Hoa Kỳ

Tunisia: Bộ trưởng qua đời sau khi chạy từ thiện

Monday, 09/10/2017 - 10:41:46

Ông Chaker chỉ mới được bổ nhiệm vào ghế Bộ Trưởng Y Tế trong tháng 9, trong một vụ cải tổ chính phủ lớn lao ở Tunisia. Ông Chaker là một cựu Giám Đốc ngân hàng, ông cũng từng làm việc cho các Bộ Tài Chính, Thể Thao, sau khi nhà độc tài Ben Ali bị lật đổ vào năm 2011.


Ông Slim Chaker (giữa) trong cuộc chạy bộ gây quỹ, vài phút trước khi bị đột quỵ tim. (Jawhara)


Bộ Trưởng Y Tế Slim Chaker, 56 tuổi, đã lên cơn trụy tim và qua đời sau khi tham gia chạy thi marathon nhằm mục đích từ thiện quyên góp chống lại bệnh ung thư. Sau khi chỉ mới chạy có 500 mét, ông Slim Chaker đã té ngã và qua đời sau đó khi được chở cấp cứu trong một bệnh viện quân đội.
Thủ Tướng Youssef Chahed nói ông “đã mất một đồng nghiệp, một người anh em” đã qua đời trong khi làm một hành động cao quý vì người khác. Cuộc chạy marathon được tổ chức ở thành phố ven biển Nabeul hôm Chủ Nhật nhằm quyên góp tài chính cho một bệnh viện trị bệnh ung thư cho trẻ em.
Ông Chaker chỉ mới được bổ nhiệm vào ghế Bộ Trưởng Y Tế trong tháng 9, trong một vụ cải tổ chính phủ lớn lao ở Tunisia. Ông Chaker là một cựu Giám Đốc ngân hàng, ông cũng từng làm việc cho các Bộ Tài Chính, Thể Thao, sau khi nhà độc tài Ben Ali bị lật đổ vào năm 2011.

EU và London xung khắc vì Brexit
Anh và Khối Liên Hiệp Âu Châu đã tranh cãi nhau về chuyện Brexit khi có lục đục về một dự thảo hiệp ước về mậu dịch .Trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Anh, Thủ Tướng Theresa May cho hay chính phủ Anh đã gây áp lực lên EU nhằm thúc đầy tiến trình đàm phán về mậu dịch nhưng Thủ Tướng Miro Cerar của Slovenia, ông cho báo The Guardian hay là “tiến trình đàm phán Brexit chắc chắn sẽ làm mất thêm thời gian.”
Tháng Ba 2019 là thời hạn cuối cùng để mọi bên dàn xếp xong xuôi dọn đường cho Anh rút lui khỏi khối EU và Bộ Trưởng Anh chuyên về Brexit David Davis chủ trương nên có “đàm phán song song” về chuyện rút khỏi EU lẫn vấn đề mậu dịch nhưng Michel Barnier, nhà thương thuyết chính của EU tuần qua nhắc lại là chuyện thương thảo về mậu dịch chưa được tiến hành vào lúc này.
Khối EU chê phía Anh làm việc “quá lề mề” và không rõ ràng gì hết trong tiến trình của Brexit.

Pháp chỉ trích phong trào độc lập của Catalonia
Chính phủ Pháp vừa lên tiếng cho hay họ sẽ không công nhận Catalonia nếu phần đất này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và còn ngụ ý là một việc làm như thế, nếu thành công, còn có nghĩa là Catalonia sẽ bị trục xuất ra khỏi khối liên hiệp EU.
Bộ trưởng chuyên trách về EU của Pháp là bà Nathalie Loiseau nói cuộc khủng hoảng bắt đầu từ vụ trưng cầu dân ý ở Catalonia vào ngày 1 tháng 10 cần phải được giải quyết thông qua đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha.
Tổng Thống Carles Puigdemont của Catalonia sẽ lên tiếng ở Quốc Hội Caltalonia vào ngày thứ Ba, nhưng chưa có dấu hiệu nhượng bộ nào đối với Madrid từ cư dân vùng này. Áp lực kinh tế đang đè nặng lên Catalonia sau khi có thêm ba công ty tuyên bố họ đang có ý định dời trụ sở ra khỏi Catalonia ngay trong thứ hai đầu tuần.

Nga, Tàu kêu gọi bình tĩnh về bán đảo Triều Tiên
Hai chính phủ Nga và Trung Quốc đã kêu gọi cần phải duy trì sự bình tĩnh về vấn đề Bắc Hàn, sau khi Tổng Thống Trump tuyên bố vào cuối tuần là “chỉ có một cách làm hiệu quả đối với Bình Nhưỡng,” ngụ ý khá rõ ông muốn dùng biện pháp quân sự. Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của chính phủ Nga, đã cho các ký giả hay như sau, “Chúng tôi đã và tiếp tục kêu gọi tất cả các bên có liên quan đến mối tranh chấp tại đây nên biết tự kềm chế và không nên có hành động khiến tình hình thêm tệ đi.”
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng có phát biểu tương tự và đồng thời thêm nhận định là “tình hình bán đảo Triều Tiên rất rắc rối và nghiêm trọng.” Bà kêu gọi các bên “không nên chỉ trích lẫn nhau làm tức giận phe bên kia nữa và cần cẩn thận trong lời nói lẫn hành vi.”

Nam Hàn sẽ dùng bom gây tê liệt điện đối phương
Quân đội cho hay đã cho phát triển một loại vũ khí mới gọi là “bom làm mất điện,” hay là “graphite bomb.” Loại bom này có khả năng làm tê liệt hệ thống điện của Bắc Hàn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Bom graphite có thể được chiến đấu cơ ném xuống các nhà máy phát điện của địch quân.
Nó từa tựa như loại bom chùm, khi phát nổ sẽ bung ra các dám mây nhỏ carbon graphite bao phủ và phá hỏng hệ thống của nhà máy điện đối phương. Loại bom này lần đầu tiên được Hoa Kỳ thí nghiệm trong năm 1990 nhằm phá hỏng mạng lưới điện năng của quân đội Iraq trong trận chiến thứ nhất ở Vùng Vịnh.
Đặc điểm của nó là không gây sát thương cho cư dân các khu vực lân cận. Nam Hàn đã cho thêm loại bom graphite vào chương trình quân sự của họ có tên là “Kill Chain” là chương trình bằng các đòn đánh phủ đầu ồ ạt khiến đối phương không kịp trở tay.

Pakistan: Nhiều viên chức ra tòa vì tham nhũng
Chính phủ Pakistan rất lúng túng vì một loạt các viên chức cao cấp của họ đang đối diện với nhiều cáo buộc hình sự, kể cả tội tham nhũng và sát nhân. Là quốc gia có vũ khí nguyên tử, song Pakistan hiện vất vả đối phó với nhiều vấn đề như đe dọa khủng bố, lãnh đạo quân sự và dân sự kình chống nhau, khủng hoảng tài chính và mối liên hệ bất hòa với Ấn Độ.

Zahid Hussain, một bỉnh bút bình luận lâu năm ở Pakistan, nhận xét, “Đất nước này đã bị gẫy nát vì có vẻ như chẳng có ai kiểm soát nổi tình thế nữa.”

Thủ Tướng Nawaz Sharif và gia đình ông bị tố cáo tham nhũng, trong đó có người em của ông là Thống Đốc Shahbaz Sharif vùng Punjab đang bị điều tra các tội rửa tiền, sát nhân và khủng bố. Bộ Trưởng Tài Chính Ishaq Dar, vốn cũng là em rể của Thủ Tướng, trong tuần qua bị truy tố tội tham nhũng và rửa tiền và bị giới đối lập yêu cầu từ chức.

Mỹ: Dân Chủ phê phán Trump về di dân
Chính phủ Trump đã yêu cầu Quốc Hội phải xem xét về chính sách di dân. Trong các yêu cầu của chính phủ Trump có chuyện trấn áp các di dân lậu còn nhỏ vào Mỹ không có thân nhân đi kèm, xây dựng bức tường ngăn chận ở biên giới và không cung cấp tài chính cho các thành phố Mỹ “dung dưỡng di dân lậu.”
Báo Washington Post cho hay các yêu cầu của chính phủ Trump đã bị các lãnh đạo Dân Chủ phê phán, có khả năng làm tiến trình đàm phán về chương trình DACA bị xáo trộn, với khoảng 690,000 di dân trẻ có nguy cơ bị hặm dọa trục xuất, sau khi giấy phép của họ hết hạn vào tháng 3 năm 2018.
Hai lãnh đạo Dân Chủ lưỡng viện là Charles Schumer và Nancy Pelosi ra tuyên bố chung, nhấn mạnh “chính phủ Trump không muốn thỏa hiệp gì cả, một số yêu cầu thực là quá đáng,” nhưng các viên chức Tòa Bạch Ốc khẳng định là các biện pháp này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT