nghệ thuật mà họ thể hiện. Vì vậy xuất hiện cùng với bà trong đêm nhạc “Diễm Xưa” còn có tiếng hát của Quang Thành, cũng là người bạn trẻ luôn đồng hành cùng bà trong những chuyến từ thiện tại Việt Nam, và tiếng hát Thương Linh, cô ca sĩ mà bà rất yêu thương.

Cả hai tiếng hát này đã không phụ lòng yêu thương của Khánh Ly và khán giả, đã hoàn thành vai trò của mình thật xuất sắc.

Ca sĩ Quang Thành song ca cùng Khánh Ly bài Ca Dao Mẹ của Trịnh Công Sơn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Ca sĩ Quang Thành vốn rất thành công khi hát cổ nhạc, vậy mà khi hát đơn ca bài “Bà Mẹ Ô Lý” và song ca với ca sĩ Khánh Ly, tiếng hát mềm, ấm của anh với đầy đủ cảm xúc nồng nàn, mạnh mẽ, dữ dội và dịu êm, đã mang lại cho khán giả một không gian đầy thương yêu, nồng đượm những rung động sâu lắng.
Giọng hát với lối nhả chữ tinh tế, bay bổng, như xoáy vào hồn người nghe của Thương Linh đầy lả lơi, cháy bỏng âm ỉ, dai dẳng khi cô hát Bay và Rơi của Trần Dạ Từ; thật da diết yêu thương khi hát Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn; biến ảo với những luyến láy mềm mại rất gợi cảm khi ca Crazy (Willie Nelson); và cô có thể đẩy cái mạnh mẽ lên tận cùng nhưng khi cần cũng mong manh, yếu đuối, đưa người nghe qua những trạng thái cảm xúc khác nhau khi hát Bài Không Tên số 7 của Vũ Thành An, một ca khúc ngoài chương trình được Thương Linh tặng thêm trước sự đề nghị nhiệt tình của các khán giả muốn cô hát thêm nữa.

Đêm nhạc càng hoàn hảo hơn với phần diễn quá tuyệt của ban nhạc Hoàng Công Luận, do nhạc sĩ Hoàng Công Luận làm music director, kiêm thêm phần đàn vĩ cầm và mandolin. Trống Gary Wing. Bass và saxophone Vũ Anh Tuấn, Piano và keyboard Quốc Vũ, guitar Hùng Lê, khiến khán giả càng thêm ngây ngất trong những âm thanh bè phối hoàn hảo, quyện bay trong tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn lúc du dương, lúc trầm lúc bổng như dải lụa nâng vẻ đẹp các tiếng hát càng thêm đẹp hơn. Một điểm cộng cho chương trình là người thực hiện âm thanh đã xuất sắc chuyển đến người nghe vẻ đẹp của tiếng hát, của âm nhạc trọn vẹn cho mọi khán giả. Ngay cả cách bài trí sân khấu, trong một không gian đậm chất thính phòng rộng vừa phải, khán giả có thể nhìn rõ mặt nghệ sĩ ở khoảng cách xa nhất. Ánh sáng dìu dịu của Việt Báo gallery làm cho không gian như càng thu hẹp lại, khoảng cách giữa người nghệ sĩ với khán giả dường như gần thêm.

Ca sĩ Khánh Ly, Thương Linh, Quang Thành và thành viên trong ban tổ chức lên sân khấu chào khán giả kết thúc đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Kết thúc đêm nhạc, Khánh Ly cùng hòa giọng với Thương Linh, Quang Thành và các khán giả hát vang lại ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” (Trịnh Công Sơn). Tất cả khán giả bước ra về, mang theo dư âm của lời ca, tiếng nhạc và những hoài niệm đẹp về một chiều nhạc thính phòng, nơi ấy với quá khứ, hiện tại, tương lai như quyện vào nhau thật thấm thía và sâu lắng khôn cùng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT