Đạo và Đời

Tự do ngôn luận có giới hạn không?

Saturday, 17/10/2020 - 05:46:02

Trên đời này bất cứ chuyện gì cũng phải có giới hạn. Giới hạn là để bảo vệ trật tự, an toàn, đạo đức cũng như tương kính giữa con người và con người, chủng tộc và chủng tộc, quốc gia và quốc gia.


Một phụ nữ đang đặt hoa tưởng niệm cạnh tấm bảng viết máy chữ có nghĩa “Tôi là thầy giáo, tên tôi là Samuel” bên ngoài trường trung học Conflans-Sainte-Honorine, khoảng 30 cây số tây bắc thủ đô Paris ngày 17 tháng 10, 2020. Một ngày trước đó, một thầy giáo ở trường này đã bị một thanh niên chặt đầu vì ông dùng hình biếm họa Nhà Tiên Tri Mohammad để dạy về tự do ngôn luận tại Pháp. (Bertrand Guay/AFP via Getty Images)

 

Bài ĐÀO VĂN BÌNH

 

Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận, đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Cảnh sát nói rằng hung thủ là một thanh niên 18 tuổi, người gốc Chechnya tỵ nạn ở Pháp, chống cự lại cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại Nhất” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Tổng thống Pháp nói đây là cuộc tấn công của khủng bố Hồi Giáo. Chín người sau đó đã bị bắt, trong đó có cả phụ huynh của trường học này. Ngay sau biến cố, tạp chí Charlie Hebdo đã phối hợp với hội giáo chức Pháp kêu gọi mọi người tập họp tại Quảng Trường Cộng Hòa.

Sự kiện này làm chúng ta nhớ lại năm 2015 khủng bố Hồi Giáo đã tấn công và giết chết 12 người vì tờ báo chuyên vẽ tranh hý họa Charlie Hebdo ở Paris đã vẽ tranh chế riễu nhà tiên tri Mohammad. Ngay sau đó, thế giới đã dấy lên cuộc tranh luận về tự do ngôn luận. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng tự do ngôn luận không bị giới hạn. Còn Giáo Hoàng Francis lại nói rằng tự do ngôn luận cần có giới hạn.

Theo tôi nghĩ, trên đời này bất cứ chuyện gì cũng phải có giới hạn. Giới hạn là để bảo vệ trật tự, an toàn, đạo đức cũng như tương kính giữa con người và con người, chủng tộc và chủng tộc, quốc gia và quốc gia. Đi quá giới hạn này sẽ đưa tới đổ vỡ, chết chóc. Thí dụ: Bạn vặn một cái đinh ốc, nếu đã thấy vừa đủ thì ngưng lại. Nếu cứ tiếp tục vặn nữa đinh ốc sẽ vỡ toang. Trên xa lộ, giới hạn tốc độ là 65 dặm/giờ, nếu bạn chạy quá mức này sẽ không còn điều khiển được xe nữa và dễ gây tai nạn cho bạn và cho người khác. Bạn phê bình người ta thì khác. Nếu bạn chửi rủa, đem cả đời tư, cha mẹ, vợ con họ ra bếu xấu thì có thể đưa tới kiện tụng hoặc giết chóc. Dân nghèo thì vẫn còn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu thất nghiệp lan tràn, vật giá leo thang, không trợ cấp xã hội, tầng lớp thống trị sống xa hoa…thì có thể đưa tới bạo loạn, cách mạng hay lật đổ. Tranh luận đúng sai là điều cần thiết. Thế nhưng người khác quan điểm với mình lại bị nhục mạ, chụp mũ đủ thứ tội sẽ gây thù hận và chia rẽ.

Chúng ta đồng ý rằng hiện nay có rất nhiều nhóm Hồi Giáo quá khích và nhóm khủng bố Hồi Giáo tại vùng Trung Đông và trong cộng đồng Âu Châu. Thế nhưng không phải tất cả người Hồi Giáo (Muslim) đều xấu. Cả triệu người tỵ nạn Việt Nam vượt biển (Boat People) được dung dưỡng bởi hai quốc gia Hồi Giáo Mã Lai và Nam Dương. Người dân Hồi Giáo ở hai quốc gia này rất hiền hòa và đối xử tốt với người tỵ nạn. Ai đã từng trải qua các trại Bidong, Sungai Besi, Galang… đều phải công nhận như vậy. Nguyên do là vì ở đây người Hồi Giáo không bị cọ sát bởi những cuộc Thập Tự Chinh và các đế quốc Âu Châu tới để cải đạo hoặc tiêu diệt bản sắc dân tộc của họ. Cho nên những đau thương của quá khứ đã trở thành “nhân” để sinh ra “quả xấu” ngày hôm nay.

Âu Châu, nhất là Pháp rất phóng túng trong vấn đề tự do ngôn luận. Giáo Hội Ca-tô Giáo La Mã tại đây đã thua kiện nhiều lần trước tòa khi kiện các tạp chí vẽ tranh châm biếm Chúa Jesus và Giáo Hoàng thế nhưng không có cuộc đánh bom khủng bố nào xảy ra. Tuy nhiên báo chí Pháp không thể thấy sự “chiến thắng” của tự do ngôn luận ở đây để “tới luôn bác tài” từ đó tấn công luôn cộng đồng Hồi Giáo.

Theo tôi, để tìm hiểu và giảng dạy cho đời sau, chúng ta nên nghiên cứu và bình luận về kinh điển của các tôn giáo hầu đưa ra những nhận định cụ thể như: Tôn giáo nào bất bao dung, chủ trương bạo động, xâm chiếm, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, cổ vũ cho tà dâm, khinh rẻ phụ nữ. Nghiên cứu một cách khoa học, khách quan, nghiêm túc và né tránh đụng chạm, vẽ tranh châm biếm các bậc giáo chủ như Phật, Chúa, Tiên Tri Mohammad. Nhưng việc chặt đầu thầy giáo này để trả thù là hành vi không thể chấp nhận được.

Cuộc sống còn dài nếu không có chiến tranh nguyên tử. Vài trăm năm nữa có khi các tôn giáo từ từ biến mất trên thế gian này khi khuynh hướng “vô thần” không tin vào tôn giáo, không cần tôn giáo mỗi lúc mỗi gia tăng. Hiện nay trên thế giới đã có 700 triệu người Vô Thần hoặc vô tôn giáo. Điều này cho thấy niềm tin tôn giáo không phải là tất cả. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng đạo đức chính là nền tảng và cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Tôn giáo phải thăng hoa lên từ đạo đức. Tôn giáo phi đạo đức là tà đạo và rất nguy hiểm cho con người.

Cuối cùng xin nhớ cho: Cái gọi là giá trị cao quý như “tự do ngôn luận” áp dụng cho quốc gia này, cộng đồng này chưa chắc đã có thể áp dụng cho cộng đồng khác. Trên đời này không có gì khó khăn và nguy hiểm cho bằng nói lên sự thực về người khác. Nói lên sự thực tức là đâm một mũi nhọn vào tim kẻ che dấu, kẻ ngu si, kẻ đạo đức giả, kẻ có tội… và sẽ gặp phải phản ứng vô cùng khốc liệt vì ai cũng muốn bảo vệ mình và không muốn ai nói lên sự thật về minh, dù mình là kẻ xấu xa, có tội.

(California ngày 17/10/2020)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT