Vấn Đề Hôm Nay

Trung Cộng lập 102 ‘đồn công an’ ở 53 Nước

Wednesday, 14/12/2022 - 05:44:50

Từ Viện Khổng Tử cho đến “đồn công an” ở các nước, Trung Cộng đã lợi dụng bang giao để xâm phạm chủ quyền quốc gia nhiều nước.

 

Quang cảng đường Sauchiehall Street ở thành phố Glasgow, Vương Quốc Anh ngày 27 tháng 10, 2022. Đây là nơi mà tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders trụ sở Tây Ban Nha cho biết Trung Cộng đã thành lập một “đồng công an” để theo dõi và bắt người Trung Hoa “tự nguyện” về nước. (Robert Perry/ Getty Images)

 

Bài VI ANH

 

Từ Viện Khổng Tử cho đến “đồn công an” ở các nước, Trung Cộng đã lợi dụng bang giao để xâm phạm chủ quyền quốc gia nhiều nước. Trung Cộng đã lập “đồn công an” ở 53 nước, trong đó có Mỹ và Việt Nam cộng sản nữa.

 

Thời Tổng Thống Donald Trump, chánh quyền đã cố gắng triệt hạ hệ thống Viện Khổng Tử. Trung Cộng đã dùng tiền để xâm nhập các viện gọi là Viện Khổng Tử và  các lớp học tiếng Trung Quốc để móc nối cảm tình viên, gián điệp, và phổ biến tuyên truyền cộng sản vào thượng tầng xã hội Mỹ, qua các đại học Mỹ.

 

Hành động vượt lằn ranh đỏ xâm phạm chủ quyền quốc gia tối thượng của Mỹ không qua mắt được giới trí thức và chánh quyền Mỹ. Hiệp Hội Giáo Sư Đại Học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với các Viện Khổng Tử. Coi Viện Khổng Tử là công cụ của Đảng Nhà Nước Trung Cộng. Báo New York Times vạch trần gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn  hóa do Trung Cộng bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada, không thích hợp cho nguyên tắc căn bản giáo dục tự trị và tự do.

 

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có một bước đi đáng chú ý khi xem hệ thống Viện Khổng Tử (CIUS) trên khắp nước Mỹ - là một "phái bộ nước ngoài" của cộng sản Bắc Kinh, điều mà chỉ thường áp dụng với các cơ quan tham gia hoạt động ngoại giao và lãnh sự, hành động và hoạt động phải theo qui chế ngoại giao Mỹ.

 

Ngoại Trưởng Mike Pompeo khi ấy muốn tất cả Viện Khổng Tử đang hoạt động ở Mỹ sẽ đóng cửa trước cuối năm 2020. Ông cáo buộc những viện này đang tuyển "gián điệp" tại các trường đại học của Mỹ. Ngoại Trưởng Pompeo nói CIUS là "một thực thể thúc đẩy chiến dịch gây ảnh hưởng thâm hiểm và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh" tại các trường của Mỹ.

 

Tạp chí nổi tiếng Foreign Policy của Mỹ đăng một bài viết có nội dung: "Đã đến lúc các đại học Tây phương đóng các Viện Khổng Tử và chấm dứt hợp tác học thuật với Trung Quốc." Tạp chí này hồi năm 2017 cũng từng cho rằng việc các đại học Mỹ chào đón các Viện Khổng Tử là chào đón "con ngựa thành Troy" của Trung Cộng.Theo hãng tin Bloomberg, không giống Viện Goethe của Đức hay tổ chức Alliance Française của Pháp, Viện Khổng Tử của Trung Cộng không hoạt động độc lập và gây nhiều tranh cãi tại nhiều nước như Úc, Canada, Anh chứ không chỉ riêng Mỹ.

 

Nỗi lo về các nguy cơ liên quan Viện Khổng Tử cũng lan sang nhiều nước Châu Á. Chính phủ Nhật Bản giám sát chặt hơn 15 cơ sở như vậy tại các trường đại học ở nước này, gồm Đại Học Waseda nổi tiếng ở Tokyo.

 

Nhưng Trung Cộng không chịu thua, sau đó nghi binh tái xâm nhập vào Mỹ qua thời Tổng Thống Joe Biden. Trong số 118 Viện Khổng Tử từng tồn tại ở Hoa Kỳ, 104 viện đã đóng cửa kể từ ngày 21/6/2022 và bốn viện đang trong quá trình đóng cửa, theo phúc trình.Trong số này, “ít nhất 28 viện đã thay thế Viện Khổng Tử của họ bằng một chương trình tương tự và ít nhất 58 viện đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đối tác Viện Khổng Tử cũ của họ,” theo phúc trình.

 

Ông Perry Link, giáo sư nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại Học California Riverside, cho biết ông bị sốc sau khi đọc phúc trình ngày 21 tháng 6, 2022 vốn là bản cập nhật của phúc trình tháng 3 năm 2018.

 

Và mới đây, Trung Cộng tiến thêm một bước táo bạo hơn, là Trung Cộng thiết lập nhiều "đồn công an" ở 53 nước trên toàn thế giới, tại nhiều quốc gia, ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ Latin, trong đó có Mỹ và cả VNCS nữa. "Đồn công an" của Trung Cộng được điều hành từ các trung tâm cảnh sát tỉnh, thành ở Trung Cộng, theo báo cáo hôm 5/12 của Safeguard Defenders.

 

Khiến cho nhiều quốc gia Tây Phương phải vào cuộc điều tra.Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha Safeguard Defenders, hành động đó của Trung Cộng là một phần mở rộng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc các công dân Trung Cộng phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

 

Trung Cộng viện lẽ rằng những đồn này chỉ đơn thuần là “những văn phòng dịch vụ” được lập nên để hỗ trợ công dân Trung Hoa với các thủ tục hành chính như gia hạn hộ chiếu mới hay bằng lái xe.

 

Nhưng Safeguard Defenders minh chứng rõ, Trung Cộng dùng các đồn này để “quấy rối, đe dọa và ép buộc những người phải quay trở lại Trung Cộng để bức hại họ.”

 

Tổ chức Safeguard Defenders này nói toàn bộ hệ thống 102 “đồn công an” của Trung Quốc đặt tại 53 quốc gia được điều hành trục tiếp bởi các cơ quan an ninh công cộng của Đảng Nhà Nước ở địa phương, như ở bốn thành phố thuộc ba tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến và Giang Tô.

 

Mặc dù các đồn này không do nhà cầm quyền trung ương ở Bắc Kinh điều hành nhưng điều tra của Safeguard Defenders cho rằng “một số tuyên bố và chính sách (của Trung Cộng) đang bắt đầu cho thấy sự chỉ đạo rõ ràng hơn từ chính quyền trung ương trong việc khuyến khích thành lập và các chính sách của họ.”

 

Trung Cộng đặt nhiều “đồn cảnh sát” ở Châu Âu nhất, trong đó Ý có 11 và Tây Ban Nha có 9. Canada có 5 và Mỹ có 4 đồn, theo điều tra của tổ chức Tây Ban Nha.

 

Ở Châu Á, ngoài Việt Nam còn có Nhật Bản, Nam Dương, Nam Hàn và Cam Bốt trong số các nước có “đồn công an” mới được xác định thêm nhưng không có địa điểm cụ thể. Miến Điện là nước Châu Á duy nhất trong danh sách mới xác định thêm có “đồn công an” có địa điểm ở Yangon, thủ đô trước đây của nước này. Trước đó trong báo cáo đưa ra hồi tháng 9, tổ chức nhân quyền của Tây Ban Nha xác định được hai “đồn công an” của Trung Cộng ở Tokyo của Nhật Bản và Phnompenh của Cam Bốt.

 

 ‘Đồn công an’ Trung Cộng ở các nước làm gì? Một báo cáo điều tra trước đây được Safeguard Defenders đưa ra hồi tháng 9 đi sâu vào việc kiểm soát toàn cầu mở rộng của cảnh sát Trung Cộng thông qua một chiến dịch mà họ tuyên bố là nhằm chống lại gian lận viễn thông và trực tuyến xuyên quốc gia của một số tỉnh ở Trung Cộng.

 

Loạt điều tra này cho thấy từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, cảnh sát Trung Cộng đã “thuyết phục” được 230,000 người được cho là bỏ trốn trở về nước “một cách tự nguyện” trong khi thừa nhận rằng không phải tất cả những người bị nhắm mục tiêu đều là kể tội phạm.

 

Thay vì sử dụng cảnh sát quốc tế hay cơ chế hợp tác tư pháp - trong đó bao gồm cơ chế bảo vệ quyền của người bị nhắm mục tiêu, bao gồm quyền được xét xử công bằng và suy đoán vô tội trước khi xét xử - cảnh sát Trung Cộng sử dụng phương thức “thuyết phục quay về” Trung Cộng để họ xử lý, trừng trị, theo điều tra của tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha.

 

Safeguard Defenders và các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã thường xuyên tố cáo sự đồng lõa của một số chính phủ trong việc hồi hương các công dân Trung Cộng mà không quan tâm đến các tiêu chuẩn được quốc tế thiết lập về thủ tục và cơ chế bảo vệ.

 

Bên cạnh đó các nhà hoạt động nhân quyền còn cho rằng các trung tâm của Trung Cộng ở nước ngoài mà Safeguard Defenders gọi là “đồn cảnh sát” có liên hệ tới các hoạt động của Ban Công Tác Mặt Trận Thống Nhất của Trung Quốc, một cơ quan của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị cáo buộc truyền bá ảnh hưởng và thông tin tuyên truyền ở nước ngoài.

 

Ngay sau khi Safeguard Defenders công bố điều tra đầu tiên về hàng chục “đồn cảnh sát” trên khắp thế giới hồi tháng 9, mười bốn chính phủ – trong đó có Mỹ, Canada và Hòa Lan – đã tiến hành điều tra nguồn tin về các hoạt động của Trung Cộng ở nước họ.

 

Canada - nơi mà Safeguard Defenders nói Trung Quốc thiết lập 3 đồn ở Toronto, 1 ở Vancouver và 1 không xác định - hôm 22/11 nói họ điều tra về khả năng các đồn này can thiệp vào quyền lợi và đe dọa an ninh quốc gia của Canada.

 

Trước đó hôm 19/11, Giám Đốc Cờ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray nói rằng ông “rất lo ngại” về các “đồn công an” trái luật có liên hệ đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nói trước một phiên điều trần của Quốc Hội, người đứng đầu FBI cho rằng việc Trung Quốc tìm cách thiết lập sự hiện diện của công an ở Mỹ là “vi phạm chủ quyền và né tránh các quy trình hợp tác tư pháp và chấp pháp theo tiêu chuẩn.”

 

Điều tra của Safeguard Defenders cho thấy Trung Cộng thiết lập hai “đồn công an” ở thành phố New York, một ở Los Angeles và 1 không xác định.

 

Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington thừa nhận sự hiện diện của các địa điểm do tình nguyện viên điều hành ở Mỹ nhưng bác bỏ tuyên bố nói họ đang điều hành các “đồn công an” ở đây. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng trước đó cũng nói như vậy về các địa điểm ở Hòa Lan sau khi chính phủ nước này ra lệnh đóng cửa trong khi điều tra các hoạt động của các “văn phòng dịch vụ” này. (Vi Anh)

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT