Người Việt Khắp Nơi

Trường Mỹ tên Nhật hát nhạc Việt

Friday, 07/06/2019 - 06:44:21

Vào lúc 6 giờ chiều thứ Tư, ngày 5 tháng 6, 2019 được sự giới thiệu của giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chúng tôi đến Trường Masuda Middle School ở địa chỉ 17415 Las Jardines W., Fountain Valley tham dự buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt của các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 của trường.

 

Nhạc trưởng Rob Covacevich (trái) và ông bà giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

FOUNTAIN VALLEY - Vào lúc 6 giờ chiều thứ Tư, ngày 5 tháng 6, 2019 được sự giới thiệu của giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chúng tôi đến Trường Masuda Middle School ở địa chỉ 17415 Las Jardines W., Fountain Valley tham dự buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt của các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 của trường.

Masuda Middle School là trường trung cấp thuộc Học Khu Fountain Valley. Khi chúng tôi vào hội trường đã thấy khoảng 200 phụ huynh ngồi kín các hàng ghế chờ xem con cháu mình biểu diễn. Giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa giới thiệu phóng viên Viễn Đông với Nhạc Trưởng Rob Covacevich, ông niềm nở bắt tay và cám ơn sự có mặt của báo Viễn Đông. Nhạc trưởng Rob Covacevich cũng bắt tay chào mừng giáo sư, nhạc trưởng Lê Văn Khoa và phu nhân Ngọc Hà.


Ca sĩ Ngọc Hà phu nhân GS Lê Văn Khoa đang hát nhạc phẩm Ly Rượu Mừng trong lúc nhạc trưởng Rob Covacevich điều khiển dàn nhạc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau đó ông bước lên bục, giới thiệu với các phụ huynh sự có mặt của Ms. Jay Adams, Hiệu Trưởng và Ms. Matt Ploski, Phụ tá Hiệu Trưởng Masuda Middle School cùng một số giới chức trong Học Khu và một số giáo viên trường Masuda, và đặc biệt có sự hiện diện của ông bà giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa. 

Cả hội trường vỗ tay như pháo nổ chào mừng hai vị khách quý. Sau đó,nhạc trưởng Rob Covacevich bắt đầu điều khiển dàn nhạc Masuda Orchestra trình diễn liên tục các nhạc phẩm : Hawaii Five -0 của nhạc sĩ Larry Moore; Eine Kleine Nachtmusik của Wolfgang Amadeus Mozart; Mambo Amable của Thom Sharp.

Dàn nhạc gồm trên 50 em thuộc lớp 6 lớp 7 nhưng sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ như violin, violas, cellos, double basses và electric bass, mỗi lần kết thúc một nhạc phẩm tiếng vỗ tay lại vang lên rất lâu.

Kết thúc phần Masuda Orchestra, bước qua phần thứ nhì Masuda Band các em trình diễn một số nhạc phẩm của Michael Stry, Paul Murtha, Mark Irons và đến phần mong đợi của phụ huynh gốc Việt với nhạc phẩm Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết hòa âm và ca sĩ Ngọc Hà, phu nhân của giáo sư Lê Văn Khoa đơn ca.


Nhạc trưởng Covacevich ôm chầm lấy ca sĩ Ngọc Hà, nói lời cám ơn sau khi ca sĩ hát Ly Rựơu Mừng. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Năm-mươi nhạc công tí hon đã sử dụng các nhạc cụ Alto Saxophones, Clarinets, Trumpets, Tenor Saxophones, Electric Guitar, Keyboards, Trombones và Electric Bass đi kèm tiếng hát rất điêu luyện của ca sĩ Ngọc Hà. Tiếng đàn, tiếng hát vừa chấm dứt, nhạc trưởng Rob Covacevich ôm chầm lấy ca sĩ Ngọc Hà nói lời cám ơn và hội trường vỗ tay không ngớt. 

Liền đó, một phụ huynh mang bó hoa tươi đến tặng cho phu nhân giáo sư Lê Văn Khoa. Sau khi nghỉ giải lao 10 phút, Ban nhạc trở lại với tiết mục Masuda Symphony và bản nhạc “Trống Cơm” do nhạc sĩ Lê Văn Khoa sáng tác được hòa tấu, sau đó là nhạc phẩm The Second Storm do nhạc sĩ Robert W. Smith và kết thúc chương trình với bản hợp ca “Mii Chanel Theme do nhạc sĩ Kazumi Totaka sáng tác do các học sinh lớp 8 đồng ca.

Trong dịp đặc biệt này, Viễn Đông đã phỏng vấn giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Giáo sư không những là vị thầy về âm nhạc, ông từng điều khiển dàn nhạc đại hòa tấu của Mỹ và Việt, Ngoài ra, giáo sư cũng là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, ông đã đào tạo được rất nhiều học trò trong hai lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh.

Giáo sư nói, “Sở dĩ trong chương trình hòa nhạc có hai bản nhạc Việt Nam, vì có một phụ huynh học sinh người Việt liên lạc với ban nhạc từ hôm trước Tết để dàn xếp cho tôi viết nhạc cho các em chơi nhạc trong Hội Tết Sinh Viên, thành ra họ bắt liên lạc đó và họ làm luôn. Khi họ làm như vậy thì mình cũng muốn ủng hộ họ, vì mục đích để làm sao nhạc Việt của mình vươn đi xa mà đừng có xa lạ với các em nhỏ nó học ở đây thì dĩ nhiên nó học nhạc Mỹ rồi.”

Chúng tôi cũng hỏi tại sao giáo sư chọn hai nhạc phẩm Ly Rượu Mừng và Trống Cơm?
Giáo sư nói, “Vì các em đã có tập rồi thành ra nó dễ chứ nếu mình đưa nhạc phẩm mới thì tội nghiệp cho các em, mình hiểu trình độ của các em và các em còn quá nhỏ nên mình không thắc gì về cái điểm đó. Bản Ly Rượu Mừng, nhiều người nghĩ ông Phạm Đình Chương chúc trong dịp đầu Xuân nhưng thực ra ông chúc mọi người, từ người nông dân, chúc người chiến sĩ này kia, kia nọ nên bây giờ mình cũng chúc các em sắp mãn khóa.”
Phu nhân của giáo sư Lê Văn Khoa, ca sĩ Ngọc Hà cũng cho Viễn Đông biết nguyên do làm sao có hai bản nhạc Việt được trình diễn trong chương trình, và cô nói, “So với các dàn nhạc lớn thì dĩ nhiên các em làm sao sánh bằng nhưng các em đã chơi được như hôm nay thì chúng tôi là những người rất hỗ trợ và ủng hộ âm nhạc cho các em trong trường học, và chính vì vậy mà chúng tôi cùng đến đây để tham dự và sinh họat với các em. Chúng tôi thấy công việc của giáo sư phụ trách âm nhạc của trường rất cực nhọc, khó khăn, phải hướng dẫn bằng nấy em không phải dễ đâu.”


Một nữ khán giả người da màu ngưỡng mộ tiếng hát của ca sĩ Ngọc Hà. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Như giáo sư Lê Văn Khoa cho biết, sở dĩ có phần nhạc Việt trong chương trình biểu diễn hôm nay là do một phụ huynh học sinh, và chúng tôi đã tìm gặp và phỏng vấn vị phụ huynh này. Anh còn rất trẻ và cho biết tên là Vương Hoàng Minh; bà xã anh là Huỳnh thị Ái Quyên; anh nói, “Con em ở trong ban nhạc của trường, tụi em cũng hay giúp chương trình Hội Chợ Tết Sinh Viên mỗi năm, mà bà xã em là giúp cái sân khấu nhỏ trong Làng Việt Nam. Bà xã em thấy ban nhạc này trình diễn hay quá nên có ý nghĩ mời ban nhạc tham gia Hội chợ Tết và muốn có nhạc Việt Nam nên em lên mạng tìm và biết được giáo sư Lê Văn Khoa là người rất giỏi về âm nhạc, về xướng âm v.v., nhưng em tìm hoài cả tháng không có số điện thoại của giáo sư, cuối cùng tìm ra thì chỉ còn hai ba tuần nữa là Tết. Khi nhờ giáo sư soạn nhạc cho các em thì chỉ còn đúng một tuần thành ra các em chưa có thì giờ tập kỹ nhưng cũng trình diễn được, và khi em liên lạc với ông thầy dạy nhạc của trường để xin cho các em trình diễn hai nhạc phẩm Việt thì ông rất vui vẻ, nhận lời ngay vì ông biết các em rất thích đi trình diễn mà ông cũng mê nhạc Việt.”

Chúng tôi cũng phỏng vấn một số phụ huynh có mặt. Anh chị Vân Đào cho biết, “Có con gái là cháu Alinne Đào, cháu học lớp 7 và về âm nhạc cháu học đàn violin, ở nhà thỉnh thoảng cháu cũng đàn cho chúng tôi nghe, và dĩ nhiên là rất thích. Chúng tôi rất hãnh diện khi thấy có nhạc Việt Nam trong chương trình biểu diễn cho người Mỹ thưởng thức, và thấy họ rất thích, mình cũng vui”.

Một phụ huynh khác là anh Huy Phạm và phu nhân là chị Vân Lương. Anh chị cho biết, “Con trai tôi đang học lớp 6, cháu tên là Paul Phạm, cháu chơi violin và bắt đầu học được hơn một năm nay, nó rất thích nên đàn giỏi, về nhà cháu cũng đàn cho chúng tôi nghe. Cháu đã trình diễn nhiều lần rồi, và hôm nay chúng tôi rất xúc động, không ngờ ở Mỹ mà mình vẫn giữ được cái văn hóa của người Việt Nam mình, nhất là cái bản Trống Cơm.”
Anh Thái Đặng có ba con học tại trường này và cả ba đều học nhạc, một em tên là Andy Dang đã ra trường này còn hai em Julie Thy Thy Dang và David Hiển Dang đang học tại đây. Anh cho biết, các em mới học nhạc có hơn một năm thôi nhưng chơi được như thế này là quá tốt và tôi thấy chương trình này rất hay.
Sau buổi trình diễn, chúng tôi xin giáo sư Lê Văn Khoa cho một nhận xét.


Giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa dùng cell phone chụp hình phu nhân đang hát Ly Rựơu Mừng. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Giáo sư nói, “Mình thành thật mà nói, trình độ các em còn yếu vì các em còn nhỏ từ tiểu học mới lên mà, nhưng đó là bước đầu hết sức quan trọng và ở đây tôi thấy cái dàn nhạc cụ của họ tương đối đầy đủ. Nói đúng ra cái Double Basses mạnh hơn cái chương trình của tôi trình diễn, chúng tôi chỉ có hai hay ba cái Double Basses, ở đây họ có tới 6 cây, gấp đôi, rồi Cellos rất nhiều trong khi chúng tôi không đủ tiền sắm các nhạc cụ nhiều như vậy.

“Tuy nhiên không quan trọng cái đó, quan trọng là họ chịu làm để rồi tương lai nó sẽ hay hơn. Bài Ly Rượu Mừng thì bà xã tôi hát còn bài Trống Cơm các em hòa tấu; mình thấy năm sáu chục em mà nó thích, nó hòa tấu được như vậy là mình thắng rồi, mình vui rồi. Điều đáng mừng là ở trong này có rất nhiều các em học sinh Việt Nam, và điều đó cho mình tin tưởng tương lai mình sẽ có nhiều nhạc sĩ Việt Nam giỏi và nền nhạc của mình sẽ được nâng cao, nên chúng tôi cố gắng đi để mà khích lệ các em, có như thế cái văn hóa của mình nó mới hòa trộn được ở trong cái xã hội không phải VN mà người ta tiếp nhận cái tình yêu không vì bắt buộc, điều đó tôi thấy rất là quan trọng.”

Phu nhân giáo sư Lê Văn Khoa cho biết cảm tưởng, “Tôi rất vui khi thấy các em, nhất là đông đảo các em Việt Nam trong ban nhạc, và các em chơi nhạc Việt Nam với tất cả sự thích thú, có nhiều em cho biết nhạc VN khó hơn chơi nhạc Mỹ nhưng các em vẫn thích, vì âm nhạc Việt Nam có sức truyền cảm, nó đi vào lòng người một cách tự nhiên và âm nhạc giúp cho tâm hồn con người trở nên thanh cao hơn, yêu đời hơn. Hy vọng các trường học khaác cũng sẽ có chương trình âm nhạc Việt Nam như trường Masuda.”

Trường trung cấp Masuda mang tên người Nhật nhưng trong ban nhạc năm, sáu chục em chúng tôi chỉ thấy có ba em có tên Nhật là Kazuto Nomura, Nanami Sugimura, Nader Moussa, nhưng có đến 51 em có tên họ Việt Nam và nhiều em khác là người bản xứ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT