Thế Giới

Trung Quốc thả nữ giáo viên Canada

Friday, 28/12/2018 - 08:52:40

Giám đốc Huawei Mạnh Vãn Châu bị Hoa Kỳ truy nã vì bị cho là cố tình lừa dối các ngân hàng để tránh lệnh cấm vận Iran. Cả Trung Quốc và Canada đều nói rằng sự việc của cô McIver khác với các vụ bắt giữ hai ông Kovrig và Spavor.

OTTAWA – Chính phủ Canada hôm thứ Sáu cho biết, một nữ giáo viên của nước này, vốn bị tạm giam tại Trung Quốc do một vấn đề liên quan đến giấy phép làm việc của cô, hiện đã được phóng thích. Cô Albertan Sarah McIver bị bắt vào đầu tháng này vì các vấn đề liên quan đến việc dạy học của cô. Phát ngôn viên cơ quan Vấn đề toàn cầu của Canada, ông Richard Walker, vào ngày thứ Sáu cho biết cô McIver đã lên đường trở về nhà.
Vụ giam giữ cô McIver diễn ra sau khi hai công dân Canada khác bị bắt với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã giam giữ các ông Michael Kovrig và Michael Spavol, sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính của hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc và định dẫn độ bà này đến Hoa Kỳ.
Giám đốc Huawei Mạnh Vãn Châu bị Hoa Kỳ truy nã vì bị cho là cố tình lừa dối các ngân hàng để tránh lệnh cấm vận Iran. Cả Trung Quốc và Canada đều nói rằng sự việc của cô McIver khác với các vụ bắt giữ hai ông Kovrig và Spavor.

Nga, Anh sẽ trao đổi nhân viên ngoại giao trở lại vào tháng 1
LONDON – Vào ngày thứ Sáu, tòa đại sứ Nga tại Anh cho biết, Moscow và London đã đạt được thỏa thuận để các nhân viên ngoại giao quay lại làm việc tại các tòa đại sứ của nhau, sau khi hai nước trục xuất hàng chục nhà ngoại giao vào đầu năm nay.
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chung về việc khôi phục số lượng nhân viên ngoại giao tại Moscow và London vào tháng 1,” Đại Sứ Nga tại London Alexander Yakovenko nói trong một cuộc phỏng vấn trên TV. “Tôi không chắc điều này có áp dụng cho toàn bộ nhân viên hay không, nhưng ít nhất phân nửa số nhân viên sẽ quay lại.”
Anh quốc đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga sau khi cáo buộc điện Kremlin đứng sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh vào tháng 3, nhắm vào cựu điệp viên nhị trùng Sergei Skripal và con gái, tại thành phố Salisbury của Anh. Nga bác bỏ mọi cáo buộc về vụ đầu độc, và trục xuất một lượng tương tự các nhân viên tòa đại sứ Anh để đáp trả.

Indonesia di tản hơn 40,000 dân trước nguy cơ lại xảy sóng thần
JAKARTA – Vào sáng thứ Sáu, nhà chức trách Indonesia đã ban hành lệnh di tản quy mô lớn ở các khu dân cư dọc eo biển Sunda, sau khi cảnh báo nguy cơ xảy ra một trận sóng thần thứ 2 do ảnh hưởng từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau cuối tuần qua. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, tổng số người buộc phải rời khỏi các khu vực nguy hiểm ở các tỉnh Banten và Lampung lên tới hơn 40,300 người, tăng gấp đôi so với con số đưa ra một ngày trước đó.
Hiện lực lượng cứu nạn vẫn đang tìm kiếm những nạn nhân bị kẹt dưới đống đổ nát, sau khi núi lửa Anak Krakatau gây ra thảm họa sóng thần vào ngày 22 tháng 12, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Theo các số liệu mới nhất, thảm họa sóng thần tại khu vực xung quanh eo biển Sunda đã khiến 426 người chết và 7,200 người bị thương. Nhà chức trách Indonesia khuyên người dân và du khách không nên tới các bãi biển dọc eo biển Sunda, giữa các đảo Java và Sumatra, do lo ngại nguy cơ tiếp tục xảy ra sóng thần.
Trong một diễn biến khác, vào sáng thứ Sáu, một trận động đất mạnh 6.1 độ Richter đã làm rung chuyển tỉnh Papua Barat, miền đông Indonesia. Không có cảnh báo sóng thần được đưa ra. Theo Cơ quan Khí tượng và Vật lý Indonesia, trận động đất xảy ra lúc 10 giờ 3 phút sáng, với tâm chấn nằm ở độ sâu 26 cây số ở phía đông nam Manokwaki. Nhà chức trách cho biết trận động đất không gây thiệt hại về người và tài sản.

Lực lượng Kurd giao thành phố chiến lược cho Syria
MANBIJ - Các đơn vị quân đội Syria hôm thứ Sáu đã tiến vào thành phố Manbij ở khu vực biên giới phía bắc, sau khi lực lượng dân quân người Kurd chấp nhận nhường quyền kiểm soát khu vực này cho chính phủ, để tránh nguy cơ bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập.
Đây là lần đầu tiên quân đội Syria giương cờ của chính phủ ở thành phố Manbij sau nhiều năm địa điểm chiến lược này nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd. Đài truyền hình quốc gia Syria cũng khẳng định tầm quan trọng của việc "bảo vệ chủ quyền quốc gia" khi quân đội nước này tiến vào Manbij, và nói rằng quân đội sẽ “tiêu diệt khủng bố và đánh bại tất cả những kẻ xâm lược.”
Sự kiện này xảy ra sau khi Lực lượng nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria đưa ra tuyên bố thúc giục quân đội của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát các khu vực mà người Kurd rút đi, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước nguy cơ "Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.”
Đơn vị YGP là thành phần chính của Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) được Hoa Kỳ hỗ trợ trong chiến dịch chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS. Tuy nhiên, YPG gần đây thất vọng với quyết định rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Syria của Tổng Thống Donald Trump, và quyết định cầu viện Nga cùng quân đội Syria.
YPG hôm thứ Sáu cho biết, sau khi rút khỏi Manbij, họ sẽ tập trung vào cuộc chiến chống ISIS ở tất cả các mặt trận ở phía đông sông Euphrates. Thổ Nhĩ Kỳ coi dân quân người Kurd ở Syria là nhóm khủng bố có liên quan đến phong trào đòi ly khai của đảng Công Nhân Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria có thể đặt YPG vào tình thế nguy hiểm trước cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lẫn phiến quân ISIS.

Nga hoàn thành hàng rào ngăn giữa Crimea và Ukraine
MOSCOW - Vào tháng 9, 2017, chi nhánh của Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB) tại bán đảo Crimea thông báo kế hoạch xây dựng hàng rào cao 2 mét ở khu vực biên giới giáp Ukraine. Theo thông tin tại thời điểm đó, chi phí xây dựng hàng rào này ước tính hơn $2.8 triệu Mỹ kim. Vào ngày thứ Năm vừa qua, truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ FSB cho biết hàng rào nay đã gần hoàn thành, và sẽ ngăn chặn ý đồ xâm nhập của những đối tượng phá hoại hoặc các nhóm do thám. Đại diện của cơ quan an ninh liên bang Nga cho biết, hàng rào cũng được thiết kế để ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí, thuốc lá, rượu và ma túy vào Crimea.
Hàng rào ngăn biên giới Crimea và Ukraine được trang bị cảm biến với hệ thống camera có khả năng ghi hình ban đêm. Từ sau khi sát nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014, Nga đã thực hiện nhiều dự án để tăng cường sự kết nối với bán đảo này. Hồi tháng 5, Nga đã khánh thành cây cầu dài 19 cây số, nối đất liền Nga với Crimea, bắc qua eo biển Kerch.

Đức, Pháp yêu cầu Nga thả các thủy thủ tàu chiến Ukraine
PARIS – Các lãnh đạo Đức và Pháp hôm thứ Sáu nói rằng Nga cần phải trả tự do cho các thủy thủ trên 3 chiến hạm Ukraine bị bắt, để họ đón năm mới cùng gia đình.
“Chúng tôi yêu cầu việc qua lại an toàn, tự do và không bị cản trở của mọi tàu thuyền qua eo biển Kerch, và phóng thích ngay lập tức, vô điều kiện các thủy thủ Ukraine bị bắt,” theo tuyên bố chung của Thủ Tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron.
Lãnh đạo Đức và Pháp cho rằng 24 thủy thủ trên 3 tàu chiến Ukraine, đang bị Nga giam để xét xử, "cần được đón năm mới cùng gia đình.” Họ cũng bày tỏ lo ngại về điều gọi là "việc Nga dùng sức mạnh quân sự ở eo biển Kerch và kiểm soát quá mức Biển Azov.”
Cảnh sát biển Nga hôm 25 thág 11 đã nổ súng bắt 3 tàu chiến chở 24 quân nhân Ukraine, với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm. Họ sau đó bị đưa ra tòa truy tố và chờ bị xét xử. Ukraine phản đối cáo buộc, tuyên bố tàu của họ hoạt động đúng theo quy định của luật pháp quốc tế, yêu cầu Nga trao trả người và phương tiện.
Kiev cũng thúc giục các nước phương Tây xem xét áp thêm lệnh trừng phạt Moscow sau sự việc này. Đáp lại, Tổng Thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tìm cách làm tăng căng thẳng và đe dọa an ninh châu Âu.

Hacker lấy trộm thông tin của người Bắc Hàn đào tẩu
SEOUL - Thông tin cá nhân của gần 1,000 người Bắc Hàn đào tẩu, đang sống tại Nam Hàn, đã bị lấy trộm trong một vụ tấn công điện toán, theo chính quyền Seoul cho biết hôm thứ Sáu. Sự việc khiến những người Bắc Hàn này có thể đối mặt với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Bộ Hợp Nhất Nam Hàn cho biết, đây là lần đầu tiên thông tin cá nhân của người Bắc Hàn đào tẩu bị lấy trộm với quy mô lớn. Các thông tin bị lấy trộm có cả tên và địa chỉ cư trú. Vụ tấn công điện toán xảy ra tại một trung tâm chuyên hỗ trợ người Bắc Hàn đào tẩu định cư tại Nam Hàn. Dữ liệu mật bị tiết lộ thông qua một máy điện toán cá nhân. Chiếc máy này bị nhiễm chương trình mã độc khi một nhân viên mở một email tại Trung tâm Hana ở tỉnh North Gyeongsang.
Nam Hàn có 25 trung tâm kiểu này trên khắp quốc gia, hỗ trợ gần 30,000 người Bắc Hàn đào tẩu làm quen với cuộc sống tại miền nam. Sau khi xác nhận vụ tấn công điện toán vào tuần trước, nhà chức trách Nam Hàn đã kiểm tra khẩn cấp toàn bộ các máy điện toán tại trung tâm Hana, nhưng không tìm thấy trường hợp bị mất dữ liệu nào khác.
Bộ Hợp Nhất Nam Hàn đã ra thông cáo xin lỗi những người Bắc Hàn đào tẩu, và hứa sẽ gia tăng nỗ lực bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Truyền thông Bắc Hàn vẫn thường xuyên dọa giết những người đào tẩu, đặc biệt là những người tham gia các hoạt động chống Bình Nhưỡng.
Vào năm 1997, ông Yi Han-yong, cháu của bà Song Hye Rim, người vợ đầu của cố Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Il, đã bị bắn chết bên ngoài nhà ông ở Bundang, phía nam Seoul, sau khi ông xuất bản cuốn sách kể về cuộc sống riêng tư của gia đình họ Kim. Hai sát thủ bắn chết ông Yi đã không bao giờ bị bắt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT