Phóng Sự

Tuổi già và những sinh hoạt để vui sống

Sunday, 22/06/2014 - 10:51:12

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra quy định ưu đãi chung dành cho tuổi già, tùy theo mỗi quốc gia sẽ có những luật an sinh khác nhau, riêng ở Hoa Kỳ, những người được xem là già bắt đầu từ 65 tuổi trở lên, là những người được chính phủ giúp đỡ đặc biệt với chương trình bảo hiểm y tế và trợ cấp tiền già

Băng Huyền/Viễn Đông



Lớp Khí Công Hoàng Hạc ở võ đường Hapkido do bác sĩ Phạm Gia Cổn hướng dẫn là một nơi sinh hoạt hữu ích với mọi người, nhất là những vị cao niên.
 
Đời sống của mỗi người thường được chia ra thành bốn giai đoạn: thiếu nhi, thanh niên, trung niên, và tuổi già.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra quy định ưu đãi chung dành cho tuổi già, tùy theo mỗi quốc gia sẽ có những luật an sinh khác nhau, riêng ở Hoa Kỳ, những người được xem là già bắt đầu từ 65 tuổi trở lên, là những người được chính phủ giúp đỡ đặc biệt với chương trình bảo hiểm y tế và trợ cấp tiền già (những người không có tiền hưu). Chưa kể với những đặc ân khác dành cho những người già như được giảm giá vé xe bus công cộng, vé máy bay, vé xem phim v.v…. Điểm chung của những đãi ngộ này là sự thừa nhận giá trị tinh thần quý báu trong đời sống của một con người khi họ bước vào tuổi già.

Nhiều người quan niệm rằng nét đẹp của tuổi già chính là sự bình an thanh thản trong tâm hồn sau khi họ đã cố gắng sống tốt cuộc đời theo các điều kiện riêng của mình và làm xong các bổn phận của mình ở đời.

Thời điểm một người bắt đầu nghỉ hưu, thường là giai đoạn chuyển đổi từ tuổi trung niên sang tuổi cao niên, nếu không được chuẩn bị chu đáo về mặt tinh thần thì người cao niên rất dễ bị sốc. Nhiều người Việt định cư tại Hoa Kỳ khi bước vào tuổi già không chỉ phải đối mặt với sự giảm sút sức khỏe mà còn phải chịu cảnh cô độc, luôn quanh quẩn trong nhà suốt ngày trong khi các con đi làm, các cháu đi học. Nhiều cụ già đã không tránh khỏi hiện tượng trầm cảm do sự cô độc gây ra.

Trong một bài viết “Tâm Sự Tuổi Già” của tác giả Dương Trạch Tế (là một bloger Trung Quốc, khi viết lời tâm sự này, ông tròn 71 tuổi) có đoạn: “Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Sống phải hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; Quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; Quá ồn ào thì khó chịu... Mọi thứ đều nên "vừa phải.” Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống….). Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)

“Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thêm ngủ mới ngủ, ôm mới khám chữa bệnh… đều là muộn. Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hưởng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hưởng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương có vị; Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.”

Ông khẳng định trong bài viết của mình: “Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khoẻ mạnh: đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu. Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình. Đó là cuộc sống lành mạnh.

“Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.” (Bản dịch của dịch giả Lê Thanh Dũng)

Vui sống khi tuổi về già

Song song với việc tuổi tác của mỗi người mỗi ngày một già đi, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng theo đó mà giảm sút, người già dễ mắc các bệnh về tim mạch, nội tiết, tinh thần và khối u ác tính… “Sinh, lão, bệnh, tử” là qui luật cuộc sống không thể nào đảo ngược.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu về sức khỏe người già chứng minh rằng chỉ cần có tâm lý lành mạnh, nếp sống khoa học và năng luyện tập thì con người sẽ sống khỏe thọ lâu.

Xét về tâm lý, nó có mối quan hệ diệu kỳ và phức tạp với hệ thống miễn dịch. Nếu một người có trạng thái lạc quan, tích cực sẽ làm tăng trưởng tế bào miễn dịch. Giúp người đó khỏe mạnh. Nhưng ngược lại, tế bào miễn dịch sẽ bị ức chế nếu người đó sống tiêu cực, bi quan; Hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng chậm chạp khi cơ thể bị ảnh hưởng của ngoại cảnh. Rõ ràng người nào có tâm lý lành mạnh, xây dựng lòng tin nơi cuộc sống, khả năng miễn dịch sẽ được tăng cường.

Trong cuộc sống thường nhật các điều kiện trong đời sống như ăn, ở, mặc, đi lại… đều trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe. Môi trường sống không lành mạnh là nguyên nhân làm hệ thống miễn dịch kém và sinh ra bệnh tật. Vì vậy việc rèn luyện thói quen ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, khoa học; tránh những thói quen xấu, cố gắng bảo đảm sự công bằng về dinh dưỡng, cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi là ngay từ khi còn trẻ chứ không phải đợi đến lúc già. Một cơ thể luôn vận động, sẽ có tác dụng tăng cường sự hoạt động của hệ thống thần kinh, làm tăng cường chất chống lão hóa, làm chậm quá trình suy thoái của cơ thể, cải thiện hoạt động của tim, tăng nhanh tuần hoàn máu và quá trình trao đổi chất. Điều đó có lợi cho hệ thống miễn dịch và tăng khả năng phòng bệnh. Tùy theo tuổi tác và sức khỏe mà lựa chọn các môn tập luyện cho thích hợp, như thể dục dưỡng sinh, khí công, đi bộ, cầu lông, chạy chậm.v.v..

Người có tuổi thường hay bị nhiều bệnh, nếu không kịp thời chữa trị, sẽ làm suy yếu và ngày càng trầm trọng hơn khả năng miễn dịch, có thể dẫn đến hoàn toàn mất khả năng chống đỡ bệnh tật. Vì vậy phải học hỏi những kiến thức về bảo vệ sức khỏe, tự làm bác sĩ cho bản thân. Phòng bệnh ngay từ lúc còn khỏe, chữa trị ngay khi mới có triệu chứng. Sáu tháng đến một năm, tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần, đó là biện pháp quan trọng để bảo vệ và tăng cường sức khỏe.

Hiện tượng lão hóa không thể dừng lại theo quy luật thời gian, nhưng nếu biết vận dụng thời gian rảnh rỗi khi về già như tập dưỡng sinh, tham gia các sinh hoạt của người cao niên, đàm đạo, uống trà cùng các bạn già, chăm sóc cây cảnh…. thì chẳng những sức khỏe của những người cao niên sẽ hồi phục, xương và cơ bắp chắc lại, mà tinh thần cũng sảng khoái và yêu đời hơn. Con cháu sẽ rất vui mừng vì ông bà, ba mẹ sống thọ và khỏe mạnh cùng gia đình. Người Việt sống tại California và nhất là người già Việt Nam sống tại đây rõ ràng không có nơi nào lý tưởng bằng. Không chỉ vì nơi đây có khí hậu ấm áp, chế độ an sinh xã hội tốt là hai điều rất quan trọng đối với người già, mà những người già gốc Việt tại đây còn được hưởng tuổi già với cuộc sống tinh thần tương đối đầy đủ với rất nhiều nơi chốn để sinh hoạt, giúp giảm đi những buồn bã cô đơn của tuổi già, trogn những loạt bài sắp tới, nhật báo Viễn Đông sẽ giới thiệu lần lượt đến quý độc giả những sinh hoạt hữu ích với người cao niên mà các hội đoàn trong cộng đồng, những tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận… luôn dành ra những chương trình phục vụ cho người cao niên, là nơi chốn giúp các vị cao niên tìm đến để vui sống trong tuổi “về chiều” của mình! (bh)

(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT