Thế Giới

Trung Quốc tước mọi chức vụ của cựu chủ tịch Interpol

Wednesday, 27/03/2019 - 07:00:31

Trung Quốc tước mọi chức vụ của cựu chủ tịch InterpolBẮC KINH - Ủy Ban Kỷ Luật của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCDI) hôm thứ Tư thông báo kết ...

Trung Quốc tước mọi chức vụ của cựu chủ tịch Interpol
BẮC KINH - Ủy Ban Kỷ Luật của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCDI) hôm thứ Tư thông báo kết quả điều tra ông Mạnh Hoành Vĩ - cựu chủ tịch Cơ quan cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), cáo buộc ông Mạnh nhiều tội danh như "chống đối tổ chức, không tuân thủ quyết định của đảng, lợi dụng việc công, lợi dụng tài nguyên quốc gia để sống xa hoa, gia phong bại hoại, nhận quà biếu phi pháp..."

CCDI kết luận ông Mạnh Hoành Vĩ "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và luật pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đảng và tổn hại lợi ích quốc gia, tạo nên ảnh hưởng xấu...", sau đó ra quyết định khai trừ đảng với ông Mạnh, đồng thời tước bỏ mọi chức vụ và tài sản phi pháp, chuyển hồ sơ cho cơ quan tư pháp điều tra.

Đây là hành động mới nhất của Bắc Kinh trong cuộc điều tra cựu chủ tịch Interpol. Trước khi được bầu làm chủ tịch Interpol năm 2016, Mạnh Hoành Vĩ là phó bộ trưởng Bộ Công An Trung Quốc. Ông là lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên của Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này. Mạnh Hoành Vĩ từ Pháp về Trung Quốc hôm 25 tháng 9, 2018 và 10 ngày sau, vợ ông báo cảnh sát Pháp rằng bà đã mất liên lạc với chồng.

Ấn Độ tuyên bố thử nghiệm thành công việc bắn hạ vệ tinh
NEW DELHI - Ấn Độ đã trở thành nước thứ 4 trên thế giới có khả năng diệt vệ tinh, khẳng định chương trình hỏa tiễn của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình. "Chỉ cách đây vài phút, Ấn Độ đã đạt được cột mốc lịch sử và trở thành một cường quốc không gian. Chúng tôi đã thử thành công hỏa tiễn diệt vệ tinh (ASAT) và bắn hạ mục tiêu đang hoạt động trên quỹ đạo cách mặt đất 300 cây số. Xin chúc mừng tất cả những người tham gia Nhiệm vụ Shakti,” Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hôm thứ Tư.

Thủ Tướng Modi cho biết hỏa tiễn ASAT đã bắn trúng vệ tinh mục tiêu chỉ 3 phút sau khi rời bệ phóng. "Nhiệm vụ Shakti là bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế và công nghệ cho Ấn Độ.

Chương trình này có mục đích duy trì hòa bình và không nhằm gây chiến tranh,” ông Modi nói thêm. Lãnh đạo Ấn Độ không cho biết chi tiết về loại hỏa tiễn được dùng trong thử nghiệm, khẳng định mọi vũ khí được sử dụng đều do New Delhi tự phát triển. Trước đây chỉ có 3 nước có được khả năng diệt vệ tinh gồm Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Hội Đồng Bảo An lên án quyết định của Hoa Kỳ đối với Đồi Golan
NEW YORK – Lần thứ 2 trong vòng 1 tuần, các thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã lên án việc Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của Israel tại Đồi Golan. Trước đó, Syria đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An mởi cuộc họp đặc biệt về vấn đề này. Tuy nhiên, ít có khả năng Hội Đồng sẽ có hành động gì đặc biệt trong cuộc họp, do Hoa Kỳ là 1 trong 5 thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.
Israel chiếm Đồi Golan từ Syria trong Cuộc Chiến Trung Đông 1967, và sát nhập vùng đất này vào năm 1981. Hành động này khi đó đã bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuyên bố là vô giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế.

Trong lá thư gởi 15 thành viên Hội Đồng Bảo An để yêu cầu mở cuộc họp, Syria gọi quyết định của Hoa Kỳ là sự vi phạm trắng trợn các quy định của Hội Đồng. Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu vào ngày thứ Hai đã ký một bản tuyên bố, xác nhận Hoa Kỳ chính thức công nhận Đồi Golan là lãnh thổ của Israel.

Các thành viên Âu Châu của Hội Đồng Bảo An, gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ, và Ba Lan, vào ngày thứ Ba nói rằng họ không công nhận chủ quyền của Israel đối với các lãnh thổ mà nước này chiếm đóng từ tháng 6, 1967, bao gồm cả cao nguyên Golan. Các nước Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập UAE, Bahrain, Qatar, và Kuwait, cũng chỉ trích Hoa Kỳ và nói rằng khu vực cao nguyên Golan là vùng đất Ả Rập.

Riyadh và Abu Dhabi nói sự việc sẽ gây trở ngại cho tiến trình hòa bình, còn Tehran gọi quyết định của ông Trump là chưa từng có tiền lệ trong suốt thế kỷ qua. Vào năm 1974, Hội Đồng Bảo An đã điều lực lượng duy trì hòa bình đến giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn giữa Syria và Israel tại cao nguyên Golan. Hiện hơn 880 binh sĩ Liên Hiệp Quốc vẫn đang đồn trú tại khu vực này.

 

Kinh tế Trung Quốc ngày càng xuống dốc
BẮC KINH - Theo Cơ quan thống kê Trung Quốc, lợi nhuận của các hãng công nghiệp nước này trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 708 tỷ yuan ($105.5 tỷ Mỹ kim), giảm 14% so với năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10, 2011. Số liệu tháng 1 và 2 được gộp lại, để tránh bị sai sót do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Sự sụt giảm chủ yếu do giá sản phẩm tại các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt đi xuống, như xe hơi, dầu mỏ, thép và hóa chất. Lợi nhuận ngành xe hơi giảm 37.1 tỷ yuan so với năm ngoái. Còn ngành dầu mỏ mất $31.7 tỷ Mỹ kim. Hoạt động sản xuất và bán hàng cũng đang chậm lại.

Việc này càng tăng áp lực lên nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa và quốc tế đã chậm lại. Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng 6.6% - chậm nhất trong gần 3 thập kỷ. Chính phủ nước này năm nay đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩn nội địa GDP về 6 đến 6.5%. Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ cũng gây áp lực lên hoạt động của các nhà máy Trung Quốc, tâm lý công ty, và mức độ tiêu thụ nói chung. Sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm của nước này tăng chậm nhất 17 năm. Chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận nền kinh tế này đang đối mặt với khó khăn, do nhiều năm thực hiện chiến dịch kềm chế nợ và ô nhiễm môi trường. Cuộc chiến thương mại với Mỹ càng khiến xuất cảng và việc làm đi xuống. Để hỗ trợ ngành sản xuất, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp, từ giảm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng đến giảm can thiệp trực tiếp của chính phủ vào thị trường.

Luxembourg từ chối dùng tài sản của Iran để bồi thường cho nạn nhân 9/11
LUXEMBOURGH CITY - Một tòa án ở Luxembourg vào ngày thứ Tư đã từ chối thực hiện một phán quyết của Hoa Kỳ, vốn sẽ giúp các gia đình nạn nhân vụ khủng bố 9/11 được bồi thường bằng tài sản của Iran đang được giữ tại Luxembourg. Tòa án cho rằng, luật quốc tế không có quy định nào yêu cầu Luxembourg phải thực hiện phán quyết của tòa án Hoa Kỳ vào năm 2012, về việc tước quyền miễn trừ ngoại giao của Iran.

Vào 7 năm trước, một tòa án New York phán quyết rằng có bằng chứng cho thấy Iran đã hỗ trợ vật chất và nguồn lực cho tổ chức Al-Qaeda để thực hiện các vụ khủng bố. Nhóm phiến quân này đã gây ra các vụ tấn công New York và Washington bằng các máy bay bị đánh cướp. Tòa án New York cho phép dùng tài sản của Iran để bồi thường tổn thất cho các nạn nhân, với số tiền là hơn $7 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, Iran vẫn luôn bác bỏ mọi sự liên quan với Al-Qaeda và vụ tấn công 9/11.

Vào ngày thứ Tư, tòa án Luxembourg cho rằng, các nguyên đơn Hoa Kỳ không thể sử dụng quyết định của tòa New York để thu giữ tài sản của Iran tại Luxembourg, vì điều này không phù hợp với luật quốc tế. Trước đó, gia đình các nạn nhân vụ 9/11 đã yêu cầu được bồi thường bằng số tiền $1.6 tỷ Mỹ kim tài sản của Iran tại Luxembourg, vốn đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình nguyên tử của Tehran. Số tiền này hiện vẫn chưa được trả về cho Iran, dù lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ vào năm 2016. Tòa án Luxembourg chưa quyết định về việc có giao lại số tiền này cho Iran hay không.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT