Mẹo Vặt

Vẫn chuyện sản phẩm plastic

Friday, 06/01/2017 - 12:40:56

Theo các nhà chuyên môn, chúng ta cần phải chọn những sản phẩm mang số “một, hai, bốn, năm”, nếu không, cũng phải có ghi chữ BPA-Free, có nghĩa là “không có chất BPA” mới tạm yên chí.

Bài VŨ HẰNG

Plastic nói ở đây bao gồm những sản phẩm làm bằng nhựa, kể cả những sản phẩm mà xưa nay gọi là “ni lông.” Trong lúc đồ plastic càng lúc càng trở nên phổ thông và tiện lợi, thì sự đề phòng cảnh giác đối với chúng cũng mỗi lúc một tăng. Các nhà chuyên môn nhận ra rằng, plastic có thể rỉ ra độc chất – mà thứ nguy hiểm nhất là BPA - vào trong cơ thể chúng ta, gây ra những chứng bệnh hiểm nghèo về lâu dài.
Chính vì thế, luật pháp đòi hỏi nhà sản xuất phải phân loại, và ghi rõ hạng bậc ngay trên sản phẩm plastic. Người đi chợ chỉ việc lật đít một cái chai nhựa lên là biết nó thuộc loại nào. Có cả thảy 7 loại, đánh số từ 1 tới 7 cho dễ nhớ. Theo các nhà chuyên môn, chúng ta cần phải chọn những sản phẩm mang số “một, hai, bốn, năm”, nếu không, cũng phải có ghi chữ BPA-Free, có nghĩa là “không có chất BPA” mới tạm yên chí.


                             Đồ đựng Tupperware thì tiện thật, nhưng tránh được vẫn tốt hơn.

Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ lại vận động chúng ta từ bỏ những túi nylon đựng hàng ở chợ. Bởi vì, những túi nylon này – nguồn gốc cũng là plastic – rất khó phân hủy trong thiên nhiên, phải cần tới vài ngàn năm, hoặc cả chục ngàn năm mới trở về thành đất. Trong lúc chưa phân hủy, chúng sẽ làm cho đất đai khô cằn, không canh tác trồng cấy được. Đối với thiên nhiên còn như vậy thì chả trách nó có thể làm loạn trong cơ thể chúng ta!

Trong khi chưa thể đồng loạt tẩy chay plastic được, chúng ta nên theo sát lời khuyên “một, hai, bốn, năm” và BPA-free trên đây của các thầy cô để giữ an toàn tối thiểu cho mình và gia đình. Ngoài ra, để tăng cường sự an toàn cho chúng ta và gia đình, các thầy cô còn có những lời khuyên sau đây,

- Bất cứ khi nào có thể được, bạn nên thay thế đồ nhựa bằng đồ thủy tinh, đồ sứ, đồ thép không rỉ (steel), nhất là khi dùng để chứa đồ ăn nóng hoặc nước nóng. Chẳng hạn, khi bới cơm mang đi làm, bạn không nên dùng đồ Tupperware nữa (mặc dầu chúng tiện lợi hơn nhiều). Tốt hơn nên dùng chén đĩa sành sứ hoặc chai ly bằng thép để đựng nước. Ngay cả khi mua cà phê trong cửa hàng, bạn cũng có thể đưa bình thermos của mình ra đựng, thay vì nhận ly tách nhựa của họ.

Tìm những sản phẩm plastic có ghi BPA-Free


- Đừng microwave thực phẩm trong đĩa (hộp) nhựa. Tốt nhất, đổ ra chén ly thủy tinh hoặc tô sành sứ.
- Tránh dùng các đĩa chén, nĩa muỗng dao… nhựa kèm sẵn trong các đồ ăn đóng gói, như mì ăn liền. Thay vào đó, bạn có thể mua đĩa chén, muỗng nĩa dao … bằng sành sứ hoặc thép không rỉ với giá rất rẻ ở các cửa hàng “thrift stores” để dành cho những buổi pạc-ti, píc-níc.

- Tránh mua thực phẩm đóng trong hộp plastic. Chỉ mua đồ đóng trong hộp thép không rỉ hoặc hộp thủy tinh.

- Những tấm biên nhận (receipts) mua hàng cũng là nguồn ô nhiễm BPA. Kiểm tra biên nhận ngay sau khi mua, rồi liệng bỏ càng sớm càng tốt, đừng giữ lại trong ví bóp.


Nên dùng thermos bằng thép không han để đựng nước nóng



- Dùng tã lót vải, thay vì tã lót nhựa. Vì da thịt trẻ em rất nhậy cảm với độc chất trong sản phẩm nhựa, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến đồ dùng trẻ em, như chai sữa, núm vú giả, đồ nhét miệng khi trẻ em mọc răng (teething toys). Tra xét nguồn gốc để bảo đảm sản phẩm là BPA-Free. Tốt nhất là làm bằng cao su (rubber) thật.

- Không dùng bao ny-long gói hàng ở chợ. Nên mang giỏ riêng của mình. Nếu không có túi vải thì…. túi giấy cũng an toàn hơn túi ni lông. Làm được điều này là bạn đã đi trước nhà nước một bước, chắc chắn sẽ được khen thưởng đó.

Bây giờ, bạn thử nhìn quanh bếp xem có thể thay thế những đồ dùng hiện bằng plastic không? Quan sát phòng tắm nữa? Nào các chai shampoo, conditioners, các ống kem đánh răng, bàn chải đánh răng, lược chải đầu…. Nhiều quá, gần như tất cả đều có dính dáng tới plastic! Nếu bỏ hết thì các tiện nghi đời sống chẳng còn gì! Ấy là chưa kể, kỹ nghệ làm đẹp cho phụ nữ bây giờ cũng cần tới rất nhiều plastic (hèn chi, ngành giải phẫu thẩm mỹ được gọi là plastic surgery!).

Dù không thể tẩy chay hết, chúng ta cũng phải để ý đến lời cảnh giác của các thầy cô và của nhà nước. Không phải rỗi hơi mà họ đưa ra những lời can ngăn như vậy đâu. Nếu không thể thay thế bằng đồ sành sứ, thủy tinh, thép không rỉ, và bắt buộc phải dùng một vật dụng bằng plastic, nhớ chọn “một, hai, bốn, năm” và BPA-free nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT