Thế Giới

Trung Quốc cho biết sẽ đàm phán thương mại với Hoa Kỳ vào tháng 1

Thursday, 27/12/2018 - 09:03:47

Trước đó vào ngày 1 tháng 12, Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình đã đồng ý hoãn đánh thuế trong 90 ngày, trong lúc hai nước thảo luận về lời than phiền của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại và ép buộc các hãng nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.

BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc vào thứ Năm cho biết nước này đã lên lịch trình với Washington để đàm phán vào tháng 1, nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại đang đe dọa ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Hai phía đã “thực hiện một số sắp xếp đặc biệt cho các cuộc gặp mặt đối mặt,” và đang thương lượng qua điện đàm, theo lời phát ngôn viên Cao Phong của Bộ Thương Mại Trung Quốc.
Trước đó vào ngày 1 tháng 12, Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình đã đồng ý hoãn đánh thuế trong 90 ngày, trong lúc hai nước thảo luận về lời than phiền của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại và ép buộc các hãng nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.
Ông Trump đã đồng ý hoãn đánh thuế đối với $200 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc, vốn dự tính sẽ có hiệu lực vào tháng 1. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hoãn đánh thuế 25% đối với xe hơi Hoa Kỳ nhập cảng. Các cuộc đàm phán giữa 2 nước vẫn diễn ra, bất chấp việc Canada vào ngày 1 tháng 12 đã bắt giữ giám đốc hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, vì các cáo buộc của Hoa Kỳ liên quan đến việc hãng này vi phạm lệnh cấm vận Iran.

Quốc vương Saudi cải tổ nội các
RIYADH – Vào thứ Năm, Quốc Vương Salman của Ả Rập Saudi đã ra lệnh thay đổi hàng loạt viên chức nội các, bao gồm cả việc bổ nhiệm một ngoại trưởng mới, sau vụ tai tiếng về việc ám sát ký giả Jamal Khashoggi vào gần 3 tháng trước.
Quốc Vương Salman cũng ra lệnh thay đổi thành viên trong Hội đồng tối cao của vương quốc, nơi nắm quyền giám sát các vấn đề an ninh. Chủ tịch của hội đồng, Thái Tử Mohammed bin Salman, cũng là thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng, không bị ảnh hưởng gì về quyền lực trong đợt cải tổ này.
Sự thay đổi nội các có vẻ như nhằm củng cố thêm quyền lực của Thái Tử bin Salman, do các viên chức mới được bổ nhiệm đều là các cố vấn hoặc thành viên hoàng gia thân cận với thái tử. Ông Ibrahim al-Assaf, cựu bộ trưởng tài chính, được chỉ định làm tân Ngoại Trưởng, trong khi ngoại trưởng đương nhiệm, ông Adel al-Jubeir, được chuyển vào vị trí Bộ Trưởng Ngoại Vụ, cũng thuộc Bộ Ngoại Giao.

Thụy Điển truy tố 3 nghi can âm mưu tấn công khủng bố
HELSINKI – Các công tố viên Thụy Điển hôm thứ Năm cho biết đã truy tố 6 người đàn ông, gồm 3 người phạm tội âm mưu tấn công khủng bố, và 3 người phạm tội hỗ trợ tài chính cho Nhà Nước Hồi Giáo. Theo nhà chức trách, 3 nghi can chính đã mua và cất trữ một lượng lớn hóa chất cùng nhiều thiết bị khác, “để sát hại và gây tổn thương cho người khác.”
Công tố viên cũng thêm rằng, nếu âm mưu khủng bố được thực hiện, “sự việc có thể gây thiệt hại lớn cho Thụy Điển.” Toàn bộ 6 người đàn ông, đến từ Uzbekistan và Kyrgystan, bị truy tố tội gởi tiền ra nước ngoài và số tiền này sau cùng được chuyển đến cho ISIS. Năm trong 6 nghi can vẫn bị giam, trong khi người thứ sáu đã được phóng thích chờ xét xử. Phiên tòa của những người này sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 1. Tất cả các nghi can đều bác bỏ cáo buộc.

Các tiểu vương quốc Ả Rập mở lại tòa đại sứ ở Syria
DAMACUS - Một viên chức thuộc Bộ Thông Tin của Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) hôm thứ Năm đã mời phóng viên tới đưa tin về việc nước này mở lại tòa đại sứ ở thủ đô Damascus của Syria. UAE cắt quan hệ ngoại giao với Syria vào tháng 2, 2012 khi các cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi chế độ tại nước này trở thành cuộc nội chiến tàn khốc.
Tin đồn UAE mở lại cơ quan ngoại giao chính thức ở Syria đã xuất hiện trong những ngày qua, khi trụ sở tòa đại sứ được sửa sang. UAE chưa có đại sứ tại Syria nhưng đã gởi 2 viên chức ngoại giao tham dự buổi lễ khai trương tòa đại sứ.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, sự đồng thuận đang ngày càng tăng trong nội bộ 22 thành viên của Liên đoàn Ả Rập, về việc cho Syria gia nhập trở lại. Syria bị trục xuất khỏi liên đoàn này vào tháng 11, 2011 vì số người chết trong cuộc nội chiến tăng lên và một số cường quốc muốn lật đổ chế độ Assad.
Tổng Thống Donald Trump hôm 24 tháng 12 tuyên bố, Ả Rập Saudi, đối thủ của Iran tại Trung Đông, đã đồng ý tài trợ cho nhu cầu tái thiết khổng lồ của Syria. Hồi đầu tháng này, Tổng Thống Sudan Omar al-Bashir trở thành lãnh đạo đầu tiên của liên đoàn Ả Rập tới thăm Syria sau 8 năm, dấu hiệu của việc chấm dứt sự cô lập ngoại giao đối với chính phủ Assad.
Ông Ali Mamluk, chỉ huy tình báo của Syria và là nhân vật chủ chốt trong chính phủ Assad, cũng tới thăm chính thức Ai Cập vào tuần trước. Giao thương giữa Syria và Jordan cũng được khôi phục trong những tuần gần đây, trong khi chuyến bay thương mại đầu tiên từ Syria hôm thứ Năm đã tới Tunisia sau 7 năm. Việc các nước Ả Rập nối lại quan hệ với chính phủ Assad được cho là nỗ lực để kéo Syria khỏi ảnh hưởng của Iran.

Công ty Đài Loan chuyển nhà máy sang Phi Luật Tân để tránh chiến tranh thương mại
ĐÀI BẮC - Một số hãng sản xuất của Đài Loan, chuyên cung cấp phụ tùng cho các hãng công nghệ lớn như Apple, đang bắt đầu có ý định chuyển cơ sở sản xuất sang Phi Luật Tân nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Phó Bộ Trưởng Thương Mại Phi Luật Tân Ceferino Rodolfo trong tháng này nói rằng, nhiều hãng xưởng đã có kế hoạch chắc chắn về việc đưa dây chuyền sản xuất đến Philippines. Thỏa thuận đầu tư song phương giữa Manila và Đài Bắc đã giúp Phi Luật Tân được nhiều công ty Đài Loan quan tâm, bao gồm cả hãng điện toán khổng lồ Wistron Infocomm, công ty vốn từng rời khỏi Phi Luật Tân vào gần 1 thập niên trước.
Hãng Đài Loan Catcher Technology, đang hoạt động tại nhiều vùng ở Trung Quốc, cũng quan tâm đến việc lập nhà máy ở Phi Luật Tân.
Phó Bộ Trưởng Rodolfo cho biết, hãng Catcher đang tìm kiếm một khu đất rộng khoảng 60 mẫu để xây nhà máy. Tuy nhiên, chi phí đầu tư của kế hoạch này không được tiết lộ. Thỏa thuận đầu tư song phương, được ký giữa Manila và Bộ Thương Mại và Công Nghiệp Đài Loan vào năm 2017, đã giúp thu hút các hãng xưởng Đài Loan tới Philippines. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại khiến Bắc Kinh khó chịu, vì cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và không có quyền ký kết các thỏa thuận ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng nói rằng, nước này tán thành các quan hệ thương mại thông thường giữa các nước khác và Đài Loan, nhưng phản đối mọi hình thức giao thiệp chính thức. Manila đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1975, nhưng hai nước vẫn có mối liên hệ truyền thống rất chặt chẽ về văn hóa và kinh doanh.

Quân đội Đức muốn tuyển mộ người nước ngoài
BERLIN - Do gặp khó khăn trong việc tuyển mộ tân binh, quân đội Đức đang cân nhắc kế hoạch chiêu mộ công dân từ các nước châu Âu khác để có đủ số lượng binh sĩ cần thiết. Theo truyền thông Đức trích dẫn hồ sơ của Bộ Quốc Phòng, Bộ Trưởng Ursula von de Leyen đang muốn tuyển mộ người Ba Lan, Ý, và Romania. Việc đẩy mạnh nỗ lực tuyển binh của quân đội Đức là một phần của quá trình cải tổ, diễn ra sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Vào năm ngoái, chính phủ Đức nói rằng nước này sẽ tăng quy mô quân đội từ 179,000 quân nhân thường trực lên 198,000 người trong thời gian từ nay đến năm 2024.
Áp lực đối với Berlin cũng tăng thêm vào tháng 7 vừa qua, khi Tổng Thống Donald Trump tuyên bố trong một cuộc họp NATO rằng, Washington có thể sẽ giảm hỗ trợ cho liên minh này nếu châu Âu không chịu tăng chi tiêu quân sự. Theo hồ sơ của Bộ Quốc Phòng, khoảng 255,000 người Ba Lan, 185,000 người Ý, và 155,000 người Romania, tuổi từ 18 đến 40, đang sống tại Đức, chiếm khoảng phân nửa số công dân nước ngoài thuộc EU. Nếu 10% trong nhóm này quan tâm đến việc gia nhập quân đội Đức, lực lượng quân sự sẽ có được khoảng 50,000 tân binh. Hồ sơ Bộ Quốc Phòng không cho biết các tân binh này sẽ phục vụ cùng với các binh sĩ người Đức, hay sẽ được thành lập một đơn vị riêng, tương tự như đơn vị binh chủng nước ngoài của Pháp. Bộ Quốc Phòng Đức sẽ chỉ tuyển mộ những công dân nước ngoài đã sống vài năm tại đây, và nói tiếng Đức lưu loát. Sự giới hạn này là nhằm trấn an các nước EU khác, vốn đang lo ngại rằng Đức đang lôi kéo các binh sĩ tiềm năng của họ bằng cách hứa hẹn trả lương cao hơn.

Trung Quốc lần đầu bắn thử hỏa tiễn S-400 mua từ Nga
BẮC KINH - Hệ thống phòng không S-400 mà Trung Quốc mua từ Nga đã đánh chặn thành công mục tiêu mô phỏng hỏa tiễn đạn đạo, ở khoảng cách 250 cây số, trong lần bắn thử đầu tiên. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắn thử hỏa tiễn S-400 Triumf, kể từ khi lô hàng cuối cùng được phía Nga bàn giao trong tháng 7, theo hợp đồng trị giá $3 tỷ Mỹ kim ký kết vào năm 2015. Thông tin về thử nghiệm được Nga công bố vào thứ Năm, chứ không phải truyền thông Trung Quốc. Truyền thông Nga cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra vào cuối tháng trước. Hỏa tiễn S-400 đã đánh chặn thành công mục tiêu mô phỏng hỏa tiễn đạn đạo di chuyển với tốc độ 3 cây số/giây. Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên được mua hệ thống phòng không S-400.
Các nhà phân tích cho rằng, Nga dường như đã cố tình công khai cuộc thử nghiệm để thể hiện mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, đồng thời quảng bá cho năng lực hệ thống S-400. Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác quân sự trong thập niên qua, khi cả hai nước tìm cách cạnh tranh với Hoa Kỳ ở châu Á cũng như trên toàn cầu.
Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng mua 5 hệ thống S-400, trị giá tới hơn $5 tỷ Mỹ kim, trong chuyến thăm của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ trong tháng 10. Như vậy, 2 nước lớn của châu Á đều trở thành những khách hàng nước ngoài đầu tiên của S-400. Moscow tuyên bố, S-400 là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới hiện nay, có thể phát hiện và bắn hạ mục tiêu, gồm hỏa tiễn đạn đạo, máy bay, máy bay không người lái, ở khoảng cách tới 400 cây số, độ cao từ 10 mét đến 27 cây số. Radar của hệ thống có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 600 cây số.

Chiến đấu cơ Nam Hàn chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng phòng không
SEOUL – Vào thứ Năm, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn JCS cho biết, máy bay quân sự của Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nam Hàn 3 lần, 2 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi chiều. Cả 3 lần xâm nhập của máy bay Trung Quốc đều không có thông báo trước. Một viên chức JCS cho biết đây là loại máy bay do thám Y-9. Không quân Nam Hàn đã điều chiến đấu cơ để theo dõi và gởi khuyến cáo tới máy bay Trung Quốc.
Trong cùng ngày, Bộ Quốc Phòng Nam Hàn đã triệu tập một viên chức quân sự tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Seoul để phản đối và kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn để sự việc không tái diễn. Bộ Ngoại Giao Nam Hàn cũng triệu tập viên chức tòa đại sứ Trung Quốc để phản ứng trước sự việc. Đây là lần thứ tám máy bay Trung Quốc vào ADIZ của Nam Hàn trong năm nay.
Một phần của vùng ADIZ của Nam Hàn bị chồng lấn lên các vùng phòng không do Trung Quốc và Nhật Bản xác định. Giới chức quân sự Nam Hàn nói rằng hành động của Trung Quốc là nhằm thăm dò phản ứng của Seoul và Tokyo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT