Sức Khỏe

Ung thư buồng trứng

Friday, 08/12/2017 - 08:55:37

Người nổi tiếng chết vì bệnh này kể sơ có cô đào hài hước Gilda Ratner và mẹ của cô đào nổi tiếng Angelina Jolie.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Ung thư buồng trứng là một bệnh khá thông thường. Ai trong chúng ta cũng đã từng nghe nói tới một người bị ung thư buồng trứng. Người nổi tiếng chết vì bệnh này kể sơ có cô đào hài hước Gilda Ratner và mẹ của cô đào nổi tiếng Angelina Jolie.

Ung thư buồng trứng trước kia thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì do triệu chứng khá mơ hồ, khi được định bệnh, ung thư đã lan ra nhiều bộ phận khác trong cơ thể khiến việc chữa trị không có kết quả. Tuy nhiên gần đây những triệu chứng sớm của bệnh đã được để ý đến, có thể giúp chúng ta tìm bệnh sớm hơn hầu chữa trị hữu hiệu. Theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ, bệnh nhân được chữa sớm có tỉ lệ sống 5 năm là 93%.

Triệu chứng
Triệu chứng bệnh ung thư buồng trứng không có gì đặc biệt và giống như triệu chứng những bệnh thông thường, gồm bệnh đường tiêu hóa, đường tiểu. Bệnh nhân ung thư buồng trứng thường được định bệnh khác trước khi được định bệnh đúng. Những bệnh họ thường được gán cho là bệnh đường ruột bị kích thích, bệnh căng thẳng hay bệnh trầm cảm.
Một điểm chính cần biết là những triệu chứng của bệnh ung thư buồng trứng thường càng ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân đường ruột thường có triệu chứng lúc nhiều lúc ít, xảy ra sau khi ăn một thức ăn nào đó hoặc trong 1 trường hợp nào đó. Trong khi đó, triệu chứng ung thư buồng trứng có thể giống như bệnh tiêu hóa nhưng lại lúc nào cũng xẩy ra và càng ngày càng nặng hơn.
*Triệu chứng ung thư buồng trứng gồm có:
- Bụng nặng, đầy, sưng
- Đi tiểu gắt, muốn đi hoài
- Bụng dưới khó chịu hay đau

Những triệu chứng sau cũng thường thấy:
- Hay bị khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn
- Thói quen đi cầu bị thay đổi, có thể bị bón
- Thói quen đi tiểu cũng thay đổi, cần đi tiểu nhiều lần
- Ăn không thấy ngon hay mau no
- Bụng bự ra, mặc đồ thấy chật
- Uể oải, không có năng lượng
- Giao hợp bị đau
- Lưng phía dưới bị đau
- Kinh nguyệt thay đổi
Bạn nên đi khám bệnh khi có những triệu chứng như sưng bụng, cảm thấy bụng to, đau hay thấy như có gì đè trong bụng và những triệu chứng này kéo dài quá vài tuần. Nếu đã gặp bác sĩ và được chữa nhưng không khỏi, nên đi khám lại hoặc đến khám bác sĩ phụ khoa. Bạn cần được khám bụng dưới tức khám tử cung và buồng trứng (pelvic exam). Nếu bạn có người thân trong gia đình bị ung thư buồng trứng hay vú, bạn cần phải được khám bởi bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh ung thư buồng trứng để được cho ý kiến về những thử nghiệm tìm bệnh sớm, trước khi mắc bệnh.

Ai dễ bị mắc bệnh?
Những người có 1 hay nhiều yếu tố sau đây có nhiều nguy cơ bị ung thư buồng trứng
- Gene bị biến thái di truyền (inherited mutation) : Sự biến thái di truyền xẩy ra trong hai loại gene được đặt tên là gene ung thư vú 1 (BRCA1) và gene ung thư vú 2 (BRCA2). Hai gene này được nhận ra nơi những gia đình có mực độ ung thư vú cao. Nhưng họ cũng bị nguy cơ ung thư buồng trứng rất cao nữa. Một người có sự biến thái (mutation) nơi 1 trong 2 gene này có nguy cơ rất cao bị ung thư buồng trứng.
Phụ nữ có sự biến thái nơi BRCA1 có 35 tới 70 phần trăm nguy cơ bị UTBT cao hơn người bình thường. Nếu có biến thái nơi BRCA2 thì có mức phần trăm cao hơn là 10 tới 30. Nơi đa số các phụ nữ, tỉ lệ biến thái cho nguyên đời là 1.5 phần trăm. Người Ashkenazi Jews mang nguy cơ bị biến thái nơi các gene này cao hơn nhiều.

Một yếu tố di truyền khác là hội chứng bệnh ung thư trực tràng và ruột già HNPCC. Phụ nữ trong những gia đình mang bệnh này có nguy cơ cao bị ung thư màng trong tử cung, ruột già, buồng trứng và bao tử.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người trong gia đình bị UTBT, bạn sẽ tăng nguy cơ bệnh lên 10 tới 15 phần trăm.
- Tiền sử ung thư vú: Nếu đã bị UT vú, nguy cơ bị UTBT cũng tăng lên.
- Tuổi: UTBT thường xẩy ra sau khi hết kinh. Nguy cơ UTBT tăng theo tuổi. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị UTBT trước tuổi hết kinh.
- Tình trạng con cái: Đàn bà đã từng có thai ít nhất một lần sẽ được giảm nguy cơ UTBT. Dùng thuốc ngừa thai có vẻ làm giảm nguy cơ UTBT.
- Tình trạng vô sinh (infertility): Nếu bạn khó có bầu, nguy cơ UTBT của bạn tăng lên. Nếu uống thuốc Clomid trị vô sinh quá 1 năm, nguy cơ cũng tăng lên.
- Uống hormone (HRT): Kết quả một nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa việc uống thuốc hormone vào tuổi mãn kinh và UTBT, nhất là những bà chỉ uống thuốc estrogen thôi. Các bà đã uống thuốc hormone trên 5 năm có nguy cơ cao nhất.
- Mập: Các bà nặng quá khổ dễ bị UTBT hơn và khi mắc bệnh, bị loại ung thư dữ hơn.

Làm gì trước khi đi khám bệnh UTBT?
Vì UTBT có những triệu chứng rất mơ hồ, đôi khi bác sĩ sẽ “coi nhẹ” lời khai bệnh của bạn hoặc không cho bạn đủ thì giờ. Do đó, trước khi đi khám bệnh, nên chuẩn bị như sau:
- Viết xuống tất cả những triệu chứng bạn có, kể cả những triệu chứng có vẻ không liên hệ lắm tới cuộc khám.
- Viết xuống những chuyện mới xẩy ra trong đời sống của bạn, thí dụ như căng thẳng (stress) hay những thay đổi lớn như ly dị, mất việc...
- Viết ra tất cả những thuốc bạn đang uống, kể cả thuốc mua tự do hay thuốc bổ, dược thảo...
- Đi khám bệnh cùng một người thân. Người này sẽ nghe kỹ hơn những lời dặn của bác sĩ để nói lại cho bạn.
- Viết ra những câu bạn muốn hỏi bác sĩ: Nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng của bạn, còn những nguyên nhân nào khác không, những thử nghiệm nào cần làm...

Làm gì khi bị UTBT?
Sau khi qua nhiều thử nghiệm định bệnh, bạn sẽ phải qua nhiều bước chữa trị nếu bị UTBT. Ngoài việc cần đòi hỏi được giải thích cặn kẽ về những thử nghiệm định bệnh, những phương pháp chữa trị, những tác dụng phụ của việc định bệnh và chữa trị, bạn còn cần phải thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn cũng như có thể dùng thêm những phương pháp ngoại khoa giúp sức khỏe toàn thể và cuộc sống của bạn tốt hơn. Dưới đây là những thay đổi cần làm:

- Ăn uống lành mạnh: Trong lúc chữa trị, bệnh nhân UT khó ăn uống tốt được vì tác dụng phụ của thuốc khiến bạn dễ buồn nôn, ói, ăn thấy nhạt nhẽo. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải ăn uống đúng cách để có sức chống bệnh. Nên:
* Ăn những đồ ăn nhiều chất đạm để tái tạo những mô cơ thể. Nên ăn trứng, yogurt, cottage cheese, peanut butter, thịt nạc, thịt gà, cá, đậu hạt và lentils.
* Ăn thử vài lần những đồ ăn tốt mà mình không thích. Có thể những lần sau mình sẽ thích.
* Những khi cảm thấy khỏe, nên ăn nhiều và sửa soạn sẵn những món ăn để đông đá. Ăn những thức ăn lành mạnh.
* Cho thêm những thứ nhiều calories vào đồ ăn, thí dụ trét thêm bơ, jam, mật ong lên bánh mì, rắc thêm hạt nuts lên đồ ăn.
* Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ăn vặt bằng trái cây và rau.
- Năng vận động. Ngay cả lúc không cảm thấy khỏe cũng nên hoạt động như đi bộ khoảng ngắn, trèo thang để giúp các bắp thịt khỏi thoái hóa. Vận động cũng giúp đỡ bị trầm cảm và bớt bồn chồn. Cũng nên tập những vận động nhắc đi nhắc lại như bơi, yoga...

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT