Thế Giới

Trứng muỗi - món ăn đặc sản khó tin của Mexico

Wednesday, 11/07/2018 - 08:28:01

Ngoài ra, trứng muỗi cũng được chế biến thành các món bánh hấp dẫn như bánh pancake, bánh chiên trứng muỗi. Bánh pancake trứng muỗi thường ăn cùng lá cây xương rồng và dưa zucchini.

MEXICO CITY - Lâu nay, khi nói đến việc dùng trứng côn trùng để làm món ăn, người ta chỉ nghĩ đến trứng kiến. Tuy nhiên, ở Mexico, người dân còn tận dụng một loại trứng côn trùng khác “kinh dị” hơn rất nhiều, đó là trứng muỗi. Ở đất nước này, người địa phương xem trứng muỗi là một món đặc sản không thể thiếu trong các bữa ăn truyền thống. Khi người Tây Ban Nha đến Mexico vào thế kỷ 16, điều khiến họ ngạc nhiên không chỉ là các công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là món ăn địa phương được chế biến từ loài côn trùng "đáng ghét" nhất thế giới.
Tại nhà hàng Bar Don Chon ở Mexico City, trứng muỗi là món không thể thiếu trong thực đơn của nhà hàng này. Trứng muỗi được chế biến theo nhiều kiểu cùng nhiều nguyên liệu khác nhau. Vị của nó được mô tả là chua chua, cay cay, và cũng hơi ngọt ngọt. Cách chế biến thường thấy nhất là đầu bếp nấu món súp trứng muỗi cùng hoa cúc, tôm, hành tây, và bơ rồi trang trí đĩa bằng một bông hoa cúc lớn ở trên cùng. Các nguyên liệu nghe có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng thành phẩm cuối cùng lại có mùi vị đậm đà, thơm phức và kích thích vị giác.
Ngoài ra, trứng muỗi cũng được chế biến thành các món bánh hấp dẫn như bánh pancake, bánh chiên trứng muỗi. Bánh pancake trứng muỗi thường ăn cùng lá cây xương rồng và dưa zucchini. Đôi khi, trứng muỗi sẽ được trộn cùng với xương rồng nghiền và trứng kiến đen để tạo nên một hỗn hợp đặc sệt, sau đó chiên trên chảo thành từng chiếc bánh tròn nhỏ. Một vài cách chế biến khác đơn giản hơn cũng được người Mexico thường dùng là rang trứng muỗi trên chảo hoặc sấy khô, rồi kẹp cùng với bánh taco để ăn là cũng đã đủ ngon. Kiểu chế biến đơn giản này giúp làm nổi bật lên hương vị riêng của món trứng muỗi.

Úc bắt cá sấu khổng lồ sau 8 năm săn lùng
KATHERINE – Một con cá sấu nước mặn dài 4.7 mét và nặng hơn nửa tấn vừa bị bắt sau 8 năm lẩn trốn trên sông Katherine, Úc. Vào hôm thứ Ba, nhà chức trách Úc thông báo đã bắt được con cá sấu có biệt danh “Quái vật” sau 8 năm săn lùng. Con cá sấu ước tính 60 tuổi này là cá sấu lớn nhất từng bị bắt trên sông Katherine. Được biết, con cá sấu "Quái vật" bị mắc kẹt trong một cái bẫy ở hạ lưu sông Katherine, gần thị trấn nhỏ cùng tên. Con cá sấu được nhìn thấy lần đầu tiên vào năm 2010. “Thật khó để bắt được nó,” viên chức cơ quan Bảo vệ động vật hoang dã John Burke nói. “Hơi đáng sợ một chút nhưng ai cũng phải thán phục kích thước và tuổi của con vật này.”
Theo bà Tracey Duldig, người đứng đầu các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại vùng lãnh thổ phương Bắc, con cá sấu khổng lồ đã được đưa tới một nông trại cá sấu, tránh xa khu vực dân cư. “Nó là con cá sấu lớn nhất từng bị lực lượng bảo vệ động vật hoang dã bắt ở khu vực sông Katherine,” bà Duldig khẳng định. Hàng năm, các nhân viên quản lý động vật hoang dã bắt khoảng 250 con cá sấu gây nguy hiểm. Loài cá sấu nước mặn thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới bắc Úc và khiến trung bình 2 người thiệt mạng mỗi năm.
Số lượng cá sấu nước mặn tăng nhanh sau khi loài này được Úc coi là động vật cần được bảo vệ vào thập niên 70. Tuy nhiên, cái chết của một phụ nữ năm 2017 là lời khuyến cáo khiến nhà chức trách phải kiểm soát số lượng loài động vật nguy hiểm này.

Dân Nhật nổi giận vì hãng Tàu dùng tên công chúa để kinh doanh
TOKYO - Một công ty ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc đã khiến người dân Nhật nổi giận, khi lấy tên công chúa Kako, cháu gái 23 tuổi của Nhật Hoàng Akihito, đặt cho sản phẩm khăn giấy do hãng này sản xuất. Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản không bình luận về sự việc, nhưng dư luận Nhật Bản tỏ ra bất bình khi vị công chúa mà họ yêu mến bị lợi dụng tên tuổi để thu lợi. Nhiều người cho rằng đây là hành động xúc phạm với hoàng gia và đất nước Nhật, và đề nghị Tokyo nên kiện công ty Trung Quốc.
Nhãn hiệu khăn giấy “Công chúa Kako” được ghi danh với Phòng thương mại Trung Quốc năm 2015, đúng lúc dư luận đang dồn sự quan tâm vào công chúa này, khi cô bắt đầu theo học đại học ở Tokyo. Năm ngoái, công chúa Kako đã nhập học trường đại học Leeds ở Anh quốc, với chuyên ngành tâm lý và biểu diễn nghệ thuật. Công ty Trung Quốc cho rằng họ ghi danh thương hiệu một cách hợp lệ, và sắp tới sẽ tung ra thêm sản phẩm tã trẻ em cũng có nhãn hiệu “Công chúa Kako.” Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với những sản phẩm tốt và an toàn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thương hiệu “công chúa Kako” là hoàn hảo cho những sản phẩm do chúng tôi sản xuất. Chúng tôi không có ý định xúc phạm hoàng gia Nhật Bản,” công ty Trung Quốc nói.
Các hãng Trung Quốc từ lâu đã có thói quen “mượn” các từ ngữ, tên riêng và hình ảnh liên quan tới Nhật Bản để đặt cho sản phẩm của họ, nhằm tạo cho người tiêu thụ cảm giác rằng đây là sản phẩm có phẩm chất tốt. Có rất nhiều vụ các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu thương hiệu bị phát hiện từ năm 2010 tới nay. Trong đó, việc các nhãn hiệu điện tử hàng đầu Nhật Bản như Toshiba, Sony, Casio, Panasonic bị Trung Quốc “mượn” tên đã gây thiệt hại nhiều triệu Mỹ kim cho các công ty Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc còn sao chép những công trình nổi tiếng của Nhật. Năm 2016, ban quản lý công viên Oedo-Onsen Monogatari ở Nhật đã lên tiếng phản đối sau khi một công viên gần như giống hệt mọc lên ở thành phố Thượng Hải.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT