Thế Giới

Trung Quốc đánh thuế trả đũa $16 tỷ hàng Hoa Kỳ

Thursday, 09/08/2018 - 12:11:00

Trước đó vào thứ Ba, Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố danh sách các hàng nhập cảng từ Trung Quốc, với tổng trị giá $16 tỷ Mỹ kim, bị đánh thuế 25%.

BẮC KINH - Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố danh sách hàng Trung Quốc nhập cảng với tổng trị giá $16 tỷ Mỹ kim bị đánh thuế từ ngày 23 tháng 8, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế đáp trả hàng hóa Hoa Kỳ với giá trị tương đương. Trung Quốc ngày 8 tháng 8 cho biết, nước này sẽ bắt đầu đánh thuế 25 % lên $16 tỷ Mỹ kim hàng Hoa Kỳ, ngay sau khi Washington đánh thuế hàng hóa Bắc Kinh với giá trị tương đương. Quan thuế Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế mới trên hàng hóa Mỹ từ 1 giờ sáng ngày 23 tháng 8, theo Bộ Tài Chính nước này cho hay. Danh sách hàng hóa Hoa Kỳ bị đánh thuế bao gồm than đá, dầu mỏ, hóa chất và thiết bị y tế.

Trước đó vào thứ Ba, Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố danh sách các hàng nhập cảng từ Trung Quốc, với tổng trị giá $16 tỷ Mỹ kim, bị đánh thuế 25%. Các hàng hóa bị đánh thuế lần này gồm các sản phẩm như xe mô-tô, máy kéo, phụ tùng đường sắt, mạch điện, các thiết bị nông nghiệp, nhựa tổng hợp... Thời điểm đánh thuế bắt đầu từ ngày 23 tháng 8.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung dự đoán sẽ căng thẳng hơn nữa trong thời gian tới. Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ hiện đang xem xét đánh thuế 25 % lên thêm $200 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc, và mức thuế suất này có thể có hiệu lực vào đầu tháng 9. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ đánh thuế từ 5 đến 25% đối với $60 tỷ Mỹ kim hàng Hoa Kỳ, nếu Washington thật sự đánh thuế thêm đối với $200 tỷ hàng Trung Quốc. Tổng Thống Donald Trump nói, Washington sẽ vẫn tiếp tục có những biện pháp cứng rắn nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách về sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và trợ giá công nghiệp.

Venezuela đàn áp các chính trị gia đối lập
CARACAS – Hội đồng hiến pháp thân chính phủ của Venezuela hôm thứ Tư đã hủy bỏ đặc quyền miễn truy tố đối với 2 nhà lập pháp đối lập, cáo buộc họ có liên quan đến vụ âm mưu ám sát Tổng Thống Nicolas Maduro bằng máy bay không người lái (drone). Hội Đồng Hiến Pháp đã cùng đồng thuận bỏ phiếu để hủy bỏ sự bảo vệ đối với ông Julio Borges và ông Juan Requesens, các dân biểu tại Quốc Hội vốn đang do phe đối lập chiếm đa số. Quyết định này được đưa ra sau khi Tối Cao Pháp Viện ra lệnh bắt giữ ông Borges, người đang lánh nạn tại Bogota, thủ đô Colombia. Ông Requesens đã bị bắt trước đó vào thứ Ba.
Tổng Thống Maduro cáo buộc hai chính trị gia này có liên quan đến vụ ám sát vào cuối tuần qua, trong đó, 2 máy bay drone chở bom đã phát nổ, trong lúc ông Maduro đang đọc diễn văn tại một cuộc diễn hành quân sự. Các diễn biến hôm thứ Tư có thể sẽ đào sâu thêm khủng hoảng chính trị tại Venezuela, khi các nhà lập pháp đối lập cáo buộc đảng cầm quyền lợi dụng vụ tấn công để trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Thái Lan cấp quốc tịch cho 4 thành viên Wild Boar
CHIANG RAI - Huấn luyện viên cùng 3 cầu thủ nhỏ được cứu khỏi hang Tham Luang hôm thứ Tư đã nhận giấy căn cước, chính thức trở thành công dân Thái Lan. "Hôm nay tất cả các bạn đều có quốc tịch,” ông Somsak Khanakham, lãnh đạo huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan nói trong buổi lễ trao giấy tờ cho 4 thành viên đội banh Wild Boar, gần 1 tháng sau khi họ được giải cứu khỏi hang Tham Luang. Với giấy căn cước mới này, huấn luyện viên Ekkapol Chantawong và 3 cậu bé gồm Dul, Mark và Tee sẽ chấm dứt tình trạng vô quốc tịch, trở thành công dân chính thức của Thái Lan.
Ông Somsak cho hay, việc đội banh mắc kẹt trong hang không ảnh hưởng gì đến việc cấp giấy tờ cho các thành viên, nói rằng họ đủ tiêu chuẩn để trở thành công dân Thái Lan. Tuy nhiên, sự kiện được quảng bá trên trang Facebook của chính quyền địa phương với dòng chữ: "Chúc mừng Wild Boar có quốc tịch Thái Lan.” Vào giữa tháng 7, người thành lập câu lạc bộ Wild Boar cho biết đã làm thủ tục xin cấp quốc tịch Thái Lan cho 4 thành viên nêu trên, do họ thuộc các dân tộc thiểu số ở miền núi phía bắc và chưa được công nhận là công dân.
Theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Thái Lan có khoảng 480,000 người không có quốc tịch. Nhiều người trong số này đến từ các cộng đồng thiểu số từng sống nhiều thế kỷ quanh Mae Sai, trung tâm của Tam Giác Vàng, khu vực giao giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc. Gia đình của em Adul Som-on, một trong 4 thành viên đội banh được cấp quốc tịch, đến từ Wa State, vùng tự trị ở Myanmar. 12 cầu thủ và huấn luyện viên đội banh Wild Boar đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khi sống sót sau nhiều ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang. Cả nhóm sau đó được giải cứu an toàn nhờ nỗ lực phi thường của lực lượng đặc nhiệm Thái Lan và các thiện nguyện viên quốc tế.

ASEAN kỷ niệm 51 năm ngày thành lập
SINGAPORE - Vào ngày thứ Tư, Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN đã kỷ niệm 51 năm ngày thành lập, trong bối cảnh khu vực và toàn thế giới đang có nhiều thay đổi, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của ASEAN trong việc đạt được hòa bình và thịnh vượng chung. Về nội bộ, các thành viên Asean vẫn đang nỗ lực để đưa tổ chức trở thành một cộng đồng chung tương tự như tổ chức Liên Âu. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều trở ngại, do ASEAN đa dạng hơn nhiều so với châu Âu, không chỉ về văn hóa, xã hội, mà còn là hệ thống chính trị, với các chính quyền dân chủ, quân chủ, quân sự, cộng sản, và cả độc tài.
Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đối đầu thương mại, ASEAN - trong thế bị kẹt giữa hai cường quốc - luôn phải hành động hết sức cẩn thận để tránh bị ảnh hưởng. Vào thứ Năm trước, Asean và Trung Quốc đã công bố bản thảo chung về Quy tắc cư xử trên biển Đông COC, trong cuộc họp các ngoại trưởng Asean lần thứ 51 tại Singapore. Bản thảo này sẽ là nền tảng cho các cuộc đàm phán về COC trong tương lai, và được coi là bước tiến triển lớn vì 11 bản thảo trước đây của COC đã không được Asean và Trung Quốc chấp thuận. Một kế hoạch khác cũng đang được đàm phán là việc thành lập hiệp ước RCEP, một thỏa thuận thương mại tự do liên quan đến Asean và 6 đối tác lớn gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Nea Zealand, Úc, và Ấn Độ. Trong thời gian tới, Asean sẽ tiếp tục tập trung lập kế hoạch cho tương lai, xây dựng một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng.


Iran sa thải bộ trưởng sau khi bị Mỹ trừng phạt
TEHRAN - Quốc Hội Iran hôm thứ Tư đã bỏ phiếu luận tội và miễn nhiệm ông Ali Rabiei, Bộ Trưởng Hợp Tác, Lao Động và Phúc Lợi Xã Hội, với 129 phiếu thuận, 111 phiếu chống. Đây là sự xáo trộn mới nhất trong các vị trí chủ chốt của chính phủ Iran, trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng, và áp lực từ lệnh cấm vận mà Hoa Kỳ vừa tái ban hành. Tổng Thống Donald Trump tuyên bố tái khởi động các lệnh trừng phạt nhắm vào các hoạt động kinh tế của Iran từ ngày thứ Ba, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.  
Hoa Kỳ cũng đang lên kế hoạch trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất cảng dầu của Iran từ tháng 11. Washington muốn càng nhiều quốc gia ngưng mua dầu từ Iran càng tốt. Không chỉ phải chịu áp lực từ Hoa Kỳ, chính phủ của Tổng Thống Iran Hassan Rouhani còn hứng chịu chỉ trích từ dư luận trong nước về cách điều hành kinh tế, buộc Tehran phải bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng mới hồi cuối tháng 7. Những cuộc biểu tình liên quan đến tình hình kinh tế suy thoái bắt đầu bùng phát ở Iran từ tháng 12 năm ngoái, lan rộng tới hơn 80 thành phố, thị trấn, khiến 25 người thiệt mạng. Từ đó đến nay, các cuộc biểu tình rải rác của giới tài xế xe tải, nông dân và thợ máy, vẫn nổ ra ở các khu chợ tại Tehran, dẫn tới xung đột bạo lực với lực lượng an ninh.

Trung Quốc, nhà tài trợ lớn thứ nhì tại Nam Thái Bình Dương
CANBERRA - Báo cáo thống kê công bố hôm thứ Tư của một viện nghiên cứu tại Úc cho thấy, Trung Quốc đang trở thành nhà tài trợ lớn thứ nhì tại các nước Nam Thái Bình Dương, khu vực lâu nay vẫn chịu ảnh hưởng bởi Úc và New Zealand. Theo viện Lowy, từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã tài trợ và cho vay $1.3 tỷ Mỹ kim cho các nước Nam Thái Bình Dương, vẫn đứng sau Úc với $6.6 tỷ Mỹ kim, nhưng nhiều hơn con số $1.2 tỷ Mỹ kim của New Zealand. Các khoản viện trợ từ Trung Quốc đang chiếm 9% tổng viện trợ tại Nam Thái Bình Dương. Nếu tính luôn cả các khoản tiền được hứa hẹn, Bắc Kinh đã hứa sẽ viện trợ tổng cộng $5.9 tỷ Mỹ kim, gần bằng 1/3 so với tổng viện trợ được hứa hẹn bởi 62 nước và tổ chức, đối với 14 quốc gia Nam Thái Bình Dương.
Các chuyên gia của Viện Lowy tin rằng, Trung Quốc đang dùng chiến thuật ngoại giao tiền mặt ở Thái Bình Dương để mua sự ủng hộ của các đảo quốc. Báo cáo của Viện Lowy được công bố giữa lúc quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang xấu đi. Chính quyền Canberra, cùng với New Zealand và Hoa Kỳ, đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc trong nội địa, và gia tăng giao hảo với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Một bản phân tích tài chính của truyền thông cũng cho thấy, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, với giá trị các khoản vay ưu đãi nhảy vọt từ 0 lên $1.3 tỷ Mỹ kim chỉ trong vòng 1 thập niên.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT