Người Việt Khắp Nơi

Từ vô gia cư, anh gốc Việt đang nhận lương $115,000 một năm

Sunday, 02/07/2017 - 04:24:09

Preston nhớ lại, "Tôi bắt đầu phát triển một ứng dụng để mọi người có thể đặt giường qua điện thoại, và sau đó, họ có thể đi tới một trung tâm gần nhất. Tôi nghĩ mình có thể khởi đầu sự nghiệp bằng cách này."


Preston Phan (SF Gate)


SAN FRANCISCO – Mới đây, các cơ sở truyền thông trong vùng San Francisco đã viết về một anh thanh niên Mỹ gốc Việt bị thất nghiệp, phải sống vô gia cư, và cũng từ cuộc sống vô gia cư ấy, nhờ vận hên anh được sử dụng khả năng và kiến thức, để được một công ty đề nghị mức lương cao chưa từng có cho anh. Dưới đây là bài viết đăng báo San Francisco Gate, về câu chuyện của anh Preston, và mang lại hy vọng cho những ai đang tìm chưa ra việc.

Hôm đó là Ngày Giáng Sinh năm 2016. Preston Phan, 29 tuổi, đứng trên một con đường ở San Francisco, trò chuyện qua FaceTime với gia đình. Anh cẩn thận không để mặt tiền tòa nhà nơi anh ở được thâu vào màn hình. Anh không muốn gia đình biết mình đang sống không nhà không cửa.

Preston Phan đã rời khỏi Seattle ở tiểu bang Washington trong tình trạng thất nghiệp. Lúc này anh không còn một xu dính túi, phải sống trong trung tâm dành cho người vô gia cư. Nỗi lo về nợ sinh viên ngày càng lớn, tỷ lệ nghịch với hy vọng có được việc làm ngày càng hẹp.

Nhưng chỉ ba tháng sau, anh dọn đến Silicon Valley, làm việc cho một công ty kỹ thuật nổi tiếng, với mức lương hơn $100,000 một năm. Đúng là không ai đoán được chữ "ngờ."

Preston Phan là con của một cặp vợ chồng di dân Việt Nam. Anh chào đời ở Texas và sau đó chỉ còn một mình mẹ nuôi anh. Khi anh chập chững biết đi, bà dẫn Preston và anh trai anh tới Seattle. Anh theo học gần một chục trường công, nhưng vẫn bị đẩy vào lớp ESL mặc dù anh nói tiếng Anh như người bản xứ.
Khi còn trung học, anh thích làm việc với đồ phụ tùng xe hơi, sau đó anh tìm được việc làm ở hãng Boeing. Đó là công việc ở một hãng lớn mà di dân nào cũng mơ ước, nhưng rồi Preston nhận ra đây là công việc có lương thấp, lặp đi lặp lại, và hầu như không có cơ hội phát triển sự nghiệp.

Anh sống với mẹ tới tháng Tư năm 2010 thì nghỉ làm cho Boeing. Anh quyết định trở lại trường để học thêm về công việc kỹ thuật. Anh ghi danh một số lớp kỹ thuật thông tin, nhưng chẳng học được nhiều. Cuối cùng, anh nghỉ học và ghi danh lớp sinh học tại North Seattle Community College.

Quả là một sự thay đổi nghề nghiệp, nhưng chẳng bao lâu, anh có được công việc. Lần này, anh làm cho một tổ chức chuyên lấy các bộ phận trên cơ thể và nội tạng của người chết để hiến tặng cho những nơi cần. Anh làm việc tại bộ phận nhận mắt của người mới chết. Công việc buộc anh phải đối phó với các sự kiện bi thảm, đọc hồ sơ y tế và tiểu sử, làm việc giờ giấc bất thường và được trả $18.50 Mỹ kim mỗi giờ.
Preston nói, "Kể từ lúc đó, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm vì lúc nào cũng thấy người chết. Văn phòng gọi tôi đến làm bất cứ lúc nào. Đôi khi suốt cả tuần, tôi chỉ thấy cái chết và bóng đêm."

Sau đó, anh nghe câu chuyện về người anh họ của một đồng nghiệp. Người này thành công sau khi đi đến một trại huấn luyện kỹ thuật. Anh nghĩ tới chuyện bỏ việc và trở lại môn kỹ thuật. Nhưng anh khựng lại trước một trở ngại, học phí vào trại huấn luyện kỹ thuật là $10,000 Mỹ kim. Anh của Preston đồng ý ứng tiền trước và cho anh một chỗ ở.

Trong thời gian học tập, Preston nhận được tin người bạn thân nhất tự tử vì trầm cảm. Sau khi học xong chương trình huấn luyện, tới lượt anh lâm vào cảnh khó khăn. Anh nhớ lại, "Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn trong đời tôi. Anh trai tôi muốn bạn gái anh ấy chuyển vào để họ bắt đầu một cuộc sống mới, do đó, anh ấy yêu cầu tôi ra khỏi nhà."

Anh nói, "Lúc đó tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những ngày sắp tới, mình sẽ đi đâu, làm gì, làm sao có tiền để sống, mục đích trước mắt là gì, mục đích lâu dài là gì?" Bị nợ nần và việc làm hối thúc, anh quyết định mình phải làm một điều gì đó thật nhanh.

Anh rời Seattle để hướng tới sự nghiệp về kỹ thuật. Với $250 Mỹ kim còn lại trong ngân hàng, anh bay tới San Francisco để ghi danh vào chương trình tìm việc làm Code Tenderloin, mà anh tìm thấy trên mạng. Chương trình này cam kết giúp anh được phỏng vấn tại các công ty kỹ thuật cao như Twitter, LinkedIn và GitHub. Nhưng anh không có chỗ ngủ hoặc nơi cất đồ. Anh cũng không có gia đình, hoặc bạn bè ở đây.

Preston nhớ lại, "Trong ba ngày đầu tiên, tôi thực sự ngủ dưới cầu thang trên đường Market." Anh cất đồ trong một ngăn tủ của trung tâm 24-Hour Fitness. Đó là điều nguy hiểm vì trung tâm cảnh cáo sẽ mở khóa những ngăn tủ bất hợp pháp và tặng hết đồ cho Good Will.  

Tiếp theo, anh gọi cho một số nơi và tìm thấy một tòa nhà dành cho người vô gia cư. Nhưng họ rút thăm cho giường ngủ và anh bị trật, vì thế anh phải ngủ trên ghế trong ba đêm sau đó.

Ngày Giáng Sinh năm 2016, khi trò chuyện cùng gia đình qua FaceTime, anh không muốn gia đình anh biết chuyện anh phải ở trong trung tâm dành cho người vô gia cư. Anh cố giấu sự thật, chỉ nói rằng mọi chuyện vẫn ổn.

Giữa tháng Giêng, Preston bắt đầu chương trình học tại Code Tenderloin. Chương trình tập trung vào khả năng mềm như phỏng vấn việc làm và hồ sơ. Đây là những mặt mà anh cần cải thiện. Lớp học bắt đầu từ 5 giờ chiều tới 8 giờ tối. Anh dần dần quen với thời khóa biểu làm việc này.

Mỗi ngày, anh rời khỏi trung tâm vô gia cư lúc 5 giờ rưỡi sáng. Anh tới Peet để mua một ly cà phê và làm việc trên máy tính trong một giờ. Để kiếm tiền túi, anh xin làm công việc giám sát an ninh tại Ross, từ 7 giờ 30 sáng đến 3 giờ 30 chiều.

Sau tám giờ làm tại Ross và ba giờ học lại Code Tenderloin, anh làm công việc giao hàng tại Postmates trên ván trượt, trước khi trở về trung tâm của người vô gia cư. Anh phải chờ khoảng hai hoặc ba giờ mới có một chỗ ngủ. Rồi đến 5 giờ rưỡi sáng hôm sau, anh thức dậy, rời khỏi trung tâm và một ngày mới lại đến.

Trong khi chờ giường ngủ, anh nhận thấy việc kiếm một giường ngủ thật phức tạp, vì người xin giường phải gọi đặt trước qua điện thoại. Nhưng thường, những cú gọi không có ai trả lời. Đột nhiên anh nảy ra ý nghĩ - hầu hết những người chờ giường đều sử dụng điện thoại di động rẻ tiền, chạy bằng kỹ thuật Android, mà anh biết cách lập phương trình này.

Preston nhớ lại, "Tôi bắt đầu phát triển một ứng dụng để mọi người có thể đặt giường qua điện thoại, và sau đó, họ có thể đi tới một trung tâm gần nhất. Tôi nghĩ mình có thể khởi đầu sự nghiệp bằng cách này."

Anh bắt đầu làm việc cho ứng dụng vào buổi sáng và đưa ông Del Seymour, là giám đốc Code Tenderloin xem. Ông Seymour khuyến khích anh trình bày ứng dụng tại cuộc họp ban điều phối cho người vô gia cư địa phương, tại Tòa Thị Chính San Francisco. Ý tưởng của anh không được đón nhận vì nhiều lý do, nhưng anh không nản chí.

Mỗi buổi sáng, anh làm việc chăm chỉ hơn cho ứng dụng, rèn luyện khả năng viết mật mã cho chính mình. Công việc kéo dài suốt tháng Hai, cho tới khi anh tốt nghiệp chương trình Code Tenderloin.
Giữ đúng cam kết, ông Seymour mời đại diện của LinkedIn tới phỏng vấn những người vừa tốt nghiệp. Họ có vẻ thích Preston ngay từ đầu, đề nghị anh làm công việc kỹ sư nhu liệu tập sự, với mức lương $115,000 Mỹ kim một năm. Họ còn lo cho anh có một chỗ ở tại Silicon Valley, hoàn toàn miễn phí. Anh đồng ý, lẽ đương nhiên.

Preson bắt đầu làm việc tại LinkedIn vào đầu tháng Tư. Trước đó, anh chia tay những người ngủ chung ở trung tâm vô gia cư, nói với họ rằng anh dọn vào Sunnyvale, nhưng anh không cho họ biết lý do tại sao.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT