Chuyện Nước Pháp

TT Macron muốn thi hành lời hứa giảm số nghị viên

Monday, 31/07/2017 - 10:05:25

Căn cứ vào những con số, người Pháp có một nghị viên (cả hai viện) cho 75 ngàn dân. NgườI Đức là 1/113 ngàn dân. Với lệnh mới sửa đổi của ê-kíp Tổng Thống và Thủ Tướng thì con số sẽ là 1/103 ngàn dân.

Bài NGỌC DIỄM

Trong số những lời hứa đưa ra khi ông còn là ứng cử viên, tân Tổng Thống chỉ vừa cầm đầu quốc gia chưa đầy ba tháng đã thực hiện dần dần chỉ tiêu. Một trong những điều có vẻ khó thực hiện là giảm một-phần-ba số nghị viên trong hai viện điều hành của quốc hội. Chúng ta cùng nhìn lại cấu trúc hành chính riêng rẻ của công sở này.

Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và có thể kiểm soát phần nào sức mạnh của chính phủ theo điều luật trong hiến pháp ấn định ngày 4 tháng 10, 1958. Quốc hội hoạt động theo kiểu có hai viện điều hành (bicaméral), bao gồm thượng viện (chambre haute với tên riêng là “Sénat”) với 348 nghị sĩ (sénateurs) và hạ viện (chambre basse với tên gọi là “Assemblée nationale”) với 577 dân biểu (députés). Hệ thống hai viện làm việc nước với tổng số 925 nhân vật cao cấp chính quyền được bầu cử trực tiếp bởi dân chúng (hạ viện) và gián tiếp (thượng viện) đại diện cho toàn thể dân chúng trong nước là một trên ba cạnh của tam giác tối cao Hành Pháp, Lập Pháp (925 nghị sĩ) và Tư Pháp.

Thượng viện có dinh cơ nằm trong lâu đài Luxembourg ở quận 6 Paris xây từ năm 1630, kiểu cách rất cổ điển theo phong trào của thế kỷ thứ 17.
 

Bên trong lâu đài Luxembourg là nơi hội họp các nghị sĩ.


Lính vệ binh cộng hoà chào đón trọng thể các ông bà nghị dọc theo lối vào lên thang bộ.

Còn hạ viện có dinh Bourbon thuộc quận 7 xây dựng từ năm 1728 mới mẻ hơn vì đã qua thế kỷ thứ 18. Trong hình chụp có những pho tượng điêu khắc rất công phu và trên cao là nhiều bức tranh vẽ thuộc trường phái cổ điển màu sắc hơi tối.

 

Dinh thự của hạ viện với 577 dân biểu, nơi hội họp bên trong.

 

Phía trên nơi họp là các bức tranh vẽ kiểu cổ điển và tượng điêu khắc công phu.

Thông thường, các công chức cao cấp này làm việc riêng trong hai dinh thự nói trên. Khi có cuộc họp chung, họ gặp nhau tại lâu đài Versailles trong phòng họp dành riêng cho nghị sĩ và dân biểu. Trước năm 1962, quốc hội hầu như nắm toàn quyền trị nước nhưng sau năm này từ 1963 trở về sau thì có Tổng Thống góp phần cai trị chung. Dưới thời đệ tam và đệ tứ Cộng Hoà Pháp, quốc hội rất mạnh mẽ nhưng từ thời đệ ngũ Cộng Hoà thì cơ sở này bớt đi quyền hạn nhiều. Do Cộng Đồng Châu Âu được thành lập mà ảnh hưởng quốc hội càng giảm xuống thêm.

Trước khi Tổng Thống hiện giờ là Macron muốn giảm tổng số nghị viên xuống còn 1/3 trên 925 vị thì cựu Tổng Thống Hollande cũng đã muốn làm vậy nhưng không xong. Ông Macron thì nói họ sẽ được cung cấp thêm phương tiện để làm việc dễ dàng. Đầu tiên là các vị dân biểu có vẻ quá đông đúc với con số 577 người so với nghị sĩ chỉ có 348 mống. Đem dân số 65.5 triệu ra tính thì có một dân biểu cho 113,000 người. So với láng giềng Anh quốc hay Ý Đại Lợi cũng gần gần giống nhau. Nước Đức và Tây Ban Nha thì tiết kiệm hơn, một dân biểu đại diện cho 130,000 dân. Còn Hoa Kỳ càng hay hơn nữa, cứ 730,000 người là có một dân biểu; nhưng mỗi tiểu bang lại có riêng “quốc hội” của nó (congres bao gồm hai viện) cho nên cách tính con số cũng khác hẳn đi.

Năm 1962, có 482 dân biểu với dân số 46 triệu. Từ 1962 trở về sau, dân số tăng lên 42%. Nếu tính tương đương thì phải có 680 dân biểu, điều này không đúng vì hiện giờ chỉ có 577 người. Vì vậy bảo rằng dân biểu quá đông cũng không xong. Chính quyền Macron tuyên bố sẽ giảm xuống từ 577 xuống 385 dân biểu và 348 nghị sĩ xuống còn 232 mà thôi. Mục đích là tiết kiệm tiền bạc vì họ càng đông thì càng tốn kém nhiều, và tin này là tin vui cho cả nước. Chính phủ phải làm gương trước tiên nếu muốn cắt giảm số công chức vừa và nhỏ hơn đông như kiến cỏ.

Căn cứ vào những con số, người Pháp có một nghị viên (cả hai viện) cho 75 ngàn dân. NgườI Đức là 1/113 ngàn dân. Với lệnh mới sửa đổi của ê-kíp Tổng Thống và Thủ Tướng thì con số sẽ là 1/103 ngàn dân.

Điều này hoàn toàn tốt đẹp khi sẽ lấy bớt đi 192 ghế dân biểu và 116 ghế nghị sĩ. Như vậy là còn nhẹ tay, có hội iFRAP còn muốn giảm tới 500 mạng còn lại 425 nghị viên mà thôi. Hội này thành lập từ năm 1985 với mục tiêu là học hỏi và nghiên cứu về hiệu quả làm việc của chính quyền quốc gia do dân chúng bầu cử. Chà, thật có lý vì nhiều người quá cũng thành ăn hại mà thôi khi chúng ta giật mình biết rằng một nghị sĩ tốn kém hàng năm cho công quỹ là 680 ngàn Âu kim và 530 ngàn cho dân biểu!

Số tiền vĩ đại hàng năm cả trăm ngàn đồng Tây bao gồm tiền lương tháng, chi phí xã hội và hưu bỗng, quỹ dành cho thư ký riêng và đủ thứ hằm bà lằng dính liền với hợp đồng trong nhiệm kỳ dài năm năm. Vì vậy, số nghị viên bị giảm đi đưa tới tổng số tiền tiết kiệm cho công quỹ là vài trăm triệu đồng hàng năm trên 900 triệu.

Dĩ nhiên, sự tiết kiệm này sẽ không thấm vào đâu so với sự thiếu hụt thâm sâu của cán cân vào-ra ngân quỹ; nhưng sự kiện này rất lớn lao cho niềm tin của dân chúng vào những sự đổi mới của chính phủ Macron. Phải tính xa thì ông mới có thể đảm trách thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn thành mọi việc vì quá nhiều vấn đề cần được sửa đổi mạnh cánh, nhất thiết vẫn là guồng máy cồng kềnh của chính quyền. Điều này sẽ đưa tới sự giảm thiểu con số các nghị viên và lương tháng của họ nằm trong vòng 10 ngàn đồng Tây không hơn. Rồi tiền trợ cấp đủ thứ thêm vào cho họ cũng bị đánh thuế luôn thể.

Tổng Thống Macron còn nói thêm trong cuộc họp với tất cả các viên chức cao cấp (le Congrès) là làm luật với ít người hơn để khá hơn, xem xét luật xưa cũ có còn tốt đẹp hay không, hủy bỏ những bộ luật đã được bầu thuận cho qua quá nhanh. Một luật mới ra là có hai cái cũ bỏ đi, lại phải đánh giá thường trực gánh nặng hành chính đè trên đầu cổ các hãng xưởng thương mại có thể sẽ càng làm cho họ suy sụp thêm nếu cứ sử dụng luật mới áp dụng vào đó nữa.  

Một trong những vụ cãi cọ hiện tại cũng liên quan đến các cuộc họp khẩn cấp ban đêm của quốc hội gây ra gánh nặng cho công quỹ vì quá tốn kém. Thật ra, các nghị viên không lãnh tiền thêm nhưng các công chức phụ thuộc như thừa phát lại, giám đốc hành chính, các vị phụ tá liên quan làm việc cực nhọc tâm trí sau chín giờ tối lại được bù trả hậu hĩ. Một giờ làm việc ban đêm như thế trị giá 50 ngàn đồng Tây! Nhân viên vắng mặt cũng được tính vào đó, thật kỳ lạ. Nếu giảm người là giảm giờ suất đêm và tiết kiệm thêm nữa hàng chục triệu đồng, theo cơ sở iFRAP nói trên đã tính toán. (nd)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT