Thế Giới

Trung Cộng sắp cho ngư dân Phi Luật Tân đến gần bãi cạn Scarborough

Tuesday, 18/10/2016 - 10:58:35

Hôm thứ Sáu tuần qua, ông Triệu Kiếm Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Manila, nói rằng một tình bạn song phương vừa chớm nở có thể làm tăng những cơ hội loại bỏ một nguyên nhân lớn nhất gây ra tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng Thống Rodrigo Duterte nói tại phi trường Davao trước khi bắt đầu chuyến công du Brunei và Trung Quốc tuần này. (Manman Dejeto/ Getty Images)


BẮC KINH – Trong bầu không khí thân thiện hơn đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Manila, Trung Quốc sẽ cứu xét việc cho ngư dân Phi Luật Tân tiếp cận một cách có điều kiện với vùng biển bị tranh chấp ở Biển Đông, sau khi tổng thống Phi Luật Tân và chủ tịch Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh trong tuần này, theo hai nguồn tin Trung Quốc có quan hệ với giới lãnh đạo cho biết.

Tổng Thống Rodrigo Duterte dự định nêu lên tình cảnh của ngư dân Phi Luật Tân, khi ông gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày thứ Năm, theo một giới chức Phi Luật Tân nói với hãng tin Reuters.
Từ chuyến thăm Vương Quốc Brunei ở Đông Nam Á, ông Duterte bay đến Bắc Kinh vào hôm thứ Ba.
Trong năm 2012, Trung Quốc đã xâm chiếm bãi cạn Scarborough, mà Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham, còn Manila gọi là Panatag. Trung Quốc đã cấm ngư dân Phi Luật Tân không được đến gần để khai thác ngư trường phong phú ở bãi cạn này.

Việc chiếm giữ của Trung Cộng đã đưa đến một vụ kiện của Phi Luật Tân tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở Hague. Trong tháng Bảy, tòa án này bác bỏ lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông, bao bao gồm việc họ khẳng định một vùng đặc quyền kinh tế dài 200 dặm (320 cây số) xung quanh quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp.

Trung Quốc ngay lập tức nói rằng phán quyết ấy “vô hiệu lực.” Nhưng họ cũng nói rằng đã đến lúc bắt đầu lại những cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan trực tiếp trong những vụ tranh chấp lãnh thổ, để đạt được một giải pháp hòa bình.

Lúc này Bắc Kinh đang xem xét việc nhượng bộ ông Duterte. Việc ông xích lạu gần hơn với Trung Quốc, từ khi ông lên nhậm chức vào ngày 30 tháng Sáu, đánh dấu một sự đảo ngược gây kinh ngạc trong chính sách ngoại giao mới đây của Phi Luật Tân.

“Mọi người đều có thể đến nơi ấy, nhưng sẽ có những điều kiện,” một nguồn tin Trung Quốc trong các giới chức cao cấp nói với Reuters, nhắc đến các ngư dân Trung Quốc và Phi Luật Tân.

Khi được hỏi các điều kiện là gì, nguồn tin này nói, “Hai nước sẽ phải thành lập các nhóm làm việc để soạn các chi tiết đưa đến việc hợp tác suôn sẻ.”

Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc sẽ đồng ý hay không về những cuộc tuần tra chung của lực lượng phòng vệ duyên hải.

Các nguồn tin không cho biết, nếu có, Trung Quốc có thể yêu cầu điều gì từ Manila để đổi lấy sự nhượng bộ về việc đánh cá.

“Đó sẽ là một sự trở lại với thời Arroyo,” mguồn tin Trung Quốc thứ nhì nhắc tới chính phủ cựu tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (2001-2010), khi ngư dân từ cả hai nước có quyền tiếp cận với vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản, thì việc hợp tác ngư nghiệp sẽ là một trong hơn 10 hiệp định khung rộng rãi, mà hai nước sẽ ký kết trong chuyến viếng thăm của ông Duterte, theo nguồn tin này cho biết, nhưng không nói thêm chi tiết.

Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân nói họ “không có lời bình luận nào vào thời điểm này.”
Trung Quốc đã những lời tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông với Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam.

Hoa Kỳ, cùng với Nhật Bản và các cường quốc khác, muốn bảo đảm rằng Bắc Kinh không can thiệp vào hoạt động hàng hải tự do trên Biển Đông. Khu vực chiến lược này nối kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mỗi năm khối lượng hàng hóa thương mại đi qua Biển Đông có trị giá lên tới 5 ngàn tỷ Mỹ kim.
Các tàu hải quân Mỹ đã thực hiện những hoạt động “tự do hàng hải,” xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trong quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp, phần lớn bao gồm các rạn san hô và những tính năng thủy triều ở Biển Đông.

Hôm thứ Ba, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không trả lời trực tiếp, khi hãng tin Reuters hỏi ông rằng Trung Quốc sẽ đưa ra hay không những khoản nhượng bộ cho Phi Luật Tân trên Biển Đông, trong số đó có quyền đánh cá xung quanh bãi cạn Scarborough.

Trong một cuộc họp báo với ngoại trưởng Tân Tây Lan, ông Vương Nghị nói, “Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Không có sự thay đổi và sẽ không có sự thay đổi. Lập trường này phù hợp với các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế,”

Tuy nhiên, ông tỏ vẻ lạc quan về chuyến viếng thăm của tổng thống Duterte.
Ông nói, “Đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử và là một khởi đầu mới trong quan hệ Trung Quốc-Phi Luật Tân.”

Hôm thứ Sáu tuần qua, ông Triệu Kiếm Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Manila, nói rằng một tình bạn song phương vừa chớm nở có thể làm tăng những cơ hội loại bỏ một nguyên nhân lớn nhất gây ra tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng vào hôm Chủ Nhật, tổng thống Duterte nói rằng ông sẽ nêu ra phán quyết tòa án ở Hague, và thề quyết không nhượng bất cứ chủ quyền nào. Những lời này sẽ không làm thuận tai Bắc Kinh.
Phụ tá thẩm phán cao cấp Antonio Carpio, thuộc Tối Cao Pháp Viện Phi Luật Tân, nói rằng ông Duterte có thể bị luận tội, nếu ông từ bỏ chủ quyền của đất nước trên bãi cạn Scarborough, theo giới truyền thông Phi Luật Tân cho biết.

Lu Xiang, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trung Quốc Khoa Học Viện, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, nói rằng mục tiêu của Trung Quốc là cùng với các nước láng giềng phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Khi được hỏi Trung Quốc muốn gì để đổi lấy việc nhượng bộ cho ông Duterte, ông Xiang nói, “Những vụ tranh chấp với bất kỳ nước láng giềng nào cũng đều không có lợi cho Trung Quốc. Chúng tôi cần một môi trường bên ngoài tốt hơn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT