Đời Sống Việt

Từ Bá Linh đến Hamburg

Friday, 08/09/2017 - 09:09:50

Chắc là cô sợ bà chủ, ông chủ sẽ đuổi việc nếu cô làm dở. Các cô gái ở VN qua Đức du lịch thiếu gì, bà chủ hú một tiếng là có người khác thế ngay.

Bài VŨ NAM

Mới đây mà đã 17 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Berlin trong ngày hè, tháng 8, 2009. Năm 1992, Berlin và Đông Âu mới thoát ách đô hộ cộng sản ba năm. Không hiểu sao, ngày đó tôi không nhờ người bạn (người bạn cũng vượt biên bằng thuyền năm 1980 và sau đó được định cư ở tây Bá Linh) dẫn tôi đến  Bức Tường Bá Linh để tôi nhìn được bức tường bằng mắt mình, rờ được lên bức tường bằng tay mình. Đến hè năm nay, tôi mới có dịp rờ được Nó, nhìn được Nó.

Cũng không trách bạn được, lúc đó bạn cũng bận đi làm. Chỉ có hai ngày cuối tuần còn phải lo cho vợ và một bầy con, nhà lại không có xe hơi, vì bạn làm ngay trong Berlin, di chuyển hàng ngày bằng xe điện, U-Bahn. Bạn dẫn đi đâu, tôi đi đó. Một ngày cùng bạn đi Potsdam, vì theo bạn nơi này còn những di tích của vị vua nước Đức, còn là nơi có hiệp ước Potsdam quan trọng.  Nhớ hôm ấy trời hè, nắng chang chang, tôi và bạn vào vườn ngự uyển của nhà vua với đầy hoa lạ.

Một ngày cùng bạn qua Đông Bá Linh, đi qua những toà nhà đồ sộ, cũng cảm thấy được sự uy dũng của thời Hitler ngự trị. Đến đứng dưới chân ngọn tháp có nhà hàng như Quả Banh Khổng Lồ, cao cách mặt đất khoảng 100 mét, nơi Alexandre-Platzt, bên cạnh một vòi phun nước, thiếu vắng tiếng nói tiếng cười. Buổi xế trưa hôm ấy nhợt nhạt. Nắng thưa, người qua lại không đông. Mọi người vừa đi vừa ngó nhau. Nhìn nhìn. Để ý. Tôi và bạn tạt vào một quán cà phê. Quán vắng. Cặp người ngồi bên cạnh, qua tiếng nói, bạn cho biết hình như tiếng Ba Lan. Đúng là buổi chiều buồn tẻ, thiếu sinh động, dù nơi đây đã được "giải phóng" sau ba năm.

Năm nay trở lại nơi này. Ôi hàng quán nhộn nhịp! Đúng là Thế Giới Tự Do! Người người đi lại đông đúc. Cười nói um sùm. Lại gần đến ngày khai mạc Đại Hội Điền Kinh Thế Giới nên khách phương xa đến đây tấp nập. Cổ vũ cho gà nhà, hay muốn tận mắt chứng kiến anh lực sĩ  người Jamaika, Bolt, sẽ chạy cho một kỷ lục mới. Nơi đâu cũng đầy người. Brandenburg-Tor, Công trường Alexandre-Platzt, dưới chân tháp Quả Banh Khổng Lồ, người là người. Ca nhạc sĩ Đức lập những khán đài chuẩn bị cho những đêm nhạc ngoài trời mừng ngày khai mạc đại hội điền kinh. Chúng tôi và vài ba người bạn chọn một chiếc thuyền để đi du ngoạn trên dòng sông nhỏ chảy ngang phố chính Berlin. Thời biểu là một tiếng đồng hồ, thuyền sẽ chạy ngang qua các toà nhà của Quốc hội, chính phủ, thủ tướng, Viện bảo tàng âm nhạc...

Berlin khi đi bằng thuyền không thấy đền đài đẹp bằng Paris. Ở Paris đồ sộ hơn, "hoành tráng" hơn. Nhưng chuyến đi năm nay đã để lại trong tôi hai hình ảnh đáng ghi nhớ. Đó là tôi được đến đứng dưới chân Bức Tường Bá Linh, dù muộn màng, nhưng có còn hơn không và thăm hai ngôi chợ Việt Nam nằm trên vùng Đông Bá Linh.

Bức tường còn lại một đoạn khá dài, lịch sử phân chia Đông và Tây Đức thuở nào. Một khúc tường được xây tường kín ở mặt bên Đông Đức để bảo quản. Còn mặt bên Tây Đức được xem coi tự do. Bức tường màu xám xịt, cao khoảng hai người rưởi, trên cùng có hàng rào với ba hàng kẽm gai đứng nghiêng 45 độ về bên mé Đông Đức (để chống lại các việc leo tường trốn qua Tây Đức).

Ngày nào bức tường này còn, ngày đó chế độ cũ Đông Đức của hôm qua vẫn còn bị ô nhục. Cảm giác thật của tôi lúc đó là như vậy. Ngăn cản người dân qua Tây Đức. Bắt người dân sống trong "Thiên Đường Cộng Sản Đông Đức" bằng bức tường! Y như sở thú!

 

Đường vào chợ Đồng Xuân ở Berlin (Vũ Nam)

 

 

Bên ngoài chợ Đồng Xuân ở Berlin (Vũ Nam)

 

Cao điểm cuộc đi đến Berlin lần này là hai lần đến thăm chợ Thái Bình Dương (TBD) và chợ Đồng Xuân (ĐX). Chợ TBD thì không giống chợ Việt Nam, nhưng chợ ĐX có nét chợ người Việt thật. Trong chợ này tôi đã thấy "hàng hàng lớp lớp" đầu đen. Hình như cũng có cửa hàng của người Pakistan, người Thổ, nhưng cũng đầu đen. Chắc chín mươi chín phần trăm đầu đen là người VN. Người bán xem ra nhiều hơn người mua. Bốn Halle lớn đầy ắp những cửa hàng.

Cửa hàng quần áo là đông nhất, đến là hàng tạp hóa rau cải, hàng sách báo băng nhạc, hàng uốn tóc, làm móng tay... Và nhất là hàng ăn, hình như đông khách nhất. Tôi đến nhằm ngày thường mà thấy các hàng ăn, có hàng vắng vẻ, có hàng vẫn đông khách, còn các hàng bán những món khác hơi ế  ẩm. Trước những gian hàng ăn uống nhiều xe "xịn" đậu, hẳn là có nhiều "đại gia" ngồi ăn trong quán.

Nhưng nếu thấy xe đẹp nói xe đẹp thì tôi cũng phải nói đến hoàn cảnh của rất nhiều người VN sống rất là khổ trong xã hội Đức trong hiện tại. Có những cô gái vì muốn ở lại Đức nên cứ phải đi làm những việc như lau dọn khách sạn rất siêng năng, để mong được chính quyền Đức ký giấy tạm dung, vì các cô đã tự lực sinh sống. Họ đâu biết có cô đang mang trong mình đầy thứ bịnh, mà một người Đức bình thường chắc đã nghỉ hưu sớm. Năm ba lần giải phẫu thì không nghỉ hưu sớm là gì.

Nhưng vì còn cha mẹ ở VN, còn em nhỏ đang cấp sách đền trường v.v. nên họ phải ráng "bám trụ" lại ở đây. Nghe nói có những thanh niên sống không giấy tờ, làm kiếm tiền được ngày nào hay ngày nấy lo gửi tiền về VN cho cha mẹ, rủi nay mai bị cảnh sát Đức bắt trả về VN thì đã có vốn liếng để... cưới vợ, và tiền cho cha mẹ dưỡng già!

Thấy cô gái trong quán ăn ở chợ ĐX đang "chạy bàn" mệt nghỉ, tôi nói giỡn: Thấy cô làm việc ở đây cực quá hả? Cô trả lời lại bằng tiếng Quảng Bình, tôi không thể lập lại chính xác, chỉ nhớ đại khái là: Làm không được việc là không có tiền để mà sống! Chắc là cô sợ bà chủ, ông chủ sẽ đuổi việc nếu cô làm dở. Các cô gái ở VN qua Đức du lịch thiếu gì, bà chủ hú một tiếng là có người khác thế ngay.

Không phải bây giờ tôi mới tiếp xúc với anh em chạy sang Tây Đức từ Đông Đức và các nước Đông Âu. Như hội đoàn, chùa chiền, nhà thờ và các người tị nạn bằng thuyền khác ở Tây Đức, tôi đã tiếp xúc với họ từ sau ngày bức tường Bá Linh đổ năm 1989. Ngày đó tôi nhìn anh em với cặp mắt thương hại. Cùng là người tị nạn. Giúp được gì tôi giúp. Làm được điều gì vui tôi làm cho anh em, mỗi khi anh em đến nhà hoặc tôi đến trại tị nạn thăm anh em. 

Sau đó thì anh em cũng phải tự lo liệu như làm đơn xin tị nạn Cộng Sản, phải tự lo liệu công ăn việc làm để gửi tiền về giúp thân nhân ở VN, v.v.. Rồi thời gian sau đó nữa, có vài anh em tôi quen rời bỏ Tây Đức về lại Đông Bá Linh, thời gian qua nghe người ta nói vài em giàu lên nhờ thuốc...lá. Nhưng cũng có người bị ngồi tù cũng vì thuốc... lá! Làm hãng Đức cực nhọc quá, chắc anh em muốn "một xanh cỏ hai đỏ ngực" ngay. Nhưng khổ là đâu phải cứ muốn là được.

Khi xe lửa chạy qua những đoạn đường Đông Đức, trong mùa hè nên lúa đang trải thảm vàng trên những cánh đồng rộng mênh mông. Nước Đức không rộng bằng Pháp, dân lại đông hơn nhiều, nhưng đoạn đường xe lửa băng ngang xứ Đông Đức lại là đoạn đường vắng vẻ, ít thấy phố thấy nhà, thấy toàn là rừng và những cánh đồng cỏ và lúa, y như những vùng ở miền nam nước Pháp.

Đã hai mươi năm thống nhất, cảnh hai bên đường nơi đây vẫn còn buồn tênh! Vì đang mùa hè, nắng rải vàng bên ngoài và bên trong mọi người đều đang phải chịu cảnh chật người đông trong ngày hè đầy hành khách trên xe lửa chạy theo giá rẻ. Hình như trên chuyến xe lửa từ Bá Linh về miền nam tôi thấy rất nhiều người Ba lan đi du lịch về hướng tây, có thể sau Tây Đức họ đến Pháp, Ý, Anh... Tự do đã mở những cánh cửa bị đóng kín từ lâu. Giờ họ muốn đi đâu thì tùy ý, miễn là có tiền.

Trong những ngày ở Bá Linh, tôi và anh Tuấn được gia đình người bà con của anh đã chở bằng xe hơi đến thăm một thành phố Ba Lan, nằm cạnh biên giới Đức-Ba lan. Đoạn đường từ Bá Linh đến biên giới hai nước chúng tôi đi xe hơi theo đường làng. Con đường nhỏ, sạch đẹp, hai bên đường những hàng cây mà mỗi thân cây có chu vi khoảng hai người ôm. Chúng đứng thẳng hàng thật đẹp. Cành lá sum sê. Xe đang chạy, tôi liên tưởng đến những con đường như thế này chắc là năm 1945 từng đoàn xe tăng Nga đã ầm ĩ nhanh chóng tiến về Bá Linh để cùng đồng minh đánh Hitler, tiêu diệt chủ nghĩa Phát-xít.

Chúng tôi vào khu chợ người Ba Lan. Đầy những hàng bán đồ lẻ, mọi thứ, và những quán ăn của người Ba Lan. Chỉ có một quán ăn người VN trong khu chợ này. Chúng tôi vào quán ăn người Ba Lan để thưởng thức món ăn của người bản xứ. Tôi mua một cái đồng hồ nơi đây, Made in China, 8 Euro, tưởng rẻ, dùng để đi làm, nhưng về khoảng 1 tháng sau thì sứt cốt, rớt xuống đất, đứng luôn!

Đến Hamburg

Hôm tôi đến Hamburg với những người bạn để dự Lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân nhằm hôm nắng hồn nhiên rải xuống thành phố Cảng, dòng sông và những chiếc tàu. Tiếng còi tàu in ỏi, thỉnh thoảng hú lên từng hồi, xa xa, từ hướng biển vọng về. Hôm ấy gió nhẹ, nhưng buổi sáng cũng mang ít nhiều hơi lạnh cho dòng người đang đi trên con đường dọc dòng sông, cũng là dọc cảng.

Đoàn người chúng tôi có anh Cường, anh Hạng, anh Hóa, anh Tộ, anh Nho…đến khá sớm, lúc 10 giờ sáng. Từ hầm đậu xe chui lên, chúng tôi chỉ thấy độ mười người Việt đang cặm cụi làm việc quanh khán đài. Tôi gặp vài người quen, anh chị Huấn, anh Phù Vân, anh Huỳnh Thoản, chị Trúc Giang, đặc biệt gặp lại cô Hoa Lan. Tôi đã gặp nhà văn này lần đầu khi tôi đang phụ trong bếp cho chi hội PTVNTN của thành phố Reutlingen trong ngày lễ Phật ở Tu Viện Viên Ý, miền nam nước Đức. Chúng tôi đã có nửa giờ “đàm đạo” về văn chương ngoài mái hiên của Halle dùng cho ngày lễ Phật.

Buổi chiều hôm ấy trời đầu hè nên còn hơi lạnh. Thấy HL chỉ mặc áo tu, tôi nói vô mặc thêm áo ấm, để tránh cảm, nhưng chị nói không cần. Hôm ấy cũng có Trần Thị Nhật Hưng, người bạn văn đã cùng chồng gần mười năm trước đây đón tiếp tôi và nhà văn đến từ Canada, Nguyễn Văn Ba, tác giả quyển sách Làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu. Hôm ấy chị cho chúng tôi ăn bữa cơm với cá hầm với bún tàu, nấm mèo rất ngon v.v…

Hoa Lan hôm ở Hamburg mặt áo dài truyền thống Việt Nam màu xanh da trời. Áo, màu cho ngày lễ hội. Gặp nhau ở Hamburg tay bắt mặt mừng được một chút, chào chào hỏi hỏi, rồi ai đó cũng bận đi làm việc mình. Tôi phụ ít việc do anh chị nhờ, rồi lại đứng nơi xa nhìn mông lung về mọi hướng của thành phố để "sống" một buổi sáng cuối hè nơi thành phố lộng đầy gió này.

Tôi ở miền nam nước Đức. Hamburg ở miền Bắc, gần biển. Nơi tôi miền nam chỉ có những con sông lớn nhỏ chảy qua những đồi núi và những cánh rừng thông, rừng cây sồi, cây dẽ. Con sông nổi tiếng nhất là sông Donau, rồi đến sông Neckar chảy qua nhiều thành phố kỷ nghệ ở miền tây nam Đức. Tôi đã từng nhìn những dòng nước trong xanh của dòng Donau ở Sigmaringen, cũng như đã nhìn những đoạn sông Neckar dài, khi đi bộ dọc theo dòng sông trên thành phố thủ phủ miền nam, Stuttgart. Màu nước sông Neckar không xinh đẹp như Donau (những nơi tôi thấy) nhưng Neckar đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế Đức ở miền tây nam, như những con sông Rhein, Elbe, Main ... trên toàn nước Đức đã mang lại lợi ít cho những vùng miền mà nó chảy qua...

Trở lại bến cảng ở Hamburg. Nhờ vụ tượng đài, tôi mới có dịp trở lại đây lần này. Cứ vài năm tôi đến đây một lần, vì có vài người bạn và vài người thân ở đây. Hamburg đẹp và lớn. Là một trong những thành phố cảng lớn ở Âu Châu, cũng là thành phố lớn và đẹp của Đức. Nơi đây không từng đón những "siêu sao" như Brad Pitt và Angelina Jolie, Matt Damon, Maradona... khi họ đến đây để quảng cáo phim mới, hay trình diễn ca nhạc như ở Berlin, nhưng nơi đây đã từng đón những chuyến tàu xuyên đại dương và những chuyến tàu nhỏ.

Con tàu lịch sử CAP ANAMUR

Một trong những chuyến tàu xuyên đại dương (để có ngày khánh thành tượng đài) đó là con tàu lịch sử CAP ANAMUR. Chuyến tàu Cap Anamur cuối cùng từ biển Đông trở về cảng Hamburg ngày 5 tháng 9, 1986 đã mang theo và đưa vào bến những con người tị nạn bằng ghe bằng thuyền từ vùng đất nhỏ bé nghèo nàn VN. Vùng đất không nổi tiếng về chuyện gì, chỉ nổi tiếng về chiến tranh. Nói đến VN là nói đến chiến tranh! Nói đến chiến tranh trong thời hiện tại, người ngoại quốc ai ai cũng nhắc đến VN.

Tôi cũng được vớt từ con tàu này từ năm cuối năm 1980, sau đó tàu chở vô tạm trú ở Philippine. Nên dù không đón rước người dân tị nạn nơi cảng Hamburg vào ngày này năm ấy, nhưng với kinh nghiệm mười ngày ở trên tàu Cap Anamur tôi cũng tưởng tượng được tình cảm, hình hài của người VN tị nạn trên chuyến tàu này, dù cho các anh, các bác, các em có được thuyền trưởng và thủy thủ đoàn lo cho đầy đủ chu đáo, từ tinh thần đến vật chất, để qua  một hải trình dài xuyên Ấn Độ Dương, qua kinh đào Suez, vào Địa Trung hải, Đại Tây Dương để về cảng Hamburg. Chuyến hải hành dài về miền đất hứa. Chuyến du lịch miễn phí để đời. Vì đâu ai dễ gì được đi du lịch trên dòng kinh đào Suez, để nhìn ngắm làng mạc thôn xóm của người Ai Cập nằm ở hai bên kinh đào.

Cũng không lâu, sau một tiếng đồng hồ cùng đoàn người chúng tôi từ miền nam lên đi dạo bằng thuyền trên dòng sông trong cảng Hamburg cũng qua. Chúng tôi trở về nơi làm lễ khánh thành tượng đài thì nắng ấm đã chan hoà khung cảnh. Ngày mới đã bắt đầu. Mọi người Việt ở toàn nước Đức phút chốc đã về tràn ngập trên con đường song song bến cảng, dòng sông. Tôi đã lạc vào rừng người. Đứng thu mình tại một góc nhỏ với hai người bạn để chuyện trò cho qua giờ.

Khó có thể chen lại gần trước khán đài, để xem những nhân vật tiếng tăm của chính trường Đức. Bộ trưởng Nội Vụ Liên Bang, Đảng trưởng đảng Dân chủ xã hội SPD. Bộ trưởng kinh tế tiểu bang Niedersachsen, một người Đức gốc Việt, ông Dr Roesler, đến Đức theo diện con nuôi từ một làng cô nhi ở Sóc Trăng khi còn thật nhỏ. Thật một hảnh diện cho người dân Việt! Khi đang viết những dòng chữ này, tôi đọc báo Đức ngày 24 tháng 10,  thấy ông đã được đề cử làm bộ trưởng Y tế (Gesundheit) cho Liên bang trong "ê-kip" của bà thủ thướng Merkel. Thật là một tin vui!

Khán đài nằm ngay lòng đường cho người đi bộ dọc cảng, nên hôm ấy người người qua lại chen chút như đi hội. Người Đức cũng vất vả lắm mới xuyên qua được đám người tị nạn VN đang đứng trước khán đài. Các nhà chính trị phát biểu như thế nào; ông Neudeck, chủ tịch sáng lập con tàu Ánh sáng CAP ANAMUR đọc diễn văn ra sao; bài phát biểu cảm tưởng từ vị lãnh đạo tôn giáo và các em bé lớn lên trên nước Đức cùng các sự kiện diễn ra trong ngày hôm ấy độc giả có thể đọc lại trên các bài tường trình của các báo. Người viết chỉ xin ghi lại cảm tưởng và các chuyện bên lề của ngày hôm ấy.

Buổi tối, sau khi ăn tối ở nơi trình diễn văn nghệ, theo như chương trình đã dự định trước, chúng tôi tìm đường về chùa Ni, Bảo Quang, để tá túc qua đêm. Đây là ngôi chùa mới xây dựng. Ngôi chùa cũ cũng có lần tôi đã thăm viếng cách đây mười mấy năm. Ngôi chùa mới lớn hơn, đẹp, nằm ở vị trí yên tỉnh và cạnh dòng sông. Buổi tối, khi đến chùa trời đã khá khuya nhưng vẫn còn hai vị nữ tu lo cho phái đoàn các chỗ ngủ nghỉ. Ai đói vẫn có mì chay để ăn. Đêm ấy có hai phái đoàn từ xa đến ngụ ở chùa. Nam ngủ theo nam, nữ theo nữ. Đêm về tiếng vọng ồ ồ. Như suối nguồn. Như dàn nhạc. Lúc bỗng lúc trầm. Nhưng đó không phải của suối, của sông, mà là của các đấng mày râu!

Một ngày đường vất vả nên các anh ngủ rất ngon và "gáy" đều đều. Sáng dậy, như tất cả các chùa, vài người "dậy sớm nổi" đã xuống chánh điện tụng kinh sáng với các sư cô. Sau phần tụng kinh, vệ sinh sáng, là đến phần điểm tâm. Các sư cô lo rất chu đáo: ăn sôi, mì chay, uống cà phê... và có những loại bánh ngọt, bánh chay bày bán, ai muốn mua đem theo về nhà thì tùy hỉ.

Các du khách người Việt ở xa đến Hamburg nếu gặp khó khăn về chỗ ăn ở trong vài ngày, hẳn chùa Bảo Quang là nơi giúp những người phương xa rất hữu hiệu, tiện lợi. Đừng ngại, vì các sư cô lúc nào cũng vui vẻ khi tiếp đón. Người tu mà. Một trong những câu nói đáng nhớ từ vị nữ tu ở chùa này khi phái đoàn chúng tôi dự định trước khi đi về sẽ ra cảng Hamburg mua cá biển để đem về cùng: Quý vị đã đến chùa ngụ qua đêm, bây giờ quý vị nếu có ra cảng Hamburg thì nên ra đó để xem cảnh chợ cá buổi sáng, chớ quý vị đừng có mua cá! Công đức sẽ mất hết!

Dòng sông nhỏ nằm trước chánh điện chùa và những tàn lá cây che mát thật là bức tranh hài hòa cho một cảnh chùa trên xứ Đức. Bờ sông với chiếc cầu dài bằng cây nằm song song dòng nước. Trên cầu nằm rải rác những chiếc lá mục vàng. Một sư cô cho biết, thỉnh thoảng có những chiếc tàu nhỏ chạy ngang, làm dòng sông gợn sóng, còn thường là dòng sông yên định. Y như đời người có bình yên và có phong ba. Nhưng sau những sóng gió, thị phi, mà vẫn giữ được sự yên tịnh bằng tình thương từ Tâm Như chơn chất thật là không phải ai cũng làm được. Nhưng dòng sông đã làm được. Mọi người lên xe rời chùa với tấm lòng hân hoan, vui vẻ. Sư cô đứng trước chùa đưa tay vẫy chào.

Ba mươi năm đã qua vội vã. Như qua nửa đời người. Năm nay, nhiều nơi, người Việt tị nạn tổ chức ngày kỷ niệm Ba Mươi Năm đặt chân lên xứ Đức. München, Stuttgart, Ravensburg sau đó nữa là ở Ý, nơi có anh chị nhạc sĩ ca sĩ Hoàng-Hoa. Đúng ra là trước đó đã có người tị nạn VN đến Đức và Âu châu. Họ là những người vượt biên rải rác từ sau ngày 30 tháng tư, 75 và đang ở trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á, được chính phủ Đức nhận đến Đức theo diện nhân đạo.

Nhưng năm 1979 là năm có cuộc họp của Liên hiệp quốc để bàn về người tị nạn CS từ Đông dương, và sau đó con tàu Ánh Sáng đã ra đời, tiền thân của con tàu Cap Anamur, đã ra biển Đông để cứu vớt người vượt biển. Người Việt tị nạn nhiều nơi tổ chức lễ Kỷ niệm là để cám ơn chính quyền bản xứ và để nhớ lại thời gian đã qua, cũng là nhắc cho con cháu nhớ lại nguồn gốc của mình và những ngày cùng cha mẹ vượt biển khơi để mong kiến tạo cho tương lai tốt đẹp sau này. Những phát biểu của các cô gái (ngày ấy là các cháu gái) trong những ngày lễ đã nói lên việc này.

Ba mươi năm qua với bao mùa mưa nắng, với bao ngày sương tuyết. Người lớn, với bao chồng chất những lo toan cho cuộc sống, cho gia đình; con nít với những ngày hội nhập với xã hội mới, với học đường người bản xứ. Những buổi trình diễn văn nghệ, dù không phải là các ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng hầu như mỗi ca sĩ đều gửi hồn vào lời ca. Ca cho quê nhà. Ca cho những khát vọng tự do. Cho tình yêu, tình người. Họ trân trọng trong lời ca tiếng hát, họ sống hết mình về âm nhạc, họ cống hiến nghệ thuật tận tình.

Đúng là những người nghệ sĩ nghiệp dư nhưng đam mê, cần mẫn, theo thiễn nghĩ của người viết. Có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ tôi đã thấy trên sân khấu trong đêm văn nghệ ở Ravensburg, nhưng tôi không biết hết tên để kể ra đây, ngoài anh chị Hoàng và Hoa, nhưng anh bạn văn Đan Hà mà không kể thì không được. Anh chính là người đã „rủ“ tụi tôi đến Ravensburg, như rủ anh Nguyễn Văn Nhiệm nhớ đem theo vài cuốn sách Triết của anh để phát hành. Đêm ấy anh Đan Hà cũng lăng xăng trên sân khấu để giúp cho chương trình văn nghệ dù trong người, theo như anh nói, cũng đang không được khoẻ.

Giải Nobel Văn chương năm nay được trao cho nhà văn nữ Herta Müller, gốc người Đức, nhưng được sinh ra ở Nitzkydorf, Banat, Rumänien, năm 1953. Năm 1987 bà đến Tây Đức. Tập truyện ngắn đầu tay của bà "Niederungen" (Vùng Đất Trũng) xuất hiện năm 1982.

Sách ra đời trên đất nước Rumänien. Cuốn sách bị kiểm soát, theo dỏi và ngăn cấm phổ biến bởi chính quyền CS Rumänien lúc bấy giờ. Nhưng năm 1984 sách đã xuất hiện ở Tây Đức và gặp ngay sự tiếp nhận nồng nhiệt. Một trong những tác phẩm tiếp theo sau đó của bà là "Atemschaukel" (Nhịp Thở). Về nội dung truyện trong sách của bà Herta Müller độc giả có thể đọc từ các bài báo, hoặc từ nguyên bản của các cuốn sách, nhưng có một điều để có thể nói đó là những truyện của bà chắc đã phản ảnh những cảnh đời bị ngược đãi trong chế độ chuyên chính cộng sản ở xứ Rumänien, nếu không, sao tác phẩm "Niederungen" lại bị theo dõi ngăn cấm!?

Bài viết khá dài, xin tạm dừng, hẹn một dịp khác.

Vũ Nam

                                                                                                                                                                                                 

 

                                                                                                                                                                                                         

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT