Thế Giới

Úc: Nghị sĩ cho con bú tại Quốc Hội

Wednesday, 10/05/2017 - 08:44:26

Trước đó bà Waters từng đề nghị nhiều thay đổi trong luật lệ ở Quốc Hội Úc, trong đó có luật mới sẽ cho phép các nhà lập pháp thuộc phái yếu có quyền cho con mình bú và chăm sóc con ngay trong lúc họ phải hội họp với các đồng viện ở Quốc Hội.

Một nữ nghị sĩ của Quốc Hội Úc đã tạo lịch sử khi lần đầu tiên bà thản nhiên cho con gái sơ sinh bú sữa mẹ ngay tại một khóa họp của Quốc Hội Úc. Báo Sydney Morning Herald đưa tin nữ Nghị Sĩ Larissa Waters đã quay trở lại làm việc ở Thượng Viện lần đầu sau khi sinh nở. Bà đã cho bé Alia bú trong lúc diễn ra một cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện Úc trong tòa nhà Quốc Hội ở thủ đô Canberra vào ngày thứ Ba vừa qua.

Sau đó bà Waters còn gửi ra qua trang mạng Tweeter tấm ảnh chụp bà đang cho con mình bú và còn ghi chú như sau, “Tôi rất hãnh diện là con gái Alia của tôi là đứa bé đầu tiên được mẹ cho bú ngay tại Quốc Hội liên bang Úc. Chúng ta quả thật cần có thêm sự hiện diện kiểu cha mẹ và gia đình như thế này ở Quốc Hội đấy.”
Trước đó bà Waters từng đề nghị nhiều thay đổi trong luật lệ ở Quốc Hội Úc, trong đó có luật mới sẽ cho phép các nhà lập pháp thuộc phái yếu có quyền cho con mình bú và chăm sóc con ngay trong lúc họ phải hội họp với các đồng viện ở Quốc Hội.


Em bé ngủ ngon sau khi được mẹ là Nghị Sĩ Larissa Waters cho bú no nê tại Quốc Hội Úc. (AAP)

Ấn Độ: Hạ Viện Mỹ thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chủ Tịch Khối Thiểu Số Hạ Viện bà Nancy Pelosi đã cầm đầu một phái đoàn lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ gồm tám người đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dramsanla, miền bắc Ấn Độ, nơi nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng trú ngụ từ gần 6 thập niên qua.
Trong phái đoàn của Hạ Viện Hoa Kỳ có bà Pramila Jayapal là phụ nữ Hoa Kỳ gốc Ấn Độ đầu tiên trong lịch sử đắc cử vào một ghế của Hạ Viện Mỹ. Phái đoàn Mỹ lưu lại hai ngày, họ còn gặp gỡ các nhà lãnh đạo của chính phủ lưu vong của Tây Tạng (CAT) và được Tổng Thống Devi Bhandari của Nepal đón tiếp ở Kathmandu, nhân dịp có lễ kỷ niệm 70 năm bang giao giữa Hoa kỳ và Nepal.
Trung Cộng lên tiếng phản đối Hoa Kỳ sau khi có chuyến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma của nữ Dân Biểu Pelosi. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong cùng với 140,000 dân Tây Tạng, trong số này có hơn 100,000 người sống ở Ấn Độ như ngài. Bà Pelosi cam kết “không quên lý tưởng tranh đấu của ngài và của nhân dân Tây Tạng“

Trump tiếp ngoại trưởng và đại sứ Nga
Hai nhân vật quan trọng của Nga trong ngành ngoại giao là Ngoại Trưởng Sergei Lavrov và Đại Sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Sergey Kislyak, đã được Tổng Thống Donald Trump tiếp trong ngày thứ Tư. Trước đó Ngoại Trưởng Rex Tillerson tiếp kiến Ngoại Trưởng Nga Lavrov.
Các cuộc hội đàm này gây nhiều chú ý vì ông James Comey, cựu Giám Đốc FBI, bị sa thải một ngày trước đó. Ông Comey đã dẫn đầu cuộc điều tra vụ Nga chen vào phá rối cuộc bầu cử của Mỹ.
Đại Sứ Kislyak còn là gương mặt chính trong vụ cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, vốn đang bị điều tra vì có tin chính ông Flynn đã có những cuộc điện đàm bí mật với ông Kislyak.
Chính phủ Nga công bố ảnh ông Trump bắt tay với ông Kislyak, người bị nghi ngờ là “tay tổ gián điệp” cho Nga, từng chiêu mộ các cộng sự viên cho mình. Moscow cho mối liên hệ giữa Nga và Mỹ vẫn bình thường và Tổng Thống Trump muốn hai cường quốc hợp tác với nhau để chấm dứt chiến tranh ở Syria và ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ mong Mỹ đổi ý
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư nói rằng ông hy vọng chính phủ Mỹ sẽ thay đổi quan điểm không trang bị vũ khí cho nhóm Syrian Kurdish mà Ankara luôn xem là một nhóm khủng bố, trước khi ông lên đường đi thăm Hoa Kỳ.
Lời tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hoa Thịnh Đốn nói đang có ý định vũ trang cho nhóm nói trên để họ chiến đấu dành lại thành phố Raqqa đang nằm trong tay nhóm IS ở Syria.
Ông Erdogan nói, “Chúng tôi muốn chắc chắn là các đồng minh của chúng tôi đứng về phía chúng tôi, chứ không ủng hộ cho một tổ chức khủng bố nào.” Ông Erdogan lên tiếng như trên trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống của Sierra Leone đang thăm viếng Thổ Nhĩ kỳ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Fikri Isik cũng đồng ý với ông Erdogan về chuyện này. Vào ngày 16 tháng 5, ông Erdogan sẽ diện kiến với Tổng Thống Trump ở Tòa Bạch Ốc và ông sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với ông Trump.

Nam Phi phẫn nộ vì bích chương Đức Quốc Xã
Một đại học hàng đầu của Nam Phi cho hay họ sẽ điều tra về việc nhiều tấm bích chương mang màu sắc của Đức Quốc Xã đã xuất hiện trong khuôn viên của đại học này. Một phát ngôn viên của đại học Stellenbosch University cho hay, “Chúng tôi kết án mọi hình thức đề cao thượng tôn dân tộc chủ nghĩa và mọi khuynh đảo gây chia rẽ đại học của chúng tôi.” Được biết các posters này làm gợi nhớ chuyện tuyên truyền cho sự hậu thuẫn của dân Đức trong thập niên 1930 hậu thuẫn cho nhà độc tài Adolf Hitler và còn kêu gọi “chúng ta hãy tranh đấu cho Stellenbosch.”
Từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt ở Nam Phi vào năm 1994, đại học này không ngớt bị bầu không khí căng thẳng sắc tộc phủ lên. Nhiều cuộc biểu tình phản đối ngôn ngữ được giảng dạy, giá học phí đắt đỏ và tệ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề đã nổ ra ở nhà trường. Các poster tuyên truyền rất giống với những gì mà Liên đoàn League of German Girls thời Đức Quốc Xã tạo ra nhằm ủng hộ Hitler.

Nepal: Nơi Đức Phật ra đời bị ô nhiễm
Địa điểm lịch sử nơi được cho là Đức Phật ra đời ở Nepal đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, theo lời các nhà khoa học và các viên chức chính phủ cho hay. Những dữ kiện thu lượm được từ 5 địa điểm khác nhau cho thấy Lumbini đang bị ô nhiễm khá nặng.
Báo động này cho thấy tình trạng kỹ nghệ hóa mạnh mẽ tại khu vực gần nơi thiêng liêng về tôn giáo này. Được biết chỉ tính cho tháng giêng năm nay, chỉ số PM2.5 ở Lumbani ở vùng tây nam của Nepal, đã được đo đến 173.035 micrograms cho mỗi mét khối không khí.
Tại thị trấn Chitwan gần đó, chỉ số này là 113.32 và chỉ số của thủ đô Kathmandu của Nepal là 109.82. Mức an toàn mà tổ chức WHO đặt ra trên thế giới là chỉ số 25, còn chính phủ Nepal tự đặt ra chỉ số cho riêng mình là 40. Một khảo sát của Viện Khí Hậu Nhiệt Đới của Ấn Độ, có cộng tác với WHO, thừa nhận là mức độ PM 2.5 ở nơi đây đã vượt quá 10 lần con số của WHO đề ra rồi.

Toyota thua lỗ lần đầu tiên trong 5 năm
Công ty sản xuất lớn nhất thế giới mới loan báo lần đầu tiên từ nửa thập niên qua, công ty này đang gặp tình trạng thua lỗ. Điều nghịch lý là tính đến tháng 3 năm 2017, Toyota đã bán ra số xe nhiều hơn số lượng trong cùng thời gian năm 2016, nhưng vẫn lỗ do giá thành sản xuất cao và thị trường không ổn định.
Mức lời lên đến 1.83 ngàn tỉ yen ($16.1 tỉ đô la) là giảm đến 21% nếu so với cùng thời gian 207-2017. Trong năm 2018, Toyota còn báo động là mức lời còn tệ hại hơn, do tỉ giá cao của đồng yen so với nhiều loại tiền tệ quốc tế khác. Tính đến tháng 3 năm 2018, Toyota đoán là tỉ giá đồng đô la là $1 đô la đổi được 105 yen, so với con số 108 của năm tài chính 2016. Hiện nay danh hiệu công ty sản xuất xe nhiều nhất thế giới của Toyota đã lọt vào tay đối thủ Vokswagen của Đức. So với con số 10.16 triệu xe bán ra năm 2016, năm nay con số này giảm chỉ còn 10.25 triệu xe, nhưng mức lời lại giảm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT