Kinh Doanh

Trung Quốc truy quét 50 nhà máy làm giả nhãn hiệu xì dầu, sốt với chất liệu nguy hiểm

Thursday, 19/01/2017 - 10:17:39

Báo Beijing News cho biết rằng gia vị giả có trị giá lên đến $15 triệu Mỹ kim mỗi năm, đã được sản xuất bởi những nhà máy ấy.

Một số nhãn hiệu nổi tiếng đã bị làm giả tại Thiên Tân, Trung Quốc. (Morning Post)

 

Thành phố Thiên Tân đã bị mô tả là “trung tâm sản xuất” những thứ gia vị giả mạo, được chế tạo để trông rất giống các nhãn hiệu nổi tiếng như Maggi, Nestle và Knorr. Trung tâm ấy đang bị điều tra ở Trung Quốc, trong một vụ bê bối thực phẩm mới nhất gây ra phẫn nộ trong nước.

Tại thành phố này, có tới khoảng 50 nhà máy đã dùng những chất liệu mà giới truyền thông gọi là những thành phần “nguy hiểm.” Trong số đó có muối kỹ nghệ, màu thực phẩm, và những chất phụ gia nhân tạo, tại cơ sở sản xuất được báo cáo là đã hoạt động trong hơn 10 năm.

Các quan chức thành phố hải cảng Thiên Tân ở miền bắc, nơi có địa điểm của hoạt động tinh vi ấy, đã được chỉ thị phải “tìm kiếm những manh mối tội phạm,” tìm cho ra “số lượng” và “các đường dây bán hàng gia vị giả mạo.” Cơ quan Quản Trị Thực Phẩm Và Dược Phẩm Trung Quốc cho biết như vậy, trên trang web của họ.

Báo Beijing News cho biết rằng gia vị giả có trị giá lên đến $15 triệu Mỹ kim mỗi năm, đã được sản xuất bởi những nhà máy ấy.

Theo truyền thông Trung Quốc cho biết, các sản phẩm bao gồm nước tương, giấm, và bột gia vị nấu súp giả, được đóng gói trong bao bì giống hệt như những sản phẩm chính hiệu,.

Các sản phẩm ấy nổi tiếng ở Trung Quốc và trên khắp Á Châu. Người ta nghĩ rằng những thứ ấy đã được bán bởi những nhà bán sỉ cấp thấp hơn, để tiêu thụ tại các nhà hàng, và cũng được bán bởi những siêu thị nhỏ hơn. Không có dấu hiệu cho thấy các sản phẩm ấy đã được xuất cảng ra nước ngoài.

Liu Shaowei, một giáo sư dạy môn an toàn thực phẩm, nói với báo Global Times, “Muối kỹ nghệ được coi là nguy hiểm. Nó chứa các hóa chất độc hại như nitrit, một chất gây ung thư, và các kim loại nặng làm hại gan và thận.”

Những người dùng web Trung Quốc trút giận lên những kẻ tội phạm đằng sau hoạt động ấy, cũng như lên án các quan chức an toàn thực phẩm, vì rõ ràng họ đã không biết hoặc giả bộ như không biết các hoạt động ấy trong hơn mười năm.

Một người đã bình luận giận dữ trên Sina Weibo, phiên bản Trung Quốc của Twitter, “Chúng ta cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ các cơ quan thực phẩm và dược phẩm. Đó là phí tiền hỗ trợ cho họ.”

Một người khác hỏi: “Có thứ gì mà chúng ta có thể ăn ở Trung Quốc mà khỏi phải lo lắng hay không?”
Trung Quốc thường xuyên bị chấn động bởi những vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm, từ sữa bột trẻ em nhiễm hóa chất kỹ nghệ melamine, cho tới việc dùng “dầu cống rãnh,” tức là dầu phế thải được tái chế từ các nhà hàng, có chứa một chất gây ung thư.

Trong năm ngoái, nhà chức trách phát hiện 35 nhà hàng bán thức ăn được ướp bằng thuốc phiện. Hồi năm 2014, một nhà cung cấp thịt bị phát hiện đóng gói lại và bán thịt quá hạn cho McDonald's và KFC ở Trung Quốc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT