Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Trước cả trang giấy trắng

Anvi Hoàng/Viễn Đông Sunday, 22/07/2012 - 06:44:07

Bài luận văn cho bằng cao học thứ hai ngành Nghiên Cứu Âm Nhạc (musicology) của ông là về hát chèo Việt Nam.

Hành trình một vở opera (kỳ 1)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


LTS: Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” ("The Tale of Lady Thị Kính") của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại trường nhạc Jacobs School of Music vào tháng 1 năm 2014. Những người tham gia vào dự án này ở trường đang làm việc cật lực. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera liên quan đến văn hóa Việt Nam đầu tiên của một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng đại quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ. Do đó, kể từ Giai Phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012, tòa soạn nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với ông bà để mời bà, cũng là một cộng tác viên lâu nay của Viễn Đông, tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Song song với loạt bài này là những bài về quá trình nhà soạn nhạc đã “thai nghén” và “cho ra đời” vở opera “Chuyện Bà Thị Kính" như thế nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.


Nhiều người tin rằng về mặt cá nhân, hành trình đi đến kết thúc là quan trọng và có ý nghĩa hơn là kết quả cuối cùng, đặc biệt là đối với những người làm trong lãnh vực sáng tạo. Đối với người xem opera, kết quả sau cùng họ thưởng thức là màn trình diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, họ sẽ có thể thưởng thức kết quả này ở một mức sâu sắc hơn nếu hiểu được những suy nghĩ, tính toán và đầu tư trong quá trình nhà soạn nhạc “vật lộn” với tác phẩm của mình – người ta thường viết cả một cuốn sách về quá trình này. Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính" cũng đã trải qua quá trình sáng tạo như vậy. Hoàn cảnh đó như thế nào?

Ý tưởng từ đâu tới
Từ nhỏ, P.Q. Phan đã quen thuộc và yêu thích hát chèo ở đình làng. Đến khi có dịp nghiên cứu về tuồng chèo ở bậc sau đại học, ông đã tận dụng cơ hội đó. Bài luận văn cho bằng cao học thứ hai ngành Nghiên Cứu Âm Nhạc (musicology) của ông là về hát chèo Việt Nam. Theo nghiên cứu và ý kiến riêng của P.Q. Phan, "Quan Âm Thị Kính" là vở chèo có ý nghĩa sâu sắc và mang đậm tính văn hóa Việt Nam nhất. Ngôn ngữ trong chèo "Quan Âm Thị Kính" thật đẹp và vô cùng thông minh, âm nhạc lại rất tương thích với ngôn ngữ đó, câu chuyện thì tuyệt vời không chê vào đâu được. Từ đó, ông bắt đầu nuôi ý tưởng về một vở opera theo truyền thống phương Tây dựa vào chèo "Quan Âm Thị Kính".Nhưng P.Q. Phan phải chờ đúng thời điểm.

Vấn đề chuyển tải văn hóa
“Đúng thời điểm” nghĩa là lúc ông cảm thấy mình có đủ khả năng để thực hiện ý định này một cách thành công. P.Q. Phan cho rằng đây là một trách nhiệm nặng nề. Làm sao viết một vở opera ít nhất cũng hay như chèo "Quan Âm Thị Kính" mà không “bóp méo” tác phẩm chèo này, cũng không phản bội “tình yêu đầu tiên” của mình đối với vở chèo. Thời điểm chín mùi cũng là lúc hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi cho việc sáng tác của ông.
Sau hai năm tập trung cho việc sáng tác và vận động để dàn dựng vở opera đầu tiên của mình mang tựa đề “Lorenzo de Medici”, năm 2007,P.Q. Phan cho ra mắt vài cảnh trong vở opera này tại một buổi hội thảo opera ở trường nhạc Jacobs School of Music. Các đồng nghiệp trong trường và ông Hiệu Trưởng đều cho biết họ rất thích phần nhạc của “Lorenzo de Medici” nhưng lại không thấy câu chuyện đó để lại ấn tượng cho lắm. P.Q. Phan liền bảo ngay rằng ông có một câu chuyện khác để viết. Ông kể cho họ nghe câu chuyện "Quan Âm Thị Kính". Thế là mọi người thích ngay. Không những thế, họ “đem lòng yêu mến” (fall in love) câu chuyện và giá trị nhân bản vượt thời gian của "Quan Âm Thị Kính". Với sự ủng hộ của nhiều người trong trường, P.Q. Phan biết cơ hội đã đến và mình đã sẵn sàng.

Tiếng nói của người nghệ sĩ
Ông sẵn sàng đem câu chuyện thân thương và gần gũi của người Việt Nam "Quan Âm Thị Kính" để giới thiệu với khán giả phương Tây theo cách thức sao cho tinh thần Việt Nam nguyên thủy của câu chuyện không bị đánh mất, cả về mặt văn hóa, nghệ thuật lẫn về mặt âm nhạc. Đây là một trách nhiệm kép ở chỗ ông phải “chuyển tải” câu chuyện như thế nào để vở opera mới mà ông đặt tên là “Chuyện Bà Thị Kính” không phản bội con người nghệ sĩ của ông, cũng không phản bội khán giả Việt Nam - những người cũng hiểu biết và yêu thích câu chuyện Thị Kính.
Sự tính toán và rủi ro ở đây cũng giống như khi người ta muốn chuyển một cuốn tiểu thuyết hay thành một bộ phim – trong phần lớn các trường hợp, họ không thành công bởi vì người ta thích đọc và tưởng tượng ra câu chuyện, nhưng đến khi xem câu chuyện trên màn hình lớn thì họ lại không thấy hấp dẫn. P.Q. Phan cho rằng "Quan Âm Thị Kính" là một vở chèo hoàn hảo trên sân khấu đình làng, nhưng liệu vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” ("The Tale of Lady Thị Kính") sẽ như thế nào trên sân khấu lớn kiểu phương Tây. Đây là câu hỏi mà người nghệ sĩ đích thực nào cũng phải nghĩ tới.
Lúc này, với nhiều kinh nghiệm viết opera từ vở “Lorenzo de Medici” P.Q. Phan biết được khán giả thích và không thích những gì. Ông sẵn sàng bắt tay vào viết vở "Chuyện Bà Thị Kính". Có nhiều vấn đề liên quan ông cần phải suy nghĩ để xử trí trước khi ông ngồi xuống và làm việc ở trang giấy đầu tiên. Đó là ông nên kể câu chuyện như thế nào đây.

Kỳ 2 sẽ bàn đến việc P.Q. Phan phân tích và xử trí cách kể câu chuyện "Chuyện Bà Thị Kính" như thế nào.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT