Đạo và Đời

Truyền giáo theo ý Chúa

Wednesday, 10/07/2019 - 06:58:27

Bài Tin Mừng hôm nay thường được chọn cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo hay cho các Thánh Lễ cổ động và phát triển ơn thiên triệu. Mục đích rất rõ ràng, đó là cầu nguyện cho công việc truyền giáo của Giáo Hội và có thêm nhiều ơn gọi tại các giáo phận và các dòng tu.


(Getty Images)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Bài Tin Mừng hôm nay thường được chọn cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo hay cho các Thánh Lễ cổ động và phát triển ơn thiên triệu. Mục đích rất rõ ràng, đó là cầu nguyện cho công việc truyền giáo của Giáo Hội và có thêm nhiều ơn gọi tại các giáo phận và các dòng tu.
Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã hai lần sai các Tông Đồ và môn đệ của ngài đi thực tập công việc truyền giáo. Lần đầu tiên Ngài sai nhóm 12 Tông Đồ (Mt 10:1-12) đến với chiên lạc nhà Ít-ra-en và loan báo cho họ biết Nước Trời đã gần đến. Lần thứ hai là câu chuyện Phúc Âm tuần này, Chúa sai 72 môn đệ “đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.”

Để minh họa cho công việc truyền giáo, Chúa Giêsu đã đưa ra hai hình ảnh quen thuộc để giúp chúng ta dễ dàng hiểu được ý của Ngài. Hình ảnh thứ nhất, đó là cảnh “lúa chín đầy đồng.” Nếu hiểu theo mạch văn Hy Lạp thì đây không chỉ cảnh lúa chín đầy đồng, nhưng muốn nhấn mạnh đến hình ảnh lúa chín tràn lan, trải dài bất tận, nhìn đâu cũng thấy lúa đang chờ người gặt mang về. Cánh đồng lúa mênh mông bát ngát này không những hàm ý sự cần thiết số lượng thợ gặt lớn lao, mà còn đòi hỏi thợ gặt phải làm việc cần cù liên lỉ thì mới gặt hết được lúa. Dĩ nhiên thợ gặt ở đây không chỉ là những linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng bao gồm cả những tông đồ giáo dân vì gặt lúa bao gồm nhiều việc khác, chẳng hạn như gom lúa, bó lúa, đem lúa về nhà, tuốt lúa, phơi lúa, và đem lúa vào kho. Mỗi người mỗi việc mới mong hoàn tất được công việc cách tốt đẹp.

Hình ảnh minh họa thứ hai đó là “chiên ở giữa sói rừng.” Hình ảnh này nói lên công việc truyền giáo đầy dẫy những thử thách và nguy hiểm. Những người dấn thân trong công việc truyền giáo đương nhiên phải chấp nhận mọi khó khăn và ngay cả cái chết. Mặc dù biết trước phải đương đầu với nhiều bất trắc trên bước đường truyền giáo, Chúa Giêsu vẫn căn dặn các môn đệ không “mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép.” Ngài muốn các ông ra đi trong tinh thần đơn sơ và phó thác. Càng nhiều tư trang, càng làm cho bước chân truyền giáo thêm nặng nề; và càng biết phó thác, càng dễ dàng vượt qua mọi rào cản. Ngoài ra, Chúa còn căn dặn các môn đệ cách chào hỏi, cách tránh người qua đường, cách ăn ở khi tới các thành và các gia đình, cách chữa bệnh, và cách loan báo Nước Trời.

Bài Phúc Âm kể lại, chuyến thực tập truyền giáo của các môn đệ thành công tốt đẹp. Các ông trở về vui mừng thưa với Chúa Giêsu rằng, “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con.” Điều gì đã đưa đến sự thành công của các môn đệ? Các ông đã đi truyền giáo theo ý Chúa muốn.
Càng suy gẫm đoạn Tin Mừng, chúng ta càng thấy truyền giáo là một nhu cầu lớn của Giáo Hội. Không bao giờ chúng ta làm hết việc bởi vì lúa chín tràn lan và trải dài ở khắp mọi nơi. Ở những nơi thật xa, lúa chín đang đợi thợ gặt tới, nhưng ngay chỗ chúng ta ở, lúa cũng đã chín và đang đợi chúng ta bắt tay vào việc. Việc lớn việc nhỏ, mỗi tín hữu đều tìm thấy một việc phù hợp với khả năng của mình và làm công việc đó theo ý Chúa muốn. Kinh nghiệm cho thấy không phải công việc truyền giáo nào cũng đi đến thành công vì người truyền giáo chỉ làm theo ý của mình, và kết quả là đi đến đổ bể, chia rẽ, và tan rã. Đó là lý do tại sao Chúa căn dặn các môn đệ tỉ mỉ trước khi ra đi vì Ngài muốn các ông truyền giáo theo ý của Ngài.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT