Người Việt Khắp Nơi

Uncle Heng, người cho thuyền nhân Việt Nam đã chết còn tiếng nói

Saturday, 20/03/2021 - 10:54:16

Đọc lời cảm tạ, chúng tôi cùng nghẹn ngào. Ông là một trong những vị ân nhân to lớn của thuyền nhân Việt Nam, vì ông đã cho đồng bào đã chết oan ức trên đường vượt biển tìm tự do của chúng tôi còn có tiếng nói.


Uncle Heng và tập tài liệu in sách Guide Book hướng dẫn về nghĩa trang chôn cất các thuyền nhân Việt Nam. (Ngọc Ân cung cấp)

 

 

Bài NGỌC ÂN

“Uncle Heng của Mersing đã mất!” 

Lời nhắn ngắn ngủi từ Bà Quả Phụ Alcoh Wong khiến chúng tôi bàng hoàng. Uncle Heng, một trong những vị ân nhân người Mã Lai gốc Hoa đã giúp tìm đất nghĩa trang chôn cất hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam từ 1977 đến 1990 ở Malaysia không còn nữa. Trong lời cảm tạ của gia đình sau tang lễ, con gái ông có lời cám ơn đặc biệt đến chúng tôi, “Những VBP (Vietnamese Boat People) từ Úc, Mỹ, Canada, Ý, Anh, cha tôi đã từng tiếp đón.”

 

Đọc lời cảm tạ, chúng tôi cùng nghẹn ngào. Không đâu, không phải chỉ tiếp đón, Ông là một trong những vị ân nhân to lớn của thuyền nhân Việt Nam, vì ông đã cho đồng bào đã chết oan ức trên đường vượt biển tìm tự do của chúng tôi còn có tiếng nói.

 


Lời cảm tạ và thông báo về sự ra đi của Uncle Heng, tức là Ông Sin Teng Kow. (Ngọc Ân cung cấp)

 

Tháng 4 năm 2019 là lần đầu tiên tôi được gặp ông trong chuyến đi Về Lại Biển Đông làm phóng sự cho Đài Hồn Việt TV & Little Saigon Radio. Câu chuyện hy hữu và linh thiêng, như thể đồng bào còn nằm lại run rủi cho chúng ôi được gặp. Không rõ những chuyến đi Về Lại Biển Đông trước đó ra sao, nhưng kể từ năm 2016 là lần đầu tôi được tham dự với nhóm cựu thuyền nhân phần lớn ở Úc, các cô chú anh chị ấy cho biết hiếm có dịp hành trình đi về thăm lại các trại tị nạn và nghĩa trang của thuyền nhân Việt Nam nằm rải rác ở các quốc gia Đông Nam Á, đến viếng mộ thuyền nhân ở phía nam của Mã Lai Á, vì không thuận đường, phải mất thêm ít nhất hai ngày di chuyển bằng phà và xe bus nếu đi từ phía Singapore qua Mã Lai.

 

Phần lớn những chuyến đi của ba năm trước đều đi xe bus từ phía nam của Thái Lan qua Mã Lai, viếng mộ ở phía bắc Mã Lai, dọc theo các tỉnh Kelantan, đến tâm điểm là Terengganu, nơi tập trung nhiều mộ thuyền nhân nhất, cố gắng xuống gần đến phía tây nam như Kuala Dungun, Kuantan (gần nơi trước đây có trại Cherating) là đã mất đến ba, bốn ngày, còn phải để giờ đi tàu qua đảo Pulau Bidong là đã hết cả tuần lễ.

 

Vì vậy năm 2019 đoàn nhất định phải sắp xếp để có giờ đi viếng mộ ở phía nam Mã Lai, chúng tôi quyết định đi ngược lại lộ trình cũ: từ Indonesia, sau khi đã viếng mộ và thăm các đảo Le Tung, Kuku, Keramut, Galang, sau đó qua Singapore, đáp chuyến phà cuối cùng trong ngày từ Singapore qua Malaysia, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau vội vã lên đường đi Mersing, Johor Baru, nếu đi đúng đường thì chỉ khoảng hai tiếng xe bus.

 

Cầm trong tay cuốn Sách Hướng Dẫn Tới Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam dọc theo phía đông bán đảo Mã Lai Á của Ông Alcoh Wong (bạn đọc có thể tìm lại bài đã đăng trên Viễn Đông) từ tài xế xe bus, hướng dẫn viên (người Mã Lai) lẫn cả đoàn gần 40 người đều mệt phờ người sau vài lần ngừng lại ở các nghĩa trang dọc theo đường biển, đều không phải nghĩa trang đã được ghi trong sách!

 

Cũng như mọi nơi đã đi qua, người ta chỉ mau mắn chỉ cho chúng tôi đường đến những bãi biển du lịch nổi tiếng trong vùng, không có du khách ngoại quốc nào lần mò đi tìm nghĩa trang có chôn cất VBP cả. Chúng tôi bắt đầu tuyệt vọng, mệt mỏi, cả xe ngủ gà ngủ gật, trời bắt đầu mưa lất phất. Tài xế lên tiếng hỏi có tiếp tục đi nữa không hay nên quay lại điểm khởi hành, thì vài người trong xe, và cả anh tài xế, phát giác có một chiếc xe hơi nhỏ cố gắng ra dấu cho chúng tôi ngừng lại, sau khi đã vượt qua mặt xe bus và ra dấu cho xe ngừng lại bên lề.

 

Qua những giọt mưa làm mờ khung kính, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi, nhìn có vẻ là người gốc Hoa, bước từ trên xe hơi nhỏ xuống, tiến về phía cửa xe bus. Bệnh nghề nghiệp khiến tôi tỉnh hẳn ngủ, chạy ào xuống xe, thì nghe ông nói tiếng Anh rất rõ, “Ô! Nghĩa trang có mộ VBP hả, không xa, đi theo tôi, may quá, chúng tôi cũng đang trên đường đến đó!”

 

Cả xe ồn ào tỉnh giấc, “Đồng bào ơi, đợi nhé, cuối cùng chúng tôi cũng đến viếng mộ đồng bào được.” Chưa gì đã có những giọt nước mắt nóng hôi hổi nỗi vui mừng, nghẹn ngào, rồi ngạc nhiên, “Ủa, ông đó sao biết mình muốn đi đâu mà chặn xe lại hỏi?” Không ai có câu trả lời, không sao, sẽ có dịp hỏi khi tới nghĩa trang.

 


Uncle Heng chặn xe bus hỏi thăm. (Ngọc Ân cung cấp)

 

 

Uncle Heng, ông tự giới thiệu mình và hai vị phụ nữ đi cùng “gọi tôi là Heng nhé, đây là vợ tôi và cô em vợ, ba chúng tôi Thanh Minh năm nào cũng đến viếng mộ VBP ở đây.” Ông nói một cách thân mật như cách người quen lâu ngày gặp lại, cử chỉ bình dị, nhưng cả ba vị đều không dấu được sự vui mừng in trên nét mặt rạng rỡ, “Welcome các bạn đến thăm nhà tôi.”

 

“Nhà tôi! My home? Ông ơi! Uncle Heng làm ơn cho hỏi, ông nói ‘nhà tôi’ nghĩa là sao?”

 

Ông quay sang tôi, trả lời lịch duyệt như một Đại Sứ đón khách, “Nhà tôi nghĩa là Nghĩa Trang Mersing này, chúng tôi thuộc từng ngôi mộ, nhất là mộ VBP, chúng tôi xem như mộ của thân nhân mình, nay có VBP về thăm VBP, tôi chẳng phải là hân hạnh được đóng vai chủ nhà tiếp đón thân nhân của mình sao!”

 

Rồi ông quay sang, đáp lại nụ cười hiền hậu và âu yếm của vợ, “Bà để tôi hướng dẫn các bạn từ phương xa đến, hai chị em cứ đi đặt hoa trên mộ VBP rồi chúng ta còn đi tiếp, chắc các bạn đây cũng nóng lòng thăm đồng bào của họ lắm.”

 

Trời đã hết mưa, những đóa cúc vàng hình như càng tươi thắm hơn trên tay Bà Heng, hai bà nhẹ nhàng đặt những đóa hoa lên mộ thuyền nhân Việt Nam. Điều đặc biệt nhất tại nghĩa trang Mersing này là có khoảng 30 mộ tập trung một nơi, có bia in dấu Trăng Lưỡi Liềm của Hội Hồng Nguyệt Mã Lai (Trăng Lưỡi Liềm Đỏ -Red Cressent, tức là Hội Hồng Thập Tự, nhưng vì là xứ Hồi Giáo nên dấu Thập Tự được thay thế bằng hình Trăng Lưỡi Liềm). Đó là những ngôi mộ đầu tiên của Thuyền Nhân Việt Nam tại Nghĩa Trang này, đều tử nạn năm 1978, được Hội Hồng Nguyệt lập bia mộ, hơn 20 mộ còn lại rải rác trong Nghĩa Trang tử nạn từ 1978 tới 1990, tất cả đều do Hiệp Hội người Mã gốc Hoa tìm đất chôn cất.

 

Đứng trên triền dốc ngắm nhìn nghĩa trang như ấm áp hẳn lên vì hương khói từ những cây nhang đỏ ấm áp bay trong gió, Uncle Heng gật gù, “Hạnh phúc là điều có thật, phải không? Lâu lắm rồi, hình như cả mười năm qua, chưa có VBP đến thăm mộ VBP.”

 

Ông quay sang tôi, “Hôm nay được gặp các bạn ở đây, tôi vui mừng lắm, vui mừng chung với VBP của chúng ta đã nằm xuống đây, chắc họ cũng mong đồng bào họ đến thăm lắm, thấy không, lúc chúng ta đến trời vội ngừng mưa, nắng đẹp, các bạn thăm mộ đỡ phải vất vả lội mưa.”

 

Thấy ông vui, tôi hỏi câu hỏi đã thắc mắc từ khi thấy xe ông ra dấu cho xe bus ngừng tấp vào lề, “Uncle Heng tại sao biết chúng tôi muốn đi tìm nghĩa trang thuyềh nhân Mersing?”

Ông cười sung sướng, “Dễ lắm, người hướng dẫn trên xe bus gọi điện thoại cho văn phòng du lịch của tỉnh Johor hỏi thăm, văn phòng gọi cho tôi đang trên đường đến nghĩa trang, ở đây ai cũng biết tôi là thân nhân của VBP! Giới thiệu cho khách du lịch, tôi luôn nhắc họ nếu có ai hỏi thăm mộ VBP thì gọi cho tôi ngay!”

 

Tôi sững sờ, tự hỏi ai hạnh phúc hơn, chúng tôi, gần 40 người từ muôn phương tám hướng lặn lội đi viếng mộ lạc đường gặp được Ông, hay chính ông, một trong những vị ân nhân đã tìm đất nghĩa trang, lập mộ, còn tận tâm chăm sóc, và hơn thế nữa, mong chờ những ngôi mộ cô quạnh được đoàn tụ với thân nhân, đồng bào của họ!

 

Cũng như các vị ân nhân gốc Hoa khác chúng tôi đã được gặp trên đất Mã Lai, Uncle Heng nhất định phải đưa chúng tôi đi ăn trưa rồi mới đi tiếp tới Nghĩa Trang kế. Ông gọi điện thoại trước cho một nhà hàng Tàu (đương nhiên!) dặn dò các món ăn ông chọn, nhắc đi nhắc lại nhiều lần “Nhanh lên nhé, các bạn của chúng ta đến từ rất xa, cả từ Âu Châu, Mỹ đến, Úc thì dĩ nhiên rồi, hả, thì đúng rồi, VBP, không phải VBP thì tôi đâu có mừng đến thế!”

 

Trong lúc ăn trưa, ông cho phép chúng tôi chụp lại tập hồ sơ dầy cộm ông ôm khư khư trên tay từ khi gặp chúng tôi, “Quí lắm đó, đây là những hồ sơ chúng tôi ghi chép từ khi nhận xác thuyền nhân, may ra thì có hồ sơ chi tiết từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, nếu không là có người đến báo rồi chúng tôi đến nhận xác về, lập danh sách, tìm đất chôn cất, ghi chép lại cẩn thận, cuối cùng in thành sách, chỉ với một ước mong biết đâu một ngày nào đó thân nhân của những nạn nhân tử nạn đau thương này tìm được mộ phần của họ.”

 

Một số trang tài liệu của Uncle Heng. (Ngọc Ân cung cấp)















 

Ông chỉ lên bảng hiệu của nhà hàng, “Đây, đều là những người gốc Hoa tìm tự do, chúng tôi quí và biết giá trị của tự do to lớn đến ngần nào, nên chúng tôi cùng cố gắng quyên góp, kiếm hoặc tặng đất để lập mộ cho VBP.”

 

Chỉ vào hình ông Alcoh Wong trong sách Hướng Dẫn Đến Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam tại Malaysia, ông cười lớn, “Chẳng may tôi lại là bạn cùng lớp từ trung học đến đại học với thằng bạn điên rồ này, Alcoh từng nói chắc kiếp trước nó là người Việt Nam, nên lúc nào cũng thấy có bổn phận phải chôn cất thuyền nhân Việt Nam. Cho dù nhiều lúc sợ quá, tôi trốn mất cho Alcoh phải tìm người khác giúp, vậy mà nghĩ đến Mỹ Linh (bà Alcoh Wong) còn khổ hơn vì ở cạnh thằng bạn điên rồ của tôi, tôi lại phải tự tìm để bị nghe Alcoh năn nỉ ‘Này, khu đất ấy có tiền chưa chắc đã mua được, nhưng nếu Heng năn nỉ thì chắc họ cũng nể mà cho chúng ta chôn cất VBP cũng nên!’ Cứ thế, nay mai tôi có mất cũng chưa chắc đã có đất chôn đẹp như Nghĩa Trang Mersing đâu đấy! Alcoh thì có hơn gì, còn năn nỉ vợ chôn anh ta ở nơi tiện đường cho VBP mai nốt có qua Bidong thăm lại chốn cũ thì luôn tiện cho anh chàng gặp luôn! Trời! Làm cứ như là bà con từ muôn kiếp trước của nhau!”

 


Ông Bà Heng, giữa, tại Nghĩa Trang Mersing với Ngọc Ân thứ nhì từ bên trái. (Ngọc Ân cung cấp)

 


Nghĩa Trang Mersing. (Ngọc Ân cung cấp)

 

Chia tay, ông tỏ ra bịn rịn bất ngờ, hỏi tôi tại sao chọn nghề phóng viên, rồi tự trả lời, “Tôi từng mê làm nhà báo lắm nhé, nghề này ít tiền, nhưng mà tôi thích!”

 

Ông nắm tay tôi, vỗ nhẹ nhàng, trong khi bà đứng bên cạnh mỉm cười, “Này con gái, chọn nghề này khổ lắm, trách nhiệm đầy mình, mai sau lại còn phải viết sách kể lại những nơi mình đã đi qua, mệt hả?”

 

Rồi ông đổi giọng nghiêm nghị, như người cha nói với con, “Hãy nhắc nhở các thế hệ con cháu của Thuyền Nhân Việt Nam đâu là quê hương của con em mình. Quê hương của các cháu là tất cả những nơi có Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam, vì họ đã nằm xuống cho đồng bào của họ được sống.”

 

Uncle Heng, một trong những vị ân nhân đã cho Đồng Bào đã chết của chúng ta có tiếng nói: Tự Do hay là Chết.

California tháng Ba, 2021

 


Uncle Heng (ngồi giữa, thứ năm từ bên trái hoặc phải, đội nón) trong bữa ăn trưa với cả nhóm tháng Tư, 2019. (Ngọc Ân cung cấp)






 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT