Sức Khỏe

Vài điều cần biết về ung thư phổi

Friday, 09/06/2017 - 10:45:43

Ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn sớm nhất của nó mà thường chỉ có triệu chứng khi bệnh đã tiến triển khá xa.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Không ai trong chúng ta chưa từng nghe nói tới một người quen biết bị mắc bệnh ung thư phổi, chứng tỏ bệnh này không phải là hiếm và cũng không phải chỉ xẩy cho người hút thuốc hay từng hút thuốc, thậm chí số phụ nữ chưa từng hút thuốc lại mắc ung thư phổi có vẻ đang tăng lên.
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ, ở nam giới cũng như phụ nữ. Ung thư phổi giết nhiều người mỗi năm hơn ung thư ruột già, tuyến tiền liệt, buồng trứng và ung thư vú kết hợp.
Ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn sớm nhất của nó mà thường chỉ có triệu chứng khi bệnh đã tiến triển khá xa.

Triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:
· Ho ra máu, dù chỉ ít thôi
· Khó thở
· Tức ngực
· Khò khè
· Khàn tiếng
· Một cơn ho mới xẩy ra nhưng kéo dài dai dẳng không hết
· Cơn ho lâu ngày, thường thấy ở người hút thuốc lá, nay thayđổi tính cách
· Giảm cân không cố tình
· Đau xương
· Đau đầu
Nên hẹn đi khám bệnh nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khiến bạn lo lắng. Nếu bạn hút thuốc, hãy hẹn gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị cách bỏ hút thuốc, chẳng hạn như tư vấn, thuốc và các sản phẩm thay thế nicotin.
Hút thuốc gây ra phần lớn số ung thư phổi - cả ở người hút thuốc và những người tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp. Nhưng ung thư phổi cũng xảy ra ở những người không bao giờ hút thuốc lá và những người không bao giờ tiếp xúc lâu với khói thuốc. Trong những trường hợp này, có thể không có nguyên nhân rõ ràng.

Hút thuốc gây ung thư phổi bằng cách nào?
Hút thuốc lá gây ung thư phổi bằng cách làm hỏng các tế bào phổi. Khi bạn hít khói thuốc láchứa chất gây ung thư, những thay đổi trong mô phổi bắt đầu gần như ngay lập tức. Lúc đầu cơ thể bạn có thể sửa chữa được hư hỏng này. Nhưng với những tiếp xúc lặp đi lặp lại, các tế bào bình thường ngày càng bị hư hỏng. Theo thời gian, các tế bào sinh sản bất thường và gây ra bệnh ung thư.

Các loại ung thư phổi
Các bác sĩ phân chia ung thư phổi thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị dựa trên loại ung thư phổi. Hai loại ung thư phổi gồm:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: thường xảy ra hầu như chỉ ở những người hút thuốc nặng và ít thấy.
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: gồm một số loại ung thư phổi tiến triển tương tự nhau như ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến giáp và ung thư biểu mô tế bào lớn (squamous cell carcinoma, adenocarcinoma and large cell carcinoma).

Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi bao gồm:
- Hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng cùng với số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Ngưng hút thuốc ở mọi lứa tuổi có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư phổi.
- Tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi tăng lên nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp.
- Tiếp xúc với khí radon. Radon được tạo ra bởi sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước, cuối cùng trở thành một phần của không khí bạn thở. Mức radon không an toàn có thể tích lũy trong bất kỳ tòa nhà nào. Các bộ dụng cụ thử nghiệm radon mua tại các tiệm bán đồ sửa nhà có thể xác định mức độ an toàn. Nếu tìm thấy hiện mức radon không an toàn, có thể tìm cách khắc phục.
- Tiếp xúc với asbestos và các chất gây ung thư khác. Việc tiếp xúc với chất asbestos và các chất khác như arsenic, crom và nikel cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn đang hút thuốc.
- Gia đình có tiền sử ung thư phổi. Những người có cha / mẹ, anh chị em ruột hoặc trẻ em bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao.

Biến chứng
Ung thư phổi có thể gây ra các biến chứng, như:
·Khó thở. Những người bị ung thư phổi có thể bị hụt hơi nếu bướu ung thư phát triển lớn, chặn đường thở chính. Ung thư phổi cũng có thể làm cho chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm phổi bị khó khăn hơn khi hít vào.
·Ho ra máu. Ung thư phổi có thể gây ra chảy máu trong đường thở, khiến bệnh nhân ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên trầm trọng. Có phương pháp điều trị để kiểm soát chảy máu.
·Đau đớn. Ung thư phổi tiến triển lan đến niêm mạc phổi hoặc đến một khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, có thể gây ra đau.
Nói với bác sĩ của bạn nếu bạn gặp đau. Đau có thể ban đầu là nhẹ và không liên tục, nhưng có thể trở nên liên tục.

Người khỏe mạnh có nên đi truy tầm ung thư phổi không?
Một số tổ chức khuyên những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên đi chụp hình CT scan để tìm ung thư phổi. Nếu bạn 55 tuổi trở lên và hút thuốc hoặc từng hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ của việc truy tầm ung thư phổi.
Một số nghiên cứu cho thấy truy tầm ung thư phổi có thể giúp cứu sống bệnh nhân bằng cách tìm ra bệnh ung thư sớm, khi nó có thể được điều trị thành công hơn. Nhưng các nghiên cứu khác cho thấy việc truy tầm ung thư phổi nơi người khỏe mạnh thường tìm thấy những “bệnh” khác, lành tính hơn nhưng thường dẫn đến việc phải làm nhiều thử nghiệm khiến mọi người lo lắng không cần thiết.

Các thử nghiệm chẩn đoán ung thư phổi
Nếu có lý do để nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư phổi, bác sĩ có thể yêu cầu một số thử nghiệm tìm tế bào ung thư và loại bỏ các tình trạng khác. Để chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ có thể đề nghị:
· Thử nghiệm hình ảnh. Chụp quang tuyến X phổi có thể cho thấy một khối u bất thường hoặc hạch trong phổi. Chụp CT scan có thể cho thấy những tổn thương nhỏ trong phổi của bạn không thấy tronghình quang tuyến X.
· Tế bào đờm. Nếu bạn bị ho có đờm, xét nghiệm đờm dưới kính hiển vi đôi khi có thể cho thấy các tế bào ung thư phổi.
· Mẫu mô (sinh thiết)
(Còn tiếp)



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT