Thế Giới

Ủy ban Hoa Kỳ phê chuẩn dự luật bênh vực nhân quyền Tây Tạng

Thursday, 19/12/2019 - 08:00:45

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc tức giận khi ban hành nhiều đạo luật bênh vực nhân quyền liên quan đến Tân Cương và Hong Kong.


Những người tị nạn Tây Tạng đang thắp nến trong một buổi cầu nguyện cho một người tị nạn khác mới qua đời trong trại di dân cạnh rừng Saint-Germain-en-Laye ở Acheres, Pháp với chân dung Ngài Đạt Lai Lạt Ma hôm 2 tháng 12, 2019. (Christophe Archambault/AFP via Getty Images)


Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc tức giận khi ban hành nhiều đạo luật bênh vực nhân quyền liên quan đến Tân Cương và Hong Kong. Mới đây nhất, sự chú ý về nhân quyền của Washington đã mở rộng sang Tây Tạng.
Ủy Ban Ngoại Vụ Hạ Viện vào thứ Tư đã phê chuẩn dự luật mới, kêu gọi Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Tây Tạng. Các dự luật về nhân quyền của Hạ Viện được đưa ra giữa lúc chính phủ của Tổng Thống Donald Trump đang cố gắng đàm phán thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Có tên là Dự luật chính sách Tây Tạng 2019, dự luật mới dự kiến sẽ được chuyển sang Hạ Viện để bỏ phiếu, tuy ngày giờ chính thức chưa được xác định. Dự luật yêu cầu cộng đồng Phật giáo Tây Tạng phải được quyền chọn người lãnh đạo tinh thần của họ, tức vị Đạt Lai Lạt Ma thế hệ kế tiếp.
Bắc Kinh lâu nay vẫn nói rằng vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp có thể được chọn theo các quy tắc tôn giáo truyền thống, nhưng cũng phải được sự ủng hộ của chính quyền trung ương. Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Vụ Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Dân Chủ Eliot Engel, nói rằng Trung Quốc “đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của quyền tự do tôn giáo, khi muốn can thiệp vào việc chọn lãnh đạo tinh thần cho người Tây Tạng.”
Dự luật chính sách Tây Tạng 2019 kêu gọi trừng phạt kinh tế và hạn chế visa đối với các viên chức Trung Quốc tìm cách tự bổ nhiệm chức vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai. Vào thứ Năm, Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả, nói rằng dự luật Hoa Kỳ đã vi phạm các quy tắc cơ bản trong quan hệ ngoại giao, đồng thời gởi đi một thông điệp sai lầm đến phong trào đòi độc lập tại Tây Tạng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT