Văn Nghệ

Tưởng nhớ soạn giả Yên Lang nhân 49 ngày mất

Friday, 04/08/2017 - 08:12:43

Ông từng là soạn giả của những đoàn cải lương như Song Kiều, Bạch Vân, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Việt Nam Minh Vương... nhưng thời gian gắn bó với đoàn Kim Chung là dài nhất.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào trưa Chủ Nhật, ngày 30 tháng Bảy, 2017 tại hội trường nhật báo Việt Báo ở Westminster đã có rất đông quan khách, nghệ sĩ cải lương, thân hữu của gia đình cố soạn giả Yên Lang và khán giả yêu thích cải lương đã đến tham dự buổi tưởng niệm, cúng thất 49 ngày cố soạn giả Yên Lang rời xa cõi tạm, do Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ Hải Ngoại và Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang đồng tổ chức.

Sau khai mạc do MC Phạm Khanh điều hợp, nghi thức cúng tuần trước di ảnh của soạn giả Yên Lang do soạn giả Trần Văn Hương chủ trì diễn ra thật trang trọng và xúc động. Hiền thê của cố soạn giả Yên Lang, nghệ sĩ Kiều Oanh cùng thành viên trong ban tổ chức, con cháu trong gia đình, các quan khách, các nghệ sĩ, nhạc sĩ cổ nhạc và khán giả tham dự trong chương trình đã lần lượt lên thắp nhang để tưởng nhớ cố soạn giả Yên Lang.
Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân đã thay mặt chị Mai Chân (trưởng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang) đọc những lời tâm sự về cuộc đời sự nghiệp của soạn giả Yên Lang và nỗi lòng của các nghệ sĩ trẻ của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang trước sự ra đi của soạn giả Yên Lang do chị Mai Chân chấp bút.


Hiền Thê của cố soạn giả Yên Lang (thứ ba từ phải qua trái) cùng các thành viên trong ban tổ chức, quan khách thắp nhang trước di ảnh cố soạn giả Yên Lang. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong số các quan khách tham dự có ông Nguyễn Mạnh Chí, ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City, ông Bùi Thế Phát (Phó Thị Trưởng Thành Phố Garden Grove) và phu nhân. Ông Bùi Thế Phát đã chia sẻ vài lời tưởng nhớ đến những cống hiến cho nền cổ nhạc cải lương của cố soạn giả Yên Lang.

Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu là Hội Trưởng Hội PGHH Miền Nam California, và là Phó Chủ Tịch của Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ Hải Ngoại cũng đã bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi quá đột ngột của cố soạn giả Yên Lang. Ông nói “lên thắp cây nhang cho anh Yên Lang, tôi thấy thật sự mình đã mất một người bạn mà mình từng cộng tác và từng hy vọng. Sở dĩ tôi nói từng hy vọng, vì từ năm 2004, tôi với giáo sư Trần Văn Chi, anh Nguyễn Minh Chiêu, anh Yên Lang… đứng ra thành lập hội Nghệ Sĩ Tương Tế Hải Ngoại. Chúng tôi có cái tâm lo cho văn hóa dân tộc của mình, nhưng chúng tôi không có sự hiểu biết sâu rộng nền cổ nhạc cải lương, cho nên anh Yên Lang là một cái cột trụ của Hội, mất anh, là chúng tôi mất đi cái cột cái của nền nghệ thuật cổ nhạc tại hải ngoại này. Anh mất đi là mất đi hy vọng của tôi về sự tiếp nối của nền cổ nhạc cổ truyền tại hải ngoại này, bao nhiêu người có lòng, nhưng người có sự hiểu biết sâu rộng là anh Yên Lang. Anh mất đi là sự thiệt thòi không chỉ cho anh em chúng tôi, mà thiệt thòi cho những anh em sau này muốn tìm hiểu về cổ nhạc cải lương. Từ sau ngày đám tang anh, có nhiều người gọi hỏi tôi về sinh hoạt tương lai của nền cổ nhạc cải lương tại hải ngoại như thế nào, tôi nói rằng hình như anh Yên Lang ra đi rồi, thì hy vọng của tôi cũng đi theo anh.”


Nghệ sĩ Tuấn Phong và Nghệ sĩ Giang Bích Phượng trong trích đoạn “Đêm Lạnh Chùa Hoang.” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Giáo sư Trần Văn Chi (là chủ tịch của Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ Hải Ngoại), đã kể về những cống hiến của Soạn Giả Yên Lang cho nền cổ nhạc cải lương, đồng thời ông bày tỏ tiếc nuối trước sự ra đi đột ngột của soạn giả Yên Lang, nhưng Hội vẫn sẽ tiếp tục công việc mà lúc sinh thời soạn giả Yên Lang cùng chung tay thực hiện. Chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 100 năm cải lương, tuyển lựa một số anh em nghệ sĩ trẻ ca tài tử, và xây dựng một ban nhạc lễ cho những lễ nghi Việt Nam trong cộng đồng.

Trình diễn các bài tân cổ

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Yên Lang đã có hơn 100 bản vọng cổ, tân cổ giao duyên và hơn 30 tác phẩm cải lương nổi tiếng, như Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển (Yên Lang viết chung với Nguyên Thảo), Người đẹp Tây Thi, Bão Biển, Bão Cát, Đường về quê ngoại (Manh áo quê nghèo), Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Băng tuyền nữ chúa, Pháo hồng tiễn bước em đi (Máu nhuộm sân chùa), Bẻ kiếm bên trời (Yên Lang viết chung với Thiên Lý), Quán khuya sầu viễn khách (Yên Lang viết chung với Hồng Điệp), Thằng điên trên bến Hạ (Yên Lang viết chung với Nguyên Thảo)... Sau năm 1975 có các vở: Khi rừng thu thay lá, Một chuyện tình buồn, Kỷ niệm thời con gái.

Ông từng là soạn giả của những đoàn cải lương như Song Kiều, Bạch Vân, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Việt Nam Minh Vương... nhưng thời gian gắn bó với đoàn Kim Chung là dài nhất.


Các Nghệ Sĩ thắp nhang tưởng nhớ cố soạn giả Yên Lang. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Soạn giả Yên Lang là bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, với ngòi bút tài hoa của soạn giả Yên Lang sáng tạo ra, các vở cải lương của ông viết đều rất ăn khách thưở thập niên 1960- 1970, nhưng không hề rẻ tiền. Nhờ tài văn chương thơ phú giúp ông sử dụng ngôn ngữ chắt lọc, sâu sắc nhưng gần gũi. Các tuyến nhân vật rất lãng tử, lang bạt kỳ hồ, nghĩa khí; tình yêu đôi lứa thủy chung, và luôn có một cái kết vẹn tình trọn nghĩa.

Các vở diễn của ông từng đem lại cơ hội cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Tài ca diễn của họ, đã lưu lại sâu trong nỗi nhớ nhung của khán giả năm xưa, về một thời “vàng son” của cải lương. Những nhân vật như Bảo Xuyên Quận chúa (Lệ Thủy đóng), Tần Lĩnh Sơn (Minh Vương), Bách kiếm Vương Hồ Vũ (Minh Cảnh)... đã rất quen thuộc với khán thính giả cải lương. Nhiều tác phẩm của soạn giả Yên Lang trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều khán giả thuộc nằm lòng từng trích đoạn, hay chí ít một lớp, một bản.


Các nghệ sĩ gửi lời chia buồn đến nghệ sĩ Kiều Oanh, vợ cố soạn giả Yên Lang. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đến dự buổi lễ tưởng niệm soạn giả Yên Lang nhân 49 ngày mất của ông, những nghệ sĩ cải lương không chỉ đến thắp nhang để tưởng nhớ ông mà họ còn dâng tặng hương hồn ông bằng lời ca tiếng hát, bằng chính những sáng tác của ông khi sinh thời đã giúp cho không ít nghệ sĩ thành danh. Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân hát lại trích đoạn "Máu Nhuộm Sân Chùa" vai Trần Tử Tâm, là vai chánh trong vở tuồng soạn giả Yên Lang viết. Vở tuồng này năm xưa, Hương Sỹ Nhân và ca sĩ Mai Thiên Vân đã có diễn tại show Đại Nhạc Hội Hương Sỹ Nhân tại San Diego (nơi anh sống), vợ chồng soạn giả Yên Lang có mặt và bài tỏ sự hài lòng khi nghe anh hát. Tiếng hát của Thanh Hiệp,Thanh Trang ca tân cổ “Em Gái Miền Trung.”

Trích đoạn “Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn” với phần trình diễn của nghệ sĩ Bách Thanh và Ngọc Thu. Nghệ sĩ trẻ Xuân Mỹ hát trích đoạn vở cải lương xã hội của soạn giả Yên Lang “Kỷ niệm đời con gái.” Nghệ sĩ Quốc Hải hát bài tân cổ “Hương Nhủ Bạc Liêu.” Nghệ sĩ Trúc Phương hát "Thuyền Xa Bến Đổ.”

Trích đoạn "Đêm Lạnh Chùa Hoang" do nghệ sĩ Tuấn Phong là kép chánh của đoàn Nghệ thuật Sân Khấu Văn Lang và Nghệ Sĩ Giang Bích Phượng (là vợ của Soạn Gỉa Lam Tuyền, con trai của Yên Lang)

Tiếng hát Bích Thuận ca bài tân cổ “Kỷ Niệm Ngày Khai Sáng Đạo PGHH.” Đây là bài cổ nhạc SG Yên Lang đã viết riêng cho Chị Bích Thuận và chị là người học trò mới của soạn giả Yên Lang, tác phẩm này cũng là tác phẩm cuối cùng soạn giả viết trước ngày ông ra đi.

Nghệ sĩ Minh Hùng và Xuân Mỹ hát bài tân cổ "Cô Gái Bạc Liêu.”
Nghệ sĩ Yến Linh hát trích đoạn vai Nga trong "Máu nhuộm Sân Chùa", đây là vai diễn từng đuộc Yến Linh hát trong giổ tổ sân khấu năm ngoái và được soạn giả Yên Lang khen ngợi. Nghệ sĩ Hữu Thọ hát “Tình Cha.”


Các nhạc sĩ trong ban cổ nhạc đệm cho các nghệ sĩ ca trong chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tâm tình của các nghệ sĩ

Trong nỗi niềm xúc động, nghệ sĩ trẻ Xuân Mỹ tâm sư, “Xuân Mỹ xem chú như người thân trong gia đình.
Ngoài ca hát, Xuân Mỹ còn thích viết những trích đoạn cải lương để mình trình diễn, Xuân Mỹ có nhờ chú Yên Lang góp ý, chú có cho Xuân Mỹ vài bí quyết để người viết tuồng biết khi viết sao cho vở tuồng của mình hay, lưu lại trong tim của khán giả. Chú mất đi là một sự mất mát rất lớn, Xuân Mỹ và những nghệ sĩ trẻ khác luôn xem chú như một người thầy, người tiền bối của sân khấu cải lương.”

Nghệ sĩ Yến Linh thì kể rằng cô biết soạn giả Yên Lang nhiều năm qua những lần đi diễn show cải lương. Yến Linh có vài lần diễn những trích đoạn cải lương của soạn giả Yên Lang, “Yến Linh xem soạn giả Yên Lang như người cha tinh thần của mình. Ba và mẹ Yên Lang (vợ chồng soạn giả Yên Lang) rất thương Yến Linh, những lần tổ chức chương trình cải lương nào, ba và mẹ Yên Lang cũng muốn Yến Linh tham gia và hát những tríc h đoạn tuồng của soạn giả Yên Lang. Yến Linh rất quý ba Yên Lang, vì ông luôn khuyến khích giới trẻ tham gia cac show cải lương, để nối tiếp truyền thống cải lương, nối tiếp con đường nghệ thuật.”

Nghệ sĩ Minh Hùng cho biết “Minh Hùng là một đệ tử của soạn giả Yên Lang. soạn giả Yên Lang đã đỡ đầu cho Minh Hùng, là một người thầy, cũng như một người cha của Minh Hùng. Vì Minh Hùng qua bên đây, không có cha, có mẹ bên cạnh, chỉ qua đây một mình cùng vợ (gia đình vợ bảo lãnh). May mắn được vào ngành nghệ thuật cải lương, được soạn giả Yên Lang và thím Yên Lang giúp đỡ Minh Hùng rất nhiều trong hành trang nghệ thuật. Soạn giả Yên Lang viết rất nhiều bài tân cổ, những trích đoạn cải lương cho Minh Hùng hát, soạn giả Yên Lang cũng viết riêng bài cổ nhạc về quê hương của Minh Hùng, là đảo Phú Qúy, để Minh Hùng ca. Minh Hùng có rất nhiều kỷ niệm với soạn giả Yên Lang, như một người thầy, người cha. Chỉ tiếc là ngày thầy của Minh Hùng ra đi, không có Minh Hùng ở đây, lúc đó Minh Hùng về thăm ba ruột tại Việt Nam. Giờ Minh Hùn nhớ lại nhiều kỷ niệm với soạn giả Yên Lang, những lúc đi tập tuồng, hoặc đi họp với Hội để tổ chức những chương trình cải lương. Lúc nào Minh Hùng cũng đều chở chú đi, nhưng giờ chú không còn nữa.”

Chị Mai Chân (trưởng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang) ngậm ngùi bày tỏ, “Mai Chân rất đau buồn và nuối tiếc trước sự ra đi của chú Yên Lang, chú đã không sống thêm nhiều năm nữa để đoàn Văn Lang thêm vững vàng. Khi chú ra đi, đây là nỗi đau của Mai Chân và đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang. Mai Chân nhớ hoài vào ngày 25 tháng 5, chú dặn Mai Chân hãy chuẩn bị chương trình giổ tổ sân khấu từ bây giờ, vài hôm nữa chú sẽ về, chú sẽ viết một bài lý về ý nghĩa 100 năm ra đời của sân khấu cải lương. Đó là lời nói sau cùng của chú. Và 5 tháng 6 chú ra đi.”

Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân chia sẻ, “Hương Sỹ Nhân quen soạn giả Yên Lang được 22 năm, từ lúc chú mới đến San Diego, giữa Hương Sỹ Nhân và chú Yên Lang có rất nhiều kỷ niệm, những vở tuồng của chú Yên Lang, Hương Sỹ Nhân đã diễn qua như Máu Nhuộm Sân Chùa, Đêm Lạnh Chùa Hoang… Ngày chú ra đi, Hương Sỹ Nhân đã thuê khách sạn ở lại dưới này, để làm MC trong ba ngày tang lễ của chú Yên Lang.

“Hương Sỹ Nhân không phải con đỡ đầu của chú Yên Lang, nhưng giữa thâm tình của chú Yên Lang với Hương Sỹ Nhân thì rất gắn bó, tình chú cháu thân thiết như tình cha con. Về nghệ thuật thì chú Yên Lang là một vị trưởng bối về đạo đức, cũng như tánh tình rất hiền, để lại trên đời nhiều tác phẩm, mà có những tác phẩm cho đến bây giờ, hầu hết những người Việt Nam trên thế giới thích cải lương, đã nghe. Chú rất hài lòng khi xem Hương Sỹ Nhân diễn Máu Nhuộm Sân Chùa, và Hương Sỹ Nhân có diễn qua Đêm Lạnh Chùa Hoang với nghệ sĩ Minh Phụng và Lệ Thủy vào năm 2009, đêm đó có soạn giả Yên Lang, và chú cũng giúp Hương Sỹ Nhân mặc y phục cho vai diễn Cao Nguyên Bình của vở Đêm Lạnh Chùa Hoang.

“Tính tình của chú rất hiền, và khiêm tốn, mỗi lần Hương Sỹ Nhân có dịp lên quay truyền hình tại quận Cam, đều ghé thăm chú, 2 chú cháu uống rượu vang, uống bia, nói chuyện thơ văn. Vì trước khi soạn giả Yên Lang thành danh là soạn giả nổi tiếng đầu thập niên 1960, chú chuyên làm thơ, mà Hương Sỹ Nhân cũng có làm thơ, nên 2 tâm hồn nói chuyện với nhau về thơ và kỷ niệm hôm xưa chú góp phần giúp những tên tuổi nổi tiếng như Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh vào thập niên 1960, chú kể về những kỷ niệm năm xưa về các vai diễn của các nghệ sĩ năm xưa, để những người trẻ được học hỏi thêm những kinh nghiệm vai tuồng của chú, từ những cái đó Hương Sỹ Nhân học hỏi thêm để trở thành bầu show mình phải làm gì để giữ gìn bộ môn cải lương càng ngày càng vững tại hải ngoại.”

Anh tâm sự, “Lúc còn sống, soạn giả Yên Lang có những nguyện vọng là làm sao cho sân khấu cải lương được sáng đèn và nghệ sĩ cải lương được trình diễn. Hình như đây là mẫu số chung của những người yêu nghệ thuật. Soạn giả Yên Lang là một trong những người tiền bối, có công rất lớn, nên trăn trở của ông là làm sao cho thế hệ trẻ còn được hát cải lương, còn giữ được bộ môn nghệ thuật đã có 100 năm, do bậc tiền bối sáng tạo ra. Bây giờ giới trẻ tại hải ngoại hát cải lương thì có thể hát, nhưng trở thành ngôi sao để đi diễn thì rất hiếm, vì không có môi trường, khán giả Việt Nam không còn ủng hộ đông giống như mấy chục năm về trước, nên trở thành ngôi sao cải lương sống bằng nghề hát cải lương tại hải ngoại thì rất hiếm.Ngoại trừ những ngôi sao trước đây đã có tên tuổi ở Việt Nam thì qua đây, còn có thể kiếm sống bằng nghề ca hát, nhưng tại hải ngoại bây giờ làm show cải lương chỉ để duy trì thôi, chứ nếu nói làm để kiếm lời, thì rất hiếm, rất khó khăn.”

Dẫu biết khó, chắc chắn sẽ lỗ nhưng vào ngày 6 tháng 10 năm 2017 sắp tới nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân sẽ tổ chức Đại Nhạc Hội Cải Lương, sẽ quy tụ những nghệ sĩ Phượng Liên, Hồng Nga, Linh Tâm, Tuấn Châu, Ngọc Đáng, và con dâu của soạn giả Yên Lang- nghệ sĩ Giang Bích Phượng, để kỷ niệm 100 năm bộ môn cải lương ra đời và cũng để kỷ niệm 22 năm Hương Sỹ Nhân làm bầu show tại hải ngoại. “Nếu nói thu nhập khi làm cải lương thì chỉ có lỗ thôi, chỉ có chết chứ không có sống, nhưng vì yêu nghề, vì là một thế hệ trẻ nên những bậc tiền nhân đã có công sáng lập ra bộ môn này, thì mình là con cháu, thế hệ sau nên có bổn phận giữ gìn được ngày nào hay ngày đó.”

Trước những tình cảm của mọi người đến thắp nhang để tưởng nhớ soạn giả Yên Lang và chia buồn cùng tang quyến, hiền thê của soạn giả Yên Lang, nghệ sĩ Kiều Oanh rất xúc động. Bà tâm sự với người viết, “Đối với anh Y Lang, đầu tiên tôi xem anh như người thầy, vì kịch bản của anh viết giúp tôi nổi tiếng, vở Manh Áo Quê Nghèo, vai công chúa Phượng Anh. Bấy giờ tôi mới 16 tuổi, anh 27 tuổi. Sau đó tôi xem ông như người tình, người chồng và là người cha của các con tôi, nhưng nay ông đã bỏ tôi mà ra đi trước rồi!”
Với cây viết và sự am hiểu văn chương, nghệ thuật, cổ nhạc Việt Nam, soạn giả Yên Lang đã gửi gắm cả cuộc đời vào những tác phẩm sân khấu và các bài tân cổ cải lương, cũng chính những sáng tác của ông đã giúp biết bao người nghệ sĩ thành danh, lưu dấu tên tuổi trong trái tim của khán giả mộ điệu gần xa. Những ai yêu cải lương, dù đó là nghệ sĩ hay khán giả, hay đồng nghiệp của soạn giả Yên Lang cũng đều đau buồn trước sự ra đi của ông.
Dẫu biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là điều khó tránh khỏi trong một kiếp người. Nhưng chắc chắn ông sẽ vẫn mãi mãi ở lại với chúng ta, với các thế hệ sau này qua những tác phẩm mà ông đã viết, đã khẳng định tài hoa, trí tuệ, tâm hồn của một người soạn giả giàu lòng yêu quê hương, văn hóa Việt Nam, luôn đề cao Chân Thiện Mỹ, đóng góp vào gia tài Nghệ Thuật Cải Lương những tác phẩm có giá trị, để làm đẹp thêm loại hình ca kịch dân tộc, một bản sắc Việt Nam rất độc đáo chỉ có riêng của người Việt Nam.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT