Thế Giới

Úc đề nghị giúp Mỹ cải cách luật súng

Wednesday, 04/10/2017 - 12:19:45

Chính phủ Úc đã thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới mới, sáp nhập những hoạt động từ các cơ quan quan thuế và di trú trong năm 2014, một phần là để ngăn chặn khá hơn những chuyến hàng vũ khí phi pháp.


Những món đồ cá nhân nằm la liệt trong ngày thứ Ba, 3 tháng Mười, trong sân vận động từng có tổ chức đại nhạc hội Route 91 Harvest tại Las Vegas, Nevada. Nhà chức trách còn phong tỏa sân này để điều tra. Hơn 20,000 người từng bỏ chạy tán loạn vào đêm Chủ Nhật, khi hung thủ Stephen Paddock, 64 tuổi, nổ súng từ trên khách sạn Mandalay Bay nhắm xuống đám đông, với cao độ có lẽ gần như trong hình này. (Drew Angerer/ Getty Images)

SYDNEY – Úc là quốc gia từng có tình trạng nhiều người dân nhiệt tình bênh vực quyền sở hữu súng như Mỹ, sẵn sàng tranh cãi cho tới cùng cho quyền súng. Đất nước này đã thay đổi sau một biến cố xảy ra gần 20 năm trước.

Sau khi xảy ra vụ thảm sát tệ hại nhất trong thời cận đại tại nước Mỹ - 59 người thiệt mạng, 527 người bị thương tại Las Vegas vào đêm Chủ Nhật, các viên chức Úc đã lên tiếng đề nghị giúp Mỹ cải cách luật lệ về súng đạn.

Trong hai thập niên qua, Úc đã thực hiện và đạt thành quả trong nỗ lực ngăn chặn vũ khí. Thế nhưng đề nghị của Úc cũng vẫn chỉ là đề nghị, rất khó được người Mỹ đón nhận xa hơn ngoài những lời xã giao.
Kiểm soát súng là một đề tài nhạy cảm ở một quốc gia nơi mà tổ chức vận động hành lang ủng hộ súng ống, tức Hiệp Hội Súng Quốc Gia - NRA, là một thế lực chính trị hùng mạnh, có thể khuynh đảo lá phiếu dành cho các ứng cử viên.

“Điều mà chúng tôi có thể cung cấp là kinh nghiệm của chúng tôi,” Nữ Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop nói ngày thứ Ba, nhắc tới một đợt mua lại súng trong năm 1996 và lệnh cấm vũ khí bán tự động và tự động.
Bà nói tiếp, “Nhưng sau khi xem xét mọi sự, vấn đề là tùy theo các nhà lập pháp và các nhà làm luật Hoa Ky, cũng như công chúng Mỹ, sẽ thay đổi luật hay không, để bảo đảm rằng sự việc này không xảy ra thêm lần nữa.”

Nước Úc đã bị rung chuyển trong năm 1996, khi tay súng Martin Bryant bắn loạn xạ vào đám đông, bằng những cây súng bán tự động tại Port Arthur, xưa kia là địa điểm giam giữ tù nhân thời thuộc địa trên bán đảo Tasmania.

Ba-mươi-lăm người đã chết trong vụ thảm sát tại Tasmania và trở thành một bước ngoặt tại một quốc gia theo truyền thống có mức tỷ lệ cao về việc sở hữu súng.

Thủ tướng hồi đó là ông John Howard, một chính khách có khuynh hướng cấp tiến thuộc cánh trung hữu, đã nhanh chóng ban hành các luật kiểm soát súng khắt khe hơn. Trong số đó, có các lệnh cấm đối với một số loại vũ khí, độ tuổi tối thiểu để có súng, và giấy phép mang súng.

Hơn 600,000 vũ khí đã bị phá hủy sau đó. Mặc dù gây ra tranh cãi vào thời điểm ấy, các biện pháp kiểm soát súng hiện giờ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng.

Bạo lực súng không hoàn toàn biến mất ở Úc, thế nhưng quốc gia này không xảy ra thêm những vụ nổ súng bắn nhiều người, ngược lại với Hoa Kỳ nơi mà những vụ xả súng bắn chết hàng loạt người vẫn xảy ra thông thường.

Một cuộc khảo sát được công bố trong năm 2016 đã xem xét các mức tỉ lệ tử vong do vũ khí cố ý tấn công, từ Nha Thống Kê Úc, tìm thấy rằng những vụ tử vong và tự sát liên quan đến súng đã giảm bớt từ năm 1997.

Ông James Carouso, đại sứ Mỹ tại Úc, nhìn nhận rằng nước ông có thể học hỏi từ nước Úc khi nói tới chính sách về súng.

Ông nói với đài truyền hình ABC tại Úc, “Cứ mỗi lần một vụ nổ súng xảy ra, các nhà phân tích Mỹ luôn nhắc tới điều đã xảy ra ở nước Úc, và nêu ra rằng tỷ lệ giết người bằng súng ở Úc đã giảm bớt nhiều, và nước Úc bạn không có vụ lặp lại kiểu giết người hàng loạt này. Tôi nghĩ chắc chắn có rất nhiều người ở Mỹ sẽ muốn theo gương mẫu của Úc.”

Nhưng Hiệp Hội Súng Quốc Gia thì không có ý nghĩ như vậy. Trong năm 2015, tổ chức NRA đã tranh cãi về kế hoạch mua lại súng và cấm vũ khí bán tự động của nước Úc. Hội NRA nêu nghi vấn là kế hoạch không thực sự giúp giảm tỷ lệ tội phạm bạo động.

Hội súng này nói, “Dân chúng Úc đã phải trả giá rất lớn cho tự do. Phần thưởng của họ ra sao? Giỏi lắm là một phán quyết chưa được xem xét cho rằng lúc này mọi sự tốt hơn một cách nào đó. Các quyền sở hữu súng đã hầu như biến mất mãi mãi.”

Hiện nay mọi loại súng ở Úc đều phải được đăng bạ, mặc dù nhiều thứ súng được đưa vào đây một cách bất hợp pháp từ những nước khác, thông qua các băng đảng tội ác, và hàng chục ngàn vũ khí vẫn được cho là đang ở trên đường phố.

Chính phủ Úc đã thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới mới, sáp nhập những hoạt động từ các cơ quan quan thuế và di trú trong năm 2014, một phần là để ngăn chặn khá hơn những chuyến hàng vũ khí phi pháp.

Từ đó hàng triệu Úc kim đã được dùng để cải tiến các công cụ nhằm phát hiện vũ khí bất hợp pháp, trong bưu kiện hoặc hàng hóa. Trong khi đó một đội cảnh sát bài trừ băng đảng đã tịch thu 5,500 khẩu súng hoặc hoặc bộ phận súng bất hợp pháp, tính từ khi đơn vị này được thành lập vào năm 2013.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT