Thế Giới

Trung Quốc xây nhà chứa máy bay kiên cố ở Biển Đông

Tuesday, 09/08/2016 - 08:50:59

Một viên chức của Bộ Quốc Phòng Mỹ nói, “Làm gì có chuyện các nhà kho này dùng cho mục tiêu dân sự được.”

Những bức ảnh chụp từ trên không vào cuối tháng Bảy cho thấy có vẻ như Trung Quốc đã xây xong nhiều nhà chứa chiến đấu cơ kiên cố trên các đảo và bãi đá cạn đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Tâm CSIS ở Washington đưa ra các tấm không ảnh cho thấy các bãi đá cạn Fiery Cross, Subi và Mischief Reefs trong quần đảo Trường Sa giờ đây đã có các dãy nhà vững chắc chứa các chiến đấu cơ của Trung Quốc cạnh các phi đạo đã xây xong trước đó.
Các tấm ảnh mới nhất này xuất hiện chưa đầy một tháng sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết về chuyện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng CSIS cũng nói “ngoài một máy bay quân sự xuất hiện tại đây vào đầu năm thì không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã đưa phản lực cơ chiến đấu ra chứa trong các nhà chứa trên các bãi đá cạn này.”
Một viên chức của Bộ Quốc Phòng Mỹ nói, “Làm gì có chuyện các nhà kho này dùng cho mục tiêu dân sự được.”

Thổ bỏ Mỹ, quay qua hợp tác với Nga
Trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sau vụ đảo chính hụt, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chọn gặp mặt Tổng Thống Nga Putin ở thành phố St. Petersburg. Erdogan đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ bị sức mẻ trầm trọng giữa hai quốc gia, sau vụ một chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Mục tiêu của cuộc gặp gỡ này còn bàn về cuộc chiến ở Syria, vì từ lâu chính phủ Ankara cứ nhất mực đòi TT Syria al-Assad phải ra đi nhưng lập trường của Nga thì chống lại chuyện như thế. Nga không bao giờ bỏ qua cơ hội lợi dụng bất cứ rạn nứt nào giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối NATO và sau đảo chính, khác với Tây phương, Moscow luôn lên tiếng ủng hộ ông Erdogan.
Chủ đề quan trọng khác chính là hợp tác kinh tế và ông Putin cho hay “sẽ từng bước gỡ các lệnh trừng phạt kinh tế mà Nga áp đặt cho Thổ Nhĩ Kỳ trước đây.” Ông nói với TT Erdogan như sau, “Ưu tiên cho chúng ta sẽ là trở lại mối quan hệ trước khi cuộc khủng hoảng ở Syria xảy ra.”

Cha của sát thủ có mặt tại nơi bà Clinton diễn thuyết
Người cha của sát thủ từng giết 49 người trong một hộp đêm của Orlando đã có mặt khi bà Clinton đăng đàn nói chuyện với cử tri ở Florida. Ông Seddique Mateen được trông thấy ngồi khá gần với bục diễn đàn nơi bà Clinton nói chuyện, đầu đội mũ màu đỏ và mang một lá cờ Hoa Kỳ nhỏ. Ông là cha của Omar Mateen, kẻ ra tay tàn sát nhiều người tại một câu lạc bộ đồng tính vào tháng Sáu ở Orlando.
Bà Clinton đã ngỏ lời chia buồn với gia đình các nạn nhân và hứa sẽ “sát cánh bên cạnh họ khi họ phải làm lại cuộc đời.” Ông Mateen tỏ ra lưỡng lự khi được đài WPTV mời trả lời phỏng vấn, ông chỉ nói vắn tắt là “gia đình ông hiện đang hợp tác điều tra với chính phủ liên bang, với FBI về vụ này.”
Ông Mateen sau đó còn cho hay ông là một ủng hộ viên của bà Clinton vì ông cho là bà đại diện xứng đáng trong việc bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ. Ông nói, “Nếu so với tỉ phú Donald Trump thì bà Clinton xứng đáng hơn.”

Brazil: Quan tòa cho phép biểu tình
Một quan tòa liên bang của Brazil đã cho phép dân chúng xứ này được quyền biểu tình bày tỏ ý kiến chính trị tại các cuộc thi đấu Thế Vận Hội Mùa Hè Rio 2016 sôi động. Phán quyết này ra đời sau khi xảy ra chuyện các cổ động viên thể thao của Brazil khi vào các khu thi đấu mặc áo T-shirt in chữ phản đối Quyền Tổng Thống Brazil Michel Temer đã bị nhân viên an ninh trục xuất ra ngoài.
Vị quan tòa này, tên là Joao Augusto Carneiro Araujo, nhận định là làm như thế đã vi phạm đến quyền tự do bày tỏ chính kiến của người dân. Nhưng Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Rio 2016 cho hay họ sẽ phản đối tới cùng phán quyết này vì theo họ “không một cuộc biểu tình hay biểu dương nào có tính cách chính trị, sắc tộc hay tôn giáo được phép phô diễn tại các địa điểm có diễn ra thi đấu của các lực sĩ.”
Quan tòa Araujo thì cho là “chỉ có những ý kiến về phân biệt chủng tộc hay tò ý bài ngoại mới bị cấm mà thôi.”

Miến Điện mở hòa đàm với phiến quân vũ trang
Chính phủ dân cử của bà Aung Sang Suu Kyi đang đẩy mạnh kế hoạch đàm phán với các nhóm nổi loạn của người thuộc sắc tộc thiểu số ở Miến Điện vào cuối tháng Tám. Đây là kế hoạch ưu tiên của bà Suu Kyi, trước cả những dự án phát triển kinh tế cho đất nước. Sau khi chế độ quân phiệt thực sự chấm đứt ở quốc gia Đông Nam Á này, chính những vụ xung đột đẫm máu về tôn giáo và sắc tộc, đa phần ở các vùng biên giới, là lực cản trở rất mạnh cho kinh tế của Miến Điện phát triển.
Nhiệm vụ của tân chính phủ dân cử của bà Suu Kyi rất nặng nề vì các hiệp ước đình chiến mà các nhóm phiến quân ký kết với chính phủ quân phiệt rất mong manh dễ vỡ. Trên trang mạng của mình, bà Suu Kyi cho biết “vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 8, có tên là “The 21st Century Panglong,” vốn lấy tên của hội nghị lịch sử Panglong vào năm 1947 do cha của bà đứng ra lần đầu tổ chức cũng cùng chủ đề đoàn kết các sắc tộc thiểu số.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT