Bình Luận

Trung đội trừng giới

Saturday, 22/08/2015 - 11:59:21

Cuối tháng Tư 2015, anh cãi lệnh một viên chức quản ngục, bị 20 quản ngục đè xuống sàn xi măng và còng tay lại, rồi tàn nhẫn đánh đập.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH


Trong số phát hành ngày 18 tháng Tám, 2015, tờ The New York Times phổ biến bài báo Prison Guard Beat Up Squad Is Blamed in New York Inmate's Death (Trung Đội Trừng Giới Bị Quy Trách Về Cái Chết của Tù Nhân). Nội vụ xảy ra tại khám đường Fishkill Correctional Facility, nằm trong thị trấn Beacon, tiểu bang New York; cách thành phố Nữu Ước 60 dặm về phía Bắc.
Bài báo 3,821 chữ đang nổ như một quả bom trong sinh hoạt quản trị lao tù của Hoa Kỳ; một sinh hoạt khá quan trọng, vì số tù Mỹ đông đúc vào hạng nhất thế giới. Cứ mỗi trăm ngàn người Mỹ là có 707 người đang ở tù -tỉ lệ 0.7% dân số.
Phóng viên The New York Times điều tra về cái chết của anh tù nhân Samuel Harrell, được bạn tù, và gia đình anh cho biết anh mắc chứng khờ khạo, lẩn thẩn, chứng bệnh mà danh từ y khoa gọi là bipolar disorder, khi vui, lúc buồn, như trẻ con. Có lần anh gói ghém quần áo, hành trang, ngồi chờ vợ đến đón anh về nhà, mặc dù bản án tù của anh, liên quan đến ma túy, còn dài đến vài năm nữa.
Cuối tháng Tư 2015, anh cãi lệnh một viên chức quản ngục, bị 20 quản ngục đè xuống sàn xi măng và còng tay lại, rồi tàn nhẫn đánh đập.



Tù nhân Samuel Harrell

Trong những người đánh Harrel có một số thành viên của Trung Đội Trừng Giới -một đơn vị không chính thức được cho phép- nhưng nhiều nhà tù vẫn cứ tổ chức để “trị” những anh tù cứng đầu.
Đám quản ngục đạp, đá Harrell, họ không đánh anh bằng tay vì anh đã bị còng nằm trên sàn nhà, không còn trong tầm tay họ nữa; vừa đạp, vừa đá họ vừa thóa mạ Mỹ Đen. Anh tù nhân Edwin Pearson núp trong nhà vệ sinh, coi trận đòn hội chợ, và mô tả với phóng viên The New York Times là, “Họ nhảy trên cơ thể Harrell, giống như nhảy trampoline.”
Trung Đội Trừng Giới lôi anh xuống tầng dưới; một tù nhân khác mô tả anh "rơi" xuống chân thang, cơ thể cong lại. Anh tù nhân này viết cho The New York Times mô tả, “mắt mở trừng trừng, nhưng Harrell không còn thấy gì nữa cả.”
Đám quản ngục gọi xe cứu thương, đưa Harrell đi nhà thương trong tình trạng không còn hy vọng cứu chữa gì được nữa. Hồ sơ y lý không ghi nhận việc anh bị đánh cho đến chết. Viên chức quản trị lao xá Fishkill nói với nhân viên cứu thương là anh hút quá dose loại K2 -một thứ cần sa hóa chất.
Xe cứu thương đưa Harrell đến bệnh viện St. Luke's Cornwall lúc 10:19 đêm, và nhân viên bệnh viện công bố anh đã chết.
Trong suốt 4 tháng kế tiếp, viên chức tiểu bang điều hành hệ thống lao xá tại bang Nữu Ước chỉ cung cấp cho The New York Times những chi tiết đại cương về cái chết của tù nhân Harrell. Họ cũng từ chối không tuyên bố gì về vụ quản ngục đánh chết tù nhân, lấy cớ là cảnh sát đang điều tra.
Biên bản giải phẫu thi thể Harrell ghi nhận anh bị nhiều vết cắt, nhiều vết bầm trên đầu và khắp cơ thể; trong bao tử anh có chất thuốc hút, và thuốc an thần, không có chất ma túy. Bác sĩ ghi nhận anh chết vì tim ngừng đập sau những giằng co với quản ngục. Kết luận của biên bản: Harrell, 30 tuổi, bị giết (homicide).
Hệ thống quản trị lao xá tiểu bang xác nhận họ không trừng phạt một viên quản ngục nào cả về cái chết của Harrell. Chữ “homicide” (cố sát) trong bản y lý không phát động được một cuộc điều tra tìm tên, hay những tên sát nhân đã giết anh tù nhân có bệnh khờ khạo, ngây ngô.
Những tù nhân nhân chứng vụ quản ngục giết tù, và cộng tác với cuộc điều tra của The New York Times bị trừng trị; một số tù nhân nhân chứng cho biết họ bị biệt giam, bị hăm dọa trừng trị về tội tiếp xúc với luật sư của gia đình nạn nhân, và với báo chí.
Fishkill là một trong những lao xá nổi tiếng về việc quản ngục sử dụng bạo lực với tù nhân; năm 2013, Hiệp Hội Correctional Association of New York, đã thăm viếng và phổ biến một bản tường trình về thái độ sách nhiễu và gây sự của nhóm quản ngục tại building số 21 trong khám đường, vào khoảng từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Đó cũng chính là thời điểm Harrell bị giết.
Hiệp Hội trình bày quan điểm bất bình của họ lên Nha Lao Xá tiểu bang, nhưng mãi đến lần này, sau cái chết của anh Harrell, ông ủy viên quản trị khám đường Fishkill -Anthony Annucci, và ông tổng quản đốc William J. Connolly, mới phải từ chức.
Ông lớn ra đi nhưng truyền thống hung hãn ở lại với khám đường Fishkill; tù nhân David Martinez, bị giam trong Building 21 mô tả việc “một toán quản ngục hung hãn kéo nhau đi quanh những khu nhà giam, thấy tù nhân nào ngứa mắt là đánh, không cần anh đó có phạm lỗi hay không.”
Mới tháng Bảy này tù nhân Rickey Rodriguez bị đánh tàn nhẫn đến gẫy hai cái răng cửa, và phải đi nằm nhà thương. Trong cuộc phỏng vấn anh, phóng viên The New York Times mô tả mắt anh còn nổi gân máu, và cơ thể đầy vết bầm, vết cắt.


Khám đường Fishkill và anh tù nhân bị đánh Rickey Rodriguez

Rodriguez nói, “Tôi không làm gì lỗi cả, họ không thích là xúm lại đánh. Vậy thôi."
Luật sư Luna Droubi, thuộc tổ hợp luật Beldock Levine & Hoffman, cho biết tối thiểu 9 tù nhân cung cấp dữ liệu cho luật sư đã bị Lao Xá trừng phạt, và tổ hợp luật cô cộng tác sẽ nhân danh gia đình anh tù nhân bị giết Harrell, đưa những can phạm ra tòa.



Luật sư Luna Droubi


Em gái và vợ anh tù nhân bị giết Harrell

Một thiếu sót của khám đường Fishkill là camera; vụ đánh chết anh Harrell sẽ chỉ có thể xử theo lời khai của nhân chứng, vì không có hình ảnh làm bằng chứng.
Điều đáng buồn là cái chết của anh Harrell không phải là chỉ dấu báo trước một cải thiện trong tệ trạng cảnh sát giết Mỹ Đen, quản ngục giết Mỹ Đen. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT