Việc Làm

Vài vấn đề của trẻ em tuổi mới biết đi

Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận Friday, 26/07/2013 - 11:12:00

Chấp nhận những thay đổi mà con bà đang trải qua và luôn luôn biểu lộ tình thương yêu và sự tôn trọng của mình đối với đứa bé, bà sẽ giúp nó vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận


Tại sao trẻ hai tuổi rất khó khăn?

Hỏi: Con tôi còn vài tháng sẽ lên hai tuổi. Tôi nghe nói tuổi này rất khó khăn đến nỗi được gọi là “terrible twos”. Tại sao trẻ hai tuổi lại rất khó khăn?

Đáp: Hai tuổi đánh dấu một giai đoạn trong sự phát triển của trẻ, biểu hiện bằng sự thay đổi tâm trạng thường xuyên, những cơn giận kinh khủng và lúc nào cũng nói "không". Giai đoạn này xẩy ra khi trẻ bắt đầu cảm thấy muốn được “độc lập” nhưng cũng bị giằng co giữa độc lập và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Trong một phút đứa bé có thể thay đổi từ bám dính mẹ hay cha đến tỏ ra cứng đầu làm theo ý mình hoàn toàn.
Cha mẹ hay người trông bé có thể cảm thấy rất bực dọc và khó khăn để đối phó nhưng nên hiểu rằng đứa bé đang trải qua những thay đổi lớn về cơ thể, trí tuệ, xã hội và cảm xúc. Từ vựng của bé đang phát triển, nó háo hức muốn làm theo ý mình nhưng cũng bắt đầu khám phá ra nó phải tuân theo những kỷ luật của cha mẹ. Trẻ hai tuổi chưa thể di chuyển nhanh như nó muốn, chưa nói ra được rõ ràng nhu cầu của nó, cũng như chưa kiểm soát được cảm xúc. Những chuyện này làm nó bực dọc và tỏ ra đối kháng bằng nhiều cách khác nhau khiến chúng trở thành “terrible twos”.
Nếu con bà đang ở tuồi này, chắc chắn lâu lâu bà sẽ mất kiên nhẫn và nổi khùng lên. Tuy nhiên, nên cố gắng giữ bình tĩnh. Khi con bà lên một cơn giận, nên an ủi nó, nếu không được thì cứ bỏ mặc nó một ít lâu. Cố gắng hạn chế việc sử dụng chữ "không". Thay vào đó, sử dụng các hình thức khác để đối phó, thí dụ như chuyển hướng câu chuyện hoặc nói đùa, hài hước. Ngoài ra, nên tránh những tình huống khó khăn - chẳng hạn như đi mua sắm với con bà trong thời gian đáng lẽ nó phải đi ngủ, khiến nó cau có, gắt ngủ. Nhớ khen con khi nó ngoan hay có những hành vi thích hợp.
Chấp nhận những thay đổi mà con bà đang trải qua và luôn luôn biểu lộ tình thương yêu và sự tôn trọng của mình đối với đứa bé, bà sẽ giúp nó vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có thể hiểu được lời nói của một đứa trẻ 2 tuổi?

Hỏi: Tôi có nên lo lắng khi đứa con 2 tuổi của tôi không nói nhiều và khó hiểu nó nói gì?

Đáp: Nếu bà không thể hiểu bất kỳ lời nói nào của đứa con 2 tuổi, nên đem em đi bác sĩ để khám bệnh vì như vậy là cháu phát triển chậm và đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Mặc dù mỗi đứa trẻ lớn lên và phát triển với tốc độ riêng, có thể đoán trước sự phát triển lời nói. Ví dụ:
-Bé 2 tuổi có thể:
Nói ít nhất 50 chữ
Liên kết hai chữ với nhau, chẳng hạn như "chén (của) tôi" hoặc "không ăn"
Nói rõ ràng đủ cho cha mẹ hiểu một số chữ

-Bé 3 tuổi có thể:
Nói 250-500 chữ hoặc nhiều hơn
Nói câu ba - bốn chữ
Biết sử dụng các đại danh từ (tôi, anh, em, của tôi)
Biết nói tên mình
Nói rõ ràng đủ cho người lạ hiểu
Bác sĩ của con bà sẽ xem xét những lý do làm con bà chậm nói, từ bệnh điếc tới bệnh rối loạn phát triển. Nếu cần thiết, cháu có thể được giới thiệu đến người chuyên môn về ngôn ngữ. Điều trị cho sự chậm phát triển tiếng nói tùy thuộc vào những nguyên nhân gây ra sự chậm nói và mức độ nghiêm trọng của nó. Khi điều trị sớm, lời nói và ngôn ngữ thường tiến triển tốt hơn theo thời gian.

Răng sữa đổi màu: Cần quan tâm?

Hỏi: Con trai tôi 8 tháng, mới mọc mấy chiếc răng sữa nhưng hình như chúng bị đổi màu. Như vậy có sao không? Tôi cần phải làm gì để giữ cho răng cháu sáng bóng,

Đáp: Răng sữa thường có màu hơi trắng hoặc màu ngà. Răng sữa có thể bị đổi màu vì nhiều lý do:
Đánh răng không đủ. Nếu chải răng không đúng cách, vi trùng có thể đóng mảng trên răng đưa đến đổi màu răng.
Sử dụng thuốc. Thuốc có chứa chất sắt, chẳng hạn như vitamin, có thể gây ra những vết đen trên răng sữa. Mẹ uống thuốc trụ sinh Tetracycline trong khi mang thai có thể làm răng đứa bé đổi màu.
Chấn thương nướu hay răng có thể gây ra đổi màu, khiến răng sữa có màu hồng hoặc màu xám.
Men răng yếu. Sự thành hình men răng có thể bị ảnh hưởng do bệnh di truyến khiến răng sữa bị đổi màu.
Quá nhiều fluoride. Dùng quá nhiều fluoride có thể gây ra các đốm sáng trắng hoặc sọc trên răng.
Vàng da sơ sinh. Em bé bị vàng da sau khi sinh có thể có răng sữa nhuốm màu xanh.
Bệnh nặng. Bệnh nhiễm trùng lan rộng trong tuổi sơ sinh có thể gây ra răng sữa đổi màu. Bệnh viêm gan trẻ sơ sinh và một số bệnh tim có thể có tác dụng tương tự.

Nếu sự đổi màu là do vệ sinh răng miệng kém, đánh răng kỹ hơn với nước và bàn chải nhỏ mềm dành cho trẻ sơ sinh có thể giúp làm bớt đổi màu. Không sử dụng kem đánh răng cho đến khi đứa bé biết nhổ ra, thường vào khoảng 2 hoặc 3 tuổi.
Ngoài ra, nên nhớ rằng bú sữa hoặc nước trái cây trong suốt cả ngày hoặc trong khi ngủ sẽ góp phần làm sâu răng. Không cho cháu mang theo chai sữa hoặc loại ly tập uống (sipping cup) trong ngày và không cho cháu đi ngủ với một bình sữa, trừ khi chai chỉ chứa một ít nước lạnh. Ngoài ra, không dùng chung muỗng nĩa với cháu vì có thể làm lây vi trùng gây sâu răng. Nếu cháu dùng núm vú giả, không nên cho nó vào miệng của bà để làm sạch nó. Không nhúng núm vú giả vào mật ong hoặc chất nước có đường nào khác.
Hỏi bác sĩ của cháu về vấn đề răng miệng. BS có thể sẽ giới thiệu cháu đến một nha sĩ nhi khoa. Sau khi chữa răng (nếu có vấn đề), nha sĩ có thể khuyên nên tẩy trắng răng bị đổi màu hoặc chỉ chờ xem có các dấu hiệu của các vấn đề nào khác không.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT