Tiêu Thụ

Vấn đề thuế mua hàng tại California

Friday, 13/03/2015 - 11:24:13

Cũng dựa vào bản phân tích trên, tác giả bài bình luận nêu lên rằng cái thuế suất căn bản 7.5% của tiểu bang (mà còn tăng lên cao hơn nữa khi về tới cấp thành phố) làm cho lợi tức của thành phần trung lưu và thành phần nghèo khó bị bào mòn nhiều hơn, mà chẳng ăn thua gì mấy đối với những người giầu có.

Bài ERIC TRẦN

Là người tiêu thụ, chúng ta là “nạn nhân” trực tiếp của thuế má khi đi mua hàng. Mặc dầu nó ảnh hưởng không ít đến cái túi tiền của chúng ta, nhưng gần như ai cũng đành cam chịu, bởi vì vấn đề dường như cao xa quá, vượt ra ngoài tầm tay của những con người thấp bé như chúng ta.
Sự thực không đúng như vậy, thuế má không từ trời rơi xuống, nhưng là do chính những vị dân cử đại diện của chúng ta trong quốc hội, trong cơ quan giám sát, trong hội đồng thành phố đặt ra. Nói một cách khác, chính chúng ta là người đặt thuế ra cho mình. Vậy cái gánh nặng thuế má mà những người đại diện chúng ta đặt ra ảnh hưởng đến mức nào?

Sales Taxes thay đổi theo tiểu bang và địa phương, trong đó California là một trong những tiểu bang có Sales Taxes cao nhất, còn Oregon lại chẳng đòi lấy 1 xu nào trên hàng hóa.



Cái thứ thuế nặng nề nhất là thuế lợi tức, đánh trên đồng lương của những người đi làm. Gần đây chúng ta lại có thuế y tế, tức là tiền phạt những người không chịu mua bảo hiểm Obamacare. Có thể hai thứ thuế này chẳng ảnh hưởng đến một số người, bởi vì họ đang ăn trợ cấp xã hội, chẳng những không phải đóng thuế lợi tức mà còn được chia phần từ số thuế mà người khác phải đóng. Hoặc là người đi làm lấy tiền mặt, họ chẳng buồn “ke” thuế lợi tức. Cả thuế Obamacare cũng không “ke” luôn, vì họ đã có Medi-Cal, Medicaid… hoàn toàn miễn phí!
Nhưng có một thứ thuế không ai có thể tránh được, đó là Sales Tax, đánh trên hàng hóa mà chúng ta mua bán hằng ngày, dù đó là cái dao cạo, là gallon xăng, là cuộn giấy vệ sinh, v.v. Có là người đang ăn Food Stamps chăng nữa, bạn cũng chẳng có thể tránh được chúng.
Sales Tax là một thứ thuế địa phương, được đặt ra bởi chính quyền mỗi tiểu bang, quận hạt và thành phố. Hãy lấy tiểu bang California và thành phố Westminster làm thí dụ. Là người dân Westminster, bạn phải cõng trên lưng cái Sales Taxes hai tầng, một tầng do các ông bà dân biểu nghị sĩ từ Sacramento, một tầng do các ban thuế Quận Cam hoặc thành phố Westminster đặt ra. Và bởi vì Sales Taxes được ấn định bởi các cấp chính quyền địa phương, nên cùng một mặt hàng mà có chỗ đắt hơn chỗ rẻ hơn. Chúng ta thử nhìn một vài con số cụ thể:
- California ấn định Sales Tax 7.50%. Về tới Westminster, chúng ta phải đóng thuế 8% khi mua hàng. Nhưng ở Long Beach, bạn sẽ phải trả tới 9%, trong khi ở Sacramento, bạn lại trả thuế 8.5%
- Các tiểu bang như Delaware, New Hampshire, Montana, và Oregon thì chẳng đòi Sales Taxes. Một số tiểu bang lấy thuế thấp hơn nhiều so với California, như Alaska (1.69%), Hawaii (4.35%), Wisconsin (5.43%), Wyoming (5.49 percent), và Maine (5.50 percent)….
Nói riêng về tiểu bang California, một trong số những tiểu bang “sưu cao thuế nặng” nhất nước, tác giả bài quan điểm trên báo OC Register, số ra ngày 6 tháng Ba, 2015, đã phải kêu lên rằng, “Chính sách thuế má của California đang đẩy nhiều người xuống hàng nghèo khó, hoặc phải chạy sang các tiểu bang khác.” (Californias taxes, policies push more into ranks of the poor, or out of state).
Bài quan điểm nhận xét rằng, “mặc dầu kinh tế quốc gia đang phục hồi một cách khiêm tốn, nhưng chẳng mấy có ảnh hưởng tới nhiều người đang cực nhọc xoay xở, nhất là tại California.” Tác giả trích dẫn nội dung bản phân tích của tổ chức 24/7 Wall Street xếp hạng California là tiểu bang đáng lưu ý nhất về tình trạng giai cấp trung lưu đang ngắc ngoải, và viễn tượng phục hồi của nền kinh tế tại Tiểu Bang Vàng này xem ra rất yếu ớt.
Cũng dựa vào bản phân tích trên, tác giả bài bình luận nêu lên rằng cái thuế suất căn bản 7.5% của tiểu bang (mà còn tăng lên cao hơn nữa khi về tới cấp thành phố) làm cho lợi tức của thành phần trung lưu và thành phần nghèo khó bị bào mòn nhiều hơn, mà chẳng ăn thua gì mấy đối với những người giầu có.
Bài viết kết luận rằng, các chính sách nâng thuế từ cấp tiểu bang và tới địa phương tại California, cũng như những luật lệ đặt ra để chi phối giới kinh doanh, là nguyên nhân dẫn đến giá sinh hoạt đắt đỏ cũng như sự khó khăn khi muốn làm ăn tại đây. Hậu quả là, giới trung lưu sẽ phải từ bỏ tiểu bang mà đi, hoặc sẽ trở thành nghèo khó, nếu những người lãnh đạo không biết sửa đổi lại những thứ luật lệ đầy nguy hại này.
Đối với người Mỹ gốc Việt, khi bầu người vào các chức vụ lãnh đạo, chúng ta thường chỉ chú ý xem ông/bà nào chống cộng (miệng) nhiều hơn mà bỏ phiếu. Ít khi chúng ta chú ý tới lập trường của họ về vấn đề thuế má. Và như vậy, có phải rằng chúng ta đang “làm phúc nơi nao, mà để cầu ao rách nát” đó chăng?
Erictran 216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT