Văn Nghệ

Tưởng nhớ cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua đêm nhạc Không Bao Giờ Ngăn Cách

Friday, 20/05/2016 - 11:15:59

Vì bản thân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng là một người lính đã có dịp gần gũi và sống qua cảnh ngộ của những người cùng cảnh nên những ca khúc của ông làm cho người lính yêu cuộc đời của mình hơn và làm cho người khác cũng yêu cuộc đời của người lính hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào tối thứ Sáu, ngày 13 tháng 5, 2016 tuần qua, ca sĩ Mỹ Lan, người bạn đời của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh (1942-2005) đã tổ chức đêm nhạc chủ đề “Không Bao Giờ Ngăn Cách” nhân 11 năm ngày ông rời xa nhân thế, để tưởng nhớ những cống hiến của cố nhạc sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Mỹ Lan đang gửi lời tri ân các khán giả, đồng nghiệp, mạnh thường quân, các cơ quan truyền thông báo chí… đến dự chương trình kỷ niệm “Không Bao Giờ Ngăn Cách” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, nơi diễn ra chương trình, đã không còn một ghế trống, mọi người đến đây đều với ý nguyện được nghe lại những bài hát bất hủ, những giai điệu vang bóng một thời của cố nhạc sĩ tài hoa.


Ca khúc “Không Bao Giờ Ngăn Cách” qua phần song ca của Mỹ Lan và Xuân Lan (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Trước giờ diễn ra phần chính của đêm nhạc kỷ niệm, ca sĩ Mỹ Lan đã lên sân khấu để bày tỏ niềm hạnh phúc: “Hôm nay Mỹ Lan rất vui, vui vì thấy được cái tình của quý vị dành cho cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Đã 11 năm trôi qua, quý vị vẫn còn nhớ anh Nhật Trường, điều đó làm Mỹ Lan rất cảm động. Mọi năm Mỹ Lan chỉ làm giỗ trong nhà, mời anh chị em nghệ sĩ đến dự. Nhưng hôm nay Mỹ Lan làm một cái giỗ thật lớn, để chúng ta cùng ôn lại những ca khúc của anh Nhật Trường Trần Thiện Thanh, những ca khúc vẫn còn sống mãi dù anh đã không còn.”

Ca sĩ Ngọc Minh mở đầu đêm nhạc với 2 ca khúc “Người Yêu Của Lính” và “Chiều Trên Phá Tam Giang” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ca sĩ Mỹ Lan cũng đã gửi lời tri ân đến với từng người bảo trợ cho đêm nhạc, từ các ca sĩ, bạn bè thân hữu, cho đến các cơ sở thương mại, các mạnh thường quân, những cơ quan truyền thông báo chí... Chị cám ơn những tình cảm thương mến của đông đảo khán thính giả, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu... đã dành cho ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh và những tình cảm yêu thương ấy từ khi ông mất đều dồn cả vào cho chị và bé Trần Thiện Anh Chí (con trai út của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca sĩ Mỹ Lan). Điều này khiến chị cảm thấy rất an ủi, cảm động, hạnh phúc, và khiến chị không cảm thấy cô độc chút nào. Khi chị mất anh, đấy là một mất mát lớn, nhưng bù lại bây giờ đi tới đâu chị cũng có được một đại gia đình đùm bọc, yêu thương...

Những ca khúc tình yêu và ngợi ca người lính VNCH
Hai chủ đề lớn trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là tình yêu và tình lính. Âm nhạc của ông, người giàu sang, kẻ nghèo hèn, hầu như ai nấy cũng đều mê say và cất tiếng hát. Trong đêm nhạc chủ đề “Không Bao Giờ Ngăn Cách” khán giả được nghe lại những giai điệu, cung bậc da diết, trữ tình sâu lắng qua các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được ban tổ chức chia ra thành các phần, gồm “Nhạc tình”, “Tình yêu thời chinh chiến”, “Tình yêu và nước mắt”, “Tình yêu đôi lứa”, “Tình yêu quê hương”, “Hải lục không quân” và bế mạc với hợp ca liên khúc “Anh hùng tử, khí hùng tất tử”.
Ngoài 2 tiếng hát không thể thiếu trong chương trình là ca sĩ Mỹ Lan và bé Anh Chí, đêm nhạc có sự góp mặt rất đông các ca sĩ: Trang Thanh Lan, Ngọc Minh, Như Mai, Lâm Thúy Vân, Thế Sơn, Tâm Đoan, Tiến Dũng, Mai Vy, Khánh Hoàng, Cam Thơ, Nguyễn Tiến Dũng, Tô Huân Vũ, Hoàng Thanh, Hoàng Thông, Mai Hiên, Richard Long... Những tiếng hát nồng ấm của các ca sĩ này đã để lại dấu ấn đậm nét cho người nghe qua từng ca khúc, với những cảm xúc rất mới, rất khác, dù đó là những ca khúc khán giả đã rất quen trước đây.

Đây cũng là chương trình có rất nhiều MC, các MC Trần Quốc Bảo, Đỗ Thanh, Mai Vy, Khánh Hoàng, Mỹ Lan, mỗi người một vẻ, bằng tài dẫn dắt duyên dáng, sâu sắc của mình, đã luân phiên giới thiệu các phần trong chương trình. Ban nhạc Nghĩa Sữa. Ánh sáng Richard Long. Âm thanh Dũng Hạ Trắng. Thiết kế sân khấu Nguyễn Thành Thống cũng đã góp phần tạo nên thành công cho buổi diễn.

Những giọng ca làm đẹp thêm các tác phẩm trong đêm nhạc
Mở đầu đêm nhạc, ca sĩ Ngọc Minh đầy tự sự khi hát “Người yêu của lính” và miên man sâu lắng với “Chiều trên phá Tam Giang”.

Sau tiết mục mở màn đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng thức, từng tiết mục nối tiếp nhau với chất giọng nhiều màu sắc của những giọng ca đã khẳng định được bản lĩnh qua nhiều năm ca hát, cộng với phần phụ diễn của các thành viên nhóm Hậu Duệ VNCH trên sân khấu đã làm hài lòng khán giả ở nhiều mức độ khác nhau, đã mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc mang đậm chất hồi tưởng về Trần Thiện Thanh với những tuyệt phẩm đã vang bóng của ông, chia sẻ với quá khứ và kỷ niệm của từng khán giả khi những ca khúc năm xưa lại được vang lên.


Ca sĩ Tâm Đoan hát Hàn Mặc Tử (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Hình ảnh người lính VNCH, tình yêu của người lính luôn là nguồn cảm hứng dồi dào trong các sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Những ca khúc về lính của ông ngay từ khi mới ra đời cho đến thời điểm hiện tại dường như luôn là cứu cánh giúp cho người nghe có thêm niềm yêu sống với đời, cảm thấy được an ủi, được vỗ về và sẻ chia cả những niềm vui, nỗi cùng cực, tuyệt vọng và những đớn đau mất mát.
Những ca khúc này của ông cũng làm nổi bật lên một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại “Mậu Thân 1968”, “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”. Những người lính đã nằm xuống trong nhạc Trần Thiện Thanh đều là những anh hùng bất tử, qua những tác phẩm “Người Ở Lại Charlie” (Đại tá Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 Dù đã anh dũng hy sinh trên đồi Charlie Tân Cảnh Komtum) được 2 tiếng hát Thế Sơn và Lâm Thúy Vân kể lại đầy cảm xúc.

Trang Thanh Lan hát "Chuyện Tình Mộng Thường" và “Từ Đó Em Buồn” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Anh Không Chết Đâu Anh” (ca ngợi tinh thần bất khuất của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Đại úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương) được thể hiện bởi giọng hát ấm áp, tình cảm của Thế Sơn.
“Rừng lá thấp” (Bài hát được viết tặng cho Đại Úy Vũ Mạnh Hùng tử trận trên cầu Thị Nghè trong trận chiến Mậu thân) được bé Anh Chí hát không thua gì một ca sĩ chuyên nghiệp. “Chuyện Tình Mộng Thường” (dựa trên 1 câu chuyện tình có thật đã xảy ra của chàng Thiếu Úy Biệt Động Quân tên là Phạm Thái với cô tiếp viên hàng không Việt Nam xinh đẹp tên Nguyễn Thị Mộng Thường) qua giọng ca điêu luyện của Trang Thanh Lan.

Tiết mục cuối hợp ca liên khúc “Anh Hùng Tử, Khí Hùng Tất Tử” kết thúc đêm nhạc (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những ca khúc tình yêu của lính và vinh danh người lính VNCH của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Được chọn để trình diễn trong đêm nhạc còn có những ca khúc “Tuyết Trắng” (ngợi ca những người lính không quân, được thể hiện qua tiếng hát trầm ấm của Tiến Dũng), “Hoa Biển (ngợi ca những người lính Hải Quân qua giọng hát của Hoàng Thông). “Không bao giờ ngăn cách” Mỹ Lan và Xuân Lan song ca. “Gọi tên anh là lính” qua 2 tiếng hát Mỹ Lan và Đức Vượng, “Trên đỉnh mùa đông” và “Một đời yêu em” qua tiếng hát của Như Mai, “Anh về với em” qua tiếng hát Mai Vy, “Chuyện một người đi”-tiếng hát của ca sĩ Tô Huân Vũ), “Mùa đông của anh” Như Ý hát, “Từ đó em buồn”-Trang Thanh Lan hát, “Ó đen Lý Tống” do Mỹ Lan và Nguyễn Thành hát.
Đây là những ca khúc được rất nhiều người yêu mến và nhận định là “dòng nhạc không chủ trương thôi thúc sự thù hận, chém giết mà chỉ là những tình cảm nhẹ nhàng lạc quan để thi vị hóa những gian khổ của đời lính, cũng như diễn tả một số mất mát, bất hạnh từ những hệ lụy của cuộc chiến”.


Ca sĩ Lâm thúy Vân và Thế Sơn trong ca khúc “Người Ở Lại Charlie” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vì bản thân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng là một người lính đã có dịp gần gũi và sống qua cảnh ngộ của những người cùng cảnh nên những ca khúc của ông làm cho người lính yêu cuộc đời của mình hơn và làm cho người khác cũng yêu cuộc đời của người lính hơn.

Trong đêm nhạc còn có giai điệu giản dị mà tinh tế, quyến rũ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác trong ca khúc “Hàn Mặc Tử” được giọng ca da diết, buồn man mác của Tâm Đoan vang lên, neo lại trong trái tim người nghe nhiều thổn thức. Ca khúc mang đậm dấu ấn ngũ cung, âm hưởng dân ca miền Nam, lột tả vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của người thiếu nữ miền Nam “Chiếc Áo Bà Ba” đã được Khánh Hoàng diễn tả thật truyền cảm, anh cũng rất thành công khi hát bài “Yêu”. Giai điệu đẹp và lời hát sâu lắng trong ca khúc “Lâu đài tình ái” đã được giọng ca luyến láy ngọt ngào, đầy đặn của Hoàng Thanh thể hiện.

Ngoài những ca khúc với giai điệu trữ tình, êm ả, chương trình còn có một vài ca khúc của nhạc Trần Thiện Thanh được sáng tác theo nhịp điệu trẻ trung vui tươi như “Màu mũ anh, màu mắt em” qua phần song ca của Mỹ Lan và Xuân Lan. “Cho anh xin số nhà” do Nguyễn Tiến Dũng hát. “Gặp nhau làm ngơ” qua phần song ca của Nguyễn Tiến Dũng và Cam Thơ, “Tình có như không” qua tiếng hát của Cam Thơ, là những tiết mục trình diễn thật dễ thương, đã đem lại một màu sắc tươi vui cho chương trình, thay đổi không khí sau những bài hát buồn đau, thương xót, chia ly.

Nét đặc biệt trong đêm nhạc
Những tiếng hát tuyệt đẹp của các ca sĩ tham gia trong chương trình đã được nhắc đến trong bài viết đều thể hiện tròn vai dù phong độ và cảm xúc trong từng phần trình diễn có khác nhau. Mỗi người một vẻ, tạo nên một đêm nhạc nhiều màu sắc, khắc họa lại không gian âm nhạc mênh mang và đầy tính nhân văn của Trần Thiện Thanh.

Khán giả cũng đã dành những tràng pháo tay yêu thương để trao tặng giọng hát vừa kĩ thuật nhưng cũng ngọt ngào cảm xúc của Mỹ Lan, người hiền thê của cố ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong đêm nhạc, dù chị chỉ hát song ca cùng các ca sĩ, nhưng tiếng hát và tâm tình của chị đã chiếm trọn tình cảm của người nghe. Bên cạnh Mỹ Lan, để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng nhất, bất ngờ nhất và dấu ấn đẹp nhất trong đêm diễn chính là giọng hát của bé Anh Chí. Nay bé đã không còn bé nữa mà đã ra dáng một thiếu niên cao lớn, điển trai.


Trần Thiện Anh Chí nay đã không còn bé nữa, hát trong chương trình (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Giọng hát của Anh Chí cũng đã trưởng thành hơn, không còn non nớt như nhiều năm trước đây khi em song ca cùng với mẹ qua những ca khúc của bố trong các chương trình.

Anh Chí đã gây bất ngờ với nhiều khán giả trong lần trở lại bởi phần thể hiện quá xuất sắc. Qua những ca khúc “Tạ từ trong đêm”, Tâm sự người lính”, “Biển mặn”, “Rừng lá thấp”, giọng hát của Anh Chí đã khoe hết sự mộc mạc, da diết và giàu cảm xúc trong từng ca từ, mang đến cho nhạc Trần Thiện Thanh nét da diết, chiêm nghiệm nhưng đầy mới mẻ và tươi sáng. Cùng với sự trình diễn rất chuyên nghiệp của em, tất cả đã gợi lên hình ảnh, điệu bộ, dáng dấp, phong cách của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường lúc còn tại thế. Những tràng pháo tay, những tiếng reo thích thú của khán giả không ngớt vang lên sau mỗi tiết mục của em.

Tiết mục cuối chương trình là hợp ca liên khúc “Anh hùng tử, khí hùng tất tử, một cái kết thật đẹp cho buổi diễn. Đây là liên khúc từng được cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh biên soạn và biểu diễn trước đây với nhóm tứ ca Nhật Trường gồm Nhật Trường, Mỹ Lan, Như Mai, Hạ Lan trong dvd của trung tâm Asia khi ông còn tạ thế.

Hình như trong đêm nhạc, cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh hiện diện đâu đó trong tâm trí mỗi người, như đang trầm tư lắng nghe cuộc hạnh ngộ này, mặc dù ông đã đi xa 11 năm. Đêm nhạc đã thành công vì tình yêu của mọi người dành cho các sáng tác của Trần Thiện Thanh. Tình yêu đó đã gắn kết mọi người trong đêm nhạc lại với nhau, và chắc chắn dòng nhạc đa dạng của ông sẽ còn mãi trong trái tim những người yêu nhạc, sẽ luôn được vang lên không chỉ tại hải ngoại mà ngay tại quê nhà.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT