Thế Giới

Trung Quốc đối phó đợt sụt giảm kinh tế thứ 2 vì Covid-19

Monday, 23/03/2020 - 05:29:33

Sau cú sốc đầu tiên khi sản xuất trì trệ vì Covid-19, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bị đợt khủng hoảng thứ hai vì nhu cầu hàng hóa giảm sút.

Khách bộ hành mang mặt nạ đề phòng dịch coronavirus trong lúc đi bộ cạnh một cơ sở thương mại đóng cửa ở đường Elgin Street ngày 23 tháng 3, trong khu phố nổi tiếng với nhiều nhà hàng và quán rượu mà nay phải tạm ngưng hoạt động vì đại dịch. (Anthony Wallace/ AFP via Getty Images)

 

BẮC KINH - Sau cú sốc đầu tiên khi sản xuất trì trệ vì Covid-19, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bị đợt khủng hoảng thứ hai vì nhu cầu hàng hóa giảm sút. Khi lệnh phong tỏa chống Covid-19 được nới lỏng tại Trung Quốc, nhiều hãng xưởng đã hoạt động trở lại với công suất gần bằng 100% trước đó.

Tuy nhiên, nhiều công ty đang đối phó với nỗi lo mới, khi các khách hàng Hoa Kỳ và phương Tây của họ, nơi đang bị coronavirus hoành hành, đã liên tục hoãn hoặc hủy đơn đặt hàng.

Nhiều nước trên thế giới đang thi hành lệnh phong tỏa diện rộng, nhằm ngăn coronavirus lây lan. Tình trạng này khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

"Chúng tôi đang gặp tình huống như năm 2008, 2009, khi doanh thu từ nước ngoài chỉ bằng một nửa so với năm trước đó,” một chủ công ty cho biết.

“Tình huống tương tự hiện đang diễn ra.” Khi các lệnh phong tỏa ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là tại Âu Châu, xuất cảng của Trung Quốc sẽ chịu tổn thương. Dữ liệu quan thuế cho thấy ngành xuất cảng nước này đã giảm 17.2% trong tháng 1 và tháng 2, nhưng giới phân tích cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn với nhu cầu trong nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt công ty đang đối diện nguy cơ phá sản. Đầu tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5.2% lên 6.2%, tương đương 5 triệu việc làm bị mất đi.

Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể khiến lao động nhập cư tại Trung Quốc thiệt hại tổng cộng $115 tỷ Mỹ kim tiền lương. Khi không có thu nhập, nhu cầu mua sắm của họ cũng không còn, tạo ra lỗ hổng lớn đối với nhu cầu trong nước.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT