Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Trước khi mở màn: Đạo diễn Vince Liotta với nhà thiết kế và nhà soạn nhạc

Anvi Hoàng/Viễn Đông Monday, 19/11/2012 - 05:10:55

Về mặt dàn dựng, rõ ràng là vở không tồn tại trước khi tôi bắt đầu làm việc. Sau khi tôi kết thúc, hay dở gì thi tác phẩm đã tồn tại. Đó là một cảm giác tuyệt vời.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 5)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Ở kỳ 4, đạo diễn Vince Liotta đã bàn nhiều đến việc chuyển tải ý nghĩa văn hóa Việt Nam trong câu chuyện Thị Kính cho khán giả phương Tây. Kỳ này bàn thêm về mối quan hệ trong công việc với nhà soạn nhạc PQ Phan, cũng như việc ra mắt thế giới lần đầu (world premiere) vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính).


Ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Viễn Đông:
Những thách thức và niềm vui trong việc đạo diễn một tác phẩm ra mắt thế giới lần đầu là gì?
Vince Liotta: Thách thức là không biết trước được vở opera sẽ như thế nào, và không ai trả lời được câu hỏi này vì chưa ai từng dựng vở opera này. Do đó mình phải tự tìm tất cả các câu trả lời. Về một mặt nào đó, công việc rất căng thẳng và vất vả. Tuy nhiên, đây cũng chính là niềm vui. Vì chưa ai dựng “Chuyện Bà Thị Kính” cả, nên đây là “đất trống” và mình là người đầu tiên dựng vở. Điều này thú vị hơn nhiều so với việc dựng lại một vở opera cũ. Ví dụ nếu tôi đạo diễn La Bohème thì nói gì thì nói, trên thực tế là tôi phản ứng lại với tất cả các dàn dựng trước mà người khác đã từng làm. Với một tác phẩm mới, nó là thể hiện ý muốn của tôi về việc dàn dựng tác phẩm, những khám phá của tôi, và tôi là người đầu tiên thể hiện quan điểm về tác phẩm. Nhà soạn nhạc thì khác, họ thường xuyên là người đầu tiên thể hiện quan điểm vì họ bắt đầu việc sáng tác từ “không có gì” và khi họ kết thúc, họ tạo ra “một cái gì mới”. Đạo diễn chỉ làm được điều này khi họ đạo diễn một tác phẩm lầu đầu ra mắt thế giới (world premiere). Về mặt dàn dựng, rõ ràng là vở không tồn tại trước khi tôi bắt đầu làm việc. Sau khi tôi kết thúc, hay dở gì thi tác phẩm đã tồn tại. Đó là một cảm giác tuyệt vời.
Viễn Đông: Ý tưởng của ông và của nhà thiết kế về tác phẩm “Chuyện Bà Thị Kính” tương đồng với nhau ra sao?
Vince Liotta: Một mặt, quá trình làm việc mang tính thứ bậc. Về căn bản, việc của tôi là diễn tả những suy nghĩ của mình. Nói một cách khác, xác định hướng phát triển của vở opera chính là ý tưởng của tôi. Việc của nhà thiết kế là đem ý tưởng đó và tìm cách thể hiện nó qua phông, qua cảnh, qua trang phục, qua ánh sáng – và thể hiện chúng theo cách thức riêng của mình. Đây là cách nhà thiết kế bộc lộ ý tưởng của mình về tác phẩm. Toàn bộ quá trình được xem như thể ý tưởng thứ nhất dẫn tới sự phát triển của các ý tưởng khác, những ý tưởng này lại dẫn tới sự nảy nở của những ý tưởng tiếp theo. Cứ như vậy, hy vọng là tất cả các ý tưởng có sự kết nối với nhau và cuối cùng chúng như một cây to với các nhánh cây khác nhau, chứ không phải là nhiều bụi cây khác nhau.

Viễn Đông:
Khi làm việc với một nhà soạn nhạc còn sống, ông muốn họ đóng vai trò như thế nào?
Vince Liotta: Đây là vấn đề khó khăn bởi vì tác phẩm của một nhà soạn nhạc giống như là “con” họ vậy. Họ không muốn người khác “diện” cho con mình. Vì vậy thách thức chính là tìm cách để nhà soạn nhạc tin tưởng rằng những gì tôi đang làm là làm hết sức mình để thực hìện tốt nhất tác phẩm của họ. Được như vậy thì tôi có thể được tự do làm việc của tôi và mọi người khác cũng được tự do làm việc của họ. Về mặt thứ tự công việc, nhà soạn nhạc không phải là đạo diễn, nhà soạn nhạc không phải là nhà thiết kế. Và những người đó đều có quyền có ý tưởng riêng về tác phẩm và có quyền thể hiện ý tưởng đó qua công việc của mình. Đó là thách thức.
Một mặt khác, có nhà soạn nhạc sống ngồi bên cạnh thì hay ở chỗ có thể quay sang và hỏi: “Chỗ này ông muốn nói gì đây?” mà không cần phải suy đoán lung tung.

Viễn Đông: Những kinh nghiệm gì của ông là có lợi nhất cho việc thực hiện một tác phẩm như “Chuyện Bà Thị Kính”?
Vince Liotta: Đầu tiên là kiến thức về lịch sử nghệ thuật. Ngoài ra, tôi cũng đã học nhiều ngành khác nhau, đọc nhiều, từng làm việc với nhiều nhà nhân chủng học về văn hóa (cultural anthropologist) và dân tộc học (ethnologist). Những loại kinh nghiệm này rất quan trọng trong khi xử trí một tác phẩm ra mắt thế giới lần đầu như “Vincent” hoặc “The Tale of Lady Thị Kính” (Chuyện Bà Thị Kính) bởi vì cái tôi làm là tìm cách chuyển tải tới khán giả khái niệm về văn hóa, về cảm nhận văn hóa. Hầu như những gì tôi học đều quan trọng. Ví dụ hồi ở đại học tôi học triết, đây cũng là một đóng góp quan trọng.
Phải nói rằng kỹ năng là kỹ năng và đương nhiên người ta phải có chúng. Nhưng kỹ năng không phải là thứ giúp mình tiếp cận một tác phẩm mới hoặc những tác phẩm nằm ngoài tầm hiểu biết về văn hóa, lịch sử của mình. Cái giúp ích mình chính là kinh nghiệm sống trong đời. Tôi cho đó là điều giúp tôi nhiều nhất trong quá trình đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn tác phẩm mới toanh.

Viễn Đông:
Liệu ý tưởng của ông về vở opera có thay đổi nữa không khi ngày trình diễn đến gần?
Vince Liotta: Tôi nghĩ rằng ý tưởng sẽ tiếp tục phát triển vì tác phẩm tiến triển trở nên ngày càng hoàn chỉnh hơn khi chúng tôi đi dần đến mức sẵn sàng trình diễn nó trên sân khấu.

Viễn Đông: Ông muốn khán giả nên kỳ vọng gì về vở opera này?
Vince Liotta: Những kỳ vọng đó nên là: tiếp nhận tất cả những gì trên sân khấu mà không trông chờ gì. Đây là điều quan trọng nhất khi thưởng thức một tác phẩm trên sân khấu, đặc biệt là một tác phẩm mới. Không nên đến rạp hát, chưa xem mà đã quyết định trước khi đến nơi rằng vở opera sẽ hay lắm hoặc dở lắm đây, rằng mình sẽ thích hoặc không thích vở opera này, rằng nó sẽ phản ảnh đúng hoặc không đúng văn hóa Việt Nam. Chỉ nên chấp nhận những gì trên sân khấu. Phải bước vào rạp với đầu óc cởi mở. Tôi muốn nói cởi mở thật sự theo nghĩa đen của nó: mở ra để tiếp nhận những gì mình thấy.

Viễn Đông:
Nhưng điều này là khó làm nhất.
Vince Liotta: Tất nhiên. Nhưng đó là điều tôi mong muốn khán giả làm vì nếu làm được thì họ sẽ thưởng thức được trọn vẹn vở opera. Cuối cùng lại thì điều quan trọng không phải là họ thích hay kkhông thích, mà là thưởng thức vở opera theo cách mà những người sáng tạo ra nó muốn bạn thưởng thức, chứ không phải theo cách mà bạn nghĩ bạn nên thưởng thức nó. Nếu chưa xem mà đã kỳ vọng là “Ồ, mình sẽ thích nó đây”, hoặc “Ồ, chắc mình chả thích nó đâu” thì không phải là cách để có được một kinh nghiệm tốt nhất về tác phẩm. Tác phẩm mới nào cũng có nhiều ngạc nhiên. Ngay cả tôi là đạo diễn cũng không biết trước các câu trả lời là gì thì làm sao khán giả biết trước được kinh nghiệm xem vở opera này sẽ như thế nào. Vì là tác phẩm mới, không một bài giới thiệu nào trên đời có thể miêu tả được kinh nghiệm xem vở opera này tận mắt trên sân khấu ra sao.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT