Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vấn đề logic Đông và Tây: Cọng râu tài hay râu tội

Anvi Hoàng/Viễn Đông Friday, 14/12/2012 - 09:29:19

Vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của P.Q. Phan, cho nên những góp ý về mặt ngôn ngữ của các đồng nghiệp nói tiếng Anh là hoàn toàn có ích cho ông. Ví dụ họ gợi ý thêm chữ “the” chỗ này, bỏ chữ “a” chỗ kia, đổi chữ “of” thành chữ “with”, vân vân và vân vân.

Hành trình một vở opera (kỳ 9)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Đối với một tác phẩm liên quan đến vấn đề văn hóa như "Chuyện Bà Thị Kính", việc làm có ích cho P.Q. Phan là cho người nước ngoài đọc và nhận xét để xem cảm nhận của người ta như thế nào và liệu mình có cần điều chỉnh cho hợp lý không. Khi viết xong tuần bản của vở opera, P.Q. Phan đã làm như thế.


Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên

Buổi đọc
Ông tổ chức một buổi đọc (reading) – là buổi họp mặt của một số đồng nghiệp trong ngành để đọc tuần bản và góp ý. Những người tham gia buổi đọc gồm các nhà nghiên cứu lý thuyết âm nhạc, nhạc trưởng, và giáo sư thanh nhạc. Mọi người chọn một vai trong "Chuyện Bà Thị Kính" (The Tale of Lady Thị Kính), rồi lần lượt bắt đầu đọc to tuần bản theo đúng vai của mình. Việc đọc to lên như vậy giúp cả người đọc lẫn người nghe có được cảm nhận về tác phẩm, và xét xem liệu lời văn như thế nghe có xuôi không, liệu các chi tiết có hợp lý không, v.v... Điều này cũng có lợi cho cả tác giả nữa.

Ngôn ngữ và văn phạm
Vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của P.Q. Phan, cho nên những góp ý về mặt ngôn ngữ của các đồng nghiệp nói tiếng Anh là hoàn toàn có ích cho ông. Ví dụ họ gợi ý thêm chữ “the” chỗ này, bỏ chữ “a” chỗ kia, đổi chữ “of” thành chữ “with”, vân vân và vân vân.

Vấn đề văn hóa

Nhưng ngoài vấn đề ngôn ngữ, người ngoài đọc tuần bản sẽ đặt những câu hỏi mà tác giả chưa bao giờ nghĩ tới, lý do đơn giản là họ không phải người Việt Nam và họ không hiểu văn hóa và cách suy nghĩ của người Việt Nam. Trong khi đó, người Việt Nam nào cũng quen thuộc với chuyện Thị Kính rồi, không ai hỏi về các chi tiết liên quan đến văn hóa Việt Nam cả.
Ví dụ lúc Thị Kính và Thiện Sĩ lạy trời lạy đất lạy cha mẹ, họ hỏi tại sao lại cúi lạy, chi tiết này hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với người Tây và nên bỏ đi. P.Q. Phan đồng ý với điều đó nhưng ông phải giải thích rằng nếu bỏ chi tiết này đi thì nó phá hỏng hoàn toàn yếu tố văn hóa Việt Nam trong vở opera. Điều cần làm trong quá trình dàn dựng là tạo ra khung cảnh thích hợp để người xem cảm nhận và chấp nhận dễ dàng các yếu tố văn hóa của tác phẩm trên sân khấu mà không cần đặt câu hỏi.
Hoặc người ta cũng có thể sa đà vào các chi tiết nhỏ làm người ta liên tưởng đến những cảm nhận văn hóa mà họ quen thuộc. Ví dụ cảnh hài giữa Thầy Bói, Thầy Đồ, Cụ Hương theo kiểu Việt Nam thì họ không thấy hề, nhưng nó làm họ liên tưởng đến cái hề mà họ có thể cảm nhận được: trò khỉ. Vì vậy họ gợi ý phóng to vai trò của ba ông này lên và biến họ thành các nhân vật như là “ba con khỉ đui, mù, điếc” – bởi vì như thế thì họ mới thấy là buồn cười. Tuy nhiên, gợi ý này không thích hợp cho một vở opera nghiêm chỉnh như chuyện Thị Kính. Mà để nguyên hài theo kiểu Việt Nam thì Tây lại không hiểu. Cuối cùng, sau một thời gian dài suy nghĩ cẩn thận, P.Q. Phan quyết định cắt bỏ đoạn hài này.

Vấn đề logic
Cũng với con mắt của người ngoài, các bạn đọc Tây lại đặt một câu hỏi hóc búa khác: cọng râu trên cằm Thiện Sĩ có ý nghĩa gì và tại sao phải cắt cọng râu để rồi gây chuyện ầm ĩ lên. Đã bao giờ có người Việt Nam nào đặt câu hỏi ấy chưa? Có lẽ là chưa, bởi vì mình là người Việt, sống trong văn hóa Việt, coi như mình hiểu văn hóa Việt, và mình chấp nhận nó một cách vô ý thức mà không bao giờ đặt câu hỏi. Giống như mình nghe một chuyện gì thường xuyên đến nỗi mình nghĩ mình hiểu vấn đề, nhưng thật ra là không. Bây giờ chịu khó đặt mình vào hoàn cảnh những người trí thức nước ngoài này, họ không tin dị đoan mà suy nghĩ theo tinh thần khoa học. Rõ ràng là một cọng râu không đáng để làm to chuyện. Vậy lời giải thích là gì đây?
P.Q. Phan bảo: thật ra trong tuần bản tiếng Việt cọng râu cũng chỉ là một cái cớ vớ vẩn để dẫn chuyện. Qua câu chuyện tác giả muốn nói rằng một cái cớ vớ vẩn cũng có thể làm mọi chuyện rối tung và gây ra nhiều bi kịch. Nếu vì tin chuyện dị đoan mà người ta cho rằng cọng râu mọc ngược là điềm xấu và nên nhổ đi, nghĩa là cọng râu là có ý nghĩa quan trọng thật đối với người Việt thì cha mẹ Thiện Sĩ đã không có lý do gì để làm ầm ĩ. Do đó, dùng lý do vớ vẩn là cọng râu mà tác giả ngụ ý nói rằng giá trị cuộc đời của một người đàn bà cũng nhỏ mọn và vô nghĩa như cọng râu mà thôi. Đây là một cách để chỉ trích xã hội phong kiến Việt Nam đã coi thường người đàn bà và cuộc sống của họ.
* * *
Cuối cùng lại thì buổi đọc là việc tích cực cần làm. Điều cần nhớ là những đóng góp của người ngoài lúc nào cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mình phải tự quyết định về sau nên nghe gì và bỏ gì.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT